Tất cả chúng ta đều thấy rằng một cuộc thay đổi triệt để rất cần thiết trong xã hội, trong chính bản thân, trong cá thể chúng ta, trong tương giao đoàn thể; nhưng làm thế nào để mang đến sự thay đổi triệt để như vậy? Nếu chỉ thay đổi bằng cách thích ứng qui thuận theo công thức ước lệ của một khuôn khổ do tâm trí phóng hiện ra, chỉ thay đổi bằng một kế hoạch nghiên cứu tỉ mỉ, hợp lý; thay đổi như thế thì vẫn còn nằm trong lãnh vực của trí óc; do đó, những gì trí óc tính toán đã trở thành cứu cánh, kiến tri, và chúng ta sẵn sàng hy sinh bản thân và hy sinh kẻ khác vì cứu cánh, vì kiến tri ấy.
Nếu các bạn chủ trì quan điểm này, nhất định hậu quả rõ rệt là chúng ta, những con người, chỉ là sản phẩm của trí óc, như thế đã ngụ ý nói lên sự nô lệ công thức, sự cưỡng ép bức bách; sự phũ phàng, dã man, những nạn độc tài, những trại tập trung, tất cả những tai biến đại loại như vậy. Khi chúng ta thờ phụng trí óc, sự thờ phụng ấy đã ngụ ý tất cả những điều tai hại vừa kể, phải thế không? Nếu mình ý thức được như vậy, nếu mình thấy được tính cách phù phiếm vô ích của kỷ luật, của sự kìm chế bức ép, nếu mình thấy rằng những hình thức đàn áp đa dạng chỉ làm tăng trưởng cái ‘tôi’ và cái ‘của tôi’, thế thì mình phải làm gì?
Muốn hiểu được vấn đề này một cách trọn vẹn, chúng ta phải đi sâu vào bản chất của ý thức. Tôi chẳng biết các bạn có tự mình suy nghĩ về vấn đề này hay lại chỉ trích dẫn những lời của kẻ có thẩm quyền về vấn đề này? Tôi chẳng biết các bạn có bao giờ lĩnh hội vấn đề từ ngay kinh nghiệm bản thân, từ ngay sự nghiên cứu bản thân, tìm hiểu ý thức có ngụ ngầm ý nghĩa như thế nào, chẳng những tìm hiểu ý thức của sinh hoạt thường nhật và của những sự đeo đuổi hàng ngày, mà cả ý thức ẩn tàng núp kín, sâu thẳm, phong phú, khó dò.
Nếu chúng ta cần phải thảo luận về vấn đề thay đổi toàn triệt bản thân, rồi thay đổi cả thế giới bên ngoài, và từ sự thay đổi này, đánh thức dậy một tri kiến nào đó, một sự phấn chấn, hào hứng, hăng hái tin tưởng, hy vọng dứt khoát, nguyên động lực cần thiết để hành động; nếu chúng ta cần phải hiểu vấn đề như thế, phải chăng chúng ta cũng cần nên đi sâu vào vấn đề ý thức?
Chúng ta có thể thấy được ý nghĩa của ý thức trong tầng lớp hời hợt của trí óc. Hiển nhiên, mọi người đều thấy rằng ý thức là tiến trình suy tư, tiến trình tư tưởng. Tư tưởng là kết quả của ký ức; sự vận hành của ngôn thể, ngôn thức; ý thức là đặt tên; ghi chép và chất chứa một số kinh nghiệm để có thể truyền đạt; trong mức độ hời hợt này, ý thức cũng là những sự ngăn cấm đa dạng, những sự kềm chế, phê chuẩn, kỷ luật. Chúng ta đã quá quen thuộc với tất cả những hình thức này.
Khi chúng ta đi sâu hơn nữa, chúng ta sẽ thấy rằng ý thức là tất cả những dấu vết tích trữ của chủng tính, những động cơ thầm kín, những thành kiến; thiên kiến, tức là kết quả của trực nhận, đụng chạm và thèm muốn. Trọn vẹn ý thức này, ý thức ẩn tàng cũng như ý thức lộ liễu, đã được tập trung chung quanh ý tưởng về cái ‘tôi’, tức là bản ngã.
