Krishnamurti: Trở thành một người làm việc xã hội hoặc một người làm việc chính trị hoặc làm việc tôn giáo – phải thế không? Vì bạn không có việc gì khác để làm, cho nên bạn trở thành một người lo việc cải thiện xã hội! Nếu bạn không có việc gì để làm, nếu bạn cảm thấy buồn chán ủ ê, vậy tại sao bạn không chịu sống với cảm giác buồn chán ủ ê ấy? Tại sao không là thế?
Nếu bạn cảm thấy sầu muộn ủ rũ thì cứ sầu muộn ủ rũ. Đừng tìm cách tìm đường trốn tránh cảm trạng ấy, bởi vì cảm giác ủ rũ chán chường của bạn chứa đựng một sự quan trọng bao la vô cùng, nếu bạn có thể hiểu cảm giác ấy, sống với cảm giác ấy. Nếu bạn nói, ‘tôi cảm thấy buồn chán, vậy tôi phải một việc gì khác’, nói như vậy chỉ là tìm cách chạy trốn sự buồn tẻ và vì phần lớn sinh hoạt của chúng ta đều là những sự thoát ly, những cách đào ngũ, chạy trốn; khi chạy trốn lấp lững như vậy, bạn tác hại nhiều hơn là gây lợi, nhất là về phương diện xã hội cũng như trong những phương diện khác.
Tai hại trở nên nặng nề hơn mỗi khi bạn chạy trốn, thay vì ở yên nơi chỗ mình, ở lại với cảm giác của mình, vấn đề khó khăn là làm cách nào để ở yên với cảm trạng mình và không chạy trốn nó, vì phần lớn sinh hoạt của chúng ta đều là một tiến trình thoát ly, chạy trốn; do đó thực là một điều thiên nan vạn nan đối với bạn khi bạn đình chỉ mọi sự trốn thoát và đối mặt với sự thật. Vì thế tôi cảm thấy sung sướng nếu được biết rằng bạn thực sự cảm thấy buồn chán, và tôi xin nói ngay, ‘ Tốt lắm, ngừng lại nơi đây, chúng ta hãy dừng nơi đây, chúng ta hãy nhìn thẳng vào sự buồn chán. Tại sao bạn phải cần làm gì khác làm chi?’
Nếu bạn cảm thấy buồn chán thì tại sao bạn cảm thấy buồn chán? Cái gì gọi là sự buồn chán, cái đó là cái gì mới được chứ? Tại sao bạn lại không cảm thấy hứng khởi với bất cứ cái gì nữa?
Phải có những lý do, lý lẽ khiến cho bạn cảm thấy buồn tẻ chán chường, ủ rũ; sự đau đớn, những sự thoát ly chạy trốn, những tín ngưỡng, sinh hoạt liên miên, tất cả những thứ này đã làm cho tâm trí trở thành đần độn, khô cạn, chán chường, và làm cho lòng mình trở nên chai đá, không còn biết uyển chuyển. Nếu bạn có thể tìm được lý do tại sao bạn cảm thấy buồn chán, tại sao bạn không còn cảm thấy hứng khởi, lúc ấy, chắc chắn bạn mới giải quyết được vấn đề, bạn có làm được như thế không?
Chỉ làm được như thế thì hứng khởi mới được đánh thức hoạt động lại. Nếu bạn không cảm thấy hứng khởi trong việc tìm lý do tại sao bạn cảm thấy buồn chán thì bạn không thể nào tự cưỡng bức bạn để có được hứng khởi trong việc làm, để chỉ mà làm một cái gì – như một con sóc chạy quanh trong lồng.
Tôi thấy đó lại là sinh hoạt mà hiện nay phần đông mọi người đều lao thân vào. Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể tìm hiểu nội tâm mình, tìm hiểu lý do tâm lý cắt nghĩa lý do tại sao chúng ta lại bị rơi vào cảm trạng buồn chán chết được đó; chúng ta có thể hiểu tại sao phần đông chúng ta bị rơi vào trạng thái này; chúng ta đã khiến cho thân xác mình phải kiệt lực, khiến cho khánh tận tất cả tình cảm và tinh thần; chúng ta đã thử nếm quá nhiều công việc, quá nhiều cảm giác, quá nhiều trò giải trí tiêu khiển, quá nhiều sự thí nghiệm, cho đến nỗi chúng ta trở nên đần độn chán mứa, chán ngán, mệt mỏi.
