Hans Eysenck |
Trong chương này chúng ta sẽ giành riêng để thảo luận Những Học Thuyết Về Cá Tính con người. Cá tính con người là một khía cạnh phạm trù thuộc nhân cách con người có nguồn gốc nơi cấu trúc gien, do bẩm sinh, tính từ lúc chúng ta còn là những bào thai. Điều này không có nghĩa là nhân cách của chúng ta không đến từ kinh nghiệm học hỏi được trong môi trường cuộc sống. Nói khác đi, Những Học Thuyết Về Cá Tính chỉ tập trung vào khu vực phát triển tự nhiên và nhường lại khu vực hấp thụ giáo dục cho những học thuyết khác.
Vấn đề cá tính, đối chiếu với nhân cách, là một vấn đề có lâu và xuất hiện từ khi khái niệm tâm lý học ra đời. Có thể nói, cá tính có thể đã xuất hiện trước cả tâm lý học. Những học giả cổ xưa của Hy Lạp cổ đã suy nghĩ về vấn đề này rất nhiều và đã đưa ra hai chiều kích của cá tính, và dẫn đến 4 tuýp cá tính dựa vào bốn loại dịch cơ thể xuất hiện nhiều hay ít trong cơ thể người. Thuyết này đã từng có một vị trí xứng đáng trong lịch sử thời Trung Cổ. Nhớ lại trong chương 6, chúng ta thấy Adler đã có những đối chiếu nhân cách của mình với những mô hình cá tính này của người Hy–lạp cổ.
Tuýp người nhiệt huyết – có bầu máu nóng: là người vui vẻ hoạt bát và theo người Hy Lạp cổ, họ là người có nhiều máu. Sanguis theo tiếng Latinh có nghĩa là máu. Họ là những người khỏe mạnh và hồng hào, khỏe khoắn.
Tuýp người nóng nảy: thường là tuýp người có tính nết thù địch. Chất dịch cơ thể được qui cho là mật, đây là mẫu người có khuôn mặt vằng vọt với những cơ bắp nơi mặt nổi cộm.
Tuýp người chậm chạp, lười biếng và tẻ nhạt: được coi là tuýp người có nhiều đờm dãi, vốn là chất nhày tiết ra từ phổi và cuống phổi. Họ là những người chân tay lạnh lẽo, run rẩy, ù lì thụ động.
Tuýp người buồn bã chán chường: thường thấy qua trạng thái trầm uất hoặc bi quan. Theo người Hy Lạp cổ thì một chất dịnh cơ thể là mật đen (black bile) có quá nhiều trong cơ thể đã dẫn đến tình trạng này. Tuy nhiên chúng ta thật khó xác định được người xưa muốn ám chỉ điều gì khi nói đến mật đen.
Bốn tuýp người vừa nêu trên đã cung cấp nền tảng cho hai nhánh đối lập là nhóm người nóng tính là tuýp người nhiệt huyết có máu nóng – ấm và ẩm và tuýp người nóng tính ẩm và khô. Một nhóm khác là người co cụm, bao gồm tuýp người đờm nhớt – lạnh và ướt và tuýp người chán nản – lạnh và khô (cold and dry). Ngoài ra còn có thuyết tin rằng môi trường khí hậu sẽ tạo ra cá tính con người. Chẳng hạn như ở Italy là tuýp người nhiệt huyết (ấm và ẩm), người Ảrập là người nóng tính (ấm và khô), người Nga là người buồn nản (lạnh và khô), và người Anh là người chán nản yếm thế (lạnh và ẩm).
Điều đáng ngạc nhiên là học thuyết cá tính này chỉ dựa vào những cơ sở ít ỏi nhưng có ảnh hưởng lớn lên vài nhà học thuyết cận đại như Alfred Adler. Nhất là khi ông đã mượn mô hình bốn tuýp người nói trên và vận dụng vào học thuyết của mình. Ngay cả Ivan Pavlov, nhà bác học Nga vĩ đại có ảnh hưởng đến B. F. Skinner cũng đã sử dụng dịch cơ thể để diễn tả nhân cách những con chó của mình.
