Bản năng khao khát cái mới lạ

Sigmund Freud, nhà tâm lý học vĩ đại, rất hay trích dẫn một câu nói của người thầy mà ông từng chịu ảnh hưởng, Jean Martin Charcot, rằng "Lý thuyết thì tốt, nhưng không ngăn được thực tiễn tồn tại", để chỉ trích thái độ chỉ biết chấp nhận những kiến thức thu được mà không hề phê phán. Nói cách khác, thực tiễn luôn luôn chứa đựng những điều mới lạ mà lý thuyết không bao giờ chứa đựng hết. Chính cái mới lạ đó kích thích trí tò mò khám phá của con người: Tâm lý khao khát cái mới lạ nằm trong bản năng vô thức của con người!

1. Nỗi khao khát cái mới lạ là một chất men kỳ diệu của cuộc sống:

Cách đây không lâu, tạp chí Science công bố một thí nghiệm mà các nhà khoa học thần kinh tại Đại học Sheffield và Đại học London ở Anh về khả năng nhận dạng của con người: Một số người lớn và trẻ em, trong đó có một số em bé chỉ vài tháng tuổi, được xem lần lượt nhiều tấm hình chụp mặt người và mặt khỉ khác nhau. Đầu của mỗi người tham gia thí nghiệm được gắn những điện cực nối với điện não đồ. Nếu một người nhận thấy một hình ảnh mới lạ xuất hiện, não của người đó sẽ xuất hiện một phản xạ làm cho người đó chú ý, dừng lại giây lát để quan sát. Phản xạ này biểu lộ trên màn hình computer dưới dạng một xung bất thường trên não đồ (sóng não đồ nhẩy vọt lên). Kết quả cho thấy trong khi người lớn không nhận thấy sự khác nhau giữa mặt các con khỉ (mặt con nào trông cũng như con nào) thì các em bé lại dừng lại để ngắm nghía, vì các em nhận thấy cái mới lạ. Từ đó, các nhà khoa học rút ra một kết luận vô cùng quan trọng về tâm sinh lý:

Sự ưa thích, khao khát cái mới lạ là một phản xạ bản năng, bản năng này lộ rõ ở tuổi trẻ, càng trẻ bản năng này càng mạnh.

Trong khi người lớn không nhận thấy sự khác nhau giữa mặt các con khỉ thì các em bé lại dừng lại để ngắm nghía, vì các em nhận thấy cái mới lạ, điều đó cho thấy sự ưa thích, khao khát cái mới lạ là một phản xạ bản năng

Quả thật nếu cuộc sống không có cái mới lạ thì sẽ nhàm chán biết chừng nào! Tuổi trẻ ngày nay háo hức đua nhau tìm kiếm những kiểu điện thoại di động mới lạ, vô tình thúc đẩy công nghệ điện thoại không dây phát triển không ngừng, đem lại lợi nhuận khổng lồ cho các hãng Motorola, Siemens, Nokia, Samsung, v.v. Chưa bao giờ dịch vụ quảng cáo lại phát triển rầm rộ như ngày nay. Đó là ngành công nghiệp khai thác triệt để bản năng ưa thích cái mới lạ của con người. Công nghiệp du lịch ra đời phát triển cũng dựa trên bản năng khao khát đó.

Tâm lý ưa chuộng cái mới lạ ngự trị cả trong lĩnh vực tình cảm và tinh thần. Tình yêu cũng phải có cái mới lạ, nếu không, nó có nguy cơ trở thành nạn nhân của một quy luật ngược lại: Cái gì cũ kỹ thì dễ trở thành nhàm chán và trước sau sẽ bị đào thải. Làm thế nào để một đôi vợ chồng đã “quá biết rõ nhau” mà vẫn có thể cảm thấy có cái mới lạ ở nhau? Đó chính là nghệ thuật sống. Thể thao, âm nhạc, những câu chuyện nghĩa lý bên bàn trà, ham thú văn chương, hội hoạ, du lịch, v.v. là những niềm vui tinh thần vô hạn bổ xung những điều mới lạ vào trong cuộc sống vật chất vốn hữu hạn, làm cho cuộc sống vợ chồng mãi mãi hứng thú, không bao giờ nhàm chán.

