Trên bình diện tập thể, lối suy nghĩ: “Chúng tôi đúng, những người kia sai" được xác lập một cách kiên cố ở nhiều nơi trên thế giới, nơi các cuộc xung đột khốc liệt và dai dẳng giữa các nước, các chủng tộc, tôn giáo, hay ý thức hệ ngày một tràn lan.
Cả hai bên đều cố chấp vào những quan điểm, cách hiểu vấn đề của riêng mình; nói một cách khác, họ tự đồng hóa họ một cách vô thức với những suy tư của họ. Cả hai đều bất lực như nhau, không thể thấy được là có một cách nhìn, một câu chuyện khác cũng có giá trị như thế. Cả hai phía đều tin là chỉ có mình sở hữu Chân lý, cả hai đều xem mình là nạn nhân, còn “những người kia” là những kẻ xấu xa.
Họ đã khái niệm hóa và hạ thấp nhân phẩm của “những người kia” thành kẻ thù nên họ có thể giết hại hay gieo rắc mọi hình thức bạo lực lên những người ấy, thậm chí là lên cả trẻ con mà không hề thấy được nhân phẩm và nỗi thống khổ của phía bên kia. Họ bị mắc kẹt vào một cơn lốc điên cuồng của tội ác, oán thù, bạo động và phản ứng.
Rõ ràng ở đây bản ngã tập thể của con người, dưới cách nhìn “chúng ta” đối nghịch với “chúng nó” càng trở nên điên rồ hơn so với biểu hiện của bản ngã của cá nhân “Tôi”, dù cơ chế của cả hai đều giống nhau. Đại đa số bạo lực mà con người gây ra cho nhau không phải là do các tội phạm hay những kẻ loạn thần kinh gây ra, mà do những con người rất bình thường, những công dân bình thường, khả kính gây ra để phục vụ cho bản ngã của tập thể. Nên chúng ta có thể cường điệu hơn một chút khi nói rằng sự “bình thường” trên thế gian này cũng có nghĩa là điên rồ. Như vậy, gốc rễ của sự điên rồ này là gì? Đó chính là bản ngã, là sự hoàn toàn đồng nhất chính mình với những suy-nghĩ-không-có-chủ-đích và những cảm xúc miên man ở trong mình.
Dù thế giới này vẫn còn đầy rẫy những ích kỷ, tham lam, bóc lột và bạo tàn, …. Nhưng khi bạn chưa nhận thức được rằng đây chỉ là những biểu hiện của sự tha hóa tâm linh của cá nhân hay của tập thể, chúng ta sẽ sai lầm khi cá thể hóa những biểu hiện tha hóa đó. Bạn sẽ dựng nên khái niệm không có thực về một cá nhân hay một nhóm người nào đó ở trong đầu bạn và mạnh dạn tuyên bố “Đây là bản chất của kẻ này. Đây là bản chất của chúng nó". Khi bạn nhầm lẫn bản chất chân thực của một người với những biểu hiện sai trái của bản ngã của người đó, thì đó là lúc bản ngã ở trong bạn đang dùng sự suy diễn sai lạc này để củng cố cho chính nó qua việc cho rằng bạn đúng và vì thế bạn cảm thấy ưu việt hơn người khác, và qua thái độ chỉ trích, phẫn nộ, giận dữ đối với những người mà bạn cho là kẻ thù.
Tất cả những tấn bi kịch này làm cho bản ngã ở trong bạn cảm thấy rất thỏa mãn. Thái độ này tạo nên sự tách biệt giữa bạn với những người chung quanh, những người mà bạn coi là “kẻ thù” vì sự khác biệt của họ, khi sự khác biệt này được bản ngã của bạn khếch đại đến mức bạn không còn cảm nhận được rằng họ cũng là một con người như bạn, họ cũng có một phần rất căn bản của đời sống như bạn, cũng có tính chất cao thượng và thánh thiện như bạn.
Khi bạn phản ứng quá đáng đối với những cách cư xử khiếm khuyết đầy tính bản ngã ở một người nào, thì đó là một dấu hiệu cho thấy bạn không biết rằng bạn cũng có những lối hành xử khiếm khuyết, đầy tính bản ngã như thế ở trong mình. Cho nên, ta luôn có cơ hội học thêm nhiều điều hay từ những người mà ta cho là kẻ thù. Bạn thường cảm thấy bực tức, cay cú nhất đối với những gì bạn nhìn thấy ở họ? Tính tham lam, tính ích kỷ của họ? Sự đam mê quyền lực, thích đàn áp của họ? Tính thiếu thành thật, xu hướng bạo lực hay một điểm nào đó?
Bạn cảm thấy chán ghét và có phản ứng dữ dội về những gì bạn nhìn thấy ở những người khác chỉ là một phản ứng vô thức của bạn về những khiếm khuyết tương tự mà bạn chưa nhận ra ở trong mình. Nhưng chẳng qua những thứ ấy chỉ là biểu hiện của bản ngã nói chung và hoàn cảnh không phải là vấn đề riêng của bạn. Nó chẳng liên quan gì đến bản chất chân thực của người đó, hay của bạn. Chỉ khi nào bạn nhầm lẫn những biểu hiện của bản ngã của con người nói chung với bản chất chân thực của họ thì điều này mới có thể ảnh hưởng đến cách bạn cảm nhận về nhân cách của chính bạn.
Trích ‘Thức tỉnh mục đích sống’
Nguyễn Văn Hạnh dịch