Tình yêu là gì?

Chính phủ nói rằng: “Hãy lên đường và giết người vì tình yêu đất nước”. Đó có phải là tình yêu không? Các tôn giáo nói rằng “Từ bỏ tình dục để yêu Thượng đế”. Đó có phải là tình yêu không? Tình yêu có phải là lòng khao khát không?

Đừng nói không, hầu hết chúng ta là như vậy – khao khát sự thỏa mãn, sự thỏa mãn có được thông qua các giác quan, thông qua gắn bó và thực hiện sinh hoạt tình dục. Điều này không ngụ ý là phản đối tình dục, nhưng hãy xem xét xem nó như thế nào. Thực ra cái cảm giác tình dục đem lại cho bạn trong giây lát đó là sự từ bỏ hoàn toàn cái “tôi” của bạn, sau đó bạn trở lại với những bối rối của cuộc sống nên bạn muốn lặp lại cái trạng thái đó, và khi ở trong nó bạn không có lo lắng, không có vấn đề gì và không có “cái tôi”.

Bạn nói rằng bạn yêu vợ mình nhưng thực sự tình yêu đó là sự bao hàm của thỏa mãn tình dục, sự hài lòng vì có một ai đó trong nhà để trông nom lũ trẻ, để nấu nướng. Bạn phụ thuộc vào cô ấy. Cô ấy cho bạn cơ thể của cô ấy, tình cảm của cô ấy, sự khuyến khích của cố ấy, một cảm giác nhất định về an toàn và hạnh phúc.

Nếu cô ấy từ bỏ bạn; cô ấy trở nên buồn chán hoặc đi theo một người nào đó, và toàn bộ sự cân bằng tình cảm của bạn bị phá vỡ, nỗi lo âu và xáo trộn này, cái điều mà bạn không thích, gọi là sự ghen tuông. Trong lòng bạn lúc này là nỗi đau đớn, lo lắng, lòng hận thù và hung dữ. Có phải bạn thực sự muốn nói rằng “Miễn là khi nào em thuộc về tôi thì tôi yêu em, còn ngay khi em không thuộc về tôi, tôi căm thù em. Khi nào tôi còn dựa vào em để thỏa mãn những nhu cầu của tôi, tình dục và những thứ khác nữa, tôi yêu em, nhưng ngay khi em không đáp ứng những nhu cầu của tôi, tôi không yêu em nữa”. Đó chính là mâu thuẫn giữa các bạn, ở đó có sự chia cách, và khi nào bạn cảm thấy bị chia cách khỏi người khác thì ở đó không có tình yêu.

Nhưng nếu bạn sống với vợ mình mà không tạo ra tất cả những trạng thái mâu thuẫn này, những sự mâu thuẫn bất tận trong chính bản thân bạn thì có lẽ, và có lẽ bạn sẽ biết được tình yêu là gì. Khi đó bạn hoàn toàn tự do và cô ấy cũng vậy, trong khi nếu bạn phụ thuộc tất cả sự hài lòng của bạn vào cô ấy thì bạn trở thành một kẻ nô lệ cho cô ấy. Do vậy, khi bạn yêu thì ở đó phải có sự tự do, không phải tự do khỏi người khác mà là tự khỏi chính bản thân bạn.

Thuộc về một người khác, nuôi dưỡng tình cảm bởi người khác, phụ thuộc vào người khác - tất cả những điều này luôn chứa đựng sự lo lắng, nỗi sợ hãi, ghen tuông, tội lỗi, và ở đâu có sự sợ hãi ở đó không có tình yêu. Một tâm hồn đau khổ sẽ không bao giờ biết được tình yêu là gì.