Đó chính là một phản xạ nằm trong đáy sâu của tầng vô thức mà Sigmund Freud đã khám phá. Nó là một chất men kỳ diệu của cuộc sống – nguồn mạch của mọi sáng tạo và khám phá trong văn chương nghệ thuật và khoa học. Vì vậy, hơn bất kỳ hoạt động nào khác, sự nghiệp giáo dục phải biết khai thác và tận dụng triệt để bản năng này, nếu không muốn biến mình thành một đống sách cũ nhàm chán và kém hiệu quả.

Một thầy giáo giỏi là một thầy giáo biết khám phá ra những cái mới lạ ngay trong ngay trong những bài giảng tưởng như cũ kỹ hàng ngày. Chỉ khi đó bài giảng mới có sức sống hấp dẫn. Một nhà khoa học giỏi là một nhà khoa học có khả năng phát hiện ra cái mới lạ từ những vấn đề tưởng như đã cũ. Albert Einstein chính là một người như thế.

Albert Einstein
2. Cái mới lạ trong cái cũ kỹ:

Joseph-Louis Lagrange, một nhà toán học lừng lẫy người Pháp trong thế kỷ 18, một lần chua xót than phiền rằng chỉ có mỗi một vũ trụ duy nhất, thế mà Newton đã khám phá hết thảy mọi bí mật căn bản của nó rồi, các nhà khoa học khác chẳng còn gì để khám phá nữa (!).

Nhưng Einstein chứng minh rằng Lagrange đã nhầm: Vũ trụ vẫn còn đầy rẫy những điều kỳ lạ để khám phá!

Thật vậy, ngay từ khi tốt nghiệp trung học và sau khi tốt nghiệp đại học, Einstein cảm thấy giả thuyết ether là điều khó tin. Đặc biệt, thí nghiệm đo vận tốc ánh sáng của Michelson-Morley là một sự kiện lạ lùng làm cho Einstein mất ăn mất ngủ.

Trong thế kỷ 19, hầu hết các nhà khoa học, kể cả một người tài ba lỗi lạc như Maxwell, đều tin rằng tồn tại một dạng vật chất đặc biệt lấp kín trong không gian được gọi là ether – một môi trường trung gian để ánh sáng truyền qua nó từ điểm này đến điểm khác trong vũ trụ. Nhưng thí nghiệm của Michelson-Morley cuối thể kỷ 19 cho thấy chẳng hề có một thứ ether nào cả, và điều kỳ lạ nhất là ánh sáng có vận tốc không thay đổi, không phụ thuộc vào bất cứ hệ quy chiếu nào cả, không tuân theo định luật cộng vận tốc của Galilei mà cơ học Newton đã thừa nhận như một nền tảng. Đó là một thách thức đối với các nhà vật lý cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Bản thân Michelsson và Morley nghĩ rằng có thể họ đã phạm sai lầm ở đâu đó, nhưng họ không tìm thấy sai lầm. (Tuy nhiên nhờ thí nghiệm này mà Michelson trở thành người Mỹ đầu tiên được tặng Giải Nobel vật lý).

Einstein bị thu hút toàn bộ tâm trí vào chuyện mới lạ khó hiểu này, để sau vài năm, năm 1905, từ trong bóng tối không ai biết, một nhân viên quèn 26 tuổi tại Sở cấp bằng sáng chế phát minh ở Bern, Thuỵ Sĩ, đã làm cả thế giới phải sửng sốt ngạc nhiên khi công bố Thuyết tương đối hẹp (Special Theory of Relativity), làm đảo lộn cơ học Newton, tạo nên một trong những cuộc cách mạng nhận thức vĩ đại nhất của loài người.

Cũng trong năm đó, Einstein còn công bố thêm 3 công trình vĩ đại khác. Cho đến nay, người ta vẫn không thể hiểu nổi làm thế nào mà chỉ trong vài tháng, một người trẻ tuổi không có tên tuổi trong giới hàn lâm, lại có thể cống hiến cho nhân loại một khối lưọng sáng tạo lớn lao và vĩ đại đến như thế. Nhưng chúng ta có thể biết rõ: Einstein là người bị quyết rũ mãnh liệt nhất bởi cái mới lạ – kỳ quan – của tự nhiên.

