Albert Bandura |
1. Tiểu sử
Albert Bandura sinh ngày 4 tháng 12 năm 1925 tại thành phố Nundare phía bắc Alberta, nước Canada. Ông được giáo dục trong một trường tập trung dạy gộp từ bậc tiểu học đến hết cấp trung học. Tuy trường này chỉ có một nguồn trợ giúp rất hạn hẹp nhưng có một tỷ lệ các em học sinh thành công rất cao. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, cậu bé đã làm việc suốt một mùa hè lấp những lỗ vỡ trên con đường xa lộ Alaska ở Yukon .
Ông tốt nghiệp cử nhân tâm lý ở Trường đại học British Columbia năm 1949. Ông tiếp tục học ở trường đại học Iowa và nhận được bằng tiến sĩ vào năm 1952. Tại đây ông đã ảnh hưởng rất lớn của những học thuyết hành vi truyền thống và học thuyết học tập.
Tại Iowa , ông gặp Virginia Varns, một giảng viên thuộc khoa Y tá của trường. Họ làm đám cưới và sau đó có 2 con gái. Sau khi tốt nghiệp, ông được nhận vào học ở bậc hậu tiến sĩ tại Trung tâm Hướng dẫn thành phố Wichita , tiểu bang Kansas .
Năm 1953, ông bắt đầu dạy tại trường Đại học Standford. Ở đó, ông cộng tác với người học trò bậc hậu đại học đầu tiên của mình là Richard Walters, kết quả là họ đã hoàn thành cuốn sách đầu tiên: Nổi Loạn Nơi Tuổi Dậy Thì (Adolescent Agression) vào năm 1959.
Bandura đã từng giữ chức chủ tịch Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ APA vào năm 1973, và đã nhận được bằng khen của Hiệp hội này vì đã có những đóng góp cống hiến khoa học xuất sắc. Ông tiếp tục làm việc tại trường đại học Stanford cho đến hiện nay.
2. Học thuyết của Albert Bandura
Thuyết hành vi với những tập trung chủ yếu vào phương pháp thí nghiệm, chú trọng đến những đại lượng có thể quan sát được, đo đạc được và có thể điều khiển được. Thuyết hành vi tránh được những lỗi chủ quan cơ bản, và có tính khách quan cao.
Trong phương pháp thí nghiệm, những thủ tục tiêu chuẩn được áp dụng kỹ lưỡng để khẳng định xem một tác nhân A có ảnh hưởng lên một đại lượng B khác. Sau đó là quá trình đo đạc, đánh giá hiệu quả xem tác nhân A có ảnh hưởng như thế nào lên một đại lượng B. Những tiêu chuẩn này đã tạo ra hướng mới cho một học thuyết nhân cách. Bandura cho rằng môi trường xã hội sẽ dẫn đến việc tạo nên những hành vi của một cá nhân.
Bandura tìm thấy một hiện tượng ông đã quan sát – sự nổi loạn nơi các trẻ em tuổi dậy thì – và đã quyết định đưa thêm một vài yếu tố khác vào công thức của mình. Ông đề nghị rằng môi trường sống dẫn đến hành vi nơi người. Ngoài ra ông cũng tin rằng những hành vi cũng có thể tạo ra môi trường. Ông gọi hiện tượng này là hiện tượng quyết định hỗ tương hai chiều. Thế giới và hành vi con người có tác động ảnh hưởng qua lại lên nhau.
Sau đó, ông tiến thêm một bước xa hơn nữa. Ông bắt đầu nhìn vào nhân cách như một quá trình tiếp cận giao thoa (interaction) giữa 3 đại lượng: (1) Môi trường – (2) Hành vi – (3) Quá trình phát triển tâm lý của một cá nhân. Theo ông quá trình phát triển tâm lý của một cá nhân tập trung vào khả năng giữ cho mình một ấn tượng trong tâm thức và quá trình phát triển ngôn ngữ của chúng ta. Trong thời điểm này ông giới thiệu khái niệm chuỗi ấn tượng vào học thuyết của mình. Ông đã cho thấy mình không còn thuần túy hoàn toàn là nhà hành vi học, và bắt đầu tham gia vào trường phái nhận thức học. Thực ra ông thường được coi là cha đẻ của phong trào nhận thức học.
