Tư tưởng chưa giải quyết được những vấn đề chúng ta và tôi nghĩ rằng tư tưởng cũng sẽ không bao giờ giải quyết được những vấn đề chúng ta. Chúng ta đã nương cậy vào trí năng để nhờ trí năng tỏ bày một lối đi cho chúng ta ra ngoài tình trạng phức tạp rắc rối hiện nay. Nhưng khi trí năng càng xảo quyệt, càng xấu xa, càng xảo trá thì lại càng có nhiều, càng có đủ loại hệ thống ý thức đủ loại lý thuyết và đủ loại ý tưởng.
Những ý tưởng không giải quyết được bất cứ vấn đề nào của con người; những ý tưởng đã không bao giờ và sẽ không bao giờ giải quyết được bất cứ cái gì. Tâm trí không phải là sự giải đáp; đường lối của tư tưởng hiển nhiên không phải là con đường đưa mình thoát ra ngoài mọi gian nan khó khăn.
Đối với tôi, trước tiên chúng ta cần phải hiểu tiến trình của tư tưởng, và có lẽ phải có khả năng vượt qua tiến trình tư tưởng này – vì khi tư tưởng ngừng lại thì có lẽ chúng ta sẽ có thể tìm ra hướng đi khả dĩ giúp mình giải quyết những vấn đề, chẳng những vấn đề cá nhân thôi mà cả vấn đề tập thể.
Tư tưởng chưa giải quyết được những vấn đề chúng ta. Những kẻ tinh ranh, những triết gia, những học giả, những kẻ lãnh đạo chính trị chưa thực sự giải quyết bất cứ vấn đề nào của con người – tức là tương quan giữa các bạn và một kẻ khác, giữa các bạn và tôi. Từ lâu nay, chúng ta đã dùng trí óc, trí năng để mà có thể khảo sát vấn đề và mong mỏi tìm được sự giải đáp. Tư tưởng có bao giờ có thể giải tán những vấn đề của chúng ta?
Chỉ ngoại trừ trường hợp ở phòng khảo nghiệm hay trên tấm bảng kê ở tường làm việc, trong tất cả các trường hợp khác, tư tưởng vẫn luôn luôn tự bảo vệ, tự tìm cách tiếp diễn liên tục và vẫn bị ràng buộc qui định? Phải chăng sinh hoạt của tư tưởng chỉ là vị ngã? Và tư tưởng vị kỷ có thể nào phân giải được bất cứ vấn đề nào? Vì tất cả vấn đề ấy đều do chính tư tưởng đã tạo ra? Trí óc có thể nào giải trừ những vấn đề mà chính những trí óc đã khai sinh, đã tạo tác ra?
Tư tưởng đại loại như trên chỉ là một phản ứng. Nếu tôi hỏi các bạn một câu hỏi, các bạn liền đáp ứng lập tức – các bạn đáp ứng lại tùy thuộc theo trí nhớ các bạn, theo những thành kiến các bạn, theo hậu cảnh hình thành của đời sống các bạn, theo thời tiết, theo toàn thể bối cảnh của tính cách tất yếu qui định trong tâm thức; các bạn đáp ứng thích ứng theo những sự qui định như vậy, các bạn suy tưởng thích ứng theo như thế. Tâm điểm của tất cả hậu cảnh, bối cảnh bối cảnh tâm tư này chính là cái ‘tôi’ trong diễn trình tác động.
Khi mà mình không hiểu được hậu cảnh tâm thức này, khi mà mình không hiểu được tiến trình của tư tưởng; không hiểu được bản ngã đã tạo tác ra vấn đề, mình không thể chấm dứt tất cả những sự vận hành vị kỷ ấy, mình vẫn bắt buộc phải tạo ra xung đột, ở bên trong và bên ngoài, trong tư tưởng trong cảm xúc, trong hành động. Không có sự giải đáp nào khả dĩ chấm dứt sự xung đột giữa con người và con người, giữa các bạn và tôi, dù sự giải đáp ấy có thể tinh tế đi nữa có thể chín chắn đến đâu đi nữa thì cũng vẫn bất lực.
Khi ý thức được như vậy, khi ý thức được cách xuất phát của tư tưởng, nguồn gốc của tư tưởng, chúng ta đặt câu hỏi ‘tư tưởng có thể nào chấm dứt không?’
Đây là một trong những vấn đề của chúng ta, phải thế? Tư tưởng có thể nào giải trừ những vấn đề của chúng ta? Nghĩ chín chắn về vấn đề, khi tư tưởng kỹ lưỡng như vậy, các bạn có thể giải quyết được vấn đề? Bất cứ vấn đề nào, vấn đề kinh tế, xã hội, tôn giáo, có vấn đề nào được thực sự giải quyết bằng tư tưởng không? Trong đời sống thường nhật của các bạn, khi các bạn càng suy nghĩ nhiều về một vấn đề, vấn đề lại càng trở nên rắc rối phức tạp, khó giải quyết, vô định hơn nữa. Phải thế không? Phải chăng đời sống thực tế hàng ngày của chúng ta là như vậy?