Tính đa cảm không phải là tình yêu. Và như vậy tình yêu không phải là sự hài lòng, thỏa mãn và khao khát. Tình yêu không phải là sản phẩm của ý nghĩ – cái thuộc về quá khứ. Ý nghĩ không thể vun trồng nên tình yêu. Tình yêu không bị rào quanh, bị bó buộc bởi ghen tuông vì ghen tuông thuộc về quá khứ. Tình yêu luôn luôn ở hiện tại. Nó không phải là “Tôi sẽ yêu” hoặc “Tôi vừa yêu”. Nếu bạn biết tình yêu là gì, bạn sẽ không theo gót bất cứ ai. Tình yêu không có sự tuân theo. Khi bạn yêu, ở đó không có sự tôn sùng hay bất kính.

Bạn có biết thế nào là thực sự yêu một người không? – yêu mà không có thù hận, không có ghen tuông, không có giận dữ, không muốn can thiệp vào người nào đó đang nghĩ hoặc đang làm, không chỉ trích, không so sánh - bạn có biết điều đó có nghĩa là gì không? Ở nơi có tình yêu, ở đó có sự so sánh không? Khi bạn yêu một ai đó với tất cả trái tim mình, với tất cả tâm hồn mình, với tất cả con người mình, khi đó có sự so sánh không? Khi bạn hoàn toàn quên đi chính mình cho tình yêu đó thì lúc đó không còn có một ai khác.

Tình yêu có những trách nhiệm và bổn phận không? Khi bạn làm một việc gì mang tính bổn phận thì ở đó có tình yêu không? Trong bổn phận không có tình yêu. Cơ cấu của bổn phận mà con người đang mắc kẹt đang hủy hoại họ. Khi bạn bị ép buộc làm một việc gì đó bởi đó là bổn phận của bạn thì bạn không yêu cái việc mà bạn đang làm. Ở đâu có tình yêu, ở đó không có bổn phận và trách nhiệm.

Đáng tiếc là hầu hết các bậc cha mẹ nghĩ rằng họ có trách nhiệm với con cái mình và cảm giác về trách nhiệm biểu hiện bằng việc nói với bọn trẻ chúng nên làm cái này và không nên làm cái này, chúng nên trở thành cái gì và không nên trở thành cái gì. Các bậc cha mẹ muốn con của họ có một vị trí an toàn trong xã hội. Cái mà họ gọi là trách nhiệm là một phần của cái đáng kính mà họ tôn thờ. Và ở đâu có sự tôn thờ ở đó không có sự dạy dỗ; họ chỉ quan tâm tới việc trở thành một người trưởng giả hoàn hảo. Khi họ chuẩn bị cho con cái họ bước chân vào xã hội, họ đang kéo dài chiến tranh, xung đột và sự tàn bạo. Bạn có gọi đó là sự quan tâm và tình yêu không?

Sự quan tâm thực sự cũng giống như khi bạn quan tâm tới một cái cây, bạn tưới nước cho nó, tìm hiểu những nhu cầu của nó, loại đất tốt nhất cho nó, trông nom nó với sự dịu dàng và tế nhị - nhưng khi bạn chuẩn bị cho con mình bước vào xã hội, bạn đang chuẩn bị để giết chúng. Nếu bạn yêu con cái mình, bạn sẽ không gây ra chiến tranh. Khi bạn mất người mà bạn thương yêu, bạn rơi lệ - những giọt nước mắt của bạn là dành cho bạn hay cho người đã khuất. Bạn đang khóc cho chính mình hay cho người khác? Bạn đã từng bao giờ khóc cho người khác chưa? Bạn đã từng khóc cho con trai của mình đã chết trên chiến trường chưa? Bạn khóc, nhưng những giọt nước mắt đó là sự tự thương xót mình hay bạn khóc vì một người vừa bị giết?

Nếu bạn khóc tự thương xót mình thì điều đó là vô nghĩa vì bạn chỉ quan tâm tới chính bản thân mình mà thôi. Nếu bạn khóc vì bạn vừa bị mất một người mà bạn đã đầu tư nhiều lòng thương yêu thì đó không phải là lòng thương yêu thật sự. Khi bạn khóc vì người anh trai của mình mất, ai khóc cho anh ta. Rất dễ dàng để bạn khóc cho chính bạn vì anh ấy đã mất. Bên ngoài, bạn đang khóc bởi vì trái tìm bạn bối rối, xúc động nhưng không phải là sự bối rối, xúc động cho anh ấy mà chỉ là bối rối xúc động bởi sự tự thương xót số phận của mình và sự tự thương xót số phận của mình làm bạn trở nên trai lì, bó buộc bạn, làm bạn cùn lụt và ngớ ngẩn.

