Tín ngưỡng và kiến thức đều liên quan đến dục vọng; nếu chúng ta có thể lý giải được hai tiêu đề này thì có lẽ chúng ta có thể thấy được cách vận hành của dục vọng và hiểu được những uẩn khúc của lòng ham muốn.
Đối với tôi, dường như vấn đề tín ngưỡng là một trong những điều hầu hết chúng ta đều hăm hở chấp nhận và xem như điều đương nhiên không có gì đáng thắc mắc. Tôi không đả phá những tín ngưỡng. Chúng ta thử cố gắng tìm cho ra lý do tại sao chúng ta đã chấp nhận những tín ngưỡng; nếu chúng ta có thể hiểu những động lực duyên do của sự chấp nhận, lúc ấy có lẽ chúng ta chẳng những có thể hiểu được tại sao chúng ta làm thế mà còn có thể giải thoát khỏi nó.
Người ta có thể thấy rõ rằng những tín ngưỡng chính trị, tôn giáo, quốc gia và những loại tín ngưỡng khác đã phân hóa con người, tạo ra xung đột, hỗn loạn, và hiềm khích, đó là một sự kiện quá hiển nhiên; tuy thế chúng ta không muốn tước bỏ những tín ngưỡng ấy. Nào là tín ngưỡng Ấn độ giáo, tín ngưỡng Thiên Chúa giáo, Phật giáo và những thứ tín ngưỡng, vô số tín ngưỡng quốc gia và bè phái, những ý thức hệ chính trị khác nhau, tất cả tương tranh, cố gắng lôi kéo nhau về phe mình.
Hiển nhiên người ta có thể thấy rõ rằng tín ngưỡng đã phân hóa con người, tạo ra sự ngoan cố hẹp hòi; vậy thì có thể nào sống mà không cần phải có tín ngưỡng? Mình chỉ có thể tìm thấy điều đó khi mình có thể nghiên cứu bản thân trong tương giao với một tín ngưỡng. Có thể nào sống trên đời này mà không cần đến một tín ngưỡng, không phải thay đổi tín ngưỡng, không phải thay đổi tín ngưỡng này bằng một tín ngưỡng khác, mà hoàn toàn tự do thoát khỏi tất cả mọi tín ngưỡng, để mà mình gặp gỡ đời sống một cách mới lạ trong từng giây phút?
Tựu chung, đây mới là chân lý: có khả năng gặp gỡ tất cả mọi sự một cách mới lạ từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác, không bị qui định bởi phản ứng của quá khứ để không còn chịu duyên quả tích lũy gây ra chướng ngại giữa mình và cái đang là.
Nếu các bạn khảo sát rõ ràng thì các bạn sẽ thấy rằng một trong những lý do khiến ta ham muốn chấp nhận một tín ngưỡng là sự sợ hãi. Nếu chúng ta không có tín ngưỡng nào cả, những gì sẽ xảy đến cho chúng ta? Phải chăng chúng ta rất sợ hãi những gì có thể xảy đến cho mình? Phải chăng chúng ta cảm thấy hoàn toàn bị mất mát, nếu chúng ta không có một mẫu mực để hành động, xây dựng trên một tín ngưỡng, hoặc tín ngưỡng vào Thượng đế hoặc vào chủ nghĩa Cộng sản hoặc vào chủ nghĩa Xã hội, hoặc vào chủ nghĩa Đế quốc, hoặc vào một phương thức tôn giáo nào đó, một tín điều nào đó mà chúng ta bị quy định thúc phược?
Và sự chấp nhận một tín ngưỡng phải chăng chỉ là che đậy khuất lấp sự sợ hãi: sợ hãi rằng mình thực sự chẳng là gì cả, sợ hãi rằng mình phải bị trống rỗng tâm tư? Nói cho cùng, một cái tách chỉ có ích lợi khi nó trống rỗng; một đầu óc nhét đầy những tín ngưỡng, những tín điều, những quyết đoán, những lời trích dẫn thực ra chỉ là một đầu óc thiếu sáng tạo; đó là một đầu óc chỉ lặp đi lặp lại.
