Chúng ta làm thế nào để lừa dối mọi người và bản thân?

Chúng ta biết gì về những nguyên nhân của sự không trung thực?

Trong kinh tế, quan điểm nổi bật về lừa dối đến từ nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel, Gary Becker (đại học Chicago) cho rằng con người phạm tội dựa trên sự phân tích lý trí trong mỗi tình huống.

Một ngày nọ, Becker đi họp trễ, và nhờ sự khan hiếm chỗ đỗ xe hợp pháp, Becker đã quyết định đỗ xe sai luật và bị một vé phạt.

Becker nghĩ rằng trong tình huống này, quyết định của ông hoàn toàn là vấn đề cân nhắc giữa phí tổn có thể - bị phát hiện, bị phạt - với lợi ích nhận được khi đi họp đúng giờ. Ông cũng nhận thấy khi cân nhắc lợi ích và phí tổn, sẽ không có chỗ để xem xét đến đúng hoặc sai; nó đơn giản là sự so sánh giữa những hậu quả tích cực và tiêu cực có thể.

Và do đó, mô hình SMORC ra đời (Simple model of rational crime).

Theo mô hình này, tất cả chúng ta đều suy nghĩ và hành động khá giống Becker. Cho dù chúng ta đi cướp ngân hàng hoặc viết sách, đều là những sự tính toán lý trí giữa lợi ích và phí tổn. Điểm mấu chốt của lý thuyết của Becker là những quyết định về sự trung thực, giống như hầu hết những quyết định khác, dựa trên phân tích lợi, hại.

Cách tiếp cận của Becker về sự không trung thực bao gồm 3 yếu tố cơ bản: (1) lợi ích một người thu được từ phạm tội (2) xác suất bị bắt (3) hình phạt được mong đợi khi bị bắt. Bằng cách so sánh yếu tố (1) (lợi ích) với 2 yếu tố sau (những phí tổn), con người lý trí có thể quyết định được liệu việc phạm một tội nào đó có đáng hay không.

SMORC là mô hình về sự không trung thực khá đơn giản, rõ ràng, nhưng câu hỏi là liệu nó có mô tả đúng đắn hành vi của con người trong thế giới thực. Nếu đúng thì xã hội có 2 phương pháp rõ ràng để xử lý với sự không trung thực. Đầu tiên là tăng xác suất bị bắt (bằng cách tăng nhiều cảnh sát và lắp nhiều camera...). Hai là tăng hình phạt đối với người bị phát hiện.

Nhưng liệu SMORC là một quan điểm đơn giản về sự không trung thực là không đúng hay là không đủ? Nếu vậy thì những phương pháp để vượt qua sự không trung thực sẽ là không hiệu quả hoặc không đủ. Nếu SMORC là một mô hình chưa hoàn chỉnh về sự không trung thực thì chúng ta cần tìm ra những nhân tố nào thực sự khiến con người lừa dối và áp dụng điều này để nâng cao hiểu biết để hạn chế sự không trung thực.

* Tôi đề xuất một lý thuyết mà chúng ta sẽ xem xét.

Quan điểm chính của lý thuyết này cho rằng hành vi của con người bị thúc đẩy bởi 2 động cơ đối lập nhau. Một mặt, chúng ta muốn xem bản thân mình là người trung thực, đáng tôn trọng (động cơ cái tôi). Mặt khác, chúng ta muốn có được lợi lạc từ việc lừa dối và kiếm được càng nhiều tiền càng tốt (động cơ tài chính). Rõ ràng là 2 động cơ đó xung đột với nhau.

Làm thế nào chúng ta vừa có được lợi ích từ lừa dối, vừa xem bản thân mình là người tốt? Nhờ tính linh hoạt nhận thức, con người chúng ta vừa có thể thu được lợi ích từ việc lừa dối một chút, vừa xem bản thân mình là thiên thần. Hành động cân bằng này là quá trình hợp lý hoá, và chúng tôi sẽ gọi nó là "lý thuyết yếu tố lừa dối". (fudge factor theory)

Sau đây chúng ta sẽ khám phá những hiệu quả của hành động hợp lý hoá hay còn gọi là yếu tố lừa dối.

* Nhiều tiền hơn, lừa dối nhiều hơn?