Chúng ta gia nhập một đoàn thể nào đó, làm tất cả những việc phải làm, rồi lại lìa bỏ đoàn thể ấy, rồi chúng ta lại gia nhập một đoàn thể khác và nếm thử mọi sự khác trong đoàn thể ấy. Nếu một nhà tâm lý học không giải quyết được uẩn khúc của chúng ta, chúng ta lại đi đến một nhà tâm lý học khác hoặc đi đến một ông mục sư, linh mục; nếu ta không được thỏa mãn ở đó thì ta lại chạy đi tìm một bậc đạo sư khác nữa, vân vân; cứ thế ta cứ tiếp tục quanh quẩn từ nơi này đến nơi khác. Tiến trình quanh quẩn duỗi co, buông bỏ này thực là mệt nhọc, phải thế không? Giống như tất cả mọi cảm giác, chẳng mấy chốc tiến trình ấy chỉ làm ủ ê đần độn tâm trí.
Chúng ta vẫn làm thế, chúng ta vẫn đi từ cảm giác này đến cảm giác khác, đi từ sự kích thích này đến sự kích thích khác cho đến độ cảm thấy khánh kiệt hoàn toàn. Thế là khi ý thức được sự việc như thế, xin đừng tiếp tục bước tới xa hơn nữa; xin hãy dừng lại nghỉ ngơi. Xin hãy trầm lặng thanh thản. Hãy để tâm trí tự hồi phục sức lực lại; đừng cưỡng bức tâm trí.
Không khác gì đất đai tự hồi sinh lại giữa mùa đông, cũng thế khi mình để cho tâm trí được yên lặng thì tâm trí sẽ tự phục hồi lại một cách tươi tắn mới mẻ. Nhưng thực là khó mà để cho tâm trí được yên lặng, để cho tâm trí được bỏ trống thảnh thơi sau bao nhiêu cơ sự phiền nhiễu, vì tâm trí vẫn muốn hoạt động luôn luôn, không chịu ngừng nghỉ. Khi bạn đạt tới mức độ mà bạn thực sự để cho tâm thần mình được như thường lệ - được buồn chán, xấu xa, bỉ ổi, hoặc thế nào đi nữa – thì lúc ấy mới mong có thể đối đầu với tâm thái hiện tại của mình.
Cái gì xảy ra mỗi khi bạn chấp nhận một sự việc, mỗi khi bạn chấp nhận tâm thái hiện tại của bạn? Khi bạn chấp nhận rằng bạn là tâm thái hiện tại của bạn thì vấn đề ở đâu nữa? Chỉ có vấn đề là mỗi khi chúng ta không chấp nhận một sự thể như là thế và muốn biến đổi nó – điều này không có nghĩa là tôi đề cao bênh vực sự tự mãn; trái lại thì đúng hơn. Nếu chúng ta chấp nhận hiện thể của chúng ta, lúc ấy chúng ta thấy rằng điều chúng ta sợ, điều chúng ta gọi là sự buồn chán, điều mà chúng ta gọi là thất vọng, điều mà chúng ta gọi là sự sợ hãi, tất cả những điều ấy đều biến chuyển toàn triệt. Điều chúng ta sợ đã được chuyển hóa hoàn toàn.
Như tôi đã trình bày rồi, đó là lý do cắt nghĩa tại sao điều quan trọng vẫn là hiểu được tiến trình, những đường lối tư tưởng của chính chúng ta. Mình không thể tự hiểu mình qua trung gian của bất cứ người nào, qua bất cứ quyển sách nào, qua bất cứ sự thú tội, giải tội nào, qua tâm lý học, hoặc qua nhà phân tâm học. Chính bạn phải tự tìm hiểu mình, bởi vì chính cuộc đời này là cuộc đời của bạn; nếu không đào sâu mở rộng việc tìm hiểu bản thân thì dù bạn có làm gì đi nữa, có thay đổi bất cứ hoàn cảnh nào bên ngoài hoặc bên trong, bất cứ ảnh hưởng nào, dù có làm gì đi nữa thì cũng đều phù phiếm, vì đó vẫn luôn luôn sẽ là đất đai nuôi dưỡng thất vọng, đau đớn dày vò, sầu muộn.
Muốn vượt qua những sinh hoạt bưng bít vị ngã của tâm trí, bạn phải hiểu những sinh hoạt ấy; và muốn hiểu những sinh hoạt ấy thì phải ý thức trực tiếp về hành động trong tương giao, tương giao đối với những sự vật, đối với người đời và đối với những ý tưởng. Trong sự tương giao ấy, tức là lăng kính chiếu rọi, chúng ta mới bắt đầu thấy được chính mình, không còn bất cứ sự biện minh hoặc bất cứ sự kết án nào; và nhờ vào sự hiểu biết sâu rộng về những đường lối vận hành của tâm trí chúng ta, chúng ta mới có thể đi sâu xa hơn nữa, chúng ta mới có thể có được tâm trí trầm lặng và đón nhận thực tại.
Tác phẩm: Tự do đầu tiên và cuối cùng
Phần 2 – Qanda 12: Về sự buồn chán và sự hứng khởi