Phải chăng nhất định một trong những lý do cắt nghĩa tại sao chúng ta đã hăm hở ham muốn chấp nhận những tín ngưỡng là vì muốn trốn thoát khỏi sự sợ hãi, sợ hãi sự trống rỗng, sợ hãi cô đơn một mình một thân, sợ hãi ngưng đọng, ngưng trệ, sợ hãi không đến nơi đến chốn, sợ hãi không thành công, không thành tựu, không là một nhân vật nào đó, không trở nên một nhân vật nào đó hay một cái gì đó?
Và chúng ta có tự hiểu mình bằng cách chấp nhận tín ngưỡng? Không, trái lại hẳn. Một tín ngưỡng dù là chính trị hay tôn giáo, nhất định đều ngăn chặn lại sự tri ngộ bản thân. Tín ngưỡng tác động như một bức màn ngăn che mà chúng ta chỉ nhìn bản thân mình qua bức màn ngăn che ấy. Có thể nào chúng ta tri kiến bản thân mà không cần phải có tín ngưỡng? Có còn gì sót lại để tri kiến, nếu chúng ta tước bỏ những tín ngưỡng ấy, quá nhiều tín ngưỡng mà mình đã cưu mang?
Nếu chúng ta không có bất cứ tín ngưỡng nào để mà tâm trí tự đồng hóa với thứ tín ngưỡng ấy, lúc bấy giờ tâm trí, khi không còn sự đồng hóa, vụt có thể tri kiến bản thể đúng như là hiện thể và nhất định chỉ có lúc ấy mới thực sự bắt đầu sự tri cảm bản thân. Vấn đề tín ngưỡng và kiến thức quả thực là một vấn đề rất đáng lưu ý. Nó đã đóng một vai trò phi thường vô hạn trong đời sống của chúng ta!
Chúng ta đã có biết bao nhiêu là tín ngưỡng! Hễ người nào càng trí thức, càng có học, càng văn hóa, càng ‘tâm linh’, nếu tôi có thể dùng tiếng ấy, thì người ấy càng ít có khả năng để tìm hiểu. Những con người đời nay hãy còn man rợ mang nặng vô số là mê tín ngay cả trên thế giới hiện đại này. Có lẽ những người càng suy tư trầm mặc, càng tỉnh thức càng linh động thì lại càng ít có tín ngưỡng.
Điều ấy có thể giải thích được là vì tín ngưỡng đã trói buộc, tín ngưỡng cô lập hóa con người; chúng ta đã thấy như thế ở khắp thế giới, thế giới chính trị và kinh tế, cũng như thế giới gọi là ‘tâm linh’. Các bạn tin rằng có Thượng đế, và có lẽ tôi tin rằng không có Thượng đế; hay các bạn tin vào sự tài chế trọn vẹn của quốc gia trong tất cả mọi lãnh vực và trong tất cả mọi cá thể, và tôi tin vào sự kinh lịch riêng lẻ và tất cả những thứ đại loại như thế; các bạn tin rằng chỉ có một đấng Cứu thế; và nhờ đấng Cứu thế ấy, các bạn có thể đạt tới cứu cánh mục đích của các bạn và tôi không tin thế.
Thế là các bạn với tín ngưỡng của các bạn và tôi với tín ngưỡng của tôi, chúng ta đã tự quyết đoán với nhau. Dù vậy cả hai bên vẫn nói đến tình thương, nói đến hòa bình, nói đến sự đoàn kết nhất trí của nhân loại, cuộc nhân sinh đồng nhất, nói như thế thì tuyệt đối chẳng có ý nghĩa gì cả; bởi vì trong thực tế chính tín ngưỡng đã là một tiến trình biến dịch của sự cô lập phân chia, ly tán.
