Hỏi: Sự nói nhảm có ích lợi giá trị trong việc phát giác bản thân, nhất là trong việc phát giác những người khác với mình trong tương giao đời sống. Thử hỏi một cách đứng đắn, tại sao lại không dùng sự nói nhảm như là một phương tiện để khám phá phát giác hiện thể, thực tại? Tôi không thấy lo ngại sợ hãi khi nghe tiếng ‘nói nhảm’ chỉ vì thiên hạ đã chỉ trích nó từ lâu rồi.
Krishnamurti: Tôi tự hỏi tại sao chúng ta lại nói nhảm nhí? Không phải vì sự nói nhảm mở bày người khác cho chúng ta. Và tại sao người khác phải được mở bày cho chúng ta? Tại sao chúng ta lại muốn biết kẻ khác? Tại sao lại quá bận tâm về người khác như vậy? Trước hết, tại sao chúng ta lại nói ba hoa, nói nhảm nhí? Đó là một hình thức của sự bất an quằn quại nội tâm, phải thế không?
Giống như sự lo âu phiền muộn, đó là dấu hiệu của tâm trí bất an, bất quân bình. Tại sao mình lại muốn vướng víu vào chuyện thiên hạ, ham thích xen vào người khác, muốn biết những gì người khác làm, người khác nói? Một người có trí óc cạn cợt hời hợt thì ham nói ba hoa, nhảm nhí, phải thế không? Một thứ trí óc xoi bói, thóc mách, tọc mạch sai hướng. Người đặt câu hỏi dường như cho rằng mình có thể khám phá kẻ khác khi mình bận tâm vướng víu với họ - với việc làm của họ, tư tưởng họ, ý kiến của họ. Nhưng chúng ta có thể hiểu biết người khác nếu chúng ta không tự hiểu biết mình?
Chúng ta có thể nào phê phán kẻ khác, nếu chúng ta không hiểu biết những đường lối vận hành của tư tưởng mình, không hiểu biết cách xử thế tiếp vật của mình? Tại sao mình lại háo hức bận bịu với thiên hạ, người khác? Phải chăng đó là một cách chạy trốn, thực thế, một cách chạy trốn bằng việc háo hức ham muốn tìm hiểu khám phá kẻ khác nghĩ gì, cảm gì, nói nhảm những gì?
Phải chăng điều ấy mang đến một sự chạy trốn trước bản thân? Phải chăng trong sự việc ấy chứa đựng lòng ham muốn xen vào đời sống kẻ khác? Phải chăng đời sống của mình không đủ khó khăn không đủ phức tạp, không đủ đau đớn để đến nỗi mình còn phải xen vào chuyện người khác. Phải chăng mình có thời giờ để nghĩ đến người khác một cách nhảm nhí, độc địa, xấu xa như vậy? Tại sao chúng ta lại làm thế? Bạn thừa biết rằng mọi người đều làm thế. Thực thế, mọi người đều nói nhảm nhí, ngồi lê đôi mách về chuyện người khác. Tại sao?
Trước hết, tôi cho rằng chúng ta nói ba hoa nhảm nhí về người khác là vì chúng ta không chịu quan tâm đến tiến trình tư tưởng và hành động của chính mình. Chúng ta muốn nhìn thấy những gì kẻ khác đang làm và có lẽ mình làm thế để rồi mô phỏng bắt chước kẻ khác, nếu tôi có thể diễn tả một cách nhẹ nhàng hơn. Tại sao chúng ta muốn bắt chước kẻ khác? Phải chăng điều ấy rõ ràng chứng tỏ sự nông cạn hời hợt quá sức về phần mình?
Chính một tâm trí đần độn chán chường mới muốn kích thích, đi ra ngoài tự thể để đạt cho được sự kích thích. Nói khác đi sự nói ba hoa nhảm nhí là một hình thức của cảm giác, phải thế không? Đó là cảm giác mà chúng ta thích thú chìm đắm trong đó. Đó có thể là một thứ cảm giác đặc biệt, nhưng đó vẫn luôn luôn là lòng ham muốn tìm kiếm kích thích, giải trí, tiêu khiển.
