Trong Giáo trình triết học Mác –Lênin (giáo trình chuẩn quốc gia) gần đây nhất cũng chỉ phân tích hành vi lao động sản xuất của con vật lên hành vi lao động sản xuất phổ biến của con người- tức từ bản năng sinh vật lên bản năng xã hội- tức là bản năng có ý thức. Còn vấn đề bản năng và văn hóa với tư cách là một cặp phạm trù chưa được phát hiện và phân tích sâu.
Các công trình về văn hóa học cũng chỉ mới khẳng định rằng, bản năng là cái "vốn có" gắn với sự sống, là cái tự nhiên, không phải là văn hóa, con người cũng như con vật đều có, "văn hóa là sự chế ngự bản năng". Con vật thì bản năng là cái thống trị, còn ở con người thì cái văn hóa là cái chủ đạo, nó điều hòa bản năng và cơ chế xã hội. Nhưng vấn đề cần nghiên cứu là ở chỗ văn hóa (xã hội) và bản năng có phải là một cặp phạm trù của triết học nhân văn hay không, chúng có chuyển hóa qua lại hay không?
Có thể khẳng dịnh con người có bản năng sinh vật và bản năng xã hội. Đôi khi có sự có sự hòa nhập giữa chúng, tức có sự chuyển hóa, khó phân biệt rạch ròi.
Bản năng hay phản xạ bản năng thường là phản xạ tự động từ hệ thần kinh thực vật như đói thì thèm ăn, khát thì thèm uống. Bản năng này là bản năng sinh vật. Nhưng các phản xạ này nếu thực hiện vào một giờ nhất định như ăn vào 10 giờ sáng thì đến giờ đó là thèm ăn, do cảm giác đói gây nên. Thấy chanh thì chảy nước bọt. Nhưng đó vẫn là cảm ứng và thể hiện nhu cầu bản năng sinh tồn của con người.
Bản năng là vốn có, có khả năng di truyền, nên là "thói quen", nhưng thói quen thì không hẳn là bản năng mà gần như bản năng. Thói quen là do tập luyện mà thành. Nhưng trong đời sống xã hội thì thói quen do xã hội được tạo nên mang tính rộng lớn, ở chiều sâu văn hóa xã hội và tác động lâu dài là tập tính xã hội = bản năng xã hội. Tập tính hay bản năng xã hội = bản năng văn hóa = "hằng số văn hóa" là có khả năng "di truyền xã hội, di truyền văn hóa"
Như vậy, bản năng xã hội rất khác bản năng sinh vật, không chỉ là ở tính chất mà cả ở nguồn gốc hay ở độ bền vững như thế nào đó. Rất cần thiết phân biệt bản năng sinh học và bản năng xã hội, tìm ra cả cái khác và cái chung gắn liền với nhau. Bản năng xã hội hay bản năng văn hóa (tập tính, lối sống, nếp sống) gọi tắt là văn hóa.
Bản năng xã hội lại bắt nguồn từ bản năng sinh vật, chứ không phải từ số không hay hoàn toàn ở ngoài bản năng. Chẳng hạn lao động sản xuất của con người là phát triển nhảy vọt từ "hoạt động sản xuất" thô sơ của động vật bậc cao. Mác cho rằng: "con vật chỉ sản xuất ra bản thân mình còn con người sản xuất ra toàn bộ giới tự nhiên", sự sản xuất đó, có bước nhảy vọt đó, là do "tổ chức cơ thể của con ngừơi qui định".
Hoặc bản năng quần xã của động vật dần dần qua lao động thì tính xã hội xuất hiện ở loài người. Mác và Ăngghen cho rằng "bản năng xã hội là một trong những đòn bẩy quan trọng nhất của sự phát triển của con người từ khỉ". Bản năng xã hội đó dù là lao động hay tập tính quần xã thì nó là "vốn di truyền" đã được xây dựng trong sự tiến hóa từ tổ tiên loài vượn lên loài người. Bản năng sinh vật "bị thu hút và hội nhập vào bản năng xã hội", tức là bản năng sinh vật bị xã hội hóa nhưng nó không mất đi.
Đúng là "Về mặt tâm lý, lao động cải tạo bản năng trên hai bình diện: bình diện đè nén, kìm hãm bản năng (…) và bình diện cải tạo bản năng thành trạng thái mới về chất của hoạt động nhận thức thuần tuý của con người: trực giác".