Khi đưa chuỗi ấn tượng và ngôn ngữ vào thuyết hành vi, Bandura xây dựng học thuyết của mình hiệu quả hơn học thuyết của B. F. Skinner về hai điểm mà nhiều người cho rằng đấy là hai điểm nổi cộm đối với con người: Học bằng cách (a) quan sát hay còn gọi là rập khuôn và (b) khả năng tự quản.
3. Học từ quan sát hay rập khuôn
Một cuộc nghiên cứu trong hàng trăm cuộc nghiên cứu do Bandura phụ trách đáng chú ý hơn cả là nghiên cứu búp bê trứng bobo. Ông đã cho quay bộ phim (do một nữ sinh viên học trò của ông) đóng vai cố ý đánh đập một con búp bê trứng bolo (bobo doll). Sinh viên nữ này trong lúc đấm đá quả trứng nhựa ấy và la lên: Sockeroo? Chị ta đá quả trứng, ngồi lên nó, đánh bằng búa, đồng thời la lối với nhiều câu nói mang nội dung thù địch. Sau đó Bandura đem cuốn phim này chiếu cho các em nhỏ học lớp mẫu giáo xem. Sau đó các em được cho ra chơi trong căn phòng có một con búp bê trứng (bobo doll) và mấy cái búa nhựa. Một nhóm các nhà nghiên ngồi quan sát với giấy bút để chuẩn bị ghi chép.
Như đã được ông tiên đoán và những người quan sát đã ghi nhận rằng: Một số đông các em xúm vào đánh đập con búp bê trứng bobo kia rất hăng hái. Các em vừa đánh con búp bê trứng vừa la hét câu: Sockeroo? Các em đá con búp bê, ngồi lên nó, đánh nó bằng búa y như các em đã nhìn thấy trong video. Nói khác đi, các em bắt chước cô sinh viên trong cuốn phim, và các em bắt chước khá chính xác.
Điều này diễn biến như đã dự định ban đầu, nhưng điểm đáng chú ý Bandura đưa ra là: Những trẻ em này thay đổi hành vi của mình mà chẳng cần phải được thưởng hay có những tính toán trước đó. Ông gọi đây là hiện tượng học bằng cách quan sát hay rập khuôn. Nhưng người ta biết đến học thuyết của ông qua một cái tên khác: Thuyết học tập xã hội.
Bandura làm một số lớn những dạng biến thể của nghiên cứu này: Mô hình trên được giới thiệu thêm phần thưởng và hình phạt dưới nhiều cách khác nhau, và khi trẻ em được thưởng cho hành vi bắt chước của mình đã tỏ vẻ không còn hào hứng và không còn thích thú nữa. Nhiều người chất vấn ông và cho rằng con búp bê quả trứng bobo được tạo ra là để bị đấm đá. Vì thế Bandura đã quay một bộ phim mới. Lần này cô sinh viên trẻ đấm đá một anh hề sống thật. Lần này khi vào phòng chơi, các em bé xúm vào bắt chước y hệt trong phim, thi nhau đấm đá túi bụi anh hề sống kia.
Từ những kinh nghiệm nghiên cứu Bandura thiết lập một hệ thống thao tác thực nghiệm bao gồm các bước cho toàn bộ quá trình rập khuôn như sau:
1. Chú ý: Nếu chúng ta muốn học một điều gì đó, chúng ta sẽ tập trung tư tưởng. Tương tự, tất cả những cản trở trong quá trình tập trung sẽ làm giảm khả năng học tập qua cách quan sát. Nếu bạn buồn ngủ, mệt mỏi, phân tâm, say thuốc, lúng túng, đau ốm, sợ hãi, hay trong trạng thái quá khích, bạn sẽ không thể tiếp thu tốt được. Tương tự như chúng ta thường bị chia trí khi có những kích thích khác khiến chúng ta phân tâm.
