Về tín ngưỡng nơi Thượng đế

Hỏi: Tín ngưỡng vào Thượng đế đã từng là một kích thích tố mạnh mẽ cho con người sống đàng hoàng tươi đẹp hơn. Tại sao Ngài lại phủ nhận chối bỏ Thượng đế? Tại sao Ngài không cố gắng đánh thức dậy đức tin của con người trong ý niệm Thượng đế?

Krishnamurti: Chúng ta hãy nhìn thẳng vấn đề một cách rộng rãi hơn và thông minh hơn. Tôi không phủ nhận Thượng đế - làm như thế chỉ là khờ khệch. Chỉ có kẻ nào không hiểu thực tại mới quấn quít thích thú với những tiếng vô nghĩa. Kẻ nào nói rằng mình biết thì không biết gì cả; kẻ nào thể nghiệm thân chứng thực tại từ giây phút này đến giây phút khác thì không có phương tiện để truyền đạt thực tại ấy.

Tín ngưỡng là sự phủ nhận chân lý, tín ngưỡng làm chướng ngại tâm lý, tin tưởng, đặt tín ngưỡng Thượng đế là không tìm thấy Thượng đế. Kẻ có tín ngưỡng và kẻ không có tín ngưỡng, cả hai đều sẽ không tìm thấy Thượng đế; bởi vì thực tại là điều xa lạ, và tín ngưỡng của bạn hoặc sự vô tín ngưỡng của bạn nơi điều xa lạ kia đều chỉ là một sự phóng ngoại của bản ngã, do đó, không thực gì cả.

Tôi biết rằng bạn tin tưởng, bạn có tín ngưỡng và tôi biết rằng tín ngưỡng chẳng có ý nghĩa gì trong đời sống bạn. Có rất nhiều người tin tưởng; hàng triệu người tin tưởng vào Thượng đế và tìm an ủi ở đó. Trước hết, tôi muốn hỏi, tại sao bạn tin tưởng, tại sao bạn có tín ngưỡng?

Bạn có tín ngưỡng vì điều ấy đem đến sự thỏa mãn cho bạn, đem đến an ủi hy vọng, và bạn cho rằng tín ngưỡng ban ý nghĩa cho đời sống. Trong thực tế tín ngưỡng của bạn chẳng có ý nghĩa gì đáng kể, bởi vì bạn tín ngưỡng và trục lợi, bạn tín ngưỡng và vẫn chém giết, bạn tín ngưỡng vào một Thượng đế đại đồng, và vẫn giết hại lẫn nhau. Kẻ giàu sang cũng có tín ngưỡng vào Thượng đế; hắn vẫn bóc lột mọi người một cách tàn nhẫn, chồng chất tiền bạc, rồi xây dựng nhà thờ hoặc trở nên kẻ bác ái từ thiện.

Những kẻ ném trái bom nguyên tử xuống Hiroshima cũng nói rằng Thượng đế ở bên cạnh họ; những kẻ nào bay oanh tạc cơ từ Anh quốc để phá hủy Đức quốc cũng nói rằng Thượng đế ở bên cạnh họ. Rồi những kẻ độc tài, những vị thủ tướng, những vị tướng lãnh, những vị tổng thống, tất cả mọi người đều nói về Thượng đế, họ có đức tin rất thuần thành về Thượng đế. Phải chăng họ phụng sự loài người, làm đời sống con người trở nên tốt đẹp hơn?

Những kẻ nào nói rằng họ tin Thượng đế, chính những kẻ ấy đã từng phá hủy gần phân nửa thế giới, và cả thế giới đang chịu khốn khổ cùng độ. Vì thiếu tinh thần khoan dung tôn giáo, con người đã phân chia ra làm những kẻ có tín ngưỡng và những kẻ vô tín ngưỡng, để rồi đưa đến những trận chiến tranh tôn giáo. Điều ấy chỉ chứng tỏ là các bạn đã bị chính trị tiêm nhiễm vào đầu óc đến mức độ bất ngờ.

