Buổi sáng một ngày kia, tôi có
nghe một bé gái lên bốn hỏi mẹ của mình, “Tại sao con sinh ra trên đời này vậy
ạ? Để đi nhà trẻ sao?”
Đương nhiên là mẹ của cô bé chẳng
thể thành thật mà nói rằng, “Đúng, đúng đấy con, giờ con đi học đi”.
Thế nhưng, ta có thể nói rằng con
người ngày nay được sinh ra là để đi nhà trẻ!
Cho tới tận lúc học lên đại học,
người ta vẫn học hành một cách chăm chỉ để hiểu cho được tại sao mình lại sinh
ra đời. Các học giả và triết gia, thậm chí có phá hỏng đời mình trong cái nỗ
lực ấy, vẫn nói, họ sẽ thấy mãn nguyện khi hiểu được chỉ một điều này thôi.
Ban đầu, con người chẳng có mục
đích gì cả. Còn giờ, mơ tưởng ra mục tiêu này mục tiêu nọ, họ vùng vẫy cố gắng
tìm cho ra ý nghĩa cuộc sống. Đấy là cuộc đấu vật chỉ-một-người. Chẳng có mục
tiêu nào để người ta phải suy nghĩ về nó hay phải lên đường tìm kiếm cả. Tốt
hơn hết, ta cứ đi hỏi đám trẻ con xem liệu một cuộc đời không mục đích thì có
vô nghĩa hay không.
Kể từ thời điểm bước chân vào nhà
trẻ, nỗi sầu khổ của con người bắt đầu. Vốn là một tạo vật vui vẻ, nhưng con
người đã tự tạo ra một thế giới hà khắc và giờ phải vùng vẫy để thoát ra.
Trong tự nhiên, có sự sống và cái
chết, và tự nhiên đầy ắp niềm vui. Trong xã hội loài người, có sống và chết,
nhưng con người sống trong khổ đau.
*****
Một chàng trai trẻ khoác chiếc
túi nhỏ trên vai, bước lững thững đến chỗ chúng tôi đang làm việc trên đồng.
“Cậu từ đâu tới?,” tôi hỏi.
“Từ đằng kia.”
“Làm sao cậu tới đây được?”
“Cháu đi bộ.”
“Cậu đến đây để làm gì?”
“Cháu không biết.”
Hầu hết những người tới đây đều
không vội vàng hé lộ danh tính hay những câu chuyện trong quá khứ của họ. Họ
cũng không nói rõ mục đích của mình. Do nhiều người trong số họ chẳng biết tại
sao mình lại đến, mà chỉ đến thôi, nên chuyện này cũng thật tự nhiên.
Thuở ban đầu, con người chẳng hề
biết mình từ đâu tới hay mình sẽ đi đến đâu. Nói rằng ta được sinh ra từ bụng
mẹ và sẽ quay về với đất chỉ là lời giải thích mang tính sinh học, chứ chẳng ai
thực sự biết điều gì tồn tại trước lúc sinh ra hay thế giới nào sẽ đợi chờ sau
khi chết.
Sinh ra mà không biết nguyên do,
chỉ đế rối nhắm mắt xuôi tay, ra đi vào cõi vô định – con người thật đúng là
một tạo vật bi thảm.
Hôm trước, tôi có tìm thấy một
chiếc nón cói đan của một nhóm người hành hương đến thăm các đền thờ tại Shikoku
bỏ lại. Trên đó có viết những lời sau: “Khởi thủy không Đông chẳng Tây/ Mười
phương vô định.” Lúc này cầm chiếc nón trong tay, tôi hỏi cậu trai trẻ kia lần
nữa, cậu ta từ đâu đến, và cậu nói rằng mình là con trai của một tu sĩ ở
Kanazawa, và vì việc đọc kinh văn cho người chết suốt cả ngày thật quá ngớ
ngấn, nên cậu muốn trở thành nông dân.