SMORC nói rằng con người nên lừa dối nhiều hơn khi họ có cơ hội có nhiều tiền hơn mà không bị phát hiện hay trừng phạt. Chúng tôi quyết định kiểm tra điều này bằng thực nghiệm (xem mô tả thực nghiệm trong sách). Kết quả: mọi người không lừa dối nhiều hơn khi cơ hội kiếm tiền nhiều hơn. Như vậy, sự không trung thực không có khả năng là một kết quả của phân tích lợi - hại.

Tôi nghĩ rằng khi số tiền mà những người tham gia thực nghiệm có thể kiếm được qua mỗi câu hỏi là 10$ thì sẽ khó khăn hơn cho họ để vừa lừa dối mà vẫn cảm thấy tốt về bản thân. Điều này cũng giống như việc lấy trộm một cây bút chì ở cơ quan khác với lấy cả hộp bút chì, vì khi đó bạn không thể phớt lờ hay hợp lý hoá được.

* Khoảng cách với tiền bạc

Một thực nghiệm nhỏ (mô tả trong sách) cho thấy con người chúng ta sẵn sàng ăn trộm một vật gì đó không liên quan rõ ràng đến giá trị tiền bạc. Chúng ta tránh trộm tiền trực tiếp. Chúng ta có thể lấy một số giấy ở cơ quan về sử dụng cho máy in ở nhà chúng ta nhưng lại không trộm 3$ để mua giấy. Con người có khuynh hướng không trung thực ở sự hiện diện của những đối tượng không phải tiền như những cây bút chì, những cuốn ebook tải bất hợp pháp...hơn là tiền thực sự.

Chỉ đơn thuần cố gắng nhắc nhở những chuẩn mực đạo đức đã đủ để cải thiện hành vi đạo đức, giảm hành vi không trung thực và ngăn ngừa chúng. Cách tiếp cận này có hiệu quả ngay cả nếu những chuẩn mực đạo đức cụ thể đó không phải là một phần của hệ thống niềm tin cá nhân của chúng ta. Trong thực tế, những nhắc nhở về đạo đức dễ dàng làm con người trung thực hơn, ít nhất là trong một thời gian ngắn.

Ví dụ, nếu kế toán viên yêu cầu bạn ký tên trước khi thu thuế hay nhân viên bảo hiểm yêu cầu bạn thề trước khi kể toàn bộ sự thật về vụ thiệt hại, khả năng là sự lừa dối sẽ ít hơn.

Vì sao? Trước tiên chúng ta cần nhận ra sự không trung thực phần lớn bị thúc đẩy bởi yêu tố lừa dối của một người và không phải bởi SMORC. Yếu tố lừa dối cho rằng nếu chúng ta muốn phạm tội, chúng ta cần tìm ra một cách để có thể hợp lý hoá cho những hành động của chúng ta. Khi khả năng hợp lý hoá cho những khao khát ích kỷ của chúng ta gia tăng thì nhân tố lừa dối tăng, làm chúng ta thoải mái hơn đối với hành vi sai trái và sự lừa dối của chúng ta. Điều ngược lại cũng đúng, khi khả năng hợp lý hoá cho hành động của chúng ta giảm, yếu tố lừa dối co lại, làm chúng ta ít thoải mái hơn trước sự lừa dối.

* Tự lừa dối bản thân

Tôi cho rằng tự lừa bản thân giống với sự lạc quan và quá tự tin, và như những thành kiến khác, nó đều có lợi và hại. Về mặt tích cực, những niềm tin không có bằng chứng về bản thân chúng ta giúp nâng cao hạnh phúc nói chung của chúng ta bằng cách giúp chúng ta đương đầu với stress, nó có thể làm tăng sự kiên trì khi làm những việc khó hoặc tẻ nhạt, làm chúng ta thử những kinh nghiệm mới.

Chúng ta khăng khăng lừa dối bản thân một phần để duy trì một hình ảnh bản thân tích cực. Chúng ta phớt lờ những thất bại của mình, nhấn mạnh những thành công (ngay cả khi chúng không hoàn toàn của chúng ta) và thích đổ lỗi cho người khác và hoàn cảnh bên ngoài khi thất bại. Mặt tiêu cực, tự lừa bản thân có thể làm chúng ta đau khổ rất nhiều khi sự thật cuối cùng được tiết lộ.