Nhiều lần Pavlov thử nghiệm với những con chó của mình và nhận ra những điểm khác với hiệu ứng phản xạ có điều kiện – khi rung chuông báo hiệu có thức ăn và tiếng chuông báo hiệu bữa ăn sắp kết thúc cùng một lúc – nhiều chú chó tỏ ra vẫn vui vẻ, có vài chú sủa ầm lên như bị điên, có chú nằm ẹp xuống và ngủ gục. Vài chú rên ư ử. Tất nhiên vì thế mà Pavlov đã tin rằng những con chó thí nghiệm của mình thật sự có cá tính.
Pavlov tin rằng ông có thể gộp những cá tính trên thành hai nhóm, dựa trên mức độ được kích thích của những con chó này mà ông gọi là trạng thái phấn khích vốn khác nhau nơi những con chó. Ông cũng tin rằng những con chó có khả năng thay đổi mức độ trạng thái phấn khích. Ví dụ chúng có khả năng kiềm chế. Những con chó thuộc tuýp có nhiều máu sẽ dễ bị kích thích nhưng có khả năng kiềm chế. Những con chó thuộc tuýp có nhiều mật sẽ dễ bị kích thích nhưng ít khả năng kiềm chế. Các con chó thuộc nhóm đờm dãi có ít khả năng kích thích nhưng có khả năng kiềm chế tốt. Những con chó thuộc tuýp chán nản rất khó kích thích và có khả năng kiềm chế rất cao.
Chính những khám phá này của Pavlov đã có ảnh hưởng lớn lên học thuyết của Hans Eysenck.
2. Tiểu sử của Hans Eysenck
Ông sinh ra tại Đức ngày 4 tháng 3 năm 1916. Cha mẹ của ông là nghệ sĩ đã li dị khi ông lên 2 tuổi, sau đó được bà nội nuôi dưỡng. Ông rời Đức năm 18 tuổi khi phát xít Đức lên nắm quyền. Vì ông là người có thiện cảm với người Do Thái nên tính mạng của ông bị đe dọa.
Tại Anh quốc, ông nhận được bằng tiến sĩ tâm lý tại trường Đại học Luân Đôn năm 1940. Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới II, ông phục vụ như một nhà tâm lý cho khoa cấp cứu của một nhà thương với công việc nghiên cứu về chẩn đoán tâm thần. Những kết quả thu được đã khiến ông tránh xa tâm lý lâm sàng suốt cuộc đời mình.
Sau chiến tranh, ông giảng dạy tại trường Đại học Luân Đôn, đồng thời là giám đốc ban tâm lý của Học viện Tâm thần, liên hệ với Bệnh viện Hoàng gia Bethlehem. Ông viết hơn 75 cuốn sách và 700 bài báo, khiến ông trở thành người viết nhiều nhất về mảng tâm lý học. Eysenck về hưu năm 1983 và tiếp tục viết cho đến khi ông qua đời ngày 4 tháng 9 năm 1997.
3. Học thuyết của Hans Eysenck
Học thuyết của Eysenck chủ yếu dựa vào phạm trù sinh lý và hệ cấu trúc gien. Mặc dù ông tin rằng mình theo trường phái hành vi và tin rằng cách con người ứng xử có được do học được từ kinh nghiệm. Ông đánh giá những khám phá của phái hành vi học. Tuy nhiên ông vẫn tin rằng hành xử của con người, đặc biệt là nhân cách có nguồn gốc từ di truyền. Vì thế ông là người được coi là có hứng thú đặc biệt với cá tính con người.
Eysenck còn là một nhà tâm lý nghiên cứu. Ông là người sử dụng phương pháp thống kê mà ông gọi là quá trình phân tích các tác nhân trong học thuyết của mình. Đây là cách thực nghiệm để ông rút ra những chiều kích dữ kiện từ những cá nhân khi họ tự đánh giá mình qua một danh sách những tính từ mô tả trạng thái. Ở đây ta thấy có sự liên hệ gần giống với Erich Fromm trong bảng trắc nghiệm dựa trên mô hình những tính từ.
