Sợ hãi là gì? Sợ hãi chỉ có thể xuất hiện cùng với một thực thể nào đó, chứ không thể tồn tại riêng lẻ. Làm thế nào tôi có thể sợ chết được, làm thế nào tôi có thể sợ một điều mà tôi không hề biết? Tôi chỉ có thể sợ những gì tôi quen biết thôi. Khi tôi nói rằng tôi sợ chết, có phải thực là sợ một cái gì xa lạ, nghĩa là sự chết, hay tôi sợ mất những gì tôi đã quen biết?
Sự sợ hãi của tôi, không phải là sợ chết mà là sợ mất sự liên kết của tôi đối với những sự vật thuộc về tôi. Sự sợ hãi của tôi luôn luôn dính líu đến những gì tôi đã quen biết, chứ không có liên quan nào đến những gì xa lạ mà tôi không thể biết được.
Sự khảo sát hiện giờ của tôi là làm thế nào có thể giải thoát khỏi sự sợ hãi về những điều đã biết, nghĩa là sợ mất gia đình của tôi, sợ mất danh tiếng của tôi, tính tình tôi, tiền bạc của tôi để ở ngân hàng, sự thèm khát của tôi, vân vân. Các bạn có thể nói rằng sự sợ hãi xuất hiện từ ý thức; nhưng ý thức của các bạn chỉ được hình thành do sự qui định trói buộc của các bạn, do đó ý thức cũng chỉ là kết quả của những gì ta quen biết.
Tôi có thể biết gì? Kiến thức là có những ý tưởng, những ý kiến về những sự vật, có ý thức về sự liên tục liên quan đến những gì ta đã quen biết, chỉ thế thôi. Những ý tưởng là những sự hồi tưởng, kết quả của kinh nghiệm nghĩa là đáp ứng lại sự thách đố. Tôi sợ những gì tôi đã quen biết nghĩa là tôi sợ mất thiên hạ, những sự vật hay là những ý tưởng, tôi sợ khám phá ra bản chất thực sự của tôi, sợ bối rối lúng túng, sợ đau đớn xảy ra khi tôi đã mất hay đã không được lời lãi hay đã không còn được vui sướng nữa.
Lại còn sợ hãi sự đau đớn. Sự đau đớn thể chất là một sự đáp ứng của thần kinh hệ, nhưng sự đau đớn tâm lý chỉ xuất hiện khi tôi ôm ghì giữ lấy những sự vật nào đã đem đến thỏa mãn cho tôi, vì lúc ấy tôi sợ một người nào đó hay một sự vật nào đó mà có thể đánh mất những sự vật ấy ra ngoài tôi. Những sự tích lũy tâm lý án ngữ cơn đau đớn tâm lý chỉ khi nào những sự tích lũy ấy không bị khuấy động, nghĩa là tôi chỉ là một mớ tích lũy kinh nghiệm, ngăn chặn lại bất cứ hình thức nghiêm trọng nào muốn khuấy động tôi và tôi không muốn bị quấy rầy; do đó, tôi sợ bất cứ người nào mà có thể quấy động tôi.
Như thế sự sợ hãi của tôi thì chỉ thuộc về những gì tôi đã quen biết, tôi sợ hãi những tích lũy trong vật thể hay trong tâm tư mà tôi đã thu lượm dùng để xua đuổi sự đau đớn hoặc ngăn chặn nỗi sầu muộn. Nhưng nỗi sầu muộn lại nằm trong chính tiến trình tích lũy dùng để xua đuổi cơn đau tâm tư, kiến thức cũng được dùng để ngăn chặn sự đau đớn.
Không khác gì kiến thức y khoa dùng để ngăn chặn sự đau đớn thể xác, những tín ngưỡng cũng thế, những tín ngưỡng chỉ dùng để ngăn chặn sự đau đớn tâm tư, đó là lý do tại sao tôi sợ đánh mất những tín ngưỡng của tôi, mà tôi không hề có được kiến thức hoàn bị hay bằng chứng cụ thể về thực tại của những tín ngưỡng như thế. Tôi có thể chối bỏ một số tín ngưỡng truyền thống đã đè nặng trong tôi bởi vì kinh nghiệm trung thực của tôi đã cho tôi sức lực, lòng tự tin, sự giao cảm; nhưng những tín ngưỡng như thế và kiến thức mà tôi đã thâu đạt được thực ra cũng chỉ là như nhau – một phương tiện để xua đuổi sự đau đớn.