Nếu mình thực sự đi sâu vào vấn đề này, mình sẽ trở về với chính mình, điều ấy chứng tỏ rằng mình thực sự quá nông cạn hời hợt và tìm kiếm sự kích thích giác quan từ bên ngoài bằng cách nói chuyện về người khác. Bạn hãy bắt chợt bạn mỗi lần bạn đang nói nhảm nhí về người nào đó, nếu bạn có ý thức trực tiếp về điều ấy thì nó sẽ tỏ bày nhiều việc lã thường cho bạn về bản thân của bạn. Đừng cố khuất lấp việc ấy và nói rằng bạn chỉ hiếu kỳ để tâm vào kẻ khác. Việc ấy tỏ lộ lòng bất an, bất quân bình, khoái cảm kích thích, một sự nông cạn hời hợt, thiếu mất sự quan tâm thực thụ thâm trầm về người đời, sự quan tâm chính đáng này không có dính líu gì về sự nói ba hoa nhảm nhí.
Vấn đề kế tiếp là làm thế nào để chấm dứt sự ăn nói nhảm nhí? Đây là vấn đề kế tiếp, phải không? Khi bạn có ý thức trực tiếp rằng bạn đang nói nhảm nhí thì bạn phải làm thế nào để chấm dứt sự nói chuyện nhảm nhí này? Nếu việc nói nhảm này đã trở thành một thói quen, thói xấu thường trực từ ngày này sang đến ngày khác, vậy bạn phải làm gì để chấm dứt thói xấu này? Câu hỏi này có được nêu lên chưa?
Khi bạn biết rằng bạn đang nói nhảm, khi bạn có ý thức trực tiếp rằng bạn đang nói nhảm, có trực thức về tất cả thâm ý của sự nói nhảm này, có phải lúc ấy bạn tự nhủ như vầy, ‘Làm thế nào tôi chấm dứt được sự nói nhảm?’ Phải chăng sự nói nhảm chỉ tự ngừng một cách tự nhiên, ngay lúc bạn sực ý thức rằng bạn đang nói nhảm? Chữ ‘thế nào’ không còn xuất hiện nữa. Chữ ‘thế nào’ chỉ phát hiện lúc nào bạn vô ý, vô thức; và sự nói nhảm chứng tỏ sự thiếu ý thức.
Hãy tự thể nghiệm lấy điều này mỗi lần bạn đang nói nhảm, và nhìn xem bạn chấm dứt sự nói nhảm nhanh chóng như thế nào lúc bạn ý thức về những điều bạn đang nói, ý thức rằng cái lưỡi của bạn đã chạy tuột ra ngoài bạn. Không cần phải có tác động của ý chí mới chấm dứt được sự nói nhảm. Tất cả điều cần thiết là phải ý thức ngay về những gì mình đang nói và nhìn thấy những thâm ý của sự nói nhảm ấy.
Bạn không phải lên án hay biện minh cho sự nói nhảm. Hãy có ý thức trực tiếp về sự nói nhảm và bạn sẽ thấy rằng bạn chấm dứt việc nói nhảm một cách nhanh chóng; bởi vì sự nói nhảm hé lộ cho mình thấy chính đường lối hành động của riêng mình; trong sự lộ bày ấy, mình khám phá ra mình, điều khám phá này hiển nhiên quan trọng hơn là ba hoa nói nhảm về người khác, về những gì họ đang làm, về những gì họ đang bàn, về những gì họ đang suy nghĩ, về cách lối xử sự của họ.
Phần lớn những người đọc nhật báo đều nhét đầy chuyện nhảm nhí vào đầu, nhét đầy chuyện nhảm khắp thế giới. Đó đều là một cách chạy trốn bản thân, chạy trốn khuất lấp sự nhỏ mọn bần tiện xấu xa của chính mình. Chúng ta cho rằng nhờ vào sự quan tâm qua loa đến những biến cố thế giới mà chúng ta trở nên khôn ngoan hơn, có khả năng hơn trong việc đối phó với đời sống của mình.