* Những mối quan hệ lâu dài tạo điều kiện cho sự lừa dối

Hầu hết chúng ta có xu hướng nghĩ rằng chúng ta càng có những mối quan hệ lâu dài với bác sĩ, những luật sư, người tư vấn tài chính...thì họ sẽ càng quan tâm nhiều hơn đến hạnh phúc của chúng ta và họ sẽ có khả năng đặt những nhu cầu của chúng ta lên trước của họ.

Ví dụ, tưởng tượng bạn vừa nhận được một chẩn đoán từ bác sĩ của bạn và bạn phải đối mặt với 2 lựa chọn điều trị. (1) bắt đầu một điều trị tốn tiền, (2) chờ một thời gian xem cơ thể bạn phản ứng ra sao. Không có một câu trả lời rõ ràng lựa chọn nào là tốt hơn cho bạn, nhưng rõ ràng lựa chọn một thì tốt hơn cho túi tiền của bác sĩ của bạn.

Giờ hãy tưởng tượng bác sĩ nói bạn nên chọn (1). Bạn sẽ tin tưởng lời khuyên của ông ấy? Hay là bạn sẽ tính đến những gì bạn biết về sự xung đột quyền lợi, bỏ qua lời khuyên của ông ấy và có lẽ chọn (2). Khi đối mặt với những nan đề như vậy, hầu hết mọi người tin những người cung cấp dịch vụ của họ với một mức độ rất cao và chúng ta thậm chí có thể tin họ nhiều hơn nếu chúng ta biết họ càng lâu.

Khả năng khác, đó là khi mối quan hệ phát triển, những người được trả tiền để khuyên chúng ta - cố ý hay không - trở nên thoải mái hơn trong việc đề nghị những trị liệu có lợi nhất cho họ. Janet Schwartz (giáo sư), tôi và Mary Frances Luce (giáo sư đạo học Duke) hy vọng rằng khi mối quan hệ giữa thân chủ và những người cung cấp dịch vụ sâu sắc hơn, những người hành nghề chuyên nghiệp đó sẽ quan tâm nhiều hơn đến lợi ích của thân chủ và ít quan tâm đến lợi ích của bản thân.

Tuy nhiên, điều chúng tôi phát hiện là ngược lại. Chúng tôi đã kiểm tra câu hỏi này bằng cách phân tích số liệu từ hàng triệu quá trình khám răng trong hơn 12 năm. Chúng tôi xem những trường hợp bệnh nhân trám răng - chất trám răng là hỗn hợp bạc hay trắng. Trám bạc thì kéo dài hơn, ít tốn tiền hơn, còn trám chất trắng thì đắt, dễ vỡ nhưng thẩm mĩ. Đối với răng trước thì nên trám chất trắng. Còn những răng ở trong không nhìn thấy thì nên trám bạc.

Nhưng chúng tôi phát hiện thấy 1/4 số bệnh nhân nhận trám chất trắng đối với răng trong. Những quyết định đó có lợi cho túi tiền của nha sĩ. Xu hướng này được thông báo ở những bệnh nhân quen nha sĩ đã lâu. Nha sĩ thường trở nên thoải mái hơn với bệnh nhân, họ thường khuyên những kiểu điều trị có lợi cho túi tiền của họ và những bệnh nhân lâu năm có thể chấp nhận những lời khuyên của họ vì dựa vào sự tin tưởng mối quan hệ.

Những mối quan hệ thân chủ - người cung cấp dịch vụ lâu năm rõ ràng có nhiều lợi ích. Nhưng đồng thời chúng ta cũng nên nhận ra những phí tổn mà những mối quan hệ đó có thể có.

* Lừa dối có tính lây truyền

Các kết quả thực nghiệm cho thấy lừa dối không chỉ phổ biến mà nó còn có tính dễ lây truyền và có thể được gia tăng bằng cách quan sát hành vi xấu của những người xung quanh chúng ta. Cụ thể, khi người lừa dối là một phần của nhóm xã hội của chúng ta, chúng ta đồng nhất hoá với người đó và hậu quả là cảm thấy việc lừa dối được chấp nhận về mặt xã hội nhiều hơn.

Nhưng khi người lừa dối là một người bên ngoài, thật khó để biện minh cho hành vi sai trái của chúng ta và chúng ta có khao khát xa cách bản thân với người vô đạo đức đó. Và nếu thành viên trong nhóm chúng ta là một nhân vật quyền lực như bố mẹ, giáo viên, lãnh đạo hoặc một ai đó chúng ta tôn trọng thì chúng ta có khả năng sẽ lừa dối cao hơn.

