Những câu chuyện ví dụ về “Vô thường”

Trong Kinh nói về loài ngựa có 4 hạng:

1. Thấy bóng roi đã chạy.

2. Bị đánh một roi đã chạy.

3. Đánh ít mới chịu chạy.

4. Trở củ roi mà phan cũng không chịu chạy.

Loài người cũng có 4 hạng:

1. Nghe người ở xa chết đã lo tu.

2. Nghe người trong xóm chết đã lo tu.

3. Thấy người trong gia đình chết mới lo tu.

4. Chính bản thân mình già cả bệnh tật mà không lo tu.

Ngựa trở củ roi đánh mà không chạy thì chỉ có một cách là làm thịt bán. Người già cả tật bệnh mà không lo tu hành thì có nước để luân hồi sanh tử.

Ví dụ:

1. Con chồn bị chặt đuôi

Có con chồn vào ăn vụng trong nhà bếp, người ta biết đặng ví bắt, nó giả đò chết.

Đứa đày tớ chặt đuôi, đứa con cắt hai lỗ tai nó cũng không chạy rán đau mà chịu. Sau nghe bà chủ nhà nói lột da để làm áo nó vùng chạy, vì nó nghĩ muốn lột da thì phải chặt đầu.

Con người cũng vậy, khi đã già nua tuổi tác mà không chịu tu hành chẳng khác nào con chồn nghe sắp bị lột da mà không chịu vùng chạy. Con người hết thời xuân xanh như con chồn bị chặt đuôi, mới già như chồn bị cắt lỗ tai, già nua bệnh tật như chồn sắp bị lột da.

2. Đổ thừa lỗi cho Diêm Vương

Có hai người một già một trẻ bị chết xuống âm ty. Diêm Vương bắt tội thì ông già nói phàm đúng lý thì phải báo tin cho ông biết trước mới không oan. Diêm Vương nói đã có những tin báo trước:

Tóc ông ta đã hoa râm,
Răng lung lay,
Sức khỏe suy yếu,
Mắt lờ tai điếc,
Thường bị đau ốm bệnh tật.
Anh trẻ viện lẽ anh ta chưa được những tin ấy.

Diêm Vương giải thích cho anh ta thấy những người đồng tuổi với anh ta mà bị chết: chết dịch, bị bắn, thắt cổ, chết đuối, rắn cắn, trúng gió, chết yểu, xe tông, đó là những tin đã báo trước cho anh ta.

Người ta thường ví cuộc đời Vô thường, ngắn ngủi, hảo huyền như giấc mộng Hoàng lương hoặc giấc mộng Nam Kha. Nguồn gốc những tích này như sau:

3. Giấc mộng Hoàng lương (Kê vàng)

Trong tiểu thuyết: “Trẩm trung ký” của Trần Tức Tế đời Đường viết:

Có một thư sinh họ Lư đến Kinh thành dự thi, vào quán trọ ở Hàm Đan gặp một Đạo sĩ họ Lã. Lư sinh nhờ Lã Đạo sĩ chỉ cho biết tiền đồ của anh ta ra sao?

Đạo sĩ cho anh ta mượn chiếc gối bằng sứ xanh, nói chiếc gối này sẽ thực hiện được nguyện vọng của mình.

Lư sinh đã ngủ thiếp đi và mơ mình làm khách tại một nhà giàu, ăn tiệc thịnh soạn, chủ nhân còn gả con gái xinh đẹp cho.

Sau đấy thấy mình đỗ tiến sĩ, được bổ làm Thừa Tướng. Năm đứa con anh lần lượt đỗ đạt, làm quan cả. Anh ta làm Thừa Tướng 10 năm, sống hơn 80 tuổi.

Khi Lư sinh tỉnh giấc, nồi Kê vàng của chủ quán vẫn chưa chín, Đạo sĩ già cười anh, lúc này anh mới biết mình nằm mộng.

Đời sau dùng “Giấc mộng Hoàng lương” để diễn tả sự mơ ước hảo huyền – cuộc đời như giấc mộng.

4. Giấc mộng Nam Kha

Lý Công Tá đời Đường viết “Nam Kha Ký” kể câu chuyện sau đây:

Có một anh thư sinh tên là Thuần Vu Phần, hướng Nam nhà anh có một gốc cây hòe già, cành lá sum suê.

Một hôm anh uống rượu say nằm ngủ dưới gốc cây. Bỗng anh nhìn thấy có người mời anh đến “Đại Hòe An Quốc”, đến nơi, Quốc Vương nước này tiếp kiến anh, ca ngợi học vấn và tài hoa của anh, đồng thời phong anh làm Thái Thú quận Nam Kha, gả công chúa cho anh.

