Đạo Phật chỉ có tâm bất động, không phóng dật theo các ác pháp và chấm dứt chạy theo lòng ham muốn của mình. Người hiểu biết và thâm nhập đạo Phật như vậy thì đâu có gì tu tập nhiều; thì đâu có gì tu tập khó khăn, mệt nhọc; thì đâu có pháp gì làm chướng ngại thân tâm họ được. Do đó sự chứng đạo dễ dàng như trở bàn tay. Có phải vậy không thưa quý Phật tử?
Vì thế trong thời đức Phật người ta chỉ nghe Phật thuyết pháp xong liền chứng đạo, điều đó là một sự thật, nhưng nghe nói đến chứng đạo nhanh chóng như vậy thì mọi người cho là vô lý. Chứng đạo sao mà dễ dàng đến như thế? Có phải đây là sự tưởng tượng không?
Nhưng sự thật chứng đạo theo Phật giáo dễ dàng như vậy. Chỉ vì người thời nay hiểu lời Phật dạy một cách sai lệch, xem sự tu tập rất khó khăn như các pháp môn của ngoại đạo, phải tu tập hành hạ thân tâm của mình quá nhiều. Đó là quý vị chịu ảnh hưởng giáo pháp của kinh sách phát triển.
Pháp Phật thì khác, tu tập không có khó khăn, không có mệt nhọc. Người nào không nghe pháp thì thôi mà đã nghe pháp thì có giải thoát ngay liền như lời đức Phật đã dạy: "Pháp Ta không có thời gian đến để mà thấy". Vậy thấy cái gì?
Ở đây, chúng ta phải hiểu ý nghĩa đến để mà thấy. Đến để mà thấy có nghĩa là chúng ta phải có lòng tin trọn vẹn với lời dạy của đức Phật, cho nên khi nghe đức Phật thuyết pháp xong là chúng ta hiểu biết và thâm nhập lời Phật dạy là đúng sự thật 100%. Biết đúng sự thật 100% thì liền buông xả tất cả các ác pháp, như các quan sứ thần đến thỉnh Phật về thăm cố đô, khi nghe Phật thuyết pháp xong họ liền buông xả sạch và xin Phật xuất gia.
Khi buông xả tất cả ác pháp thì có sự cảm nhận giải thoát ngay liền. Đó là lời nói không dối người. Còn lòng tin không trọn vẹn nên không xả tâm sạch. Không xả tâm sạch thì dù các con có tu tập bao nhiêu công lao, bao nhiêu năm tháng thì cũng khó mà chứng đạo được. Cho nên, chỉ có lòng tin là mạnh nhất; là buông xả dễ dàng.
Tin mà không dám buông xả, đó là chưa có lòng tin. Các con có biết điều này không? Khi nghe pháp xong liền buông xuống sạch, không động tâm trước bất cứ một ác pháp nào, dù là một cơn đau sắp chết cũng không hề sợ hãi, cũng không hề dao động tâm một chút nào cả. Có như vậy thì sự chứng đạo ngay liền tại chỗ đó, chứ các con còn đòi hỏi chứng đạo chỗ nào nữa.
Đạo Phật chỉ biết sống thấy lỗi mình, đừng thấy lỗi người và lúc nào cũng bất động tâm. Bất động tâm là chứng đạo, là giải thoát. Như vậy chứng đạo theo Phật giáo các con có thấy khó khăn không? Bây giờ các con có hiểu chưa? Có thấy bất động tâm là quan trọng không? Có thấy tâm không phóng dật là chứng đạo. Các con có hiểu chưa? Chứng đạo mà ngồi thiền như cóc là chứng đạo theo tà giáo của Bà La Môn.