Sự sợ hãi chỉ tồn tại khi nào có sự tích lũy những gì mình đã quen biết, chính điều ấy tạo ra nỗi lo sợ mất mát. Do đó, nỗi lo sợ những gì xa lạ thực ra chỉ lo sợ những sự quen biết mà mình đã chồng chất trong tâm tư. Sự tích lũy tâm tư luôn luôn chỉ có nghĩa là sợ hãi, mà sợ hãi chỉ có nghĩa là đau đớn; mỗi khi nào mà tôi nói ‘tôi không nên mất’ thì lúc ấy sự sợ hãi xuất hiện. Mặc dù ý định tích lũy của tôi là muốn xua đuổi sự đau đớn, nhưng sự đau đớn chỉ nằm trong tiến trình tích lũy. Đó chính là những sự việc mà tôi có, những sự việc thuộc quyền sở hữu của tôi đã tạo ra những nỗi sợ hãi, nghĩa là đau đớn.
Mầm móng bảo vệ phòng thủ, chính mầm móng bảo vệ ấy đã gây ra sự gây hấn của người khác. Tôi muốn sự an ninh vật thể; do đó, tôi đã tạo ra một chính thể tập quyền, chính thể ấy bắt buộc phải cần có những lực lượng vũ trang, nghĩa là chuẩn bị cho chiến tranh, như thế chỉ là sự phá hủy sự an ninh. Mỗi khi nào có việc muốn tự bảo vệ đề phòng thì lúc ấy sự sợ hãi xuất hiện.
Khi tôi thấy sự sai lầm trong việc đòi hỏi an ninh, an toàn tính mạng, thì lúc ấy tôi mới không còn tích lũy nữa. Nếu các bạn nói rằng các bạn thấy điều ấy nhưng các bạn không thể nào không tích lũy được thì đó chỉ là bởi vì các bạn không thực sự tin rằng chính ngay trong sự tích lũy đã chứa sẵn sự đau đớn rồi.
Sự sợ hãi xuất hiện trong tiến trình tích lũy và tín ngưỡng về một thực thể nào đó thuộc về tiến trình tích lũy. Con trai tôi chết, và tôi tin vào sự luân hồi đầu thai để ngăn chặn lại cơn đau đớn tâm tư cho bớt phần mãnh liệt; nhưng, ngay trong tiến trình tin tưởng như thế thì đã có mối hoài nghi xuất hiện rồi.
Bên ngoài tôi chồng chất trực tích lũy các sự vật và gây ra mầm móng chiến tranh; bên trong tâm tư tôi chồng chất tích lũy những tín ngưỡng và gây ra mầm móng đau khổ. Khi nào mà tôi còn muốn bình an, được bảo đảm tính mạng, muốn có tiền bạc trong ngân hàng, muốn được vui sướng khoái lạc, vân vân, khi nào tôi còn muốn trở nên một nhân vật nào đó, theo nghĩa sinh lý và tâm lý thì lúc đó sự đau đớn nhất định xuất hiện. Chính những sự vật mà tôi dùng để xua đuổi sự đau đớn, chính những sự vật ấy mang đến sợ hãi, đau đớn cho tôi.
Sự sợ hãi chỉ thành hình khi tôi muốn theo đuổi một mẫu mực đặc biệt nào đó. Sống không sợ hãi có nghĩa là sống không cần một mẫu mực riêng biệt nào. Khi nào tôi đòi hỏi một đường lối riêng biệt nào đó thì lúc đó chính đường lối ấy là nguồn gốc của sự sợ hãi. Nỗi khó khăn của tôi là lòng ước muốn được sống trong một khuôn khổ nào đó. Tôi có thể phá vỡ khuôn khổ ấy không? Tôi chỉ có thể làm như thế khi nào tôi thấy chân lý: chính khuôn khổ đã gây ra sợ hãi và chính sự sợ hãi này lại đóng mạnh thêm khuôn khổ. Nếu tôi nói rằng tôi phải phá vỡ khuôn khổ bởi vì tôi muốn thoát khỏi sự sợ hãi, nếu nói thế thì tôi chỉ là đi theo một khuôn khổ khác, khuôn khổ khác ấy lại chỉ gây ra sự sợ hãi khác nữa.
