Cái giá của cuộc sống hiện đại có phải là khủng hoảng và cô đơn?

Lẽ tự nhiên, tất cả phụ thuộc vào việc bạn đang nói tới “cuộc sống hiện đại” của ai.

Khi đề cập đến khủng hoảng và sự cô đơn, một vài lối sống hiện đại rủi ro hơn những thứ khác. Chẳng hạn, nếu bạn dành cả đời trong một “thác dữ liệu” (data waterfall) thì mãi mãi bạn sẽ bị nhấn chìm bởi những tin nhắn điện tử – một nơi mà sự kích thích liên tục trở thành tiêu chuẩn, khi đó nhiều khả năng, bạn sẽ phải trả giá đắt cho việc trở thành người hiện đại. Dòng chảy dữ liệu không ngừng này có thể hoạt động như một nhà tù, tách bạn với các kết nối cá nhân mà đóng vai trò là nhân tố quyết định cho sức khỏe về mặt cảm xúc và tinh thần của bạn.

Một vấn đề khác với việc trú ngụ trong “thác dữ liệu” này: khi nào thì bạn có thời gian cho việc hấp thụ, phản chiếu, đánh giá và giải thích về tất cả những thông điệp đó? Nếu thời gian đó đã bị đánh mất bởi sự ùa về của các thông điệp mới thì cuối cùng, bạn sẽ trải qua hiện tượng giác quan quá tải (sensory overload – hiện tượng một hoặc nhiều giác quan trong cơ thể bị kích thích quá mức dưới tác động của các nhân tố môi trường như quá đông người, sự ồn ào của chốn đô thị, công nghệ hay quá tải thông tin…) và điều này là không hề tốt. Tất cả chúng ta đều cần thời gian nghỉ ngơi, không làm việc, một mình và yên lặng. Tuy nhiên, trong thế giới hiện đại, nhu cầu này rất dễ bị bỏ mặc.

Đây là một nhóm đầy rủi ro khác: Nếu bạn dành nhiều thời gian cho các cộng đồng trực tuyến hơn là trò chuyện trực tiếp với những con người thực sự, khi đó, phiên bản “cuộc sống hiện đại” của bạn có lẽ sẽ khiến bạn phải đối mặt với những vấn đề cảm xúc ngày càng trầm trọng hơn do sự tách biệt xã hội. Tương tác xã hội giảm (Reduced Social Interaction ) là một trong những mối nguy lớn nhất của cuộc sống hiện đại.

Ồ, có vẻ bạn có một đời sống xã hội trực tuyến rất phong phú. Bạn có tài khoản trên đa phần các mạng xã hội – Facebook, Twitter, Instagram, Tumblr và tất cả những nền tảng đang “sinh sôi nảy nở” khác. Tuy nhiên, ở đây có một nghịch lý nguy hiểm xuất hiện: các phương tiện truyền thông mà dường như giúp chúng ta kết nối gần hơn với nhau thực sự lại khiến chúng ta xa cách nhau. Các nền tảng công nghệ thông tin và ứng dụng mới hiệu quả và tiện lợi đáng kinh ngạc, và vâng, tất cả dữ liệu đều có tiềm năng sẽ được mở rộng thêm. Nhưng nếu thời gian nhìn màn hình lớn hơn rất nhiều so với thời gian chạm mặt nhau thì một hồi chuông báo động không nên xuất hiện trong đầu chúng ta hay sao?

Khi Bridianne O’Dea và Andrew Campbell – hai nhà nghiên cứu đến từ trường Đại học Sydney – nghiên cứu 400 học sinh trung học sử dụng mạng xã hội, họ đã đưa ra một kết luận bất ngờ: “dành lượng lớn thời gian trực tuyến vì các mục đích xã hội có thể làm tăng nỗi buồn trên mạng xã hội và có tác động tiêu cực tới lòng tự trọng”. Và một nghiên cứu khác về điện thoại di động được thực hiện tại Đại học Kent State có sự tham gia của 500 sinh viên chưa tốt nghiệp đã báo cáo rằng những người dùng điện thoại nhiều có khả năng có mức độ lo lắng cao hơn và các mức độ thỏa mãn trong cuộc sống thấp hơn (cũng như điểm thấp hơn) so với những người dùng ít. Câu hỏi hiển nhiên ở đây là: tại sao chúng ta vẫn dành quá nhiều thời gian online hoặc trên điện thoại nếu các tác động của những thói quen này có khả năng là rất tiêu cực? (câu trả lời phổ biến nhất là do FOMO – hội chứng sợ bị bỏ rơi).