Cố nhiên tất cả những biến cố thời sự này nhất định đều là những cách để mình chạy trốn bản thân, phải thế không? Trong bản thân, chúng ta cảm thấy quá trống rỗng, nông cạn, thiển bạc. Chúng ta sợ hãi trước bản thân. Trong bản thân, chúng ta cảm thấy quá nghèo nàn đến nỗi sự nói nhảm tác động như là một hình thức để tiêu khiển phong phú cho nội tâm, một cách thoát ly bản thân.
Chúng ta cố gắng lấp đầy sự trống rỗng tâm tư bằng kiến thức, bằng những nghi lễ, bằng sự nói ba hoa nhảm nhí, bằng những cuộc hội hè đình đám – bằng vô số lối thoát ly, do đó, những đường lối chạy trốn trở nên vô cùng quan trọng, chứ không phải sự hiểu biết thực tại nữa. Sự hiểu biết hiện thể đòi hỏi mình phải chú tâm; muốn biết rằng mình trống rỗng, rằng mình đau đớn, đòi hỏi mình phải chú tâm hết nình, chứ không phải thoát ly chạy trốn, nhưng phần đông chúng ta thích chạy trốn, bởi vì những sự thoát ly thì thú vị, dễ chịu hơn.
Cũng thế, mỗi khi chúng ta tự hiểu mình đúng như sự thật thì điều ấy khiến cho mình cảm thấy rất khó đối phó với bản thân; đó là một trong những vấn đề đòi hỏi mình phải đối mặt. Chúng ta không biết phải làm gì. Khi tôi biết rằng tôi trống rỗng, rằng tôi đau đớn, tôi không biết tôi phải làm gì, phải đối phó thế nào. Vì thế, mình chạy đi tìm thiên phương bách kế để thoát ly.
Vấn đề là phải làm gì? Cố nhiên, điều dễ thấy là mình không thể nào chạy trốn được; vì đó quả thực là phi lý và quá trẻ con. Nhưng khi bạn đối mặt với bản thân bạn; trong hiện tính của thực tại thì bạn phải làm gì? Trước tiên, có thể nào không phủ nhận hoặc biện minh thực tại mà chỉ lưu trú với thực tại trong hiện thể?
Điều này thực là thiên nan vạn nan, bởi vì tâm trí tìm kiếm sự giải thích, sự lên án, sự đồng hóa. Nếu tâm trí không làm những việc này mà lưu trú ở lại cùng với thực tại thì lúc ấy hành động này giống như sự chấp nhận một việc gì đó. Nếu tôi chấp nhận rằng màu da của tôi là nâu thì mọi sự đều xong xuôi; đằng này, nếu tôi ham muốn đổi màu da nâu thành màu da nhạt hơn, thì lúc ấy vấn đề lại xuất hiện. Chấp nhận hiện thể của mình, mình là thế nào thì như là thế ấy, là một điều vô cùng khó khăn; mình chỉ có thể làm thế khi mình không còn trốn tránh thoát ly, và sự lên án hoặc biện minh cho hành động mình cũng là một hình thức chạy trốn.
Vì thế, khi mình hiểu trọn vẹn tiến trình nguyên nhân của sự nói nhảm và khi mình ý thức sự phi lý của tiến trình ấy, sự tàn nhẫn thâm hiểm và tất cả mọi sự can hệ với sự nói nhảm, lúc ấy mình sẽ được để lại với những gì còn lại của hiện thể mình, và thế rồi chúng ta vẫn luôn luôn đối phó với sự nói nhảm hoặc bằng cách tiêu trừ nó hoặc bằng cách đổi thay nó bằng một cái gì khác. Nếu chúng ta không làm những việc này mà chỉ đi đến vấn đề với chủ tâm tìm hiểu vấn đề thể nhập với vấn đề một cách trọn vẹn, thì lúc ấy chúng ta sẽ khám phá rằng vấn đề ấy không còn là điều gây ra sợ hãi nữa. Lúc ấy, mình mới có thể chuyển hóa hiện hữu.
Tác phẩm: Tự do đầu tiên và cuối cùng
Phần 2 – Qanda 14: Về sự nói nhảm