Anh làm quan ở đó hơn 20 năm, sinh con đẻ cái, sống cuộc đời giàu sang phú quý. Cuối cùng anh được sai đi đánh giặc, chiến bại trở về, vợ chết, nhà vua nghi ngờ, thải hồi anh về quê.

Vừa lúc anh tỉnh dậy, biết đó chỉ là giấc mộng. Cái “Đại Hòe An Quốc” kia thì ra chỉ là cái tổ kiến lớn ở dưới gốc hòe già và quận Nam Kha chỉ là cái cành phía Nam, của cây hòe.

Đời sau dùng “Giấc mộng Nam Kha” để châm biếm những người may mắn nhất thời, liều mạng leo lên, cuối cùng rơi tỏm xuống với hai bàn tay trắng. Cũng ví với những người bị mê hoặc bởi những cái hảo huyền, cuối cùng vỡ mộng.

5. Xuất gia vì 4 điểm thuyết giáo của Đức Đạo sư

Tại rừng Lộc Uyển, vua xứ Kuru gặp Tôn giả Lai Tra Hòa La, vua xin phép hỏi đạo.

Vua:

- Bạch Tôn giả! Người đời thường xuất gia vì 4 sự suy vong: Lão suy (già cả), Bệnh suy (bệnh tật), Tài suy (nghèo thiếu), Thân suy (không người thân thuộc). Nhưng theo Trẫm biết thì Tôn giả xuất gia không phải vì 4 lý do đó. Vì Tôn giả: trẻ đẹp, mạnh khỏe, giàu có, có nhiều vợ đẹp! Vậy thì Tôn giả xuất gia vì những lý do nào?

- Đại vương, tôi xuất gia vì 4 điểm thuyết giáo của đấng Đạo Sư mà tôi thấy đúng như thật. Thứ nhất: Ngài dạy mọi sự thế gian là Vô thường.

- Nghĩa là sao? Xin Tôn giả giải thích.

- Như thân thể của Đại vương đó, lúc nào cũng như lúc nào hay mỗi lúc một khác?

- Như vậy là Trẫm đã hiểu. Quả thật, thân thể là Vô thường, đổi khác luôn luôn, nhất là ở tuổi già như Trẫm. Năm nay đã khác năm ngoái, nói gì đến tuổi trẻ với lúc già, thật khác nhau như trời vực. Còn điểm thứ hai là gì, thưa Tôn giả?

- Thứ hai là Vô hộ, Vô chủ: Không ai giúp đỡ mình được, không làm chủ được thân mình.

- Sao lại không? Như Trẫm đây biết bao nhiêu người phò tá. Trẫm làm chủ cả nước, muốn chi được nấy, làm sao Tôn giả lại nói vậy?

- Đại vương, Đại vương có thể đem cái tài sản, ngai vàng để thuê mướn kẻ khác bệnh thay, già thay, chết thay cho Đại vương được không?

- Cái đó thì không được!

- Ví như Đại vương tạo nghiệp ác, phải đọa địa ngục, thì Đại vương có thể đem tài sản ấy đút lót cho Diêm vương để khỏi đọa, hay chính mình làm mình phải chịu?

- Đúng như vậy, mình làm mình chịu, không ai thay được. Thế là Trẫm đã hiểu Vô hộ. Còn Vô chủ thì sao?

- Đại vương có thể làm chủ cái thân xác Đại vương được chăng? Bảo nó không được bệnh, không được già, không được chết, nó chịu nghe chăng? Bảo cái tay đừng run, chân đừng quỵ, mắt đừng lờ, tai đừng lãng được không? Đại vương có thể bảo cái thân của Đại vương khi nó bệnh rằng: “Hãy khỏe mạnh trở lại!” không? Và Đại vương có biết khi nào thì nó bệnh, khi nào nó chết không?

- Đúng thế, quả thật Trẫm không thể làm chủ được cái thân này, dù Trẫm đang làm chủ cả quốc gia. Còn điểm thứ ba là gì, thưa Tôn giả?

- Thứ ba là trên thế gian không có cái gì của mình.

- Ủa, sao Tôn giả nói vậy? Trẫm có biết bao nhiêu là kho tàng châu báu, giang sơn gấm vóc này thuộc về Trẫm. Nói gì đến vật, ngay cả đến người, Trẫm cũng sở hữu từ quan đại thần lớn nhất trở xuống, Trẫm sai đâu chạy đó, sao lại không sở hữu?

- Đại vương, khi Đại vương nằm xuống, ngài có thể đem theo hết tất cả kho báu, giang sơn xuống âm phủ để tiếp tục sử dụng, hay phải giao lại cho kẻ khác, còn mình chết hay không? Đại vương có thể bắt tất cả đình thần, quyến thuộc, dân chúng qua bên kia thế giới để Đại vương tiếp tục làm chủ, hay Đại vương phải ra đi một mình, để người khác thay thế Đại vương trị vì thiên hạ?