Vì thế, năm 1905 được gọi là Năm Thần Diệu (Miracle Year) của Einstein, và bản thân ông chỉ sau một vài tháng của năm 1905, đã trở thành “Copernicus của thế kỷ 20”, như lời ca ngợi của Max Planck! Chẳng bao lâu sau ông lại làm thế giới còn ngạc nhiên hơn nữa khi đưa ra Thuyết tương đối tổng quát. Bộ óc của ông, sau khi ông mất, đã trở thành một đối tượng kỳ lạ của khoa học thần kinh, trong khi Thuyết tương đối tổng quát của ông lại dẫn tới hàng loạt khám phá kỳ lạ trong khoa học hiện đại những năm gần đây.

3. Cái mới lạ từ di sản của Einstein để lại:

Sau khi sinh hạ cậu con trai duy nhất của mình năm 1879, bà mẹ Einstein giật mình lo lắng thấy con mình trông như một “quái thai” (a monster): Đầu cậu bé có hình dạng lạ lùng và to khác thường. Nhưng ông bác sĩ giải thích để bà yên lòng rằng chẳng có gì bất thường khi một đứa bé mới sinh có cái đầu méo mó, và ông quả quyết rằng đầu cậu bé sẽ sớm trở lại bình thường. Thực tế cho thấy ông bác sĩ hoàn toàn đúng: Chỉ vài tuần sau, đầu cậu bé đã cân đối trở lại.

Sau khi Einstein mất năm 1955, Thomas Harvey, một nhà bệnh lý học, đã bảo quản bộ não của ông, lấy một số mẫu từ các mô não của ông để nghiên cứu, nhưng chẳng thấy điều gì khác thường. Tuy nhiên năm 1999, Sandra Witelson tại Đại học McMaster ở Canada đã khám phá ra rằng não của Einstein là trường hợp duy nhất không có đường rãnh “Sulcus” ngăn cách phần thuỳ thuộc thái dương (temporal lobe) với phần thuỳ dưới hộp sọ (parietal lobe). Các nhà khoa học suy đoán rằng sự vắng mặt đường rãnh này có thể cho phép hình thành thêm nhiều neuron thần kinh tại khu vực này, thiết lập nên một kênh thông tin nối liền các phần não với nhau để cùng làm việc chung một cách dễ dàng, tạo ra một khu vực rộng phi thường trên vỏ não có khả năng tổng hợp cao. Bí mật về bộ não của ông hiện vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu.

Tuy nhiên di sản do lý thuyết của ông để lại mới thực sự kỳ lạ. Một trong những hệ quả quan trọng nhất của thuyết tương đối tổng quát là việc khám phá ra hiện tượng vũ trụ giãn nở. Từ hiện tượng này, người ta lại khám phá ra rằng vật chất hiện diện trước mắt chúng ta quá nhỏ bé so với lượng vật chất có thật trong vũ trụ! Bỗng nhiên, lời của Pierre Simon Laplace trong thế kỷ 19 lại trở nên sống động: “Cái mà ta biết thì ít ỏi vô cùng, cái ta không biết thì mênh mông!” (Ce que nous savons est peu de choses, ce que nous ignorons est immense!).

Trước sự thật đó, Neta Barcall tại Đại học Princeton đã phải thốt lên rằng “Vũ trụ của chúng ta nhẹ bỗng!”. Vũ trụ bà nói tới ở đây là vũ trụ nhìn thấy, bao gồm vật chất đã biết. Thật vậy, theo tạp chí Times, vật chất đã biết hiện nay chỉ chiếm khoảng 5% tổng lượng vật chất trong vũ trụ, còn lại là những dạng vật chất kỳ lạ chưa hề biết, trong đó:

Vật chất tối (dark matter) – dạng vật chất chưa biết, có khối lượng, tạo nên lực hấp dẫn, có xu hướng kéo vũ trụ co cụm về một điểm – chiếm khoảng 30% tổng lượng vật chất trong vũ trụ.

Năng lượng tối (dark energy) – dạng vật chất chưa biết tạo nên lực phản hấp dẫn (anti-gravity) có xu hướng đẩy cho vũ trụ giãn nở ra bên ngoài – chiếm phần còn lại 65%.

Vấn đề vật chất tối và năng lượng tối hiện đang là câu chuyện kỳ lạ nhất của vật lý và vũ trụ học hiện đại. Để khám phá ra chúng, lại cần phải có những tâm hồn khát kháo cháy bỏng với cái mới lạ. Những tâm hồn ấy đang ở đâu đó giữa chúng ta, hoặc sắp sinh ra!