Mỗi khi chúng ta thảo luận tìm cách mang đến một sự thay đổi nào đó, phải chăng thường khi chúng ta muốn nói đến một sự thay đổi ở mức độ hời hợt, bề mặt, thiển bạc? Với lòng quyết chí với những kết luận, những tín ngưỡng, kiểm soát cấm đoán, chúng ta cố gắng đạt tới một cứu cánh thiển cận, đối tượng mà chúng ta mong muốn, thèm khát và hy vọng đạt tới bằng sự trợ lực của vô thức, của những tầng lớp sâu thẳm của tâm trí; do đó, chúng ta nghĩ rằng cần phải khai mở bộc bạch thế giới sâu kín của bản thân. Nhưng những mức độ hời hợt của tâm trí và những mức độ gọi là sâu thẳm thì vẫn luôn luôn xung đột với nhau, tất cả những nhà tâm lý học, tất cả những kẻ nào đã theo đuổi sự tự giác đều hoàn toàn ý thức được điều ấy.
Sự xung đột nội tâm này sẽ mang đến một sự thay đổi không? Có phải đây mới là vấn đề căn bản nhất và quan trọng nhất trong đời sống thường nhật; làm thế nào mang đến một sự thay đổi, một sự biến thiên tận căn để trong chính bản thể? Chỉ tu chỉnh, chỉ sửa đổi hời hợt có thể đem đến sự thay đổi toàn triệt ấy? Phải chăng hiểu được những tầng lớp khác nhau của ý thức, của cái ‘tôi’, bộc bạch quá khứ, những kinh nghiệm cá nhân từ thuở bé nhỏ cho đến bây giờ khảo xét trong tự thể những kinh nghiệm tập thể của cha, mẹ, tổ tiên nòi giống, hậu cảnh qui định của xã hội đặc thù nào đó mà tôi đã sinh trưởng; phải chăng phân tích tất cả những điều vừa kể thì sẽ tạo ra được một sự thay đổi thực sự, chứ không phải chỉ là điều chỉnh, sửa đổi thôi?
Tôi cảm thấy rằng, cũng như cố nhiên các bạn cũng phải cảm thấy rằng việc khẩn yếu bây giờ là phải tạo ra một sự biến đổi căn bản trong đời sống mình, sự biến đổi ấy không phải chỉ là một phản ứng thôi, không phải là kết quả của áp lực cưỡng bức của những yêu sách nhu cầu hoàn cảnh. Vậy làm thế nào mình tạo ra được một sự biến đổi triệt để như thế? Ý thức tôi là tổng số kinh nghiệm con người, cộng thêm sự tiếp xúc riêng biệt của tôi đối với hiện tại; ý thức này có thể tạo ra một sự biến đổi toàn triệt?
Nghiên cứu chính ý thức mình, những sinh hoạt của mình; ý thức về những tư tưởng mình, những cảm giác; an định tâm trí để quan sát mà không phê phán; tiến trình này sẽ tạo ra được biến đổi không? Có thể nào tạo ra sự biến đổi toàn triệt bằng tín ngưỡng, bằng sự đồng hóa với một hình tượng phóng ngoại, gọi là lý tưởng? Tất cả điều vừa kể phải chăng đã ngụ ý rằng đã có sự xung đột nào đó xảy ra giữa cái tôi đang là và cái tôi phải là; tức là giữa hiện thể và lý tưởng? Sự xung đột thường xuyên ở nội tâm và xung đột với xã hội, có phải thế không? Sự xung đột tiếp diễn không ngừng giữa cái tôi đang là và cái tôi muốn là, giữa hiện thể và hy vọng; vậy thì sự xung đột này, sự giao tranh này sẽ tạo ra được sự biến đổi không?
Tôi thấy rằng sự biến đổi là điều khẩn thiết, tôi có thể nào, tạo ra sự biến đổi ấy bằng cách khảo xét trọn vẹn tiến trình của ý thức tôi, bằng cách chống chế cầm cự; bằng kỷ luật, bằng thực hành đủ mọi hình thức đàn áp, chế phục? Tôi cảm thấy rằng tiến trình kia không thể nào mang đến sự biến đổi tận căn rễ được. Mình phải hoàn toàn quả quyết dứt khoát về điều ấy. Và nếu tiến trình kia không thể nào mang đến sự biến chuyển căn bản, một cuộc cách mạng nội tâm sâu thẳm, vậy thì cái gì sẽ làm được việc ấy?