Những tính từ chẳng hạn như:
– Cột 1 [Mắc cỡ – hướng nội – ngại ngùng – e dè]
– Cột 2 [Tự tin – hướng ngoại – bạo dạn – sôi nổi]
Những tính từ này sẽ cung cấp những dữ kiện để ông có thể phân tích. Hẳn nhiên tuýp người trầm lắng sẽ cho điểm cột 1 cao hơn và cho điểm rất thấp ở cột 2. Tương tự, một người hiếu động sẽ cho điểm cao ở cột 2 và điểm thấp ở cột 1.
Phân tích tác nhân: tách ra những chiều kích trạng thái diễn tả nhân cách theo từng cặp đối nghịch như [Mắc cỡ–tự tin], [hướng nội–hướng ngoại], [ngại ngùng–bạo dạn], [e dè - sôi nổi] để xác định một nhân cách cụ thể.
Những nghiên cứu sơ khởi của Eysenck tìm thấy 2 chiều kích cá tính là: Cá tính dễ bị tâm thần và hướng nội–hướng ngoại.
4. Cá tính dễ bị tâm thần
Đây là tên gọi mà Eysenck đã dành cho người có xu hướng tâm trạng khác nhau từ bình thường, tương đối ổn định, cho đến những người thường hay sợ hãi. Ông phát hiện ra rằng những người sợ hãi thường có những triệu chứng rối loạn thần kinh như hoảng hốt. Theo tên gọi, nhiều người dễ nhầm lẫn rằng nếu có nhiều đặc điểm ở cột này, người đó sẽ là người có vấn đề rối loạn tâm thần. Tuy nhiên Eysenck khuyến cáo rằng những người có điểm cao ở khu vực này vẫn là người bình thường, có điều họ có cơ hội cao hơn nhiễm phải những rối loạn tâm thần.
Eysenck nhận thấy có nhiều người trong các cuộc nghiên cứu của ông rơi vào một nhóm dễ mắc bệnh tâm thần từ bình thường đến có triệu chứng, vì thế ông cho rằng đây nhất định phải thuộc phạm trù cá tính. Hơn nữa ông tin rằng nguồn gốc của các triệu chứng đến từ di truyền và sinh lý. Vì thế ông quyết định đi vào lĩnh vực sinh lý để tìm ra những giải thích về cá tính con người.
Bộ phận đầu tiên của cơ thể con người ông nhắm đến là hệ thần kinh giao cảm đây là một bộ phận thuộc hệ thần kinh tự động, có chức năng tách biệt với hệ thần kinh trung ương. Đây cũng là bộ phận kiểm soát phần lớn những phản ứng cảm xúc trong những trường hợp khẩn cấp. Ví dụ khi gặp rắn, cảm xúc hồi hộp lo sợ bấn lên chính là do hệ thần kinh giao cảm làm việc.
Khi hệ thần kinh giao cảm nhận được tín hiệu từ não, hệ thần kinh này liền chỉ đạo bộ phận gan tiết ra thêm insulin nhanh chóng giải phóng lượng đường glucose để cơ thể có thêm năng lượng. Hệ tiêu hóa tạm thời giảm hoạt động, mở căng đồng tử nơi mắt để quan sát, nổi da gà để tiết kiệm năng lượng (cụ thể là nhiệt năng), và tuyến thượng thận được thúc đẩy sản xuất nhiều adrenalin hơn (với hoạt chất chính là epinephrine). Sau đó adrenalin tác động lên các bộ phận khác của cơ thể như khiến cho tim đập nhanh hơn, cung cấp thêm năng lượng cho bắp thịt để chuẩn bị đối phó với tình huống căng thẳng. Có thể nói nhiệm vụ của hệ thần kinh giao cảm là giúp cơ thể có những điều kiện cần thiết để có phương hướng xử lý một tình huống nguy hiểm qua cách chọn lựa ở lại đối đầu với nguy hiểm hay chạy trốn. Nếu ở lại đối phó với tác nhân nguy hiểm thì cơ thể cần phải có năng lượng và trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Nếu chạy thì cơ thể cũng cần phải có đủ năng lượng để chạy thoát thật nhanh.