Nhưng chỉ có bản năng xã hội mới thì con người có khả năng hướng về tương lai, vượt khỏi giới hạn sinh vật, có khả năng thích nghi, sáng tạo ra cái bản năng mới - thiên nhiên thứ hai, từ quá khứ, từ bản năng sinh vật nhưng cao hơn bản năng sinh vật. Bản năng đó cố kết lại là bản sắc văn hóa dân tộc trong các tộc người và thể hiện ở từng cá nhân. Cái tạo nên bản sắc đó, chi phối và cũng in dấu vào bản sắc đó là ba nguyên lý không tách rời nhau: nguyên lý cùng cội nguồn- cùng dòng máu, nguyên lý cùng chỗ ở, sau cùng là nguyên lý cùng lợi ích (theo GS.Trần Quốc Vượng).
Như thế thì bản năng văn hóa phát triển trên nền tảng bản năng sinh vật và thực tiễn xã hội cũng như môi trường sống. Nói cách khác, bản năng xã hội nhập vào bản năng sinh vật và nâng bản năng sinh vật lên bản năng người. Tất cả hai loại bản năng sinh vật (con) và bản năng xã hội (người) đều là thuộc về bản chất con-người, không thể tách rời được. Chính GS Trần Đức Thảo, khi nói về bản chất hàng 1 (sinh vật) và bản chất hàng 2 (xã hội) ở con người là cũng với nhận thức như thế nhưng nhìn theo phương pháp cấu trúc trên dưới trong quá trình tiến hóa bản chất con người như tiến hóa địa chất.
Bản năng xã hội của con người là dựa trên những phản xạ có điều kiện, nhưng nó được mã hóa vào gen văn hóa (di truyền) hay thậm chí ảnh hưởng thành thói quen trong gen tự nhiên sinh học. Ví dụ như ý thức, lao động, ngôn ngữ, giao tiếp… là bản năng xã hội. Bản năng xã hội là bản năng do tác động bên ngoài tạo nên, thành phản xạ tự nhiên của cơ thể. Nhưng bản năng xã hội vẫn là bản năng sinh học nhưng là có thức (ý thức về ăn uống, tình dục). Không có bản năng sinh vật thì không có bản năng xã hội. Nhưng bản năng xã hội, tức bản năng có ý thức không đồng nhất với phản xạ có điều kiện. Vô thức sinh vật hoạt động không cần phản xạ có điều kiện. Vô thức tinh thần là vừa mang tính bản năng sinh vật vừa mang tính bản năng xã hội.
Bản năng sinh vật và bản năng xã hội trong con người, loài người không hoàn toàn tách biệt và cũng có thể chuyển hóa lẫn nhau. Không có bản năng xã hội, về cơ bản, tách rời bản năng người, bên ngoài bản năng sinh vật, trên cơ thể, cơ năng từ cơ thể. Con người bao giờ cũng mang theo bản năng, bản năng tồn tại trong con người, từ bản năng sinh vật thuần tuý, nó trở thành bản năng người khi thông qua môi trường xã hội, môi trường văn hóa trong hoạt động của con người. Cũng như vậy, không có hoạt động người lại phi sinh vật, phi cơ thể và cơ năng của nó. Không thể nó tiêu diệt bản năng sinh vật mà là hạn chế bản năng mà thôi. Cho nên nói văn hóa là sự chế ngự, điều khiển bản năng.
Nhưng lẽ nào bản năng không tác động gì đến văn hóa? Không nên hiểu giản đơn rằng, bản năng là cái bất biến không thể thay đổi, dù là bản năng sinh vật hay bản năng xã hội. Những bản năng nào mang tính qui luật thì ít thay đổi nhưng có những hành vi "bản năng", hay nói chính xác hơn là có tính bản năng = gần như bản năng do thói quen (phản xạ) mà làm thay đổi cơ chế sinh học bình thường mà thành như nghiện ngập ma tuý, rõ nhất là lúc lên cơn nghiện thì lại có thể xóa bỏ được, sau khi thay đổi được, điều chỉnh lại (chữa bệnh, cai nghiện) được cơ chế sinh tâm thần.
Bản năng là cái có thể di truyền, cái không di truyền là không phải bản năng.
