Chúng ta có đang liều chết làm việc kiếm tiền rồi lại trở thành nô lệ của đồng tiền?

Tiền thường tạo ra những chu kỳ trải nghiệm: Ta chấp nhận một trải nghiệm tiêu cực để kiếm tiền rồi dùng tiền đó để mua một cái nghiệm tích cực

Một chiều mùa hè, nhóm sinh viên mới tốt nghiệp đến thăm vị giáo sư đáng kính. Cả nhóm đang bắt đầu trải nghiệm cuộc sống với cảm giác thất vọng và bối rối. Trong suốt buổi chiều, cả nhóm phàn nàn với thầy về sự khó khăn của cuộc sống sau khi tốt nghiệp. Họ than thở về việc phải làm ngoài giờ, về các vị sếp khó tính, môi trường làm việc cạnh tranh. Dường như tất cả mọi người đều quan tâm đến tiền.

Một lát sau, giáo sư đi pha 6 ly cà phê cho 6 người học trò. Trong đó, 3 ly là loại ly giấy dùng một lần, 3 ly còn lại làm bằng sứ tinh xảo. Sau đó, ông mời cả nhóm tự lấy ly cà phê uống. Trong nháy mắt, cả nhóm vừa cười đùa, vừa nhẹ nhàng tranh cãi xem ai uống ly nào. Đó là cuộc cạnh tranh lặng lẽ giữa bạn bè với nhau.

Khi các học trò đã chọn xong, vị giáo sư mỉm cười và nói, "Các em thấy không? Vấn đề là vậy đó. Các em giành uống cà phê từ ly đẹp hơn trong khi những gì các em thực sự muốn chỉ là cà phê mà thôi."

Tiền là một chủ đề vô cùng nhạy cảm. Đó là vì hầu hết chúng ta đều liên hệ giá trị và vai trò của mình với công việc và thu nhập. Môi trường ngày nay đang xem sức lao động là hàng hóa, tiền giống như một thước đo đánh giá kỹ năng và khả năng của mỗi con người. Do đó ai cũng cảm thấy không thoải mái và nhạy cảm khi nhắc đến tiền. Nhưng tiền chỉ là một phương tiện lưu trữ lưu giữ giá trị. Bản thân đồng tiền không phải là giá trị.

Có nhiều cách lưu giữ giá trị trong đời. Thời gian là một loại giá trị. Kiến thức là một loại giá trị. Hạnh phúc và những cảm xúc tích cực khác cũng là một loại giá trị. Tiền thường chỉ là phương tiện để ta trao đổi những loại giá trị này với nhau mà thôi.

Hầu hết mọi người đều lầm tưởng rằng giàu có nghĩa là sở hữu nhiều vật chất hoặc có danh tiếng hay địa vị cao. Tôi có thể quẹt cháy thẻ tín dụng để đặt những chỗ ngồi sang trọng trong các hộp đêm nhưng đó đâu có nghĩa là tôi giàu có. Ngược lại, tôi còn bị xem là kệch cỡm. Tư tưởng quan trọng hóa vật chất là một cái bẫy tâm lý. Dù bạn sở hữu bao nhiêu tài sản, mua sắm bao nhiêu hàng hóa, kiếm được bao nhiêu tiền, bạn vẫn không bao giờ thỏa mãn cơn khát vật chất. Trong khi đó, bạn lại càng làm việc nhiều hơn, chấp nhận những rủi ro lớn hơn và bỏ quên những thứ quan trọng khác của cuộc sống.

Tiền vốn không tốt cũng không xấu. Nó chỉ là một phương tiện trao đổi trải nghiệm. Bạn đang kiếm tiền bằng cách tạo ra trải nghiệm cho người khác. Sau đó bạn trả tiền để nhận lại trải nghiệm. Ngay cả khi mua hàng hóa hữu hình như xe hơi thể thao hay dây chuyền kim cương, bạn không chỉ mua món đồ đó mà bạn đang mua trải nghiệm có quyền lực, tốc độ hoặc địa vị xã hội đi kèm với món đồ.

Có lẽ hầu hết giá trị của bất kỳ món đồ nào ta mua đều không phải là tiền. Khi mua thức ăn, bạn thực ra đang mua cảm giác no bụng. Bạn đang mua sức khỏe và hạnh phúc tạm thời. Khi trả tiền cho một chuyến du lịch với gia đình, bạn đang mua cơ hội trải nghiệm những trải nghiệm và củng cố quan hệ ra đình. Khi mua một bộ quần áo mới để đi làm, bạn đang mua những tín hiệu xã hội thể hiện bạn là người chỉnh chu và đáng tin. Mọi thứ bạn dùng tiền để mua đều là trải nghiệm.

Vì là một phương tiện trao đổi trải nghiệm, tiền thường tạo ra những chu kỳ trải nghiệm: ta chấp nhận một trải nghiệm tiêu cực để kiếm tiền rồi dùng tiền đó để mua một cái nghiệm tích cực. Khi hết tiền, ta bị buộc phải quay lại trải nghiệm kiếm tiền và chu kỳ lặp lại.

Chu kỳ trải nghiệm căng thẳng

Một số người kiếm tiền nhờ chịu đựng sự căng thẳng cao độ. Họ làm những công việc rất áp lực hoặc luôn bị chỉ trích hay đe dọa. Sau đó, họ dùng tiền chủ yếu để giải tỏa căng thẳng do công việc gây nên. Những người này rơi vào chu kỳ này luôn quẩn quanh không lối thoát, và thực sự lại chẳng tích lũy được bao nhiêu tài sản.

Chu kỳ trải nghiệm bất an

Một số người làm việc trong những môi trường tạo cho mình cảm giác bất lực, tầm thường hoặc vô dụng. Sau đó, họ giải quyết cảm giác bất an đó bằng cách tiêu tiền để mua những biểu tượng địa vị phù phiếm. Họ kiếm tiền thông qua sự bất an, sau đó lại tiêu tiền để mua sự an tâm. Do đó chẳng bao giờ họ thực sự tích lũy được gì cả.

Chu kỳ trách nhiệm nỗi đau

Một số người lại kiếm sống bằng cách làm đau đớn bản thân về thể xác (đấu vật chuyên nghiệp, đấu kiếm) hoặc về mặt cảm xúc/tinh thần (hoạt động mại dâm, công việc phải luồn cúi, luôn bị xúc phạm). Sau đó, họ dùng tiền để giảm đau (mua rượu, mà túy và những cách khác) để đánh lạc hướng nỗi đau.

Những người rơi vào các chu kỳ trải nhiệm kể trên sẽ sớm thành nô lệ của đồng tiền. Họ bắt đầu xem việc kiếm tiền là mục tiêu duy nhất trong cuộc sống và là toàn bộ động lực của họ. Khi đó, bạn không còn sở hữu tiền nữa; tiền đã sở hữu bạn. Bạn không còn tiền tiêu nữa mà đã trở thành nô lệ của nó. Và trừ khi bạn ngừng lại hoặc chết đi, tình trạng này sẽ không bao giờ chấm dứt.

Sự giàu có đích thực là khi ta tiêu tiền không chỉ để bù đắp cho những mất mát do việc kiếm tiền gây ra. Ta chỉ thực sự giàu có khi kiếm tiền bằng một trải nghiệm tích cực và tiêu tiền cho những trải nghiệm tích cực khác.

Mộc Dương
Previous Post
Next Post