Bạn là một người theo Ấn độ giáo, tôi không theo Ấn độ giáo, bạn là một người Thiên chúa giáo, chẳng hạn tôi là một người theo Hồi giáo, vân vân và vân vân. Bạn nói đến tình huynh đệ và tôi cũng nói đến tình huynh đệ, tình thương và hòa bình, nhưng trong thực tế chúng ta chia rẽ nhau, chúng ta phân hóa nhau. Bất cứ người nào muốn có hòa bình, muốn sáng tạo lại một thế giới mới, thế giới hạnh phúc, hiển nhiên người ấy không thể nào tự cô lập hóa mình bằng bất cứ một hình thức tín ngưỡng nào đó. Có phải rõ ràng như thế không? Lời nói của tôi chỉ có thể là lời nói suông thôi, nhưng nếu các bạn thấy được ý nghĩa, giá trị và sự thực của lời nói ấy thì lời nói ấy sẽ tác động một cách hữu hiệu.
Chúng ta thấy rằng nơi nào có tiến trình tham dục vận hành nơi đó phải có tiến trình cô lập qua hình thức tín ngưỡng. Hiển nhiên bởi vì các bạn có tín ngưỡng để được bảo đảm an toàn trên bình diện kinh tế, tâm linh cũng như nội tâm. Tôi không muốn nói đến những người theo một tín ngưỡng vì một lý do kinh tế bởi vì họ đã được nuôi nấng để nương cậy vào công ăn việc làm của họ và, do đó, phải theo đạo Thiên chúa hoặc Ấn độ giáo hay bất cứ nhãn hiệu nào khác, họ theo bất cứ đạo nào để mà có thể có công ăn việc làm.
Chúng ta cũng không thảo luận về những hạng người đeo dính vào tín ngưỡng nào đó, vì muốn tiện nghi dễ dãi, có lẽ đó cũng là trường hợp của hầu hết chúng ta. Vì muốn tùy nghi, chúng ta tin tưởng vào một mớ gì đó.
Xua qua một bên những lý do kinh tế này, chúng ta phải đi sâu vào vấn đề hơn nữa. Lấy thí dụ hạng người tin tưởng mãnh liệt vào một sự thể nào đó thuộc phạm vi kinh tế, xã hội hay tâm linh; phải chăng phía sau niềm tin ấy vận hành tiến trình tham dục tâm lý muốn được an toàn, an ninh bảo đảm? Và lúc bấy giờ khởi lên lòng tham muốn được tiếp diễn liên tục. Nơi đây chúng ta không thảo luận để tìm hiểu xem có hay là không có sự liên tục, sự diễn tiếp trong tâm thức; chúng ta chỉ thảo luận sức xung động, mối thúc đẩy thường xuyên trong việc muốn tin tưởng, muốn có một tín ngưỡng.
Một người có tâm hồn thái hòa, một người thực sự muốn tìm hiểu trọn vẹn tiến trình của nhân sinh, người ấy không thể nào bị ràng buộc bởi bất cứ tín ngưỡng nào, phải thế không? Người ấy thấy ngay rằng lòng tham dục vận hành trong tâm hồn mình thật ra chỉ là một phương tiện để được an toàn.
Khoan, các bạn đừng vội đứng trên bình diện ngược lại mà cho rằng tôi đang thuyết giảng vô thần, vô tôn giáo. Đó không phải là quan điểm của tôi đâu. Quan điểm của tôi rõ ràng là: khi nào chúng ta chưa hiểu được tiến trình tham dục trong hình thức của tín ngưỡng thì nhất định phải xảy ra tranh giành xung đột, thống khổ, và con người sẽ chống lại con người, điều ấy người ta có thể thấy hàng ngày.
Thế thì nếu tôi trực nhận, nếu tôi ý thức được rằng tiến trình ấy đã mang hình thức của tín ngưỡng và tín ngưỡng là sự phát triển phát biểu của lòng tham muốn an toàn nội tâm, lúc bấy giờ vấn đề của tôi không phải là tôi phải có tín ngưỡng này hay tín ngưỡng kia mà vấn đề thực sự phải là: tôi phải giải thoát tôi ra ngoài lòng ham muốn được an toàn an ninh.