Các bạn làm thế nào tạo ra một cuộc cách mạng thực sự? Năng lực nào, tinh lực sáng tạo nào khả dĩ tạo ra được cuộc cách mạng ấy và nó phải được bộc phát như thế nào? Các bạn đã dùng nhiều kỷ luật, đã đeo đuổi những lý tưởng và đủ mọi lý thuyết thuần túy; chẳng hạn quan niệm rằng mình là Thượng đế, rằng nếu mình có thể nhập được Thiên tính hoặc thể nghiệm Alman hay tự ngã, thực thể tối thượng hoặc bất cứ danh hiệu nào khác, thì lúc ấy chính sự thể hiện thể nghiệm như vậy sẽ tạo ra một sự biến thiên căn bản.
Có thực hiện được như thế không? Trước tiên các bạn đặt định đề rằng một thực tại nào đó hiện hữu và các bạn đồng nhất thể với thực tại ấy, rồi các bạn xây dựng chung quanh thực tại ấy bao nhiêu là lý thuyết, bao nhiêu là suy tưởng tín ngưỡng, chủ thuyết, chủ trương, rồi các bạn cố gắng sống theo những lý tưởng ấy; khi suy nghĩ và hành động theo mẫu mực khuôn khổ ấy, các bạn tin rằng có thể tạo ra một cuộc biến đổi căn bản. Các bạn sẽ biến đổi được chăng?
Giả thử các bạn, y như phần lớn những người tu hành mộ đạo, cho rằng trong bản thể các bạn tận cùng căn nguyên sâu thẳm của nội tâm chứa đựng bản chất của thực tại; rồi nếu các bạn tôi luyện đức độ thực hành đủ mọi hình thức kỷ luật kìm chế, đàn áp, phủ nhận, hy sinh, dâng hiến, thì các bạn có thể đạt được thực tại ấy rồi sự biến chuyển cần yếu sẽ được thành hình ngay đó. Phải chăng giả thuyết ấy vẫn chỉ là phát từ tư tưởng? Phải chăng đó chỉ là kết quả của một khối óc bị qui định, một tâm trí đã được nuôi luyện để suy tư theo một đường lối nhất định nào đó, rập theo những khuôn mòn nào đó? Sau khi đã tạo ra hình ảnh, ý tưởng, lý thuyết, tín ngưỡng, hoài vọng, rồi các bạn mong chờ sản phẩm tạo tác ấy sẽ mang đến một sự biến đổi triệt để.
Trước tiên, mình cần phải thấy được những sinh hoạt vô cùng tế nhị của cái ‘tôi’ của trí óc; mình phải ý thức những ý tưởng; những tín ngưỡng, những suy tưởng và phải gạt bỏ tất cả những mớ ấy qua một bên, bởi vì tất cả những thứ ấy thực ra chỉ là những mớ lường gạt phỉnh phờ phải thế không? Những kẻ khác có thể đã thể nghiệm thực tại; nhưng các bạn; chính các bạn chưa thể nghiệm thực tại ấy, vậy thì có ích lợi gì trong việc suy nghĩ tưởng vọng thực tại kia hay hình dung mường tượng rằng bản thể mình là một thực thể nào đó, bất tử, thiêng liêng, thần thánh?
Suy tưởng như vậy vẫn còn nằm trong cương thổ của tư tưởng và những gì xuất phát từ tư tưởng thì vẫn bị qui định trói buộc, vẫn thuộc vào thời gian thuộc vào trí nhớ; do đó, không có gì là thực hẳn. Nếu mình thực sự ý thức, không phải mơ tưởng viễn vông, không phải tưởng tượng hồ đồ khờ khệch, nếu mình thực sự nhìn thấy rằng bất cứ sinh hoạt nào của trí óc trong sự tìm tòi suy tưởng, trong sự dò dẫm triết lý, bất cứ sự giả định nào, bất cứ sự tưởng tượng hay hy vọng nào cũng chỉ là tự lường gạt, tự lừa phỉnh; nếu mình thực sự thấy được sự thực ấy thì lúc ấy cái gì là năng lực, tinh lực sáng tạo để gây ra sự biến chuyển căn bản?