Lao động là bản năng xã hội, nó di truyền qua cả cơ thể sinh học và môi trường văn hóa. Nhưng khi con người mất một trong hai cơ sở đó thì nó thoái hóa, mất đi khả năng lao động. Đứa trẻ sinh ra nhưng không may rơi vào sống cảnh rừng hoang cùng loài thú thì nó trở lại bản năng sinh vật, khi trở về môi trường xã hội khó trở lại thành người, hoặc ở trong gia đình, trong cộng đồng nhưng cơ hế sinh học tâm thần bị trục trặc (bệnh tâm thần phân liệt chẳng hạn) thì cũng khó nên người.
Bản năng sinh tính dục của con người cũng mất dần theo tuổi già (cơ chế sinh học bị lão hóa). Người nghiện ma tuý tuy khi cai nghiện thì cơ chế sinh học được điều khiển nhưng khi về môi trường ma tuý rất dễ bị lây - di truyền xã hội (là với ý nghĩa đó). Hoặc người nghiện càng lâu càng khó bỏ. Tuy vậy, lại có người bỏ được.
Ở đây phải có ba điều kiện: cơ chế sinh học được chỉnh lại, tâm thần, ý chí đủ mạnh để đề kháng (môi trường xã hội không ma túy, hoặc đề kháng được ma tuý - tức có công ăn việc làm, có người giúp đỡ, môi trường tình cảm tốt). Nghiện ma tuy là một thói quen, gần như bản năng. Ma tuý tác động vào bản năng, có khi hòa nhập với bản năng, kích thích bản năng gây nghiện nhưng nó không phải là vốn có trong cơ chế sinh học của con người.
Như vậy, tiền có khi cũng như ma tuý, nó kích thích lòng tham - bản ngã vị kỷ - bản năng xã hội gắn với bản năng sinh vật, tức kích thích bản năng (Lòng tham hễ thấy hơi đồng thì mê). Chúng ta cũng có thể nói về tác động mỹ nhân khi có kẻ thấy hơi tình là mê. Gái, tiền, quyền lực, ma tuý…là chất trung giới kích thích bản năng, chuyển nhân cách thành bản năng (mất nhân cách), nhưng cũng có trường hợp qua đó mà nâng bản năng lên thành văn hóa, nhân cách.
Cơ chế văn hóa xã hội và bản năng văn hóa cũng có khi bị trục trặc, khủng hoảng, lão hóa, gây ra những cú xốc xã hội. Phải dần dần mới ổn định, phát triển theo cái mới dưới tác động của bản năng có ý thức. Đổi mới tư duy, cải cách hay cách mạng xã hội là vượt qua thời kỳ rối loạn ấy, khắc phục cái bản năng sinh vật và vô thức cộng đồng.
Như vậy, là cần hiều cho rõ bản chất, đặc điểm và các biểu hiện, loại hình của bản năng với tính đa dạng của nó và cái trung gian giữa bản năng và văn hóa, nhân cách. Con người có bản chất (bản năng) vốn có là thiện hay là ác hay không ác cũng không thiện, hay vừa thiện vừa ác? Thiện ác là bản năng sinh vật hay bản năng xã hội? Bản năng dù là cái vốn có cũng được sinh ra từ quan hệ với các khác của nó mà sinh ra chứ không phải hoàn toàn "tiên thiên".
Nhiều tôn giáo chỉ thấy mặt xấu của bản năng (ác), cố giải thoát khỏ bản năng, nhưng đó là một phần đời nếu không có nó sẽ còn gì bàn về đạo (thiện)? Không có bản năng con người không thể tồn tại. Tuy rằng, bản năng có thể (khả năng) hạ thấp con người xuống hàng động vật, vì nó cũng vốn có như bản năng động vật. Nhưng chính thông qua xã hội con người đã nâng bản năng động vật lên hàng bản năng người (là hiện thực nhưng vẫn mang tính khả năng). Nhân cách con người từ đó mà ra.
Bản năng nào có ý thức và nhằm vào thoả mãn theo hướng Chân - Thiện - Mỹ thì mới là bản năng văn hóa (hành động theo qui luật của cái đẹp). Bản năng thỏa mãn nhu cầu sinh dục của con người có cả mặt sinh vật và có cả mặt văn hóa, tuỳ quan hệ mà nó xuất hiện ở mặt nào là chính. Như vậy, bản năng sinh vật và bản năng xã hội là trung tính, tuỳ theo giới hạn, phạm vị và tính chất xã hội cụ thể mà nó là bản năng xấu hay bản năng tốt có tính văn hóa hay không?