Nếu “cuộc sống hiện đại” của bạn đang diễn ra trong một hộ gia đình có duy nhất một người (single-person household) thì khi đó bạn là một phần của một xu hướng đang nổi – những hộ gia đình chỉ có một người được tiên đoán là sẽ chiếm 30% tổng số hộ gia đình trong vòng 10 năm tới – nhưng rủi ro bạn đối mặt với sự tách biệt xã hội (social isolation) sẽ tăng lên. Nhiều người chọn sống độc thân thường là vì những giai đoạn chuyển đổi ngắn ngủi và họ thích thú về nó. Nhưng nhiều người vô tình bị ép buộc phải sống một mình do mất đi một người thân hoặc mối quan hệ đổ vỡ hoặc một tình huống nào khác mà không phải là sự lựa chọn của họ – “Bị cô đơn một cách không có chủ ý” thường sẽ đòi hỏi một sự thích nghi với thử thách vô cùng lớn.

Chúng ta hiện đang sống trong xã hội với tỷ lệ những hộ gia đình chỉ có một người cao hơn bất kỳ một thời điểm nào khác trong lịch sử: đây giống như “sự nóng lên toàn cầu” của các số liệu thống kê về dân số vậy – một thứ gì đó mà chúng ta biết là nó đang đến và chúng ta biết nguyên nhân, nhưng chúng ta không sẵn sàng đối mặt với quy mô lớn dần của nó và gặp khó khăn khi giải quyết các hệ quả. Trì hoãn việc xây dựng gia đình, tỷ lệ ly hôn tăng, tỷ lệ sinh giảm và tuổi thọ tăng lên là một vài nhân tố góp phần khiến xu hướng này phát triển. Các hệ quả không hoàn toàn tiêu cực nhưng sự cô đơn nhen nhúm và có thể dễ dàng biến hóa thành các cảm xúc bị đào thải và thậm chí là ghét bỏ. Và mối nguy cụ thể ở đây là: nếu bạn sống một mình và phụ thuộc vào các phương tiện truyền thông đại chúng cho hầu hết các thông tin về những thứ đang diễn ra trên thế giới thì cuộc sống của bạn dường như sẽ luôn tối tăm và nguy hiểm.

Nếu bạn sống trong một khu nhà ở ngoại ô – nơi mọi người thường làm việc xa nhà, đi và về nhà bằng xe hơi và thường làm việc nhiều giờ liên tục thì các cơ hội cho những cuộc gặp gỡ bất ngờ đậm chất làng quê – thấy nhau qua hàng rào, lúc đi bộ trên đường hay ở quán cafe trong làng – là cực kỳ bị giới hạn. Nó đã trở thành một thứ rập khuôn cho cuộc sống hiện đại ở thành phố: “chúng ta không hề biết về những người hàng xóm của mình”. Ở một mức độ nào đó, điều này là sự thật, đó là một thảm kịch – không chỉ cho chúng ta và những người hàng xóm của chúng ta mà còn cho cả tình hàng xóm láng giềng. Khi khủng khoảng xảy ra, chúng ta luôn cần ở cạnh nhau, vậy thì tại sao lại chờ cho khủng hoảng đến rồi mới nói lời xin chào?

Nếu “cuộc sống hiện đại” của bạn được cấu thành bởi tốc độ – thức ăn nhanh, các lượt tải xuống nhanh chóng, những cuộc hẹn hò chóng vánh, những lần thư giãn ngắn thay cho các kỳ nghỉ hay vừa di chuyển vừa làm những thứ khác – thì khi đó bạn đã làm suy yếu những nền tảng cảm xúc của mình hơn bạn nhận ra. Điều gì xảy ra nếu tất cả những kích thích liên tục đó làm giảm khoảng chú ý ngắn hạn (attention span) và làm cho những giờ phút gặp gỡ ngắn ngủi (chẳng hạn, các cuộc trò chuyện trong bữa tối), trở nên nhàm chán?