Bao nhiêu câu hỏi của Thầy trên đây mục đích là để làm sáng tỏ tri kiến hiểu biết của các con về sự thật chứng đạo của Phật giáo dễ dàng như vậy. Thầy đã cố gắng hết mình đưa vào trí hiểu biết của các con, thế mà các con còn ngơ ngơ như người từ cung trăng mới xuống thế gian. Một lần nữa các con có hiểu những lời Thầy dạy chưa? Các con theo Phật giáo là để cầu giải thoát, chứ đâu phải theo Phật để cầu thần thông. Các con hãy buông xuống những thần thông hết đi. Đạo Phật không có dạy người tu thần thông các con ạ! Đạo Phật chỉ dạy cho con người biết các ác pháp để buông xuống, chỉ có buông xuống các ác pháp là giải thoát, là hết khổ đau. Có đúng như vậy không các con?
Trích từ Những bức tâm thư - Tập 1, trang 77, 78 –
Trưởng lão Thích Thông Lạc biên soạn
***************************
Ai cũng hiểu và biết rõ tham, sân, si, mạn, nghi là gì. Hiểu rõ chúng là 5 màng ngăn che, làm cho chúng ta mê mờ, thiếu sáng suốt, làm cho chúng ta không thấy rõ những suy nghĩ, hành động và lời nói của mình làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sinh.
Nay chúng ta đã hiểu rõ cái hại, cái nguy hiểm, cái khổ do chúng tạo ra. Do vậy, khi chúng ta có tâm cầu tìm sự giải thoát thì sự giải thoát sẽ ở ngay trước mắt, chỉ cần buông xuống hết những tâm tham, sân, si, mạn, nghi là chúng ta chứng đạo ngay lúc đó.
Ví dụ:
Khi tâm tham ăn khởi lên chúng ta hiểu rõ đó là dục, là tham. Ta quán xét thấy thức ăn là bất tịnh, ăn vào thì thấy ngon, qua khỏi cuống họng thì đã trở thành bất tịnh không còn ngon nữa, có nhổ ra cũng không dám ăn,...Sau khi quán xét, ta dẫn tâm vào chân lý giải thoát, thầm tác ý "tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự". Do có tri kiến giải thoát, ta không chạy theo sự ham muốn ăn đó, chính lúc này tâm đã giải thoát, đã chứng đạo rồi, chứng đạo từng giây một.
Khi bị ai trách móc, mắng chửi, nói xấu, nói oan ức, chê bai,...tâm khởi lên sân giận người đó. Ta liền tư duy thấy tâm sân giận là tâm xấu, là ác, nhìn thấy nhân quả, thấy lỗi của mình trước, do đã tạo ra trong quá khứ, nay phải gặt quả báo. Còn đối với người đang trách móc, mắng chửi,...ta, họ đang là người tạo nghiệp ác, họ đang khổ, ta hãy yêu thương và tha thứ cho họ...Sau khi quán xét xong, ta dẫn tâm vào chân lý giải thoát, tác ý "tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự". Do có tri kiến giải thoát, tâm không còn sân giận nữa, chính lúc này tâm đã giải thoát, đã chứng đạo rồi, chứng đạo từng giây một.
Khi chưa đến giờ đi ngủ, mà tâm buồn ngủ, không sáng suốt, không phân biệt được mọi chuyện xảy ra xung quanh, ngủ gà ngủ gật, lười biếng, ta hiểu rõ đó là các trạng thái của tâm si. Lúc đó ta nên đứng dậy, đi qua đi lại, động thân cho tỉnh lại. Khi tỉnh là không còn si. Ta liền quán xét, tâm si là tâm ngu si, là tâm lười biếng, làm cho ta không sáng suốt, không phân biệt được thiện ác, không sống trong thiện pháp, không sống đạo đức, luôn làm khổ mình, khổ người, khổ các loài động vật khác... Sau khi quán xét xong, ta dẫn tâm vào chân lý giải thoát, tác ý "tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự". Do có tri kiến giải thoát, tâm không còn si nữa, chính lúc này tâm đã giải thoát, đã chứng đạo rồi, chứng đạo từng giây một.