Lòng vị kỷ, ham muốn quyền lực, sắc dục, của cải cũng có sẵn ở con người như hành vi bản năng. Nhưng tham lam, cá nhân vị kỷ chỉ vì mình mà hại người khác, xâm phạm lợi ích người khác là trở thành hành vi xấu. Hồ Chí Minh khuyên cán bộ "ít ham muốn vật chất" chứ không phải khuyên bỏ ham muốn vật chất. Rằng, tiền tài, sắc dục không chuyển lay, quyền uy không khuất phục… mới nên anh hùng. Phật cho rằng tham là một cội nguồn của bể khổ.
Nhưng, nếu tiêu diệt (triết tiêu hết) nhục dục, xóa bỏ lòng ham muốn thì không tưởng và rơi vào chủ nghĩa thầy tu, khổ hạnh, còn chống (hạn chế) tham lam, ích kỷ là hành vi có văn hóa, có đạo đức. Hồ Chí Minh, riêng về bản thân thì Người không ham tiền tiền, địa vị mà chỉ có một lòng ham muốn: ham học, ham làm, ham hiểu biết, ham muốn dân tộc độc lập tự do, ai cũng được học hành, có cơm ăm áo mặc, tiến bộ, dân giàu nước mạnh, người người hạnh phúc, sống trong nhân ái, hoà bình và hữu nghị… Đó là bản năng văn hóa, tinh hoa văn hóa Hồ Chí Minh.
Bản năng và văn hóa hay bản năng và nhân cách có thể chuyển hóa lẫn nhau hay. Đó là một nguyên lý triết học cần hiểu ở tầm của chủ nghĩa duy vật nhân văn: tầm con người, tầm giải phóng con người.
Không nên hiểu sự chuyển hóa nói trên một cách đơn giản, thông thường kiểu logic hình thức mà phải bằng tư duy biện chứng… Chuyển hóa biện chứng là sự xâm nhập lẫn nhau giữa hai mặt đối lập, cái này thành cái kia và ngược lại, khi có những điều kiện nhất định. Từ đó, ta nhận thấy bản năng và văn hóa là một cặp phạm trù, một mâu thuẫn biện chứng vì chúng làm tiền đề cho nhau, xâm nhập lẫn nhau, cái nọ thành cái kia và ngược lại.
Nhưng chúng ta cũng lại thấy chính trong quà trình tiến hóa, tha hóa và phát triển bản chất của con người là xã hội hóa bản năng, văn hóa hóa bản năng, nhân tính hóa bản năng, nhân cách hóa bản năng để thành người ngày càng trọn vẹn. Một thanh niên bình thường, có nhân cách, song đã rơi vào vũng bùn ma tuý hay phạm tội là suy thoái hay tha hóa nhân cách thành hành vi thú tính, tức bản năng sinh vật. Nhưng nếu họ được cải tạo, được giáo dục để phục hồi nhân cách và nhân tính thì cũng là chuyển từ bản năng sang văn hóa, sang nhân cách.
Trong thực tiễn, có những người tha hóa về đạo đức, lối sống, tha hóa về tư tưởng chính trị, tôn giáo hay trong lao động. Đó là những tha hóa bản chất người dù với những hình thức, sắc thái và có tính lịch sử rất khác nhau. Nói cách khác là sự tha hóa từ văn hóa sang bản năng, hơn nữa là bản năng xấu, tức bản năng phi văn hóa, phi nhân tính - nhân cách (bản năng có 2 nghĩa: nghĩa tự nhiên, trung tính và nghĩa xấu, tiêu cực). Nếu thế thì quan hệ này cũng gần giống như quan hệ thiện-ác vậy. Ai bảo thiện và ác không chuyển hóa lẫn nhau? Đâu chỉ có chuyển hóa ác thành thiện mà thiện không thành ác? Cái gì là trung giới, cái gì là nguồn gốc?
Ví dụ, việc một cán bộ của Đảng và của Nhà nước ta suy thoái, tha hóa trở thành kẻ tham nhũng, do lòng tham chi phối, cũng coi như mất dần lý trí lành mạnh, chỉ còn ham muốm bản năng vật chất. Đó là sự chuyển hóa từ văn hóa, nhân cách sang bản năng bản năng thú tính. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhận định rằng, có kẻ hôm qua là vĩ đại, được nhân dân tôn kính nhưng hôm nay có thể không còn vĩ đại nữa, thậm chí bị nhân dân khinh bỉ, nếu họ bi khuất phục (đầu hàng) bởi tiền tài, địa vị và sắc đẹp, không rèn luyện bản thân, nên mất hết nhân - trí - dũng!