Làm gì có đông với chẳng tây. Mặt
trời mọc lên đằng đông, lặn xuống ở đằng tây, nhưng đó đơn thuần chỉ là một
quan sát thiên văn. Biết rằng ta chẳng hiểu đông là gì, tây là gì thì gần với
sự thật hơn. Thực tế thì không ai biết mặt trời từ đâu mà ra.
Trong số hàng chục nghìn kinh
sách, bản kinh được cảm kích nhất, hội tụ mọi điều quan trọng chính là Bát Nhã
Tâm Kinh. Theo bản kinh này, Đức Phật Thế Tôn tuyên bố: “Sắc tức thị không,
không tức thị sắc. Vật và tâm là một, nhưng tất cả đều không. Con người không
sống, không chết, không sinh ra cũng không chết đi, không già không bệnh, không
tăng cũng không giảm.”
Một ngày nọ, trong lúc chúng tôi
đang gặt lúa, tôi nói với đám thanh niên đang dựa người vào một đống rơm to,
“Ta đang nghĩ rằng khi lúa được gieo vào mùa xuân, hạt giống đâm ra những cái
mầm sống, và giờ, như khi chúng ta đang gặt đây, nó có vẻ chết đi. Sự thực là
cái nghi thức này được lặp lại năm này sang năm khác, nghĩa là sự sống vẫn tiếp
diễn trên cánh đồng nơi đây và cái chết hằng năm đó bản thân nó là sự sinh ra
hằng năm. Ta có thể nói rằng cây lúa mà chúng ta đang cắt đây vẫn liên tục
sống.”
Con người thường nhìn sự sống và
cái chết dưới góc nhìn ngắn hạn. Sự sinh ra của mùa xuân và cái chết của mùa
thu có ý nghĩa gì với ngọn cỏ này? Người ta nghĩ rằng sống là vui còn chết là
buồn, thế nhưng hạt lúa, nằm im trong đất rồi nảy mầm vào mùa xuân, những cái
lá và thân của nó héo đi vào mùa thu, vẫn giữ bên trong cái lõi nhỏ xíu của nó
niềm vui trọn vẹn của sự sống. Niềm vui của sự sống chẳng rời đi trong cái
chết. Cái chết chẳng gì hơn là cái lướt qua tạm thời. Chẳng phải cây lúa này,
bởi lẽ nó sở hữu niềm vui trọn vẹn của sự sống, nên chẳng hề biết tới nỗi buồn
khổ của cái chết đấy sao?
Điều tương tự xảy ra với lúa gạo
và đại mạch cũng tiếp diễn không ngừng bên trong cơ thể con người. Ngày lại
ngày, tóc và móng mọc dài ra, hàng chục nghìn tế bào chết đi nhưng một số lượng
nhiều hơn thế lại được sinh ra; dòng máu trong cơ thể một tháng trước không y
hệt như dòng máu ngày hôm nay. Khi nghĩ rằng những đặc tính của riêng ta sẽ
được truyền tiếp trong cơ thể con cháu là ta có thể nói rằng mình đang chết đi
và tái sinh mỗi ngày, ấy thế mà ta vẫn sẽ sống tiếp thêm nhiều thế hệ sau khi
chết.
Nếu việc tham dự vào vòng tuần
hoàn này có thể được trải nghiệm và thưởng thức từng ngày thì chẳng còn cần
thêm điều gì nữa. Nhưng hầu hết người ta lại không thể tận hưởng cuộc sống khi
nó trôi qua và đổi thay mỗi ngày. Họ bám lấy sự sống như họ đã từng trải nghiệm
nó rồi, và sự bám víu theo thói quen này đem đến nỗi sợ chết. Chỉ chú ý đến quá
khứ, là cái đã qua mất, hay đến tương lai, là cái vẫn còn chưa tới, họ quên mất
rằng mình đang sống trên trái đất ngay ở đây và ngay lúc này. Vùng vẫy trong
vòng luẩn quẩn, họ nhìn cuộc đời của mình trôi đi như trong một giấc mơ.