Một vài yếu tố có ảnh hưởng đến khả năng tập trung chú ý của chúng ta. Ví dụ khi cố gắng bắt chước mô hình mẫu, nếu mô hình mẫu hấp dẫn, đầy màu sắc và có những hứa hẹn khả thi, chúng ta sẽ chú ý tập trung nhiều hơn. Một mô hình mẫu gần gũi với cá nhân ở những khía cạnh nào đó sẽ khiến một cá nhân sẽ tập trung nhiều hơn. Những yếu tố nêu trên đã hướng Bandura trong việc khảo sát ảnh hưởng của ti vi đối với trẻ em.
2. Giữ lại: Là khả năng lưu giữ trí nhớ về những gì chúng ta đã tập trung chú ý vào. Đây là giai đoạn những chuỗi hình ảnh hay ngôn ngữ có những đóng góp vào quá trình lưu trữ. Chúng ta nhớ những gì đã được nhìn thấy từ mô hình mẫu qua hình thái của những chuỗi hình ảnh trong tâm thức hay qua những mô tả ngôn từ. Sau này khi cần truy cập những dữ kiện đã được lưu trữ, chúng sẽ chỉ cần đến những hình ảnh trong hệ tâm thức và những mô tả. Từ đó chúng ta có thể diễn lại mô hình mẫu bằng chính những hành vi của chúng ta.
3. Lặp lại: Vào lúc này, cá nhân sẽ chuyển tải những hình ảnh trong hệ tâm thức hay những mô tả ngôn ngữ trở thành hành vi thật sự. Điều này xảy ra cho phép mỗi chúng ta có khả năng lập lại và tái diễn hành vi ban đầu (vốn là mô hình mẫu để ta bắt chước). Tất nhiên sẽ có một số thao tác không hoàn toàn diễn biến theo quá trình này. Chẳng hạn khi ta quan sát một diễn viên xiếc cả ngày nhưng chúng ta sẽ không thể bắt chước cách biểu diễn được. Tuy nhiên nếu ta có một chút kiến thức cơ bản về nhào lộn, rất có khả năng ta sẽ tập được những thao tác mới mẻ.
Một điểm quan trọng khác về quá trình lập lại là khả năng bất chước của chúng ta sẽ tiến bộ qua nhiều lần thực tập những hành vi cần được tái diễn. Một điều bất ngờ khác nữa là khả năng tái diễn của chúng ta sẽ tốt hơn nếu chúng ta liên tục tưởng tượng mình đang thao tác hành vi ấy. Rất nhiều vận động viên đã tưởng tượng về những thao tác thi đấu trước khi họ chính thức thi đấu.
4. Động cơ: Là một bộ phận quan trọng trong quá trình học tập một thao tác mới. Chúng ta có mô hình mẫu hấp dẫn, có trí nhớ, và khả năng bắt chước, nhưng nếu không có động cơ bắt chước, ít nhất là một lý do tại sao ta phải bắt chước hành vi này, ta sẽ không thể học tập hiệu quả được. Bandura đã nêu rõ tại sao chúng ta có động cơ:
a. Sự củng cố trong quá khứ, đây là nét chính của thuyết hành vi truyền thống.
b. Sự củng cố được hứa trước, phục vụ như một phần thưởng mà chúng ta tưởng tượng ra.
c. Sự củng cố ngầm, hiện tượng chúng ta nhìn và nhớ về mô hình được củng cố.
Đây là những tác nhân dẫn đến quá trình học tập, theo cách nhìn truyền thống. Bandura nói rằng những sự củng cố này không kích thích chúng ta học nhưng kích thích chúng ta thể hiện những gì chúng ta đã học được. Đấy là cách ông nhìn vào đông cơ của chúng ta.