Có lẽ cho đến lúc này, chúng ta vẫn còn dùng tâm trí ý thức; chúng ta đã đi theo sát tinh thần biện luận, chúng ta đã phản đối hoặc chấp nhận sự biện luận này, chúng ta đã thấy rõ ràng hoặc mơ hồ. Muốn đi sâu hơn nữa, muốn thể nghiệm sâu thẳm hơn nữa chúng ta cần có một tâm trạng trầm lặng, khám phá nhanh nhẹn, vì khi mình đuổi theo một ý tưởng, mình sẽ trở thành người suy nghĩ đuổi theo những gì đang được trình bày và như thế thì mình tạo ra sự phân chia đối đãi, tinh thần phân hai, nhị nguyên.
Nếu các bạn muốn đi sâu hơn nữa vào vấn đề liên quan đến sự biến đổi toàn triệt trên, phải chăng tâm thái linh hoạt kia cần phải trầm lặng im lặng? Cố nhiên chỉ khi nào tâm trí bình lặng thì tâm trí ấy mới có thể hiểu được tính cách khó khăn vô cùng, những uẩn khúc của người suy nghĩ và điều suy nghĩ của người tư tưởng và chính tư tưởng, những uẩn khúc phức tạp của hai tiến trình gián cách, người thể nghiệm người quan sát và sự vật được quan sát; năng hành và sở hành.
Cuộc cách mạng sáng tạo, nội tâm, cuộc cách mạng không còn sự hiện diện của bản ngã, chỉ xuất hiện khi người tư tưởng và tư tưởng là một, duy nhất đồng nhất thể; khi sự phân chia, phân hai, tinh thần nhị tướng, nhị nguyên, không còn nữa, trường hợp ấy không còn sự khác nhau như người tư tưởng đứng bên ngoài tư tưởng và kiểm soát tư tưởng; tôi cho rằng chỉ có kinh nghiệm duy nhất này mới giải phóng tinh lực sáng tạo để đưa đến một cuộc cách mạng tận nền tảng, phá vỡ bản ngã tâm lý.
Chúng ta đều biết con đường vận hành của thế lực – thế lực qua hình thức sự thống trị, thế lực qua hình thức kỷ luật, thế lực bằng sự bắt buộc dồn ép. Qua hình thức thế lực chính trị, chúng ta mong muốn thay đổi tận nền tảng; nhưng thế lực ấy chỉ khai sinh ra thảm trạng đen tối, phân hóa, tàn ác, tăng trưởng cái ‘tôi’.
Chúng ta quá quen thuộc với đủ mọi hình thức chiếm hữu trong lãnh vực cá nhân cũng như trong lãnh vực đoàn thể, tuy thế chúng ta chưa bao giờ thử đi trên con đường của tình yêu, và chúng ta cũng không biết tình yêu có nghĩa gì. Tình yêu không thể nào thực hiện, khi mà con người tư tưởng còn hiện hữu, tức là trung tâm của bản ngã. Ý thức được tất cả mọi sự như thế, vậy mình phải làm gì?
Hiển nhiên một điều duy nhất khả dĩ mang đến một cuộc biến thiên căn bản, một sự giải phóng tâm lý có tính cách sáng tạo, đó là thức tỉnh thường nhật, chú ý, tinh ý, ý thức từng giây phút một, ý thức về những động cơ của chúng ta, động cơ ý thức cũng như động cơ vô thức. Khi chúng ta ý thức rằng những kỷ luật, những tín ngưỡng, những lý tưởng chỉ làm tăng trưởng cái ‘tôi’ và hoàn toàn vô ích – mỗi khi chúng ta, ý thức như vậy trong từng ngày một, thấy được sự thực của điều ấy, phải chăng chúng ta đã đến nơi cứ điểm trọng tâm, nơi con người tư tưởng vẫn thường xuyên phân ly gián cách bản thể hắn với tư tưởng của hắn, với những sự quan sát, những kinh nghiệm của hắn?