Eysenck đã đặt giả thiết cho rằng một số cá nhân có hệ thần kinh giao cảm nhạy cảm hơn những người khác. Nhiều người khi gặp chuyện nhỏ nhưng có thể bốc lên trong tích tắc. Nhiều người có thể rất bình tĩnh trong những trường hợp rất nguy hiểm vì cơ thể của họ có một hệ thần kinh giao cảm tương đối chậm. Một số ở trạng thái giữa nên họ có thể không quá nóng nảy (hoặc nhút nhát) hoặc cũng không đến nỗi quá can đảm (hoặc liều lĩnh). Theo ông, những cá nhân có hệ thần kinh giao cảm quá nhạy bén được gọi là giao cảm quá nhạy là những cá nhân dễ bị cuốn vào những vấn đề rối loạn tâm thần nhiều nhất.
Có lẽ ví dụ điển hình nhất của triệu chứng tâm thần là hoảng sợ bất ngờ. Eysenck giải thích rằng hoảng sợ bất ngờ là những thông báo tích cực. Ví dụ giống như việc để một micro quá gần một loa phát thanh. Tiếng động từ micro truyền đến loa được khuyếch đại, sau đó âm thanh từ loa (bây giờ vốn đã lớn) lại tiếp tục đi vào microphone, tiếp tục được phóng đại tho đến khi bạn nghe được tiếng kêu rít lên chói tai. Các bạn đi hát karaoke thường xuyên có thể nhận ra kinh nghiệm này khá dễ dàng. Hoảng sợ bất ngờ cũng hoạt động theo nguyên lý này.
Ví dụ, nếu leo lên mái nhà đối với người sợ độ cao. Ban đầu chỉ là một kích thích nhỏ khiến một cá nhân hơi sờ sợ. Sau vài bậc leo lên được một nửa thang, hệ thần kinh giao cảm bắt đầu làm việc, khiến người sợ độ cao vốn nhạy cảm đối với tác nhân kích thích làm cho hệ thần kinh giao cảm càng tiếp tục tăng vận tốc phản ứng. Và như thế ta có thể nói rằng cá nhân nhạy cảm là người có vấn đề sợ xuất phát từ hệ thần kinh giao cảm quá nhạy bén của mình, nhiều hơn là vì tác nhân gây sợ. Trong ví dụ leo mái nhà, nguyên nhân sợ không đến từ độ cao mà đến từ chính cá nhân của người nhạy cảm với độ cao. Tuy nhiên Eysenck chỉ coi đây là một giả thuyết.
5. Cá tính hướng ngoại – hướng nội
Bình diện cá tính thứ hai mà Eysenck đề cập đến là xu hướng hướng ngoại và hướng nội của một cá nhân. Khi nhắc đến hai xu hướng này, ông hoàn toàn sử dụng khái niệm trình bày trong học thuyết của Carl Jung, hoặc hiểu theo ý nghĩa chung của người bình dân thì hướng ngoại là hoạt bát sôi nổi và hướng nội là lặng lẽ thâm trầm. Theo ông thì đây là một bình diện tìm thấy nơi mỗi con người ở những mức độ khác nhau. Tuy nhiên giải thích qua lăng kính sinh lý sẽ có phần phức tạp hơn một chút.
Eysenck đặt giả thuyết rằng xu hướng hướng ngoại–hướng nội thuộc phạm vi cân bằng giữa khả năng kìm hãm và quá trình xúc động kích thích trong hệ thống não bộ của chúng ta. Đây chính là những ý tưởng của nhà bác học đại tài Nga, Ivan Pavlov.
Pavlov đã tìm ra những giải thích về sự khác biệt ông quan sát từ những phản ứng của những con chó do ông thí nghiệm. Theo Pavlov thì xúc động kích thích là quá trình não bộ tự đánh thức, trở nên có cảnh giác, rơi vào tình trạng quan sát và tiếp cận. Kìm hãm là quá trình bộ não trở về vị trí nghi qua thư giãn hay giấc ngủ, hoặc trong tình trạng cơ thể ngưng hoạt động hoàn toàn để tự bảo vệ khi đối diện với nguồn kích thích quá tải.