Có thể nào tâm trí được giải thoát ra ngoài lòng tham muốn được an toàn an ninh? Đó mới là vấn đề, chứ không phải là phải có tín ngưỡng gì và bao nhiêu tín ngưỡng. Những thứ ấy chỉ là sự phát biểu lòng ham muốn bên trong tâm hồn: muốn được bảo đảm an toàn an ninh về mặt tâm lý, muốn được chắc chắn về một điều gì đó, khi mà tất cả mọi sự trên đời đều quá bấp bênh vô định.
Có thể nào một tâm trí, có thể nào một trí óc trí thức, có thể nào một nhân tính nhân cách được thoát ra ngoài lòng tham muốn an toàn an mệnh. Chúng ta được an toàn và do đó cần đến sự hỗ trợ những tài sản của chúng ta những cơ nghiệp và gia đình của chúng ta. Chúng ta muốn được an toàn nội tâm và đồng thời được an toàn trong tâm linh bằng cách xây dựng những thành trì tín ngưỡng, những bức tường tín ngưỡng ấy chỉ tỏ bày cho mình thấy lòng khát khao muốn được rõ ràng chắc chắn bảo đảm nhất định.
Có thể nào bạn, một cá thể, có thể thoát ra khỏi sự xung động nội tâm này, thoát khỏi lòng khát khao muốn được an bình, an toàn bảo đảm, lòng khát khao ấy được phát hiện chân tướng qua lòng tham muốn có tín ngưỡng vào một điều nào đó? Nếu chúng ta không thoát ra ngoài tất cả những thứ ấy, chúng ta sẽ là nguồn gốc của sự tương tranh xung đột, chúng ta sẽ không còn là những kẻ hiếu hòa; chúng ta không có được tình thương trong lòng chúng ta.
Tín ngưỡng phá hoại con người, và điều ấy có thể thấy được trong đời sống thường nhật. Có thể nào tôi tri kiến được bản tính tôi khi tôi bị kẹt vướng trong tiến trình tham dục, lòng tham dục ấy đã tự phát biểu rõ rệt trong sự đeo níu vào một tín ngưỡng nào đó? Có thể nào tâm trí được giải thoát, tự thoát ra ngoài tín ngưỡng, không tìm cách thay thế tín ngưỡng ấy bằng một hình thức khác mà phải hoàn toàn giải thoát khỏi nó? Các bạn không thể trả lời suông là ‘có’ hay ‘không’ cho câu trả lời trên; nhưng các bạn chỉ có thể dứt khoát trả lời được nếu chủ tâm các bạn là muốn được giải thoát ra ngoài tín ngưỡng.
Lúc bấy giờ nhất định các bạn sẽ đến nơi cứ điểm mà các bạn đang tìm kiếm phương tiện để tự giải thoát bản thân ra ngoài lòng khao khát muốn được an ninh, an toàn. Hiển nhiên không thể nào có sự an toàn bên trong tâm tư mà vẫn tiếp diễn liên tục như các bạn muốn tin tưởng như thế. Các bạn muốn tin tưởng rằng có một Thượng đế đang cẩn thận chăm sóc những điều nhỏ bé ti tiện của các bạn, một Thượng đế dạy bảo cho các bạn những ai các bạn phải viếng thăm, những gì các bạn phải làm và các bạn phải làm điều ấy bằng cách nào.
Điều ấy chỉ là suy nghĩ ngây thơ, trẻ con, thiếu chín chắn. Các bạn nghĩ rằng có một người Cha Tối Cao đang quan phòng mỗi một chúng ta. Đó chỉ là sự phóng đại ra bên ngoài những gì các bạn thầm muốn bên trong. Điều ấy hoàn toàn không có gì thực cả. Chân lý phải là một điều hoàn toàn khác hẳn.
