Cấm kỵ chết

Nhắc đến cái chết là một điều cấm kỵ. Nó khiến người ta sợ hãi vì nó nhắc họ nhớ đến cái chết của chính họ. Họ còn phải lo nhiều việc khác, và cái chết đến lúc nào không hay. Thế mà họ vẫn muốn dồn hết tâm lực cho những việc đó. Chúng có vai trò giống như một bức màn: họ sẽ không chết, ít nhất là lúc này. Sau đó thì... "khi nào tới hẵng hay".

Sao ta không tạo nên một cuộc sống thực sự tốt đẹp? Một cuộc sống mà cái chết không còn là điều cấm kỵ nữa một khi cuộc sống của bạn không còn vướng mắc, không còn lo sợ; một khi bạn đã chấp nhận cuộc sống của bạn trong sự toàn diện của nó, cái chết không phải là sự chấm dứt của cuộc sống mà là một phần cuộc sống.

Chấp nhận cuộc sống trong sự toàn diện của nó là bạn đã chấp nhận cái chết; nó chỉ là một lúc nghỉ ngơi thôi. Bạn đã làm việc suốt một ngày dài - vậy đêm đến bạn có muốn nghỉ ngơi không?

Cái chết là một giấc ngủ dài hơn một chút, sâu hơn một chút. Giấc ngủ hàng ngày giúp bạn lấy lại sức để hoạt động tốt hơn và hiệu quả hơn. Mọi mệt mỏi đều tan biến, bạn lại trẻ trung, khỏe khoắn. Cái chết cũng giúp bạn như vậy nhưng ở mức độ sâu hơn. Nó thay đổi thân xác cho bạn vì lúc này cơ thể bạn không thể hồi phục bằng giấc ngủ thường nhật; nó đã quá già.

Một khi bạn chấp nhận cuộc sống trong sự toàn diện của nó, bạn chấp nhận cái chết là một phần của cuộc sống. Lúc đó cái chết không phải là điều trái ngược của sự sống, mà chỉ là một người giúp việc, giống như giấc ngủ vậy. Cuộc sống của bạn là mãi mãi. Cơ thể thì không, nó cần được thay đổi. Nó sẽ già đi, và có một cơ thể mới sẽ tốt hơn là cứ lê lết mãi tuổi già.

Previous Post
Next Post