Lối sống được nâng cao dường như nhiều kích thích hơn, hào hứng hơn và thích thú hơn. Nhưng sẽ ra sao nếu dưới tác động của một thế giới không ngừng nhanh hơn, bận rộn hơn, chúng tra trở nên mất kiên nhẫn với nhau? Tình yêu cần sự cố gắng. Miễn cưỡng đặt nó vào trong một nỗ lực không ngừng là công thức chắn chắn dẫn đến sự hủy hoại các mối quan hệ cá nhân của chúng ta.

Một trong những phát minh tệ nhất của cuộc sống hiện đại đó là khái niệm “thời gian chất lượng

Bạn không thể lắng nghe ai đó dù bằng bất cứ cách nào nhưng từ từ rồi bạn sẽ lắng nghe được. Bạn không thể xây dựng một mối quan hệ nhưng từ từ rồi bạn sẽ làm được. Bạn không thể nuôi lớn những đứa con nhưng từ từ rồi bạn sẽ làm được. Tất cả đều cần thời gian. Và khi “đốt cháy giai đoạn” thì chúng ta sẽ không nhận ra rằng mình đang mất kiên nhẫn với cả những người mà chúng ta yêu quý nhất. Dần dần, nó có thể hủy hoại và khiến chúng ta chán nản: “Tôi không quan tâm bạn đủ nghiêm túc để dành hết khoảng thời gian này cho bạn”.

Một trong những phát minh tệ nhất của cuộc sống hiện đại đó là khái niệm “thời gian chất lượng”. Khi nói về việc xây dựng và gìn giữ mối quan hệ, không có gì thay thế cho số lượng cả.

Khi nào chúng ta bận tới mức mà phải bắt đầu tìm kiếm những con đường tắt trong các mối quan hệ?

Cách chắc chắn nhất để tăng rủi ro cô đơn và khủng hoảng (hoặc ít nhất là thất vọng) đó là ngã vào hai “kẻ sở khanh” sinh đôi này của cuộc sống hiện đại: thực dụng và lời hứa của hạnh phúc cá nhân. Nếu bạn nghĩ rằng những tài sản của bạn là bản liệt kê các giá trị của bạn thì hãy nghĩ lại đi. Nếu bạn nghĩ rằng hạnh phúc cá nhân là mục tiêu đáng giá thì bằng chứng thực tế sẽ chống lại bạn. Những thỏa mãn sâu sắc nhất của chúng ta xuất phát từ cảm giác có ý nghĩa trong cuộc đời, thường được kết nối với bản chất của công việc và chất lượng các mối quan hệ và nó cũng đúng cho những người “hiện đại” như nó đã từng.

Cuộc sống hiện đại? Có nhiều mối nguy nhưng khủng hoảng và cô đơn là những thứ vượt ngoài cái vẫn thường thấy!

Nếu “cuộc sống hiện đại” của bạn nghĩa là khai thác tất cả những công nghệ mới tuyệt vời nhất cần cho cuộc sống mà vẫn sống theo cách cũ, với nhiều thời gian dành cho giao tiếp trực tiếp giữa người với người và không bao giờ để cho công nghệ thông tin lấn át thì khi đó, nhiều khả năng bạn sẽ kiểm soát được khủng hoảng và sự cô đơn sẽ không tiến lại gần bạn. (Nhân tiện, chứng sa sút trí tuệ: không có gì giữ cho bộ não của bạn trẻ trung như các thử thách trò chuyện riêng tư với những người hàng xóm, chủ cửa hàng, đồng nghiệp hay trẻ con trên xe bus mà có lẽ, sẽ đưa bạn tới một lãnh thổ chưa hề được đặt chân đến và thi thoảng là không hề dễ chịu).

Nếu “cuộc sống hiện đại” của bạn liên quan tới sự tương tác với cộng đồng địa phương và quyết tâm làm sống lại cảm giác của tình hàng xóm thì khi đó, ngay cả khi bạn sống một mình, sự cô đơn cũng sẽ không bao phủ bạn.