Khi mà con người tư duy vẫn hiện hữu biệt lập với tư duy mà hắn cố gắng khắc phục thì cuộc biến chuyển căn bản, tận nền tảng, vẫn chưa thể thực hiện được. Khi mà cái ‘tôi’ vẫn là kẻ giám định quan sát, kẻ thu góp kinh nghiệm, củng cố bản thân bằng kinh nghiệm thì cuộc thay đổi, biến đổi toàn triệt sự giải phóng sáng tạo, vẫn không thể nào thành hình được.
Cuộc giải phóng sáng tạo này chỉ hiện đến lúc nào con người tư duy là sự tư duy, cả hai làm một đồng nhất – nhưng hố sâu gián cách giữa con người tư duy và sự tư duy không thể nào lấp lại được bằng bất cứ nỗ lực nào. Khi tâm trí ý thức rằng bất cứ sự suy tưởng nào – bất cứ ngôn thức nào, bất cứ hình thức tư tưởng nào cũng chỉ là củng cố tăng trưởng cái ‘tôi’, khi tâm trí thấy rằng sự giới hạn, sự xung đột của tinh thần nhị nguyên không thể nào tránh được nếu chừng nào con người tư duy vẫn hiện hữu biệt lập với tư duy – khi tâm trí ý thức được như thế, liền lúc ấy tâm trí trở nên nhanh nhẹn thức tỉnh, luôn luôn ý thức tính cách gián cách phân ly của mình với kinh nghiệm, tính cách hiếu thắng thị oai, tìm kiếm quyền thế.
Khi ý thức như vậy, nếu tâm trí theo đuổi ý thức ấy càng sâu thẳm rộng rãi thêm mà không tìm kiếm cứu cánh mục đích; lúc ấy một trạng thái tâm tư xuất hiện, trong tâm thái ấy, con người tư duy và sự tư duy nhập nhau làm một. Trong tâm thái đồng nhất này, không còn ý thức thành đạt, không còn tham vọng đổi thay; trong tâm thái này, cái ‘tôi’ không còn nữa vì một cuộc biến chuyển đã thành hình mà không còn lệ thuộc vào tâm trí.
Chỉ lúc nào tâm trí trống rỗng thì mình mới có khả tính sáng tạo; nhưng khi nói về sự trống rỗng này, tôi không muốn ám chỉ trạng thái trống rỗng thông thường mà phần đông chúng ta đều trống rỗng một cách nông cạn hời hợt và điều ấy đủ lộ chân tướng qua lòng ham muốn đi tìm sự giải trí tiêu khiển.
Chúng ta muốn được vui đùa giải trí; do đó, chúng ta đã tìm đến những quyển sách, máy phóng thanh; chúng ta chạy tìm đến những buổi diễn thuyết, những uy quyền thế lực; tâm trí thường xuyên tìm cách tự lấp cho đầy. Tôi không nói đến sự trống rỗng này chỉ là một sự lơ đễnh, vô ý, vô tâm. Ngược lại, ở trên, khi nói về sự trống rỗng, tôi muốn nói đến sự trống rỗng đặc biệt, sự trống rỗng xuất hiện khi ta trầm tư mặc tưởng, chu đáo, chín chắn, khi tâm trí đã ý thức được động lực của nó trong việc tạo tác ảo tưởng và vượt qua được tất cả ảo tưởng ấy.
Sự trống rỗng mang tính cách sáng tạo không thể thực hiện khi con người tư duy còn chờ chực ngắm nghía, quan sát để thu góp kinh nghiệm, để tăng trưởng củng cố bản ngã. Tâm trí có thể nào trống sạch hết tất cả biểu tượng, tất cả những chữ nghĩa và những cảm giác do những chữ nghĩa ấy mang đến, để mà không còn kẻ thể nghiệm nào để tích trữ, chồng chất kinh nghiệm?
Tâm trí có thể nào xóa bỏ qua một bên trọn vẹn tất cả những lý luận, những kinh nghiệm, những cưỡng bách, những uy quyền, để mà tâm trí có thể đạt tới trạng thái trống rỗng, hư tâm? Các bạn sẽ không thể nào trả lời được câu hỏi này, điều ấy quá hiển nhiên, đó là một câu hỏi mà các bạn không thể nào trả lời được, bởi vì các bạn không hề biết, các bạn chưa từng thử bao giờ. Nhưng, tôi xin đề nghị, các bạn hãy lắng nghe câu hỏi đặt trước các bạn, hãy để mầm gieo trong lòng các bạn; và mầm ấy sẽ trở thành trái nếu các bạn thực sự lắng nghe câu hỏi và không chống chế nó.