Vấn đề kế tiếp chúng ta là vấn đề kiến thức. Kiến thức có cần thiết cho việc tìm hiểu chân lý hay không? Khi tôi nói ‘tôi biết’, điều ấy ngụ ngầm rằng tôi có kiến thức. Một trí óc như thế có thể nào có khả năng khảo sát tìm tòi bản tính của thực tại? Ngoài ra, chúng ta biết được gì mà chúng ta lại hãnh diện như thế? Trong thực tế, chúng ta biết được những gì? Chúng ta chỉ biết được những gì do người khác đưa lại. Trí óc chúng ta tràn đầy kiến thức thông đạt theo kiểu ấy, tràn đầy kinh nghiệm được đặt nền móng trên bối cảnh qui định của chúng ta, trên ký ức và khả năng của chúng ta.
Khi bạn nói ‘tôi biết’, bạn muốn nói gì, có phải sự tri nhận mà bạn biết được là việc nhận ra một sự kiện nào đó, một tin tức loan truyền thông đạt nào đó nếu không thể thì đó là một kinh nghiệm mà bạn đã trải qua. Sự tích lũy thông thức, sự tích trữ thâu nạp những hình thức khác nhau của kiến thức, tất cả những thứ ấy làm thành những câu nói quả quyết ‘tôi biết’; và bạn bắt đầu thông diễn những gì các bạn đã đọc trong sách tùy theo bối cảnh trưởng thành của các bạn, lòng ham muốn, kinh nghiệm của các bạn. Kiến thức của các bạn là một sự thể chứa đựng sự vận hành của một tiến trình tham dục.
Thay vì tín ngưỡng, các bạn thế lại bằng kiến thức. ‘Tôi biết, tôi trải qua kinh nghiệm, điều ấy không thể chối bỏ được; kinh nghiệm của tôi là thế và tôi hoàn toàn tin cậy vào đó’; những thứ vừa kể là những dấu hiệu chứng tỏ kiến thức mà chúng ta đề cập. Nhưng khi các bạn đi vào bên sau kiến thức ấy, phân tích nó, ngắm nhìn nó một cách cẩn thận và thông minh hơn, các bạn sẽ thấy rằng chính câu nói quả quyết ‘tôi biết’ chỉ là một bức tường phân chia các bạn và tôi. Đằng sau bức tường ấy các bạn tìm nơi nương náu trú ẩn, tìm kiếm tiện nghi, an tâm an ninh, an toàn, an mệnh. Do đó, một trí óc càng nặng chĩu với trí thức thì trí óc ấy càng ít có khả năng tìm hiểu thông cảm, giao cảm.
Tôi không biết rằng các bạn có bao giờ suy nghĩ về vấn đề thâu đạt kiến thức vừa nêu ở trên, tìm hiểu xem kiến thức có rốt ráo giúp đỡ chúng ta thương yêu, giúp đỡ chúng ta thoát ra ngoài những điều đã gây ra xung đột trong bản thân chúng ta và xung đột với những người láng giềng, tìm hiểu xem kiến thức có bao giờ giải thoát tâm trí ra ngoài sự tham vọng. Bởi vì tham vọng rút lại chỉ là một trong những điều phá hoại tương giao và xui khiến cho con người chống lại con người.
Nếu chúng ta sống với nhau một cách nhân hòa thanh bình, chắc chắn tham vọng phải chấm dứt hoàn toàn, chẳng những tham vọng xã hội, kinh tế, chính trị thôi, mà kể cả một tham vọng khác vi tế hơn và khốc hại hơn, đó là tham vọng tâm linh, tham vọng được là một thực thể nào đó, chẳng hạn. Có bao giờ tâm trí được tự do, giải thoát ra ngoài tiến trình tích lũy của kiến thức, giải thoát ra ngoài lòng ham muốn hiểu biết, chẳng hạn?