- Thưa hiền giả, đúng thế! Trẫm không thể mang theo cái gì khi chết và phải chết một mình trơ trọi, để lại giang sơn này cho người khác. Thảm thương thay! Còn điểm thứ tư là gì, xin Tôn giả hãy giảng?

- Thứ tư là thế gian này thật thiếu thốn, thèm khát, nô lệ cho dục vọng, tham lam không bao giờ vơi.

- Nói vậy Trẫm e chỉ đúng với những người thường, chứ Trẫm đây mà còn thiếu thốn thèm khát cái gì. Vì Trẫm muốn gì chẳng có, đâu còn thèm gì nữa.

- Đại vương, giả như bây giờ Đại vương được tin phi báo của đội quân tuần tiễu rằng: phía Đông có mỏ vàng, phương Nam có mỏ bạc, phương Tây có mỏ kim cương, còn ở phương Bắc hiện có một xứ giàu có, đất đai phù nhiêu mà gặp ông vua trụy lạc bê bối, cai trị mất lòng dân, nên sự nghiệp phòng vệ rất lỏng lẻo, thì Đại vương nghĩ thế nào?

- Thưa Tôn giả, Trẫm sẽ hội họp quần thần, cắt công tác cho vị này phụ trách khai thác mỏ vàng, mỏ bạc, vị kia đào mỏ kim cương. Còn cái xứ giàu có phì nhiêu dễ chiếm ấy, thì Trẫm sẽ sai võ quan cử binh tới chiếm để mở mang bờ cõi.

- Đại vương, đó chính là sự thèm khát, túi tham không đáy nơi Đại vương. Người đã có một nước thì thèm chiếm thêm nước khác, cho đến kẻ vô sản thì thèm bắt con vịt, con gà của hàng xóm về làm của mình. Đại vương kết tội kẻ trộm vặt, bỏ tù nó, mà quên rằng mình là kẻ trộm lớn khi mưu tính như vậy. Do đó mà Phật dạy: thế gian luôn luôn thiếu thốn, thèm khát, nô lệ cho lòng tham và dục vọng.

- Hay thay! Bạch Tôn giả, quả như lời Tôn giả, bốn điểm thuyết giáo của đức Đạo Sư thật vi diệu. Lành thay đức Thế Tôn! Trẫm xin quy y bậc A La Hán, Chánh Đẳng Giác và xin cáo từ Tôn giả.

- Đại vương, xin từ biệt.

6. Ngày xưa, cũng có một câu chuyện liên quan đến vấn đề Vô thường, nhan đề là “Nụ cười Án Tử” trong Tự Điển Danh Ngôn Đông Tây của Thanh Vân Nguyễn Duy Nhường. Câu chuyện như thế này:

Cảnh Công nước Tề đi chơi núi Ngưu Sơn, trèo lên mặt thành, đứng ngắm rồi tràn nước mắt vừa khóc vừa nói: “Đẹp quá chừng là nước ta! Thật là sầm uất thịnh vượng! Thế mà nỡ nào một tuổi một già, bỏ nước này mà chết đi. Giả sử xưa nay, người ta cứ sống mãi, quả nhân quyến luyến không nỡ bỏ nước Tề mà đi nơi khác”.

Bọn quân thần xiểm nịnh là Lữ Sử Không, Lương Khưu Cư thấy Vua khóc cũng rống lên khóc và tâu rằng: “Lũ hạ thần này đội ơn Vua có cơm rau mà ăn, có ngựa hèn xe xấu mà cưỡi cũng còn chẳng muốn chết, huống chi là nhà Vua”.

Một mình Án Tử đứng bên cạnh phá lên cười vang.

Cảnh Công gạt nước mắt, ngoảnh lại hỏi Án Tử: “Quả nhân hôm nay đi chơi thấy cảnh mà buồn. Không và Cư đều theo quả nhân mà khóc, một mình nhà ngươi cười là cớ làm sao?”.

Án Tử thưa: “Tâu Bệ hạ! Nếu người giỏi mà giữ được mãi nước này thì Thái Công, Hoàn Công đã giữ mãi. Nếu người mạnh mà giữ được nước này, thì Linh Công, Trang Công đã giữ mãi. Mấy Vua ấy mà giữ mãi, thì Bệ hạ nay chắc đang mặc áo tơi, đội nón lá, đứng ở đồng cày ruộng, có đâu mà lo đến cái chết. Chỉ vì hết đời này đến đời kia, thay đổi mãi, mới đến lượt Bệ hạ, mà Bệ hạ lại than khóc thật là bất nhân. Nay tôi thấy Vua bất nhân, lại thấy bề tôi xiểm nịnh nên tôi cười”.

Nguồn: quangduc.com
Previous Post
Next Post