Theo Eysenck, giả thuyết cho rằng người hướng ngoại là người có một khả năng kiềm chế tương đối khá cao. Nên khi đối diện với những kích thích gây đau, chẳng hạn như một vụ đụng xe – não của người hướng ngoại bắt đầu sử dụng chức năng kiềm chế. Não thức của họ có thể chuyển sang trạng thái trơ với tác nhân gây hại, như thể là anh ta đã chẳng thấy gì trong quá trình xảy ra tai nạn. Và như thế anh ta có thể quay trở lại lái xe vào ngay ngày hôm sau.
Người hướng nội trong khi đó có khả năng kiềm chế tương đối thấp, khi tác nhân gây hại xảy ra. Ví dụ khi họ bị đụng xe, não họ không hoạt động nhanh kịp để bảo vệ, không đóng lại kịp thời, và họ ở trong trạng thái tỉnh táo nên thu thập quá nhiều dữ kiện. Họ nhớ tất cả mọi chi tiết đã xảy ra của vụ đụng xe. Não của họ ghi lại các chi tiết như phim chiếu chậm, diễn lại toàn bộ hiện trường. Vì thế họ sẽ rất ngại lái xe sau khi tai nạn xảy ra. Thậm chí nhiều người còn bỏ hẳn cả việc lái xe nữa.
Vậy điều gì đã xảy ra khi một người rất nhút nhát e dè trong khi những người khác lại rất hứng thú với các buổi họp mặt đông người? Ví dụ hai người cùng đi ăn tiệc, cả hai cùng say rượu và bắt đầu cao hứng. Cả hai sẽ cởi áo ra để thi xem ai có bộ ngực đô con hơn. Kết quả là họ đã mặc nhầm áo của nhau. Khi tỉnh lại, người hướng ngoại sẽ hỏi xem áo của mình ở đâu. Khi biết rõ, anh ta sẽ cười xòa về tính đãng trí của mình và đi lấy áo về. Còn người hướng nội, anh ta sẽ nhớ từng chi tiết một của trò chơi cởi áo và càng mắc cỡ hơn về chuyện mặc nhầm áo của người khác. Thế là anh ta rất xấu hổ, không dám cả đi ra ngoài nữa.
Một điều Eysenck phát hiện ra là những tội phạm bạo lực nguy hiểm thường là những người hướng ngoại không biết sợ. Điều này có thể nhận ra vì họ là người không nhớ về những tình tiết nguy hiểm trong những lần gây án. Tuy nhiên đây chỉ là giả thuyết, vì chân dung của một tội phạm thật ra không giới hạn ở bất cứ một tuýp người nào cả.
6. Cá tính dễ bị tâm thần và cá tính hướng ngoại – hướng nội
Một điểm khác nữa mà Eysenck khảo sát là tác động qua lại của hai xu hướng cá tính nói trên khi ông nghĩ đến những triệu chứng tâm lý khác. Ông tin rằng người có triệu chứng sợ vô lý và chứng rối loạn ám ảnh thường có khuynh hướng là người hướng nội. Trong khi đó những người có những rối loạn chuyển đổi như chứng điên phân liệt hay những rối loạn phân cách như hội chứng mất trí thường là người hướng ngoại.
Theo giải thích của ông thì những người nhạy cảm thần kinh thường phản ứng quá mức cần thiết với những kích thích gây sợ. Người hướng nội bị ảnh hưởng khá nặng bởi tác nhân nguy hiểm. Họ thường né tránh những tình huống dễ gây ra trạng thái gây sợ bất ngờ khi có thể. Họ rất nhạy cảm với những biểu tượng nhỏ nhất của tình huống gây sợ – dẫn đến những cảm giác sợ hãi thái quá. Những người hướng nội sẽ áp dụng những hành vi kiểm soát nỗi sợ của họ bằng cách cẩn thận đến độ quá mức cần thiết. Họ thường kiểm tra đến hơn chục lần xem mình đã tắt bếp lò hay đã cài chốt khóa cửa lại hay chưa.