Sự thật sâu sắc nhất về con người không phải là cái mà chúng ta quá nhiều lần được chứng kiến – mà chính là việc tất cả chúng ta được thúc đẩy bởi tính tư lợi, rằng bản chất của chúng ta là cạnh tranh không ngừng; rằng các hành động của chủ nghĩa vị tha thể hiện bên ngoài chỉ là tấm bình phong che đậy cho động cơ thật sự của chúng ta – thứ mà gần như được nhìn thấy như là những hành động “tốt đẹp”. Vâng, chúng ta có thể như vậy. Nhưng sự thật sâu xa hơn nhiều: về bản chất, chúng ta là những sinh vật xã hội; đa phần những hành động vị tha chính xác đều là những gì được thể hiện ra ngoài; sự thôi thúc hợp tác nằm sâu bên trong chúng ta. Giống như nhiều loài sinh vật khác trên Trái Đất, chúng ta phụ thuộc vào các cộng đồng để cứu sống chính mình. Chúng ta không hoạt động tốt khi bị tách biệt, chúng ta cần có nhau.

Tuy nhiên, các cộng đồng mà giúp chúng ta tồn tại không chỉ tự nhiên xuất hiện và chúng không phải lúc nào cũng sống sót. Chúng ta buộc phải nuôi dưỡng chúng, phải gắn kết vào chúng; mỗi một người phải đóng góp vào vốn xã hội (social capital) – đóng vai trò là thứ bảo hiểm cho chúng ta khỏi tình trạng hỗn loạn. Đó là cảm giác phụ thuộc lẫn nhau ngăn mọi xã hội khỏi việc bị sa vào sự hỗn loạn. Gắn kết với cuộc sống cộng đồng – tình hàng xóm, xã hội – không chỉ duy trì sự sáng suốt của riêng chúng ta mà nó còn nuôi dưỡng các tài nguyên xã hội cứu sống tất cả chúng ta nữa (nói câu “ngày tốt lành” với người lạ sẽ tạo ra nhiều ý nghĩa hơn bạn nghĩ đấy).

Không có gì làm khô héo tâm hồn một cách đau đớn hơn cảm giác rằng chúng ta cô độc cả.

Đây là một ý tưởng nguy hiểm: sẽ thế nào nếu yêu cầu câu trả lời cho câu hỏi cũ rích “Tôi là ai?” trở nên vô nghĩa? Thực tế, phần lớn thứ giúp bạn trở thành con người duy nhất bị ẩn đi khỏi tầm mắt, chôn sâu trong cấu trúc di truyền và ở giữa tâm trí vô thức của bạn. Nhưng thậm chí, nếu bạn tìm thấy câu trả lời thì nó có thể sẽ biến thành thứ tương đối vô nghĩa và chẳng có gì thú vị: bạn sẽ thấy rằng điều khiến bạn trở nên độc nhất gần như không quan trọng bằng điều làm bạn trở thành con người.

Nhà tâm lý trị liệu người Mỹ Carl Rogers đã từng viết rằng khi khách hàng của ông có được sự nhận thức đầy đủ về họ là ai thì họ luôn hiểu rõ rằng họ không phải là những cá thể độc lập mà là thành viên của các nhóm, mạng lưới, gia đình, tổ chức và cộng đồng. Điều này chỉ ra rằng sự nhận dạng xã hội tạo ra đóng góp mạnh mẽ và lâu bền đối với niềm hạnh phúc về tinh thần và cảm xúc hơn là sự nhận dạng cá nhân có thể. 

Thế nên câu hỏi thực sự có ý nghĩa và thú vị không phải là “Tôi là ai?” mà là “Chúng ta là ai?”. Càng để áp lực và những cám dỗ của cuộc sống hiện đại khiến chúng ta bị phân tán khỏi câu hỏi đó thì chúng ta càng có khả năng trở thành nạn nhân của sự cô đơn và khủng hoảng, và thậm chí có thể là tuyệt vọng. Không có gì làm khô héo tâm hồn một cách đau đớn hơn cảm giác rằng chúng ta cô độc cả.

Trớ trêu thay cho cái được gọi là Kỷ nguyên giao tiếp đã làm tăng rủi ro cho điều đó xảy ra. Quá nhiều ồn ào, quá ít gần gũi.

Về tác giả: Hugh Mackay là nhà nghiên cứu xã hội và tác giả của các cuốn sách The Good Life: What makes a life worth living?, What makes us tick?: the ten desires that drive us và The Art of Belonging.
Previous Post
Next Post