Khi các bạn suy nghĩ kỹ vài ba khía cạnh nào đó của vấn đề, các bạn có thể trông thấy rõ hơn quan điểm của người khác, nhưng tư tưởng không thể nào thấy được toàn diện, toàn bộ vấn đề - tư tưởng chỉ có thể thấy một cách phiến diện, một lời giải đáp phiến diện không phải là sự đáp ứng trọn vẹn, do dó, không phải là một sự giải quyết nào hết.
Chúng ta càng nghĩ chín chắn một vấn đề, chúng ta càng khảo sát, phân tích, thảo luận một vấn đề thì vấn đề ấy lại càng trở nên rối rắm phức tạp thêm lên. Thế thì có thể nào nhìn vấn đề một cách thông suốt, trọn vẹn? Làm thế nào? Vì dường như đối với tôi, đó là nỗi khó khăn lớn của chúng ta. Vấn đề chúng ta hiện nay gia tăng gấp bội – nào là nguy cơ chiến tranh cấp bách, nào là đủ mọi nhiễu loạn trong sự tương giao của chúng ta – làm thế nào chúng ta có thể hiểu được tất cả mọi sự này một cách thông suốt một cách trọn vẹn?
Cố nhiên sự việc chỉ có thể giải quyết khi chúng ta có thể nhìn nó một cách toàn diện – chứ không cục bộ, không chia rẽ. Khi nào có thể thực hiện được như thế? Chắc chắn là điều ấy chỉ có thể thực hiện khi tiến trình tư tưởng đã chấm dứt – tiến trình tư tưởng này xuất nguồn từ cái ‘tôi’, từ bản ngã, từ bối cảnh của truyền thống, của tâm thức qui định của thành kiến, của hy vọng và tuyệt vọng.
Chúng ta có thể nào hiểu được bản ngã này, không cần phân tích, mà lại chỉ nhìn thấy sự thể đúng như nó đang hiện thể, ý thức về sự thể đúng là một sự kiện, chứ không phải như là một lý thuyết? – không phải tìm cách giải tan bản ngã để đạt tới một kết quả mà lại nhìn thấy sinh hoạt của cái ‘tôi’ thường xuyên trong hành động?
Chúng ta có thể nào nhìn thấy nó, không cần phải vận dụng tìm cách phá hủy hoặc tìm cách làm phấn khởi? Đó mới chính là vấn đề, phải thế không? Những vấn đề của chúng ta sẽ chấm dứt lập tức, nếu trung tâm điểm của cái ‘tôi’ không hiện hữu trong mỗi người chúng ta, nếu cái ‘tôi’ mất đi cùng lúc với lòng khát vọng quyền thế, địa vị, uy lực, sống dai, duy trì tự ngã.
Tự ngã là một vấn đề mà tư tưởng không thể giải tan được. Ý thức của mình phải không lệ thuộc vào tư tưởng. Ý thức về những sinh hoạt của bản ngã và không phê phán hoặc không biện minh – chỉ ý thức thôi – là cũng đủ rồi. Nếu các bạn ý thức để mà tìm cách giải quyết vấn đề mà biến chuyển nó, để tạo ra một kết quả, thế thì việc ấy vẫn còn nằm trong lãnh vực của bản ngã, của cái ‘tôi’. Khi mà chúng ta còn tìm kiếm một kết quả như kết quả trong việc phân tích, trong ý thức, sự khảo sát thường xuyên mỗi một ý tưởng thì chúng ta vẫn còn nằm trong lãnh vực của cái ‘tôi’, của bản ngã, hay muốn gọi gì thì gọi.
Khi sinh hoạt của tâm trí còn hiện hữu, chắc chắn không thể nào có tình yêu được. Khi tình yêu tình thương xuất hiện, chúng ta sẽ không còn những vấn đề xã hội nữa. Nhưng tình yêu không phải là một cái gì có thể sở đắc, thâu đạt được. Tâm trí có thể tìm cách sở đắc, thâu đạt, như thâu đạt một tư tưởng mới, một đồ vật mới, một đường lối suy tư mới, nhưng tâm trí không thể nào đạt tới trạng thái thương yêu, khi mà tư tưởng còn đang thâu đạt tình yêu.
