Krishnamurti: Hiển nhiên là sự thông minh hiện đến. Nhưng tôi ngại rằng câu trả lời này không nằm trong thâm ý ẩn tàng của câu hỏi. Thâm ý kín đáo của câu hỏi là: cái gì có thể thay thế cho chủ nghĩa ái quốc hạn hẹp?
Bất cứ sự thay thế nào cũng là một động tác không đem tới được sự thông minh. Nếu tôi lìa bỏ một tôn giáo và đi theo một tôn giáo khác, hoặc lìa bỏ một đảng phái chính trị, rồi lại đi gia nhập một đảng phái khác, tất cả sự thay thế liên tục này chỉ chứng tỏ một tâm thái thiếu thông minh.
Bất cứ sự thay thế nào cũng là một động tác không đem tới được sự thông minh. Nếu tôi lìa bỏ một tôn giáo và đi theo một tôn giáo khác, hoặc lìa bỏ một đảng phái chính trị, rồi lại đi gia nhập một đảng phái khác, tất cả sự thay thế liên tục này chỉ chứng tỏ một tâm thái thiếu thông minh.
Làm thế nào để chủ nghĩa ái quốc hạn hẹp mất đi? Chỉ có thể bằng cách hiểu được tất cả những ẩn ý khuất lấp của chủ nghĩa ấy, bằng cách khảo sát nó, bằng cách trực thức về ý nghĩa của nó trong hành động bên ngoài và bên trong.
Bên ngoài, chủ nghĩa này đem đến sự phân hóa chia rẽ giữa con người, đem đến sự phân hạng, những cuộc chiến tranh phá hoại, điều này thực là quá hiển nhiên, đối với bất cứ ai chịu quan tâm. Bên trong, đứng về mặt tâm lý, sự đồng hóa, tinh thần đồng hóa với thực thể lớn lao, với quê hương tổ quốc, với một ý tưởng, hiển nhiên chỉ là một hình thức của sự bành trướng bản thân.
Lúc sống trong một thôn làng bé nhỏ hoặc trong một thành phố lớn hoặc bất cứ ở đâu, tôi chỉ là một kẻ vô danh tiểu tốt, một người không ra gì cả, nhưng nếu tôi tự đồng hóa mình với một thực thể lớn hơn, với quê hương tổ quốc chẳng hạn, thì tôi mới tự gọi mình là một người Ấn độ chẳng hạn; sự việc ấy vuốt ve tính hợm mình của tôi, nó tạo cho tôi sự thỏa mãn, uy tín, cảm giác lâng lâng khỏe khoắn quân bình; sự đồng hóa với một thực thể lớn lao, tức là nhu cầu tâm lý thích ứng cho những kẻ nào cảm thấy rằng sự bành trướng bản thân là chính yếu, chính tinh thần đồng hóa ấy cũng đã tạo ra bao nhiêu là xung đột, tương tranh giữa con người với con người.
Thế là chủ nghĩa ái quốc hạn hẹp chẳng những tạo ra xung đột bên ngoài mà còn gây ra những cơn tuyệt vọng phẫn chí nội tâm, khi nào mình hiểu được chủ nghĩa ái quốc hạn hẹp, hiểu được toàn thể tiến trình của chủ nghĩa ái quốc hạn hẹp thì nó sẽ rơi mất đi. Chỉ có thể hiểu được chủ nghĩa ái quốc hạn hẹp bằng sự thông minh của tâm hồn mình, bằng cách quan sát kỹ lưỡng, bằng cách dò sâu vào trọn vẹn tiến trình của chủ nghĩa ái quốc hạn hẹp, của lòng ái quốc.
Nhờ sự dò xét khảo nhận ấy, sự thông minh mới hiện đến và lúc ấy, mình không còn thay thế chủ nghĩa quốc gia bằng một cái gì khác. Khi mình thay thế chủ nghĩa ái quốc hạn hẹp bằng tôn giáo, lúc ấy tôn giáo sẽ trở thành một phương tiện khác để bành trướng bản ngã, mầm mống nguồn gốc của sự xao xuyến sợ hãi, phương tiện để tự nuôi dưỡng qua tín ngưỡng.
Do đó, bất cứ hình thức thay thế nào, dù có cao thượng đi nữa, cũng chỉ là một hình thức mê muội ngu xuẩn. Việc ấy không khác gì người bỏ hút thuốc và thay thế bằng nhai kẹo cao su hoặc ăn trầu hoặc bất cứ cái gì khác, trái lại, thay vì thế, mình thực sự hiểu được toàn thể vấn đề hút thuốc, những thói quen, những cảm giác; những yêu sách tâm lý và tất cả mọi sự khác đại loại thế, thì thói hút thuốc sẽ rơi mất đi.
Các bạn chỉ có thể hiểu được khi sự thông minh được khai triển, khi sự thông minh tác động, và sự thông minh không thể nào tác động được, khi ta vẫn còn tìm cách, thay thế cái này bằng cái khác. Sự thay thế chỉ là một hình thức tự hối lộ, đút lót bản thân mình xui khiến cám dỗ mình tránh làm việc này để rồi làm việc khác.
Chủ nghĩa ái quốc hạn hẹp, cùng với thuốc độc của chủ nghĩa này, cùng với sự thống khổ và tương tranh ở thế giới do nó tạo ra, chủ nghĩa ái quốc hạn hẹp tai hại này chỉ có thể biến mất khi nào mình có được thông minh, và thông minh không xuất hiện bằng cách thi đậu cấp bằng và bằng cách đọc sách. Sự thông minh chỉ xuất hiện khi nào chúng ta hiểu được những vấn đề khi vấn đề ấy khởi phát.
Khi nào mình hiểu được vấn đề trong những cấp độ khác nhau của nó, không những chỉ ở phần hời hợt bên ngoài mà cả phần ẩn tàng sâu kín bên trong tâm tư, chỉ có lúc ấy thì mới có được thông minh xuất hiện ngay trong tiến trình ấy. Thế là thông minh xuất hiện thì không có sự thay thế nào nữa; và khi thông minh hiện hữu, lúc ấy, chủ nghĩa ái quốc hạn hẹp, lòng ái quốc, tức là một hình thức của sự ngu đần, tất cả thứ này đều cáo chung tiêu triệt.
Tác phẩm: Tự do đầu tiên và cuối cùng
Phần 2 – Qanda 2: Về chủ nghĩa ái quốc hạn hẹp