Người nhạy cảm hướng ngoại là người có khả năng gạt ra ngoài và quên đi những kích thích quá tải đối với họ. Họ sẽ ứng dụng cơ chế tự vệ như một kênh đào thoát, nhất là cơ chế từ chối và dồn nén. Họ có thể quên đi một cách dễ dàng một kinh nghiệm đổ vỡ và mất mát mà người hướng nội không thể nào quên dược.
7. Trạng thái tâm thần thiếu ổn định
Eysenck tin rằng mặc dù ông khảo sát một lượng lớn cá nhân trong các cuộc nghiên cứu của mình, tuy nhiên có nhiều nhóm người ông vẫn chưa tiếp cận. Vì thế ông đã bắt đầu nghiên cứu với những viện tâm thần của Anh quốc. Khi những lượng dữ kiện lớn được sử dụng để phân tích các tác nhân, ông phát hiện ra một tác nhân thứ ba, ông gọi là trạng thái tâm thần thiếu ổn định.
Giống như trạng thái căng thẳng thần kinh, trạng thái tâm thần thiếu ổn định không có nghĩa một cá nhân sẽ mắc bệnh tâm thần. Đây chỉ là những cá nhân cho thấy họ có những biểu hiện thường thấy nơi những những người mắc bệnh tâm thần. Như thế họ có thể dễ mắc vào các hội chứng rối loạn tâm thần nếu đối diện với những môi trường gây hại.
Những biểu hiện nhìn thấy nơi người không ổn định tâm thần bao gồm những hành vi liều lĩnh, không quan tâm đến cảm giác của người khác. Những gam cảm xúc diễn đạt của họ thiếu hẳn tính hợp lý. Đấy chính là khía cạnh đã tách họ với số đông nhân loại khác và nguyên nhân đã đưa họ vào những viện tâm thần.
8. Thảo luận
Hans Eysenck là một người muốn lật đổ những tư tưởng được thiết lập trước đó. Ông là người ban đầu rất nhiệt tình trong việc chất vấn hiệu quả của tâm lý liệu pháp, nhất là trường phái Freudians. Ông cũng chất vấn những phương pháp khoa học của nhiều trường phái tâm lý khác nhau. Là người nặng về thuyết hành vi, ông tin rằng chỉ có phương pháp khoa học mới cung cấp được những hiểu biết chính xác về con người. Là một nhà thống kê, ông tin rằng toán học là một dụng cụ chuẩn xác để áp dụng. Là một nhà tâm lý có nền tảng gốc bắt nguồn từ phạm trù sinh lý, ông tin rằng chỉ có những giải thích qua ngả sinh lý mới là những giải thích đáng tin cậy nhất.
Tất nhiên chúng ta có thể không đồng ý với ông về các điểm trên. Hiện tượng học và những phương pháp tiếp cận không sử dụng toán học vẫn được nhiều người coi là những phương pháp khoa học. Có nhiều điều liên quan đến con người không thể chặt nhỏ thành những con số. Ngay cả việc phân tích các tác nhân cũng không phải là cách mà tất cả những nhà thống kê học tin là chuẩn nhất. Có nhiều người vẫn tin rằng sinh lý không là câu trả lời cho mọi phạm trù liên quan đến con người. Ngay cả B. F Skinner, một nhà hành vi học chủ chốt nghĩ rằng sinh lý có vẻ gần với mô hình điều kiện hóa chứ không thể độc lập đứng một mình được.
Dù vậy, cách ông mô tả về những tuýp người khác nhau và cá tính của họ được hiểu qua những giải trình từ góc nhìn sinh lý đã rất thuyết phục với chúng ta. Nhiều bậc cha mẹ, thầy cô, và những nhà tâm lý trẻ em có vẻ ủng hộ ông rằng trẻ em có những sự khác biệt bẩm sinh trong nhân cách của các em từ lúc sinh ra (hoặc trước đó nữa), khi chưa có bất cứ một chút ảnh hưởng nào của giáo dục.
Tác giả: Nguyễn Thơ Sinh