“Nếu sống và chết là thực tại,
thì chẳng phải nỗi đau của con người là chẳng thể nào tránh khỏi sao?”
“Không có sống hay chết.”
“Sao bác lại có thể nói thể
được?”
Bản thân thế giới là một chỉnh
thể các sự vật hiện tượng trong dòng chảy trải nghiệm, thể nhưng tâm trí con
người lại phân tách các hiện tượng thành những cặp nhị nguyên như sống và chết,
âm và dương, hư và thực . Cái tâm trí đó đi đến chỗ tin vào tính hợp lệ tuyệt
đối của những gì các giác quan cảm thụ được, và rồi, lần đầu tiên, vật chất như
nó vốn là biến thành những khách thể như kiểu con người thông thường vẫn nhìn
nhận về chúng.
Các hình tướng của thế giới vật
chất, các khái niệm về sống và chết, sức khoẻ và bệnh tật, niềm vui và nỗi sầu
khổ, tất cả đêu phát xuất từ tâm trí con người. Trong bản kinh trên, khi Đức
Phật nói rằng tất cả đều không, ngài không chỉ phủ nhận tính hiện thực nội tại
của bất cứ thứ gì được dựng lên bởi trí năng của con người mà ngài cũng tuyên
bố rằng những cảm xúc của con người chỉ là ảo tưởng.
“Ý bác tất tật đều là ảo tưởng.
Không chừa thứ gì?”
“Không chừa thứ gì ư? Rõ ràng là
khái niệm ‘hư không’ vẫn còn tồn tại trong tâm trí cậu,” tôi nói với chàng trai
trẻ. “Nếu cậu không biết mình từ đâu tới hay mình sắp đi đâu, vậy cậu làm sao
có thể chắc chắn là mình đang ở đây, đang đứng trước mặt ta? Sự hiện tồn này là
vô nghĩa ư?”
*****
Buổi sáng một ngày kia, tôi có
nghe một bé gái lên bốn hỏi mẹ của mình, “Tại sao con sinh ra trên đời này vậy
ạ? Để đi nhà trẻ sao?”
Đương nhiên là mẹ của cô bé chẳng
thể thành thật mà nói rằng, “Đúng, đúng đấy con, giờ con đi học đi”.
Thế nhưng, ta có thể nói rằng con
người ngày nay được sinh ra là để đi nhà trẻ!
Cho tới tận lúc học lên đại học,
người ta vẫn học hành một cách chăm chỉ để hiểu cho được tại sao mình lại sinh
ra đời. Các học giả và triết gia, thậm chí có phá hỏng đời mình trong cái nỗ
lực ấy, vẫn nói, họ sẽ thấy mãn nguyện khi hiểu được chỉ một điều này thôi.
Ban đầu, con người chẳng có mục
đích gì cả. Còn giờ, mơ tưởng ra mục tiêu này mục tiêu nọ, họ vùng vẫy cố gắng
tìm cho ra ý nghĩa cuộc sống. Đấy là cuộc đấu vật chỉ-một-người. Chẳng có mục
tiêu nào để người ta phải suy nghĩ về nó hay phải lên đường tìm kiếm cả. Tốt
hơn hết, ta cứ đi hỏi đám trẻ con xem liệu một cuộc đời không mục đích thì có
vô nghĩa hay không.
Kể từ thời điểm bước chân vào nhà
trẻ, nỗi sầu khổ của con người bắt đầu. Vốn là một tạo vật vui vẻ, nhưng con
người đã tự tạo ra một thế giới hà khắc và giờ phải vùng vẫy để thoát ra.
Trong tự nhiên, có sự sống và cái
chết, và tự nhiên đầy ắp niềm vui. Trong xã hội loài người, có sống và chết,
nhưng con người sống trong khổ đau.
Tác giả Masanobu Fukuoka