* Tính sáng tạo và sự không trung thực

Những người càng sáng tạo, họ càng giỏi trong việc biện hộ cho bản thân tại sao họ lừa dối.

Mối quan hệ giữa sáng tạo và không trung thực dường như liên quan đến khả năng chúng ta tự kể những câu chuyện chúng ta đã làm điều đúng như thế nào, ngay cả khi chúng ta không. Chúng ta càng sáng tạo, chúng ta càng có khả năng đi đến những câu chuyện tốt giúp chúng ta biện minh cho những quyền lợi ích kỷ của mình.

Nghiên cứu (trong sách mô tả) cho thấy tính sáng tạo và sự không trung thực có tương quan, nhưng không nhất thiết có nghĩa là tính sáng tạo liên quan trực tiếp với không trung thực.

Những người càng sáng tạo thì họ cũng có mức độ không trung thực cao hơn. Còn trí thông minh thì không tương quan với bất kỳ mức độ không trung thực nào. (xem thực nghiệm trong sách)

* "Nghệ sĩ giỏi copy, nghệ sĩ vĩ đại ăn cắp"- Picasso.

Lịch sử đã chứng minh những người vay mượn sáng tạo. Shakespeare tìm thấy những tình tiết của ông trong truyện Hi Lạp, Roman và những nguồn lịch sử và sau đó viết những vở kịch thiên tài dựa vào chúng.

Những thực nghiệm của chúng tôi đã cho thấy tính sáng tạo là một lực lượng dẫn dắt khi nói đến sự lừa dối. Một thái độ sáng tạo có thể làm con người lừa dối nhiều hơn một chút. Và chúng tôi muốn xem tính sáng tạo và sự lừa dối tương quan như thế nào trong thế giới thực. Chúng tôi đã tiếp cận một công ty quảng cáo lớn và yêu cầu hầu hết các nhân viên trả lời những câu hỏi về nan đề đạo đức. Ví dụ: bạn có lấy những thiết bị ở cơ quan về nhà không...

Chúng tôi cũng hỏi họ làm ở bộ phận nào trong công ty (kế toán, thiết kế, viết quảng cáo...). Cuối cùng, chúng tôi hỏi CEO của công ty về tính sáng tạo được yêu cầu trong công việc đối với mỗi bộ phận. Bây giờ chúng tôi đã biết khuynh hướng đạo đức của mỗi nhân viên, bộ phận của họ và mức độ sáng tạo được kì vọng ở mỗi bộ phận.

Với số liệu này, chúng tôi đã tính toán được sự linh hoạt đạo đức (moral flexibility) của các nhân viên trong mỗi bộ phận khác nhau và sự linh hoạt này có liên quan như thế nào đến tính sáng tạo được yêu cầu trong công việc của họ. Hoá ra, mức độ linh hoạt đạo đức có liên quan cao đến mức độ sáng tạo được đòi hỏi trong bộ phận của họ và công việc của họ.

Những người thiết kế và những người viết quảng cáo đứng đầu trong thang đo Linh hoạt đạo đức, và những nhân viên kế toán xếp cuối bảng. Dường như khi "tính sáng tạo" nằm trong bản mô tả công việc của chúng ta, chúng ta có nhiều khả năng lừa dối khi nói về hành vi không trung thực.

* Mặt tối của tính sáng tạo

Chúng ta tôn trọng những nhà phát minh, ca ngợi và ghen tị với những người có đầu óc độc đáo, và lắc đầu khi ai đó không có khả năng suy nghĩ sáng tạo.

Tính sáng tạo nâng cao khả năng giải quyết vấn đề bằng cách mở ra những cánh cửa đi đến những lối tiếp cận mới và những giải pháp mới. Nhưng tính sáng tạo cũng cho phép chúng ta phát triển những con đường độc đáo xung quanh những quy tắc, cho phép chúng ta diễn giải lại thông tin theo cách có lợi cho chúng ta.