Đây là một điều rất đáng lưu tâm để ý, kiến thức và tín ngưỡng, cả hai đều giữ một vai trò đầy quyền năng trong đời sống chúng ta. Hãy để ý rằng chúng ta quá sùng bái những kẻ nào có kiến thức và học thức uyên bác! Các bạn có thể nào hiểu được ý nghĩa của sự kiện này? Nếu các bạn muốn tìm thấy một cái gì mới lạ, thể nghiệm một cái gì đó mà không phải là sự phóng hiện của trí tưởng tượng, thì tâm trí các bạn phải được tự do, có phải thế không?
Tâm trí ấy phải có khả năng đón nhận sự mới lạ. Thực là chẳng may mắn, cứ mỗi lúc nào các bạn thấy một cái gì mới lạ, các bạn lôi lại tất cả mớ tin tức, thông thức mà các bạn đã biết rồi, các bạn khơi lại tất cả kiến thức, tất cả những ký ức kỷ niệm quá khứ; hiển nhiên các bạn không còn có khả năng nhìn thấy, không còn có khả năng đón nhận bất cứ điều gì mới lạ, không phải xưa cũ.
Xin các bạn vui lòng đừng diễn dịch lại điều vừa nói bằng chi tiết rườm rà.
Nếu tôi không biết cách trở về nhà, tôi sẽ lạc đường mất hướng; nếu tôi không biết sử dụng một cái máy, tôi sẽ trở thành kẻ vô dụng. Không, trường hợp này không giống trường hợp trên. Chúng ta không phải thảo luận trường hợp thông thường vừa nêu. Chúng ta chỉ thảo luận về kiến thức được dùng như là phương tiện để được an ninh an toàn, lòng khát khao tâm lý muốn được là một thực thể nào đó.
Các bạn tìm được gì qua kiến thức? Quyền uy của kiến thức, sức nặng của kiến thức cảm giác quan trọng, tư cách, nhân phẩm, cảm giác tràn đầy sinh khí và tất cả những thứ ấy? Kẻ nào nói rằng ‘tôi biết’, ‘có cái này’ hay ‘không có cái này’, kẻ nào nói như thế thì chắc chắn không còn suy nghĩ nữa, không còn theo dõi trọn vẹn tiến trình của tham dục.
Như tôi đã nghĩ, vấn đề của chúng ta như vậy chỉ là ý thức rằng chúng ta đã bị ràng buộc, bị đè nặng bởi tín ngưỡng, bởi kiến thức; có thể nào một tâm trí có thể giải thoát khỏi kỷ niệm ngày qua và giải thoát khỏi những tín ngưỡng đã được thu thập qua tiến trình của kỷ niệm hôm qua? Các bạn lĩnh hội câu hỏi này?
Với tư cách là cá thể, bạn và tôi có thể nào sống trong xã hội mà vẫn giải thoát khỏi mọi tín ngưỡng mà chúng ta đã được dạy dỗ trao truyền từ thuở bé? Tâm trí có thể nào thoát ra ngoài tất cả thứ kiến thức vừa nêu, tất cả thứ quyền uy vừa kể? Chúng ta đọc nhiều kinh điển thiêng liêng, chúng ta đã được dạy kỹ lưỡng phải làm gì, không được làm gì, phải đạt đến đích như thế nào, mục đích ấy là gì và Thượng đế là gì, vân vân. Các bạn đều biết nằm lòng những điều ấy và các bạn đã đeo đuổi tu tập theo những điều ấy. Đó là kiến thức của các bạn, đó là những gì các bạn đã thu lượm gặt hái được; các bạn đã hướng cuộc đời các bạn trên nẻo đường ấy. Hiển nhiên, mình tìm kiếm cái gì thì mình sẽ gặp cái ấy.
Nhưng có phải cái ấy là thực tại? Phải chăng đó chỉ là sự phóng đại của chính kiến thức của các bạn? Đó không phải là thực tại. Có thể nào thể hiện được thực tại ngay bây giờ, chứ không đợi đến ngày mai; mà phải ngay hiện giờ; có thể nào thể hiện thực tại trong giây phút này và nói rằng ‘tôi thấy chân lý của thực tại’, rồi bỏ yên ở đó, không màng tới nữa để tâm trí không phải bị bại hoại bởi tiến trình của sự tưởng tượng, của sự phóng đại ngoại hiện?