Chỉ có điều mới lạ khả dĩ mang đến sự biến chuyển thực sự, chứ không phải điều xưa cũ. Nếu các bạn đeo đuổi khuôn khổ cũ, thì bất cứ sự biến đổi nào cũng chỉ là sự tiếp diễn biến thể của điều cũ; chẳng có gì mới lạ trong sự biến thể ấy, chẳng có gì gọi là có tính cách sáng tạo, sự sáng tạo chỉ xuất hiện khi chính tâm trí trở thành mới lạ; và tâm trí chỉ có thể đổi mới khi tâm trí có khả năng thấy được tất cả sinh hoạt nội tại của nó, chẳng những ở mặt ngoài hời hợt thôi, mà cả mặt trong sâu kín.
Khi tâm trí thấy được những sinh hoạt của nó, ý thức được những khát vọng riêng lẻ, những yêu sách, những đà lòng mãnh liệt, những đeo đuổi, ý thức được rằng chính tâm trí đã tạo ra những quyền uy thế lực, những nỗi sợ hãi cho chính nó; khi tâm trí thấy rằng chính tự thể đã chứa sẵn sự chống đối tạo ra bởi kỷ luật, bởi sự kìm chế, và chính sự thể ấy đã chứa sẵn hy vọng hoài bão và hy vọng hoài bão này đã phóng ngoại ra thành tín ngưỡng, những lý tưởng. Khi tâm trí đã thấy qua tất cả những thứ ấy; ý thức được toàn thể tiến trình ấy, vậy tâm trí kia có thể nào xua đuổi qua một bên tất cả những thứ ấy và trở nên mới lạ, trống rỗng một cách sáng tạo.
Các bạn khám phá được rằng tâm trí có thể hay không thể làm được việc ấy, chỉ khi nào các bạn thể nghiệm mà không phải có ý kiến về sự thể ấy, mà không phải mong muốn có kinh nghiệm về trạng thái sáng tạo ấy. Nếu các bạn muốn thể nghiệm trạng thái ấy, các bạn có thể thể nghiệm được; nhưng những gì các bạn thể nghiệm được vẫn không phải là sự trống rỗng có tính cách sáng tạo – đó chỉ là một sự phóng ngoại của lòng khát khao ham muốn.
Nếu các bạn muốn thể nghiệm sự mới lạ, các bạn chỉ sa lầy chìm ngập trong ảo ảnh huyễn mộng; nhưng nếu các bạn bắt đầu quan sát, bắt đầu ý thức về những sinh hoạt riêng của chính các bạn từng ngày một, từ ngày này sang ngày khác, từng giây phút một, từ giây phút này sang giây phút khác, chú ý trọn vẹn tiến trình bản thân như tự ngắm mình trong mặt kính soi, chỉ có lúc ấy, lúc các bạn đi càng lúc càng sâu thẳm hơn nữa, các bạn sẽ đi tới vấn đề tối hậu, tức là sự trống rỗng, và sự lạ chỉ có thể xuất hiện ở trong sự trống rỗng này.
Chân lý, Thượng đế, hay muốn gọi gì thì gọi, không phải là điều được trải nghiệm, bởi người kinh nghiệm là kết quả của thời gian, kết quả của trí nhớ, kết quả của quá khứ, và chừng nào còn người kinh nghiệm thì không có thực tại. Thực tại chỉ hiện đến khi và chỉ khi tâm trí hoàn toàn tự do thoát khỏi người phân tích, thoát khỏi người kinh nghiệm và kinh nghiệm. Các bạn sẽ tìm thấy câu trả lời và các bạn sẽ thấy rằng sự thay đổi đến không cần mời mọc, rằng trạng thái trống rỗng sáng tạo không phải là thứ được gieo trồng – nó nằm đó, thoáng hiện không cần mời gọi, và chỉ trong trạng thái đó mới bừng lên sự tươi mới, cách mạng và niềm vui sướng tràn lan.
Tác phẩm: Tự do đầu tiên và cuối cùng
Phần 1 - Chương 21: Quyền thế và thể hiện