Nếu chìa khoá cho sự không trung thực của chúng ta là khả năng nghĩ rằng chúng ta như là người trung thực và đạo đức, cùng lúc đó là thu được lợi lạc từ lừa dối, tính sáng tạo có thể giúp chúng ta kể những câu chuyện hay hơn, những câu chuyện cho phép chúng ta thậm chí không trung thực hơn nhưng vẫn nghĩ mình như là người trung thực tuyệt vời.

Rõ ràng chúng ta nên thuê người sáng tạo, chúng ta nên khao khát trở nên sáng tạo và khuyến khích tính sáng tạo ở người khác. Nhưng chúng ta cũng cần hiểu mối quan hệ giữa tính sáng tạo và sự không trung thực và cố gắng hạn chế những trường hợp mà người sáng tạo có thể bị cám dỗ sử dụng những kỹ năng của họ để tìm ra những cách mới để hành xử sai trái.

* Lừa dối và ngoại tình

Theo quan điểm của lý thuyết yếu tố lừa dối, xu hướng ngoại tình phụ thuộc vào một mức độ lớn khả năng biện minh cho bản thân của chúng ta. Và những người sáng tạo như diễn viên, nghệ sĩ, chính trị gia có xu hướng không chung thuỷ, có khả năng kể những câu chuyện tại sao ngoại tình là đúng hoặc thậm chí đáng khao khát đối với họ.

Và tương tự như những kiểu không trung thực khác, ngoại tình bị ảnh hưởng bởi những hành vi của những người xung quanh chúng ta. Ai đó có nhiều bạn bè và gia đình có ngoại tình sẽ có khả năng bị ảnh hưởng. Bạn tự hỏi tại sao tôi không viết một chương về ngoại tình. Vấn đề ở đây là thiếu số liệu. Tôi thích rút ra kết luận từ những thực nghiệm và số liệu. Tiến hành những thực nghiệm về ngoại tình gần như là bất khả thi vì bản chất của chúng rất khó để đánh giá, tính toán.

* Chúng ta đã thấy sự trung thực và không trung thực dựa trên một sự pha trộn của 2 kiểu động cơ rất khác nhau. Một mặt chúng ta muốn có được lợi lạc từ việc lừa dối (động cơ kinh tế), mặt khác chúng ta muốn có thể xem bản thân như thiên thần (đây là động cơ tâm lý). Bạn có thể nghĩ rằng chúng ta không thể đạt được cả 2 mục tiêu đó cùng một lúc, nhưng lý thuyết yếu tố lừa dối cho thấy khả năng biện hộ linh hoạt và hợp lý hoá cho phép chúng ta làm được như vậy. Về cơ bản, chừng nào chúng ta chỉ lừa dối một chút, chúng ta có thể có được một số lợi ích của sự không trung thực, trong khi đó vẫn duy trì được hình ảnh bản thân tích cực.

Những nhân tố như: số tiền chúng ta kiếm được, xác suất bị bắt, ảnh hưởng đến con người ít hơn chúng ta nghĩ. Ngược lại, có những yếu tố ảnh hưởng đến con người nhiều hơn chúng ta có thể kỳ vọng: những nhắc nhở về đạo đức, khoảng cách với tiền bạc, khả năng hợp lý hoá, tính sáng tạo, ...

Điều quan trọng cần lưu ý là những người tham gia trong các thực nghiệm về sự không trung thực là những người tốt đến từ các trường đại học. Họ không phải là kiểu người lừa dối. Trong thực tế, họ cũng giống như bạn và tôi và hầu hết mọi người trên trái đất này, nghĩa là tất cả chúng ta đều có khả năng lừa dối một chút.

Tóm tắt

Những yếu tố tăng cường sự không trung thực:
1. Khả năng hợp lý hoá
2. Những xung đột quyền lợi
3. Tính sáng tạo
4. Một hành vi vô đạo đức
5. Bị suy yếu (xem bài 'Tại sao chúng ta chịu thua trước những cám dỗ khi chúng ta mệt mỏi')
6. Những lợi ích khác từ sự không trung thực
7. Thấy người khác hành xử không trung thực
8. Văn hoá đưa ra những ví dụ về sự không trung thực

Những yếu tố không ảnh hưởng đến sự không trung thực:
1. Số tiền kiếm được
2. Xác suất bị bắt

Những yếu tố làm giảm sự không trung thực:
1. Những chữ ký
2. Những nhắc nhở đạo đức
3. Giám sát

Nguồn: tamlyhoc.net
Previous Post
Next Post