Tại sao chúng ta lại e ngại không thừa nhận sự chuyển hóa ngược lại này, xét về mặt nguyên lý? Không thừa nhận là do không hiểu hay phủ nhận tính qui luật của khả năng của phép biện chứng phức tạp, tinh tế trong bản chất người như một mâu thuẫn âm - dương của sự tiến hóa. Mà ở đây không chỉ thể hiện quan hệ giữa bản năng sinh vật và bản năng xã hội, giữa bản năng và văn hóa, giữa con vật và con người.
Trong con người thì giữa con và người (con người bản năng và con người xã hội - con người văn hóa) là có thể chuyển hóa lẫn nhau trong quá trình hiện thực hóa, tiến hóa bản chất người. Nhưng đó không phải là hai vật mà là cái này lấy cái kia làm tiền đề. Con chưa phải là người nhưng không có con thì không có con - người, trên cơ sở con mới nên người. Nhưng phải thông qua lao động và đấu tranh mới có sự chuyển hóa ấy.
Không ở trong môi trường xã hội, không học tập và rèn luyện, không lao động và đấu tranh vì tình thương và lẽ phải thì người lại thành con! Xu hướng chủ đạo, phổ biến, mạnh hơn là văn hóa hóa bản năng, là con thành con người nhưng không coi thường luật tiến hóa không phải là một đường thẳng tuyến tính mà là một mâu thuẫn, bao hàm cả sự giật lùi: có khi bản năng thắng văn hóa.
Nhưng không chỉ có mặt đó mà có cả cái văn hóa xâm nhập vào bản năng sinh vật, ghi vào bản năng sinh vật (trong xã hội thì thành tập quán, vô thức cộng đồng) để trở thành bản năng văn hóa (bản sắc văn hóa = hệ thống giá trị = gen văn hóa = di truyền văn hóa). Khi nói bản năng văn hóa thì ở đây là đồng nhất bản năng và văn hóa, không còn phân biệt, chúng chuyển hóa lẫn nhau đi đến đồng nhất (hai = một, một = hai) theo cách nói của Lênin về sự chuyển hóa các mặt đối lập.
Nếu hiểu nhân cách chỉ là cái bên ngoài con người, tức môi trường xã hội chuyển hóa vào con người (con người là sản phẩm của hoàn cảnh) mà không hiểu bản năng, sự kết hợp cả hoàn cảnh và bản năng trong hoạt động của con người thì không thể hiểu được sự hình thành con người và nhân cách con người.
Chính trên cơ sở bản năng sinh vật và bản năng xã hội (văn hóa), hình thành nhu cầu sinh vật và nhu cầu xã hội (văn hóa) trong quá trình đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu - động cơ thúc đẩy hành động cũng chính là quá trình hình thành nên nhân cách. Quá trình hình thành nhân cách cũng chính là quá trình văn hóa làm chủ bản năng - văn hóa hóa bản năng ở từng con người với tư cách là chủ thể ý thức về bản thân mình trong quan hệ với xã hội, với người khác.
Với ý nghĩa đó, những bản năng biến thành nhân cách thông qua các khâu trung gian và điều kiện mà chuyển hóa. Nhưng nhân cách đã hình thành không phải là bất biến mà nếu thiếu những điều kiện nào đó (môi trường tốt và sự rèn luyện bản thân…) thì nhân cách sẽ bị thoái hóa, tha hóa, mất nhân cách, và như thế nhân cách trở lại bản năng, biến thành bản năng. Dù xu hướng chính là bản năng chuyển hóa thành nhân cách là chính, phổ biến, chủ đạo nhưng không nên mất cảnh giác với khả năng nhân cách cũng có thể bị mất, trở về đời sống bản năng, từ đó mất tính người khi bản năng sinh vật hoàn toàn thống trị.
Khi không nhận thấy và quan tâm chiều sâu sự chuyển hóa biện chứng cả hai chiều nói trên, khi hiểu một chiều bản năng và văn hóa là hai cái hoàn toàn khác nhau, xa lạ với nhau, hoặc chỉ thấy một chiều xấu, tốt, sẽ thiếu công cụ phương pháp luận biện chứng khi phân tích sự tồn tại bản chất người và các sự chuyển hóa bản chất người cụ thể: sự hoàn thiện nhân cách hoặc sự tha hóa nhân cách, văn hóa và phản văn hóa.
Hồ Bá Thâm
Nguồn: vanhoahoc.vn