Khi bạn khóc cho chính mình, đó có phải là tình yêu? – khóc bởi vì bạn cô đơn, bởi vì bạn đã bị bỏ lại, bởi vì bạn không thể than phiền về môi trường của bạn nữa - bạn luôn khóc lóc? Nếu bạn hiểu điều này, có nghĩa là bạn tiếp xúc trực tiếp với nó như là bạn chạm vào một cái cây, một cái cột hoặc một bàn tay, khi đó bạn sẽ thấy rằng đau khổ là do ta tự tạo ra, đau khổ được tạo ra bởi ý nghĩa, đau khổ là kết quả của thời gian. Bạn đã có anh trai cách đây ba năm, bây giờ anh trai bạn đã chết, bây giờ bạn cô đơn, đau đớn, bạn không còn ai để tìm kiếm sự an ủi hoặc tình bạn nữa, và điều đó mang nước mắt đến cho bạn. Bạn có thể nhìn thấy tất cả những điều này diễn ra trong bản thân mình nếu bạn quan sát.

Bạn có thể nhìn thấy nó đầy đủ, toàn vẹn trong một cái nhìn mà không cần mất thời gian phân tích nó. Bạn có thể nhìn thấy trong giây lát toàn bộ cấu trúc và bản chất của sự giả tạo mang tên “tôi”, “nước mắt của tôi”, “gia đình của tôi”, “đất nước của tôi”, “niềm tin của tôi”, “tôn giáo của tôi” - tất cả những cái xấu xa này, tất cả chúng nằm trong bản thân bạn.

Khi bạn quan sát với cả trái tim của bạn, không phải bằng lý trí, khi bạn quan sát từ trong sâu thẳm trái tim, bạn sẽ tìm thấy chìa khóa để kết thúc đau khổ. Đau khổ và tình yêu không thể đi cùng nhau, nhưng trong thế giới đạo Cơ Đốc họ lý tưởng hóa sự đau khổ, đặt nó lên cây thánh giá và tôn thờ nó, ám chỉ rằng bạn không bao giờ có thể thoát khỏi đau khổ trừ phi đi qua một cánh cửa đặc biệt, và đây là toàn bộ cấu trúc của một xã hội tôn giáo bóc lột.

Do vậy, khi bạn hỏi tình yêu là gì, bạn có thể sẽ rất hoảng sợ khi nhìn thấy câu trả lời. Điều đó có thể gây ra một sự chấn động làm nứt vỡ gia đình bạn; bạn có thể khám phá ra rằng bạn không yêu vợ hoặc chồng mình hoặc con mình? – có thể bạn phải đập tan ngôi nhà mà bạn đã xây, có thể bạn sẽ không bao giờ trở lại các điện miếu hay thánh đường nữa.

Nhưng nếu bạn vẫn muốn khám phá, bạn sẽ thấy rằng sợ hãi không phải là tình yêu, phụ thuộc không phải là tình yêu, ghen tuông không phải là tình yêu, sự sở hữu và thống trị không phải là tình yêu, trách nhiệm và bổn phận không phải là tình yêu, tự thương xót số phận không phải là tình yêu, nỗi đau đớn vì không được yêu không phải là tình yêu, tình yêu không phải là sự đối nghịch của lòng căm thù.

Nhưng nếu bạn loại bỏ tất cả những điều này, không phải bằng cách gò ép mà bằng cách rửa sạch chúng đi giống như cơn mưa rửa sạch bụi lâu ngày trên những lá cây, khi đó bạn sẽ khám phá ra bông hoa kỳ diệu mà con người luôn luôn khao khát.

Theo Krishnamurti

Previous Post
Next Post