Tâm trí có thể giải thoát khỏi tín ngưỡng không? Các bạn chỉ có thể giải thoát khỏi tín ngưỡng, khi các bạn hiểu được tính chất nội tại của những lý do đã khiến cho các bạn chì giữ lấy tín ngưỡng, chẳng những lý do ý thức mà cả lý do tiềm thức nữa, chính những lý do ấy đã khiến các bạn giữ lấy tín ngưỡng. Tuy thế, chúng ta không phải chỉ là một thức thể hời hợt hoạt động trên bình diện ý thức thôi. Chúng ta có thể tìm ra những sinh hoạt ý thức và vô thức sâu thẳm hơn nữa, nếu chúng ta để cho tâm ý vô thức được dịp phát khởi bởi vì vô tâm đáp ứng nhanh nhẹn hơn tâm thức.
Đang lúc tâm trí ý thức đang suy nghĩ, lắng nghe và ngắm nhìn một cách im lặng thì vô tâm lại linh hoạt hơn nhiều, mẫn tiệp hơn nhiều và cởi mở hơn nhiều; vì thế, vô tâm có thể đáp ứng được liền. Tâm trí bị nô lệ, trói buộc, bức bách, hăm dọa, ép buộc phải có tín ngưỡng, như vậy tâm trí ấy có thể nào được tự do để suy nghĩ hay không? Tâm trí ấy có thể ngắm nhìn mọi sự một cách mới lạ và đẩy tan tiến trình cô lập giữa các bạn và một kẻ khác?
Xin các bạn đừng nói rằng tín ngưỡng hợp nhất mọi người lại. Tín ngưỡng không thể làm được việc ấy. Đó là điều quá hiển nhiên. Chưa một tôn giáo có tổ chức nào khả dĩ làm được việc ấy. Các bạn hãy tự nhìn các bạn trong xứ sở các bạn. Các bạn đều là kẻ có tín ngưỡng, nhưng các bạn có hợp nhất nhau được chưa? Các bạn có nhất trí đoàn kết? Chính các bạn tự biết rằng các bạn không nhất trí đoàn kết gì cả. Các bạn đã phân rẽ thành ra bao nhiêu đảng phái, giai cấp bé nhỏ bần tiện; các bạn ý thức được vô số sự phân hóa.
Tiến trình tâm thức này đều vận hành như nhau ngay trên toàn thế giới, không phân biệt Đông hay Tây; họ tàn sát tương tranh giành giật những điều nhỏ bé bần tiện, xô đẩy nhau thành những trận tuyến đối nghịch, tạo ra nỗi hãi hùng khủng khiếp về nạn binh đao. Do đó, tín ngưỡng không bao giờ hợp nhất loài người được. Điều ấy quá minh bạch rồi. Nếu điều ấy quá minh bạch và chính xác, nếu các bạn đã ý thức được điều ấy thì các bạn nên nghe theo sự thật minh bạch ấy.
Nhưng nỗi khó khăn lớn lao là hầu hết chúng ta không ý thức được như vậy, bởi vì chúng ta không thể đối mặt với nỗi bất an nội tâm, cảm giác nội tại của nỗi cô đơn. Chúng ta muốn nương dựa vào một điều gì đó để mà có thể sống, điều ấy có thể là Quốc gia, có thể là giai cấp, chủ nghĩa quốc gia dân tộc, một bực Tôn Sư hay một Đấng Cứu thế hay bất cứ điều gì khác trên đời. Mỗi khi chúng ta ý thức được sự sai lầm của tất cả những thứ nương tựa trên, chỉ có lúc ấy, tâm trí mới có thể thấy được chân lý của mọi sự, dù việc trực kiến chân lý có thể chỉ xảy ra trong giây phút; dù chân lý có thể vượt quá mức ý thức nhất thời nhưng chân lý vẫn trở về lại cho những tâm hồn chí thành.