Mỗi người đều có cái tài, cái đẹp, cái giỏi, cái hay, cái lanh lẹn, cái thông minh riêng,... Nhưng khi tâm ý khởi lên sự kiêu căng tự kiêu nghĩ rằng mình giỏi, nghĩ rằng mình hơn người, nghĩ mình có bằng cấp cao, nghĩ mình là người giàu có, có chức vụ cao,...xem thường người khác, không biết lắng nghe người khác, tự mãn với những gì mình có, mình biết,... Ta liền tư duy quán xét thấy rõ tâm ta đang kiêu mạn, đang ngã mạn, đó là tâm ác, tâm này khiến ta không thấy được cái dở của mình, tự biết rõ "núi này cao có núi khác cao hơn", tất cả là vô thường, nay có mai mất, có gì đâu mà tự hào, tự kiêu, tự đắc, tự mãn, phải sống khiêm hạ, khiêm cung, khiêm tốn, khiêm nhường,... luôn học hỏi và biết lắng nghe. Sau khi quán xét xong, ta dẫn tâm vào chân lý giải thoát, tác ý "tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự". Do có tri kiến giải thoát, tâm không còn ngã mạn và kiêu mạn nữa, chính lúc này tâm đã giải thoát, đã chứng đạo rồi, chứng đạo từng giây một.
Khi nhìn thấy ai đó lém la lém lút chú ý nhìn vào nhà mình, ai đó ăn mặc rách rưới, quần áo xộc xệch, tiến đến nhà mình,...mình tự nghĩ người này là người xấu, có thể là kẻ tính vào nhà mình trộm, hoặc đang tìm hiểu nhà mình để lợi dụng khi mình không có ở nhà vào ăn trộm,...Khi tâm khởi lên niệm nghi ngờ như vậy, ta liền quán xét tư duy, đó là niệm ác, niệm xấu, ta không được nghi ngờ ai, đổ oan cho ai, mọi người là người tốt, người thiện,... Sau khi quán xét xong, ta dẫn tâm vào chân lý giải thoát, tác ý "tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự". Do có tri kiến giải thoát, tâm không còn nghi ngờ nữa, chính lúc này tâm đã giải thoát, đã chứng đạo rồi, chứng đạo từng giây một.
.
Khi bị các cảm thọ, nóng lạn, bệnh tật, đau đớn tấn công, ta cũng quán xét chúng là nghiệp báo nhân quả của ta đã phạm trong quá khứ, chúng là vô thường. Ta dẫn tâm vào chân lý giải thoát, tác ý "tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự". Do có tri kiến giải thoát nên tâm không lo lắng, sợ hãi, buồn phiền và đau khổ nữa, chính lúc này tâm đã giải thoát, đã chứng đạo rồi, chứng đạo từng giây một.
Cứ như vậy, từng giây, từng phút, từng giờ, ngày qua ngày, khi dục, ác pháp tham, sân, si, mạn nghi và các cảm thọ tác động, sai khiến, chi phối, ta liền tác ý, dẫn tâm vào chân lý giải thoát, không chạy theo những ham muốn, sân giận, si mê, ngã mạn, kiêu mạn, nghi ngờ, các cảm thọ, thì lúc đó chúng ta đã chứng đạo.
Người hiểu rõ sự chứng đạo thiết thực, thực tế như vậy sẽ buông xả tất cả, không dính mắc vào bất kỳ điều gì làm cho tâm họ khổ. Họ sẽ sống độc cư trầm lặng, giữ gìn, bảo vệ và hộ trì chân lý "tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự" suốt ngày này qua ngày khác.
Lúc đầu sự bất động thanh thản an lạc và vô sự chỉ là nửa giây, 1 giây, rồi từ từ tăng lên 5 giây, 10 giây,...1 phút, 2 phút,...10 phút,... Càng buông xả, càng giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, thì sự giải thoát càng kéo dài. Do vậy ai buông xả ít thì sự giải thoát ít, ai buông xả nhiều thì sự giải thoát nhiều. Chứ đâu phải tu hành theo đạo Phật không cảm nghiệm được sự giải thoát.
Chứng đạo dễ như vậy, thiết thực, thực tế như vậy, đó mới là Phật pháp, mới là đạo trí tuệ, đạo trí tuệ là đạo nói ra ai ai cũng hiểu và làm được. Dễ như vậy thì không cần phải nhiều đời nhiều kiếp, phải không các bạn?
Thiền sinh Chơn Như