Khi mà tâm trí còn đang tìm cách đạt tới trạng thái không gian tham, chắc chắn là tâm trí ấy vẫn còn gian tham, phải thế không? Cũng như vậy, khi mà tâm trí ao ước, thèm khát, và vận dụng để đạt tới trạng thái thương yêu, chắc chắn là tâm trí đã phủ nhận trạng thái ấy rồi, phải thế không?
Khi thấy được vấn đề này, vấn đề rối rắm của đời sống này, khi ý thức được tiến trình của chính tư tưởng mình và biết rõ rằng tư tưởng thực ra chẳng đưa ta đi đến đâu cả - khi chúng ta ý thức một cách sâu xa như thế, thì nhất định lúc ấy chúng ta đạt tới một trạng thái minh mẫn, thông suốt, sự thông minh này không phụ thuộc vào cá thể hay tập thể.
Lúc ấy, vấn đề tương giao của cá thể đối với xã hội, của cá thể đối với cộng đồng, của cá thể đối với thực tại, sẽ chấm dứt ngay bởi vì lúc ấy chỉ có một trạng thái duy nhất là sự thông suốt minh mẫn, sự thông minh này không thuộc vào cá nhân và cũng không phải là phi nhân. Tôi cảm thấy rằng chỉ có sự thông minh này thôi mới có thể giải quyết những vấn đề to tát của chúng ta. Sự thông minh ấy không thể là một kết quả; trạng thái này chỉ xuất hiện khi chúng ta hiểu trọn vẹn tiến trình của tư tưởng, chẳng những ở mức độ ý thức mà cả những mức độ thầm kín, sâu thẳm của ý thức.
Muốn hiểu được bất cứ vấn đề nào, chúng ta phải có một tâm trạng bình thản trầm lặng, một tâm trí thảnh thơi im lặng, để mà trí óc có thể ngắm nghía vấn đề mà không xen vào những ý tưởng hoặc những lý thuyết, không xao lãng, bối rối, đãng trí. Đây là một trong những sự khó khăn của chúng ta – vì tư tưởng đã trở thành sự tiêu khiển, xao lãng. Khi tôi muốn hiểu, muốn nhìn ngắm một cái gì, tôi không phải nghĩ về nó – tôi ngắm nhìn nó.
Vừa lúc ấy khi bắt đầu suy nghĩ, có ý tưởng, ý kiến về nó thì tôi đã xao lãng nó rồi, không còn ngắm nhìn chính sự thể mà mình phải hiểu. Thế là tư tưởng đã trở thành một sự xao lãng, khi các bạn đối trị một vấn đề - tư tưởng chính là một ý tưởng, một ý kiến, một lời phán đoán, một sự so sánh – ngăn chặn chúng ta lại, không cho chúng ta ngắm nhìn, hiểu và giải tan vấn đề.
Thực là bất hạnh đối với phần đông chúng ta, khi chúng ta làm tư tưởng trở nên quá quan trọng trong đời sống. Các bạn nói ‘làm thế nào tôi có thể hiện hữu, hiện thể, mà không có tư tưởng? Làm thế nào tôi có thể có được một trí óc trống rỗng?’ Một trí óc trống là trạng thái mê mệt trầm trệ, ngu muội, hay muốn gọi gì thì cứ gọi, và phản ứng bản năng của các bạn là xua đuổi trạng thái ấy.
Tuy nhiên nhất định là chỉ có một tâm trí rất trầm lặng, không bị tư tưởng làm xao lãng, một tâm trí cởi mở mới có thể ngắm nhìn vấn đề một cách trực tiếp, một cách đơn giản. Và sự giải quyết độc nhất cho mọi vấn đề là có khả năng ngắm nhìn những vấn đề chúng ta mà không bị xao lãng nào quấy rối. Muốn được thế, mình phải có tâm thái trầm tĩnh, trầm mặc, trầm lặng.
Tâm thái ấy không phải là một kết quả, không phải là sản phẩm cứu cánh của sự vận dụng thực hành, của sự tham thiền và của sự tiết chế kiểm soát. Tâm thái này không thể xuất hiện qua bất cứ hình thức nào của kỷ luật, giới luật hay sự cưỡng ép đàn áp hoặc sự cao thượng hóa, lý tưởng hóa; tâm thái này xuất hiện không cần sự nỗ lực của cái ‘tôi’, của tư tưởng; nó thành hình khi tôi hiểu được trọn vẹn tiến trình của tư tưởng – khi tôi có thể nhìn thấy một sự kiện mà không xao lãng. Chỉ có trạng thái trầm lặng, thì mới có tình yêu, tình thương. Và chỉ có tình yêu mới có thể giải quyết tất cả vấn đề con người.
Tác phẩm: Tự do đầu tiên và cuối cùng
Phần 1 - Chương 16: Tư tưởng có thể giải quyết những vấn đề của chúng ta không?