Bất cứ hành động nào của tôi mà xuất phát từ ước muốn phá vỡ khuôn khổ sẽ chỉ là tạo ra một mẫu mực khác, do đó sự sợ hãi xuất hiện. Làm thế nào mà tôi không thể phá vỡ khung khổ mà không gây ra sự sợ hãi nữa, nghĩa là không còn bất cứ hành động ý thức hay vô thức nào trong tôi dính dấp đến sợ hãi? Nghĩa là tôi không phải hành động, tôi không làm bất cứ một cử chỉ nào để phá vỡ khung khổ.
Cái gì? Cái gì có thể xảy ra cho tôi khi mà tôi chỉ nhìn khung khổ mà không đụng chạm gì đến nó? Tôi thấy rằng chính tâm trí là khuôn khổ, mẫu mực; tâm trí tôi sinh hoạt trong mẫu mực thường lệ mà nó tạo ra cho nó. Vì thế, trí tuệ chính là sợ hãi. Bất cứ điều gì mà trí óc thực hiện chỉ tăng trưởng mẫu mực cũ hay tạo thêm một mẫu mực mới. Có nghĩa là bất cứ điều gì tâm trí muốn làm để giải thoát khỏi sự sợ hãi thì điều ấy gây ra sợ hãi.
Sự sợ hãi tìm nhiều lối thoát khác nhau. Lối thoát thông thường nhất là sự đồng hóa, phải không? Đồng hóa với đất nước, đồng hóa với xã hội, đồng hóa với một ý tưởng. Các bạn có bao giờ để ý phản ứng thế nào khi các bạn thấy một cuộc diễn hành, chẳng hạn như cuộc diễn binh, hay cuộc rước lễ của các tôn giáo, hay khi quê hương bị họa xâm lăng? Lúc đó thì các bạn tự đồng hóa với quê hương tổ quốc, với một thực thể nào đó, với một ý thức hệ nào đó. Lại còn những trường hợp khác chẳng hạn mình tự đồng hóa mình với đứa con của mình, rồi với vợ mình, với một hình thức hành động đặc biệt nào đó, hay một hình thức vô vi nào đó. Sự đồng hóa là một tiến trình tự trốn mình, tự quên mình.
Khi nào tôi ý thức về ‘tôi’ thì tôi biết rằng sự đau đớn, sự tranh đấu, sự sợ hãi thường xuyên vẫn còn đó. Nhưng nếu tôi có thể tự đồng hóa mình với một cái gì lớn hơn, với một cái gì xứng đáng hơn, chẳng hạn với sắc đẹp, với cuộc đời, với chân lý, với tín ngưỡng, với kiến thức, ít ra là chỉ đồng hóa tạm thời thôi, chỉ thế thôi cũng là một lối thoát, một sự chạy trốn của tôi đối với tôi, phải thế không?
Nếu tôi nói về ‘quê hương của tôi’ thì tôi có thể quên tôi trong giây phút, phải thế không? Nếu tôi có thể nói điều gì về Thượng đế, lúc ấy tôi có thể quên tôi. Nếu tôi có thể tự đồng hóa mình với gia đình tôi, với một đoàn thể, với một đảng phái riêng biệt nào đó, với một ý thức hệ nào đó thì, lúc ấy tôi có thể tìm được một lối thoát, một sự chạy trốn tạm thời.