Ngoài ra theo Badura có những động cơ tiêu cực đã cản chúng ta trong việc bắt chước người khác, hay cổ động chúng ta tránh né một số hành vi nhất định. Dưới đây là những động cơ tiêu cực:
d. Hình phạt trong quá khứ.
e. Hình phạt hứa sẽ xảy ra
f. Hình phạt ngầm.
Giống như hầu hết các nhà học thuyết hành vi truyền thống, Bandura nói rằng hình phạt dưới bất cứ hình thức nào sẽ không bao giờ làm việc có hiệu quả như một tác nhân củng cố trong quá trình thiết lập một hành vi. Và thường thì những hình phạt sẽ có tác hại phản lại khi điều kiện mội trường thuận lợi cho phép.
4. Tự kiểm soát
Tự kiểm soát là quá trình kiểm soát hành vi của chính chúng ta, đây chính là bộ máy vận hành tạo ra nhân cách của mỗi chúng ta. Ông đề nghị có 3 bước sau:
1. Tự quan sát mình: Khi chúng ta nhìn vào bản thận mình và những hành vi của chúng ta, chúng ta thường kiểm soát những hành vi này trong một chừng mực nhất định.
2. Đánh giá cân nhắc: Chúng ta so sánh những gì chúng ta nhìn thấy với một hệ tiêu chuẩn nào đó. Chẳng hạn chúng ta thường so sánh hành vi của mình với tiêu chuẩn truyền thống trong xã hội, như luật xử thế, cách sống, gương mẫu. Hoặc chúng ta có thể tự tạo cho mình những thang tiêu chuẩn riêng của mình (cao hoặc thấp hơn tiêu chuẩn chung).
3. Cơ năng tự phản hồi: Nếu ta bằng lòng với việc so sánh với tiêu chuẩn của mình, ta sẽ tự thưởng mình qua cơ năng tự phản hồi. Nếu ta không thỏa mãn với kết quả so sánh này, chúng ta cũng có thói quen tự phạt mình qua cơ năng tự phản hồi. Những cơ năng tự phản hồi này thể hiện qua nhiều mức độ khác nhau từ việc thưởng cho mình một bát phở, đi xem một bộ phim hay, tự hào về bản thân. Hoặc ta sẽ có những dằn vặt, tự đày đọa mình trong hằn học, bất mãn.
Một khái niệm quan trọng trong tâm lý học gần gũi với khái niệm tự kiểm soát là khái niệm bản thân hay còn gọi là lòng tự trọng hay niềm tự hào về bản thân mình. Nếu sau nhiều năm phấn đầu, ta thấy mình đã đạt được những tiêu chuẩn đặt ra, ta sẽ có được những niềm tự hào, ta sẽ tự thưởng cho mình. Rồi ta sẽ có một khái niệm tích cực về bản thân, ví dụ như: Ta là người có lòng tự trọng. Nếu sau nhiều năm phấn đấu, ta luôn đương đầu với những thất bại và chẳng đạt được những tiêu chuẩn thành đạt nào, ta bắt gặp mình cứ tự trừng phạt và khinh rẻ mình, ta sẽ có một khái niệm tiêu cực về bản thân, ví dụ như: Ta không có lòng tự trọng với chính mình.
Cần nhớ rằng các nhà hành vi học thường nhìn nhận vai trò hiệu quả của tác nhân củng cố, và khuyến cáo nên tránh áp dụng hình phạt (vì sẽ sinh ra các vấn đề khác). Tự phạt mình cũng có tác động như bị phạt bởi người khác. Bandura đã nêu ra 3 kết quả thường xảy ra nếu như ta tự phạt mình một cách quá mức cần thiết:
a. Cố gắng bù đắp: Một hội chứng mặc cảm tự tôn, ảo tưởng thiên tài.
b. Thụ động: Nhàm chán, vô cảm, trầm uất, đời nhạt nhẽo vô vị.
c. Đào thoát: Qua ngả tiêu cực như thuốc phiện, rượu, ti vi, tự tử
Đây là những biểu hiện nhân cách thiếu trưởng thành và thiếu lành mạnh mà Adler và Horney đã đề cập đến như tuýp người gây hấn, tuýp phục tùng và tuýp né tránh. Bandura đề nghị những cá nhân có một khái niệm không bằng lòng về bản thân mình nên thực hiện 3 bước tự quản phản hồi:
1. Quan tâm đến việc nhìn lại mình và hãy hiểu về con người thật của mình. Cần có một cái nhìn trong thực về những hành vi của mình.
