Giá trị đồng tiền

Chưa bao giờ đồng tiền có sức mạnh đáng sợ như hiện nay! Con người tạo ra tiền bạc dùng để thay thế giá trị hàng hóa, làm phương tiện trao đổi thay vì trao đổi hàng hóa với nhau như thuở trước khi đồng tiền chưa xuất hiện.

Nhưng khi đồng tiền trở nên hữu ích vì tiện lợi thì tiền bạc trở lại tác động chi phối mãnh liệt đời sống của con người. Xã hội càng phát triển, đời sống vật chất càng cao thì đồng tiền càng có vị thế. Hầu như mọi thứ trong đời sống vật chất đều có thể đánh đổi bằng tiền, thậm chí tiền có thể mua cả một số giá trị tinh thần nếu như người ta “bán rẻ” nó, chẳng hạn như quyền lực, danh tiếng, sự trọng vọng của xã hội… Chính vì thế mà con người đã ví von đề cao đồng tiền đến mức gần như sùng kính: “Tiền là Tiên, là Phật”, đồng tiền có quyền năng rất lớn. Giá trị của đồng tiền đối với đời sống con người được xem như gắn liền với nhau: “Đồng tiền liền khúc ruột”, “Tiền là xương máu”, “Đồng tiền là mạch sống”…

Xã hội hiện đại là xã hội mà mọi người cần phải có tiền để giải quyết các nhu cầu của đời sống, vì thế việc tạo ra tiền và sử dụng tiền gần như là vấn đề thiết yếu. Nhà cửa, trang phục, thực phẩm, phương tiện đi lại, phương tiện giải trí, thông tin truyền thông, mọi tiện nghi của đời sống… đều được trao đổi bằng tiền. Nếu không có tiền dường như chúng ta không có gì cả. Đồng tiền đã tạo nên áp lực rất lớn đối với con người và nó trở thành tâm điểm buộc con người phải xoay quanh nó. Người ta xem tiền bạc như nhu yếu của sự sinh tồn, vì thế nó cũng là nguyên nhân dẫn đến trộm cướp, chiếm đoạt, những hành vi bất chính, phi đạo đức, phi nhân bản…

Trong một xã hội nếu như giá trị đồng tiền chi phối tất cả thì những giá trị khác của cuộc sống dễ dàng bị bỏ quên, bởi lúc này người ta mù quáng vì tiền. Bản thân đồng tiền không có tội, chỉ vì sức ảnh hưởng của nó quá lớn đến độ che khuất cả tầm nhìn của chúng ta. Nếu bị mù quáng vì sức mạnh của đồng tiền thì chúng ta không còn biết đến những gì đáng quý và quan trọng hơn, thậm chí chúng ta có thể rơi vào sai lầm, tội lỗi.

Người ta thương nói đùa mà thật về tiền bạc như sau: “Tiền là tiên là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý…”. Điều này phản ảnh phần nào thực trạng xã hội khi đồng tiền có sức mạnh chi phối mọi lãnh vực đời sống. Đồng tiền có thể mang lại niềm vui, hạnh phúc cho con người, vì tiền có thể tạo ra nhà cửa, xe cộ, thức ăn thức uống, các thú vui tiêu khiển. Tiền có thể đáp ứng các nhu cầu, tham muốn hưởng thụ…

Với ý nghĩa tiêu cực, đồng tiền có thể giúp người ta có sự nghiệp danh vọng, giúp thăng quan tiến chức. Đồng tiền có thể bưng bít, che giấu sự thật, đảo lộn thị phi, làm ô dù che chở cho người ta nhúng tay vào tội lỗi, đồng tiền ở đâu thì cán cân công lý nghiêng về bên đó. Chính vì đồng tiền có sức mạnh và quyền năng như thế mà người ta không ngại bỏ thời gian, công sức, bất chấp thủ đoạn, thậm chí bán rẻ lương tâm, đạo đức để đeo đuổi mục đích kiếm tiền. Tiền bạc mang lại niềm vui và hạnh phúc cho con người, nhưng cũng chính nó cướp đi niềm vui và hạnh phúc của con người, vì chạy theo đồng tiền mà người ta quên đi những giá trị sống khác, thậm chí đánh mất bản thân, vì đồng tiền mà người ta sẵn sàng gieo đau khổ cho nhau và làm cho xã hội bất an, điên đảo.

Tuy nhiên, tiền không phải là tất cả, suy xét kỹ, có nhiều thứ không thể mua hay đánh đổi bằng tiền. Và một xã hội muốn phát triển phải toàn diện chứ không phải chỉ phát triển về kinh tế. Trong đời sống, đồng tiền có thể mua thực phẩm, thuốc men, nhưng không mua được sức khỏe và sinh mạng. Đồng tiền có thể mua được các thú vui hưởng thụ, các trò tiêu khiển giải trí nhưng không mua được an vui. Tiền bạc có thể tạo ra nhà cửa chứ không xây dựng được tổ ấm gia đình. Đồng tiền có thể mang lại giàu sang chứ không mang lại hạnh phúc. Có tiền dễ dàng có được chồng sang vợ đẹp nhưng không hẳn có được tình yêu. Có tiền sẽ có được nhiều tiện nghi nhưng chưa hẳn có được sự thảnh thơi thoải mái. Đồng tiền có thể tạo nên danh vọng, sự nghiệp, quyền lực nhưng không lâu bền. Đồng tiền có thể giúp người ta trốn tránh tội lỗi, thoát khỏi lưới ngục tù nhưng không thể thoát khỏi sự dày vò đày ải của lương tâm…

Việc tạo ra tiền và sử dụng tiền đều có hai mặt tích cực và tiêu cực. Tạo ra tiền bằng công sức của chính mình, bằng cách thức, phương tiện chân chính, đó là tích cực. Sử dụng đồng tiền vào mục đích tốt làm lợi ích bản thân, gia đình và xã hội, xây dựng gia đình và xã hội phát triển vững mạnh, phồn vinh, đó là tích cực. Ngược lại, bất chấp hậu quả, dùng mọi thủ đoạn bất chính, phi pháp làm tổn hại nhân phẩm đạo đức bản thân, vi phạm lợi ích, hạnh phúc an vui của người khác để tạo ra tiền cho mình, đó là tiêu cực. Việc sử dụng đồng tiền vào mục đích sai trái, gây ra tội lỗi là việc làm tiêu cực có hại cho bản thân và xã hội. Trong xã hội hiện nay, việc làm ra tiền và sử dụng tiền một cách hợp lý, tích cực là một thử thách rất lớn đối với mọi người.

Khủng hoảng tài chính thế giới, nền kinh tế toàn cầu suy thoái là một cú sốc “chết người” đối với các nhà tài chính, các thế lực đồng tiền, biến cố lịch sử này đã làm chao đảo xã hội tiêu thụ thực dụng, đây chính là lúc mọi người cần thẩm định lại những giá trị sống để không ngã quy trước cơn khủng hoảng. Vì thế, người Phật tử phải bình tâm quán niệm để rủ bỏ những ý niệm bám víu, lệ thuộc hoàn toàn vào tiền bạc, hướng về với những giá trị sống khác mà từ lâu ta lãng quên mới có thể thoát khỏi sự nhấn chìm của vòng xoáy tiền tệ, vượt qua được những khổ não, bất an do cuộc khủng hoảng gây ra.

Phan Minh Đức
Nguồn: baubi.net
Previous Post
Next Post