Sự đồng hóa, do đó, chỉ là một hình thức chạy trốn bản ngã, ngay đức hạnh chỉ là một hình thức chạy trốn bản ngã. Kẻ nào tôi luyện đức hạnh chỉ là chạy trốn bản ngã, đầu óc hắn chỉ là hẹp hòi. Đó không phải là một đầu óc đức hạnh vì đức hạnh không phải là một điều có thể tôi luyện đeo đuổi được. Các bạn càng cố gắng trở nên đức hạnh chừng nào thì các bạn lại chỉ tăng trưởng bản ngã, tăng trưởng cái ‘tôi’ hơn thêm nữa.
Sự sợ hãi thường xảy đến cho chúng ta dưới nhiều hình thức khác nhau, chính sự sợ hãi ấy luôn luôn vẫn muốn tráo lộn trong một hình thức khác và do đó, gia tăng sự quằn quại tâm tư. Các bạn càng muốn đồng hóa với một hình thức tráo trở khác của một thứ sợ hãi thì các bạn lại càng cố ôm ghì nắm lấy những gì mà các bạn chuẩn bị để tranh đấu, để hy sinh tính mạng, bởi vì sự sợ hãi đã nằm đàng sau hành động kia.
Chúng ta có biết sự sợ hãi là gì không? Nó có phải chăng chỉ là không chấp nhận thực tại, không chấp nhận cái đang là, không chấp nhận những gì đang xảy ra trong hiện tại. Chúng ta phải hiểu nghĩa chữ ‘chấp nhận’. Tôi không dùng chữ ấy với ý nghĩa là cố gắng chấp nhận, nỗ lực để chấp nhận.
Không có vấn đề chấp nhận mỗi khi tôi trực nhận hiện tại, cái đang là, những gì đã xảy ra trong hiện tại. Khi nào tôi không trực nhận rõ ràng cái đang là, thực tại, những gì đang xảy ra trong hiện tại, thì lúc ấy tôi đã tạo ra tiến trình chấp nhận, do đó sự sợ hãi có nghĩa là không chấp nhận cái đang là, thực tại, những gì xảy ra trong hiện tại.
Tôi chỉ là một mớ tổng số những phản ứng, những đáp ứng, những hoài tưởng, những hoài vọng, những u trầm, chán nản, ấm ức, chỉ là kết quả của sự vận hành ý thức ứ đọng, tôi là thế thì làm thế nào để có thể vượt qua được những gì làm thành tôi? Làm thế nào trí óc không bị sự án ngữ ấy, mà lại có thể ý thức được?
Chúng ta biết rằng khi nào không có chướng ngại án ngữ thì lúc ấy niềm vui tuyệt vời xuất hiện. Các bạn có biết rằng mỗi khi nào cơ thể hoàn toàn mạnh khỏe thì chúng ta cảm thấy sung sướng thảnh thơi thoải mái; và các bạn có biết rằng tâm trí hoàn toàn tự do, không bị chướng ngại ngăn giữ, khi nào trọng tâm ý thức về ‘tôi’ không còn xuất hiện nữa thì lúc ấy các bạn cảm thấy sung sướng lâng lâng? Các bạn có cảm thấy như thế không mỗi khi nào bản ngã vắng mặt? Hiển nhiên tất cả chúng ta đều cảm thấy như thế.
Sự giao cảm và sự giải phóng khỏi bản ngã chỉ xuất hiện khi nào mình có thể nhìn bản ngã mình một cách hoàn toàn trọn vẹn như là một toàn thể nhất trí; và mình chỉ có thể thể hiện như thế mỗi khi nào mình hiểu tiến trình trọn vẹn của tất cả sinh hoạt xuất phát từ lòng tham muốn khát vọng, lòng ham muốn khát vọng ấy chính là sự thể hiện của tư tưởng – bởi vì tư tưởng không khác lòng khát vọng – mình chỉ có thể hiểu toàn thể tiến trình ấy khi nào không còn biện minh lòng ham muốn, không còn đàn áp nó; chỉ khi nào tôi có thể như thế thì tôi mới biết được mình có khả năng vượt qua được những giới hạn của bản ngã hay không. lặng ấy, thực tại tối thượng mới hiện thể.
Tác phẩm: Tự do đầu tiên và cuối cùng
Phần 1 - Chương 10 : Sợ hãi