2. Quan tâm đến những tiêu chuẩn – đừng đặt những tiêu chuẩn quá cao. Đừng kỳ vọng nhiều để rồi ép mình trở thành người thất bại. Nhưng nếu đặt ra tiêu chuẩn thấp quá, chúng sẽ trở thành vô nghĩa.
3. Quan tâm đến cơ năng tự phản hồi – Hãy tìm mọi cách để tự thưởng. Hãy ân cần với chính mình. Hãy chúc mừng gặt hái của bản thân và biết chia tay với thất bại.
5. Áp dụng vào liệu pháp
Liệu pháp tự kiểm soát: Đây là ý tưởng đứng sau khái niệm tự phản hồi được ứng dụng vào kỹ năng liệu pháp gọi là tự kiểm soát. Đây là lối trị liệu tương đối có hiệu quả với những vấn đề đơn giản về thói quen như muốn bỏ thuốc lá, thói ăn vặt, hay thói quen chểnh mảng và lười biếng trong học tập. Dưới đây là từng bước áp dụng:
1. Biểu đồ hành vi: Đây là quá trình tự quan sát, yêu cầu một cá nhân phải để mắt thật kỹ đến hành vi của mình, trước và sau khi áp dụng liệu pháp. Chẳng hạn đơn giản như việc bạn đếm xem mình đã hút bao nhiêu điếu thuốc lá một ngày. Sau đó bạn sẽ viết nhật ký ghi lại những cảm xúc của mình, trong đó bao gồm cả những lôi kéo (clues), ví dụ như hút thuốc những lúc nào, nơi nào, và với ai, sau bữa cơm, hút thuốc khi uống cà phê, lúc bạn buồn chán… Điều này sẽ cung cấp một cái nhìn toàn diện về những mảng liên quan, từ đó các vấn đề sẽ được xử lý tận gốc.
2. Kế hoạch cải tạo môi trường sinh hoạt: Đây là bước kế tiếp sau khi đã có một khái niệm về cội nguồn của vấn đề qua việc khảo sát kỹ biểu đồ hành vi của mình. Chẳng hạn bạn sẽ cất bỏ đi một số lôi kéo có thể tạo điều kiện dẫn đến hành vi của bạn. Hãy ném đi cái gạt tàn thuốc đẹp nhất, thay đổi từ uống cà phê sang uống trà, tránh gặp mặt người hút thuốc, nên nhai kẹo cao su. Hãy lên kế hoạch cải tạo môi trường để tránh né tất cả những nguyên nhân cám dỗ.
3. Tự ký kết hợp đồng với mình: Sau cùng bạn có thể sắp xếp một chế độ tự thưởng nếu như bạn gắn bó với kế hoạch mình đã đề ra và tìm cách kỷ luật bản thân nhưng tránh đừng tự trừng phạt mình. Bạn có thể viết xuống bản hợp đồng cá nhân với chính mình, ghi xuống cụ thể những điều cần làm và cần tránh: Tôi sẽ đi ăn phở nếu tôi giảm hút thuốc xuống còn 5 điếu một ngày. Tôi sẽ đọc xong cuốn sách ấy trong tuần tới trước khi làm bất cứ một điều gì khác…
Bạn có thể vận động người thân và bạn bè giúp bạn trong chế độ thưởng và phạt nếu như bạn có vẻ quá dễ dãi với mình. Tuy nhiên bạn cần lắng nghe họ bằng cảm xúc tình thân. Vì nhiều điều người thân nhắc nhở sẽ là điều khó nghe.
