Buông thả với hiện thể

Hỏi: Sự khác nhau giữa việc tuân theo thiên ý và việc chấp nhận hiện thể là gì?

Krishnamurti: Nhất định là có sự khác nhau rõ ràng, khác nhau hoàn toàn, không phải sao? Việc bỏ mình tuân theo thiên ý có ẩn nghĩa là bạn đã biết thiên ý là gì rồi. Bạn không hy sinh buông thả cho một cái gì mà bạn không biết. Nếu bạn biết thực tại, bạn không thể hiến mình cho thực tại; bạn không còn hiện hữu đâu; không có việc buông thả hiến mình cho một thiên ý tối cao. Nếu bạn buông thả hiến mình cho một thiên ý tối cao, lúc ấy thiên ý tối thượng ấy chỉ là sự phóng ngoại của bản thể bạn, bởi vì mình không thể biết được thực tại qua phạm trù quen biết, quen thuộc. Thực tại chỉ hiện thể khi nào điều quen thuộc chấm dứt, không hiện hữu.

Điều quen thuộc, thế giới quen thuộc chỉ là sản phẩm do tâm trí tạo tác ra, bởi vì tư tưởng là kết quả của điều quen thuộc, của quá khứ, và tư tưởng chỉ có thể tạo ra những gì tư tưởng biết được; do đó, những điều tư tưởng biết được đều không phải là sự vĩnh cửu. Đó là lý do tại sao khi bạn buông mình tuân theo thiên ý, bạn chỉ là đang buông mình tuân theo những phóng ảnh của chính bạn; điều ấy có thể làm bạn thỏa mãn, vỗ về an ủi, làm bạn thoải mái dễ chịu, nhưng điều ấy vẫn không phải là thực tại.

Muốn hiểu hiện thể hiện tiền, mình cần phải theo một tiến trình khác hẳn – có lẽ danh từ ‘tiến trình’ không đúng hẳn, nhưng điều tôi muốn nói như vầy: hiểu được hiện thể không phải là dễ dàng được, việc ấy đòi hỏi mình phải sáng suốt, minh mẫn nhiều hơn nữa, phải trực thức nhiều hơn nữa, chứ không phải chỉ chấp nhận hoặc hiến mình cho một ý tưởng thôi.

Hiểu được hiện thể không cần phải cố gắng nỗ lực; nỗ lực chỉ làm tán thất tinh thần thôi. Muốn hiểu được bất cứ điều gì, muốn hiểu được hiện thể, mình không nên tán thất tâm niệm, phải thế không? Nếu tôi muốn hiểu được những gì bạn đang nói thì tôi không thể đồng thời lắng nghe âm nhạc, nghe tiếng động thiên hạ ngoài phố, tôi phải chú tâm hết mình vào lời nói của bạn – vì vậy, ý thức trực tiếp vào hiện thể là một điều thiên nan vạn nan, bởi lẽ chính tư tưởng của chúng ta đã trở nên thất tán không chuyên nhất. Chúng ta lại không muốn hiểu hiện thể.

Chúng ta nhìn hiện thể qua lăng kính của thành kiến, của sự kết án hoặc của tinh thần đồng hóa, điều khó khăn nhất vẫn là dở cặp kính ra và nhìn thẳng vào hiện thể. Tất nhiên, ‘cái đang là’ tức là hiện thể, là một sự kiện, là chân lý, và tất cả mọi sự khác đều là chạy trốn thoát ly, chứ không phải chân lý. Muốn hiểu hiện thể, sự xung đột của tinh thần nhị nguyên phải chấm dứt, bởi vì sự đáp ứng tiêu cực trong việc trở thành một cái gì khác cái đang là chỉ là phủ nhận chối bỏ sự thể nhập với hiện thể.

Nếu tôi muốn hiểu lòng ngạo mạn kiêu căng, tôi không nên đi ngược lại bằng một phản nghĩa, tôi không nên để tâm trí tán thất bằng nỗ lực muốn trở thành cái gì đó hoặc ngay cả bằng nỗ lực muốn hiểu hiện thể. Nếu tôi kiêu mạn, cái gì xảy ra? Nếu tôi không đặt tên cho trạng thái ấy, không gọi là ‘kiêu mạn’ thì sự kiêu mạn chấm dứt ngay; nghĩa là câu trả lời nằm ngay trong chính vấn đề, chứ không phải nằm bên ngoài.

Đây không phải là vấn đề chấp nhận hiện thể, bạn không chấp nhận hiện thể, bạn không phải chấp nhận rằng da bạn màu nâu hay màu trắng, vì đó là một sự thật, sự kiện, chỉ khi nào bạn cố gắng trở thành một cái gì khác thì bạn mới phải chấp nhận việc này việc kia. Ngay lúc bạn tri nhận một sự kiện thì sự kiện ấy không còn bất cứ sự quan trọng nào đáng kể, nhưng một trí óc quen suy nghĩ về quá khứ hoặc về tương lai thì lại quen chạy tuột khắp nơi, một trí óc như vậy không thể nào có khả năng hiểu được hiện thể.

Vì không hiểu được hiện thể, cho nên bạn không thể tìm thấy sự thực, và không thể hiểu được hiện thể, cuộc đời chẳng có gì quan trọng nữa, đời sống trở nên một đấu trường thường trực mà sự đau đớn dày vò quằn quại vẫn tiếp diễn. Mình chỉ có thể hiểu được thực tại bằng thể nhập với ‘cái đang là’, tức là hiện thể.

Không thể hiểu được ‘cái đang là’ nếu mình còn lên án hoặc đồng hóa; một trí óc luôn luôn lên án hoặc đồng hóa thì không thể hiểu được cái gì cả - trí óc ấy chỉ có thể hiểu được màn lưới mà nó bị vướng kẹt. Hiểu được hiện thể, ý thức được hiện thể thì sự sâu thẳm lạ thường mới phô bày ra, trong sâu thẳm ấy mới phát hiện thực tại, diễm phúc và hoan lạc.

Tác phẩm: Tự do đầu tiên và cuối cùng
Phần 2 – Qanda 18: Buông thả với hiện thể
Previous Post
Next Post