Tín ngưỡng vào Thượng đế phải chăng là ‘một kích thích tố cho đời sống được tươi đẹp hơn?’ Tại sao bạn lại muốn có kích thích tố để sống tươi đẹp hơn? Tất nhiên, lòng kích thích của bạn phải là lòng khao khát của bạn muốn sống trong sạch, đơn giản, phải thế không? Nếu bạn mong mỏi trông đợi vào một kích thích tố nào đó, bạn không thực quan tâm đến việc làm đời sống trở nên xán lạn cho tất cả mọi người, mà bạn chỉ quan tâm đến kích thích tố của bạn, mà kích thích tố của bạn lại khác kích thích tố của tôi – và rồi chúng ta lại phải cãi lẫy nhau về kích thích tố. Nếu chúng ta sống hạnh phúc với nhau, không phải bởi vì chúng ta có tín ngưỡng vào Thượng đế, mà bởi vì chúng ta là những con người, lúc ấy chúng ta sẽ chia sẻ toàn thể phương tiện sản xuất để cùng cung cấp mọi sự cho tất cả mọi người.

Nhưng vì thiếu mất thông minh, chúng ta lại chấp nhận ý niệm về một trí thông minh vạn năng mà chúng ta gọi là ‘Thượng đế’; nhưng ‘Thượng đế’ này, trí tuệ vạn năng này, sẽ không mang đến một đời sống tươi đẹp cho chúng ta. Điều dẫn tới một đời sống tươi đẹp chính là sự thông minh của con người; và con người không thể nào thông minh được, nếu hắn lại có tín ngưỡng, nếu hắn phân chia giai cấp xã hội, nếu phương tiện sản xuất lại nằm trong tay một số ít người, nếu những quốc gia lại cô lập và những chính quyền lại chủ trương tập quyền tối thượng. Tất cả những thứ này đều chứng tỏ sự thiếu thông minh, và chính sự thiếu thông minh đã án ngữ chặn đứng lại một đời sống tươi đẹp, chứ không phải vô tín ngưỡng vào Thượng đế.

Tất cả các bạn ở đây đều có tín ngưỡng trong nhiều cách khác nhau, nhưng tín ngưỡng của các bạn không có thực chất gì cả. Thực chất, thực tại là bản chất hiện tại của các bạn, những gì các bạn làm, những gì các bạn nghĩ và tín ngưỡng của các bạn vào nơi Thượng đế chỉ là một cách thoát ly ra ngoài đời sống tầm thường tẻ nhạt, ngu xuẩn, tàn bạo của các bạn.

Hơn thế nữa, tín ngưỡng thường khi vẫn luôn luôn chia rẽ con người; người theo Ấn độ giáo, kẻ theo Phật giáo, Thiên chúa giáo, chủ nghĩa Cộng sản, chủ nghĩa Xã hội, chủ nghĩa Tư bản, vân vân – tín ngưỡng, ý tưởng phân chia con người; tín ngưỡng không bao giờ đoàn kết được con người. Bạn có thể tập hợp một số người lại với nhau trong một đoàn thể, nhưng đoàn thể này lại chống đối đoàn thể khác.

Những ý tưởng, ý niệm, và những tín ngưỡng không bao giờ làm nhất trí con người, hợp nhất con người được; trái lại, những ý tưởng và những tín ngưỡng chỉ phân hóa, chia rẽ, gây ly tán, phá hoại. Vì thế, tín ngưỡng của bạn nơi Thượng đế đang thực sự gieo rắc thống khổ và phá hoại qua những hình thức của chiến tranh, đói kém, phân chia giai cấp và hành động tàn bạo của những cá nhân biệt lập, vì thế tín ngưỡng của bạn không có giá trị gì cả. Nếu bạn thực sự tin Thượng đế, nếu điều ấy là một kinh nghiệm thực thụ đối với bạn thì lúc ấy nét mặt của bạn sẽ trổ lên một nụ cười; bạn sẽ không giết hại những con người nữa.

Thế thì thực tại là gì, Thượng đế là gì? Thượng đế không phải là một danh từ, danh từ không phải là sự thể. Muốn hiểu biết điều vô lượng, điều phi thời gian, tâm trí phải giải thoát khỏi thời gian, nghĩa là tâm trí phải giải thoát ra ngoài mọi tư tưởng, ra ngoài tất cả ý tưởng, ý niệm về Thượng đế. Các bạn biết gì về Thượng đế hoặc về chân lý? Các bạn thực ra không hiểu gì cả về thực tại ấy. Tất cả những gì các bạn biết được đều là những danh từ, những tiếng lời, những kinh nghiệm của những kẻ khác hoặc một vài thoáng kinh nghiệm mơ hồ của chính bạn.