6. Liệu pháp mô hình
Đây là liệu pháp Bandura thích nhất. Học thuyết của ông cho rằng một cá nhân A có những vấn đề, nếu quan sát một cá nhân B có những vấn đề tương tự (nhưng có những lối tiếp cận xử lý lành mạnh), cá nhân A sẽ bắt chước những hành vi tích cực của cá nhân B.
Trước hết, Bandura nghiên cứu với những người rất sợ rắn. Thân chủ được đưa đến nhìn vào một phòng thí nghiệm chỉ có 1 cái ghế, 1 cái bàn và 1 cái lồng khóa cẩn thận 1 con rắn bên trong (có thể nhìn rõ từ bên ngoài). Thân chủ sẽ quan sát một người thợ sờ rắn và vuốt con rắn thật chậm. Anh thợ rắn này có vẻ sợ sệt nhưng sau đó đã nhún vai một cái đầy quyết định. Người thợ rắn đang đóng kịch như mình rất sợ. Anh ta có thể ngừng chạm rắn lưỡng lự lo lắng. Sau cùng anh có thể mở lồng và đem con rắn ra khỏi lồng và vắt con rắn lên cổ trong khi tự đọc lớn cho mình những lời hướng dẫn can đảm cần thiết.
Thân chủ quan sát từng chi tiết một, sau đó được khuyến khích làm thử. Điều cần chú ý là thân chủ cần được cho biết rằng người kia chính là thợ bắt rắn. Không có chuyện đánh lừa hoặc giấu giếm. Đây chính là mô hình rập khuôn. Và nhiều thân chủ cả đời sợ rắn nhưng sau khi quan sát thợ rắn lần đầu, họ đã có thể thực hiện thao tác ấy.
Một cản trở của liệu pháp rập khuôn là khó có thể có những chuẩn bị đầy đủ (một căn phòng, cái ghế, lồng, rắn và người thợ bắt rắn). Bandura và học trò của mình đã thực hiện một mô hình thợ bắt rắn bằng cách quay phim các động tác của người thợ rắn với sự hướng dẫn của nhà trị liệu, và mô hình này hoạt động khá hiệu quả.
7. Thảo luận
Albert Bandura có một ảnh hưởng rất lớn đến học thuyết nhân cách và liệu pháp. Lối tiếp cận của ông dựa trên nền tảng của học thuyết hành vi được trình bày một cách trực tiếp rõ ràng vì thế đã rất thuyết phục. Đây là lối tiếp cận thiên về hành động, nhắm đến giải quyết vấn đề, mang tính áp dụng thực tiễn, chứ không thảo luận suông về ý tưởng, xung động vô thức, nguyên mẫu, giác ngộ, tự do… cũng như những cấu trúc vận hành mà các nhà tâm lý khác thường tâm đắc.
Trong số những nhà tâm lý hàn lâm, nghiên cứu là rất quan trọng và thuyết hành vi được coi là cách chọn lựa khả thi. Kể từ những thập kỷ 60s, thuyết hành vi đã tạo điều kiện cho trường phái nhận thức mở ra một cuộc cách mạng tư duy, một phần nhờ vào công sức của Bandura. Tâm lý nhận thức giữ lại nét chính của thuyết hành vi là căn bản thực nghiệm, nhưng không gạt bỏ những tác động của các hành vi bên ngoài. Học thuyết của Bandura chú trọng đến đặc tính của vấn đề và khả năng tâm thần của thân chủ và coi đấy là những mối ưu tư quan trọng.
Bandura đã mở lối và tạo nên nguồn cảm hứng cho nhiều nhà học thuyết khác như: Julian Rotter, Walter Mischel, Michael Mahoney và David Meichenbanm. Ngoài ra công việc của ông đã có liên hệ với những nhà học thuyết nhận thức như Aaron Beck và nhà học thuyết hành vi cảm xúc chuẩn Albert Ellis cùng với nhiều người khác nữa.
Tác giả: Nguyễn Thơ Sinh