Nhưng dù chỉ thấy chân lý nhất thời thôi thì cũng quá đủ rồi, nếu các bạn có thể nhìn thấy chân lý trong một giây phút vụt qua, nhưng thế cũng đủ rồi; bởi vì lúc bấy giờ các bạn sẽ thấy xuất hiện một sự thể tuyệt vời khác thường. Vô tâm đang vận hành, dù tâm thức có thể phủ nhận xua đuổi. Giây phút trực kiến chân lý không phải là giây phút tiệm tiến; nhưng giây phút ấy chính là điều độc nhất và tạo tác những hiệu quả đặc biệt, dù tâm thức cố gắng chống chế lại nó.
Vậy, vấn đề của chúng ta là: có thể nào tâm trí được tự do thoát khỏi mọi kiến thức và tín ngưỡng? Phải chăng tâm trí được hình thành nhờ kiến thức và tín ngưỡng? Phải chăng cơ cấu tâm trí là tín ngưỡng và kiến thức? Tín ngưỡng và kiến thức là những tiến trình tri nhận, trung tâm của tâm thức. Tiến trình ràng buộc đóng nhốt mọi sự lại, tiến trình ấy vừa là ý thức vừa là vô thức. Có thể nào tâm trí thoát khỏi chính cơ cấu hình thành của nó? Có thể nào tâm trí chấm dứt, không hiện thể nữa? Đó mới là vấn đề.
Như chúng ta đã biết rằng tâm thức có tín ngưỡng đằng sau nó, tâm thức nuôi dưỡng chứa chấp khát vọng, lòng manh động mong muốn được an toàn; tâm thức chứa chấp cả kiến thức và tích lũy sức lực. Nếu mình không thể suy nghĩ riêng lẻ cho bản thân mình, dù với tất cả thế lực và tôn thế có sẵn trong mình, thì vẫn không thể nào thấy được hòa bình xuất hiện ở thế giới. Các bạn có thể nói về hòa bình, các bạn có thể tổ chức những đảng phái chính trị, các bạn có thể la lối trên mái nhà để tranh đấu cho một cái gì đó; nhưng các bạn không thể có được hòa bình; bởi vì trong tâm trí chứa đựng nền tảng gây mầm cho sự mâu thuẫn cô lập và phân hóa.
Con người hòa bình, con người đứng đắn uy nghi, không thể nào tự cô lập hóa mình, rồi lại rêu rao về tình huynh đệ và hòa bình. Đó là một ngón đùa, dù là thuộc phạm vi chính trị hay tôn giáo, nó tạo cho mình một cảm giác về sự tựu thành, cảm giác của lòng tham vọng. Con người nào thực sự nghiêm trang đứng đắn về vấn đề này, muốn thực sự khám phá thì phải đối mặt với vấn đề kiến thức và tín ngưỡng; người ấy phải đi thấu bên sau vấn đề, khám phá ra trọn vẹn tiến trình tham dục đang vận hành, lòng ham muốn được bảo đảm an toàn, lòng khát khao được an định chắc chắn.
Bất cứ tâm trí nào muốn được đạt tới tâm thái mà điều mới lạ có thể xuất hiện, dù gọi điều mới lạ ấy là Thượng đế hay bất cứ danh từ nào khác, thì tâm trí ấy nhất định chắc chắn phải chấm dứt việc thu đạt, lượm lặt, gặt hái, tích lũy và không sở đắc gì nữa; tâm trí ấy phải xua qua một bên tất cả kiến thức. Tâm trí chồng chất nặng chĩu đầy ứ kiến thức cố nhiên không thể nào lý hội được hiện thể thực tại, vì hiện thực thì vẫn là vô hạn vô lượng.
Tác phẩm: Tự do đầu tiên và cuối cùng
Phần 1 - Chương 6: Tín ngưỡng