Tất nhiên đó không phải là Thượng đế, đó không phải là thực tại, đó chưa phải là vượt lên trên lãnh vực của thời gian. Muốn hiểu biết điều phi thời gian, tiến trình của thời gian phải được lý hội, và thời gian chính là tư tưởng, tiến trình của sự biến dịch trở thành, sự tích lũy của kiến thức. Đó là toàn thể hậu cảnh của tâm trí; chính tâm trí là hậu cảnh, vừa ý thức vừa vô thức, vừa tập thể vừa cá thể. Vì thế tâm trí phải giải thoát ra ngoài thế giới quen thuộc, nghĩa là tâm trí phải trầm lặng hoàn toàn, chứ không phải bị ép buộc im lặng.

Bất cứ tâm trí nào muốn đạt tới sự im lặng như là kết quả, như là hậu quả của hành động quả quyết, của sự thực hành tôi luyện, của kỷ luật thì tâm trí ấy thì tâm trí ấy vẫn không phải là tâm trí trầm lặng. Tâm trí nào bị cưỡng bức, kìm chế, uốn nắn, bị đóng vào khung và bị buộc phải im lặng thì tâm trí ấy vẫn không phải là tâm trí trầm lặng. Các bạn có thể thành công một giai đoạn trong việc cưỡng bức tâm trí im lặng một cách hời hợt ở bề mặt, nhưng tâm trí ấy vẫn không phải là một tâm trí trầm lặng. Sự trầm lặng chỉ hiện đến khi nào bạn hiểu được trọn vẹn tiến trình của tư tưởng, bởi vì hiểu được tiến trình ấy là chấm dứt nó, và sự chấm dứt tiến trình tư tưởng là bắt đầu sự im lặng.

Chỉ khi nào tâm trí được hoàn toàn im lặng, không phải chỉ im lặng ở thượng tầng, mà phải ở tận cùng căn để, im lặng toàn triệt: vừa ở tầng nông cạn, vừa ở tầng sâu thẳm của ý thức – chỉ có lúc ấy sự mới lạ mới hiện thể. Sự mới lạ không phải là một điều có thể sở nghiệm được bằng tâm trí, chỉ có sự im lặng mới có thể sở nghiệm được, không còn gì cả, ngoài sự im lặng, chỉ còn là im lặng.

Nếu tâm trí lại thể nghiệm bất cứ sự việc gì khác ngoài sự im lặng thì tâm trí chỉ phóng hiện ra ngoài những khao khát của chính nó, và tâm trí như thế không thể nào trầm lặng được; khi mà tâm trí không im lặng, khi mà tư tưởng trong bất cứ hình thức nào, dù ý thức hay vô thức, hãy còn vận hành thì không thể nào có sự im lặng được. Sự im lặng là tự do, thoát khỏi quá khứ, thoát khỏi kiến thức, thoát khỏi cả ký ức hữu thức và ký ức vô thức; khi tâm trí hoàn toàn im lặng, khi tâm trí không còn hoạt động, khi có sự im lặng, mà không phải là sản phẩm của nỗ lực, chỉ khi ấy thực tại phi thời gian, vĩnh cửu mới xuất hiện. Trạng thái ấy không phải là một trạng thái hồi tưởng – không có thực thể nào hồi tưởng và thể nghiệm cả.

Vì vậy, Thượng đế hoặc chân lý, hoặc bất cứ danh hiệu nào khác, là một sự thể xuất hiện từ giây phút này đến giây phút khác, và sự thể ấy chỉ xuất hiện trong trạng thái tự do và tự nhiên, chứ không phải lúc tâm trí bị kìm chế khuôn rập theo một mẫu mực nào đó, Thượng đế không phải là một sự việc của tâm trí. Thượng đế không hiện hữu qua sự phóng ngoại của tự ngã; thực tại chỉ đến khi nhân đức hiện hữu, tức là tự do. Nhân đức là việc đối mặt với hiện thể và đối diện với sự kiện là một trạng thái hạnh phúc tuyệt trần. Chỉ khi nào tâm trí ngất ngây sung sướng, trầm lặng, không động đậy vận hành gì nữa, tịch tịnh, không phóng hiện tư tưởng hữu thức hoặc vô thức – chỉ có lúc ấy sự vĩnh cửu mới hiện đến.

Tác phẩm: Tự do đầu tiên và cuối cùng
Phần 2 – Qanda 16: Về tín ngưỡng nơi Thượng đế
Previous Post
Next Post