Hôm nay, tôi giảng đề tài hơi lạ
tai một chút Đạo Phật trao chủ quyền cho con người. Tại sao tôi giảng đề tài
này? Bởi vì Phật tử từ trước tới giờ, đa số theo thói quen của ông bà để lại,
những gì xảy ra trong cuộc đời mình đều cho là trời khiến, hoặc đổ thừa tại số
mạng. Chúng ta là Phật tử mà không thấy, không nắm vững đường lối Phật dạy, thì
cũng sẽ chấp hiểu theo người xưa, không thay đổi.
Đức Phật đã chỉ cho chúng ta biết
rõ, mỗi người đều có chủ quyền đối với thân hiện tại và cả những đời sau của
mình, chớ không do ai định đặt cả. Đa số người cứ nghĩ rằng, cuộc đời mình là
do trời định, trời sắp đặt nên mình không có quyền gì hết. Nghĩa là phải sao
chịu vậy chớ không cưỡng lại được, không có quyền chuyển đổi, chấp nhận cam
chịu những gì đến với mình. Nếu ai làm gì thành tựu tốt đẹp thì đó là trời cho,
nếu làm ăn thất bại thì tại trời phạt. Gặp việc không vui, không vừa ý thì đổ
thừa trời bất công hay tạo hóa bất công, chớ không phải tại mình. Gặp khổ bất
thần thì kêu “Trời ơi”, tất cả một mạch nào trời định, trời cho, trời phạt,
trời bất công, trời hại… đều đổ về cho trời hết. Không biết trời ở đâu mà ông
mang tiếng dữ vậy. Đó là cái nhìn rất cạn cợt, không thích hợp với đạo Phật,
không đúng lẽ thật.
Lỗi thứ hai là đổ cho số mạng.
Nếu ra đời gặp cảnh thuận thì nói tôi tốt số, nếu gặp cảnh nghịch thì nói tôi
xấu số. Như vậy số đó ai đặt ra? Chắc trời đặt quá. Trời đặt thì không ai có
quyền cãi hết. Người giàu có thì nói số mạng hanh thông, kẻ nghèo khổ thì nói
số mạng bần cùng. Tất cả đều đổ thừa cho số hết, đã có số rồi thì khỏi làm gì
thêm, phải chịu vậy thôi. Quan niệm này ảnh hưởng rất sâu đậm trong tâm trí con
người.
Hết số rồi đến thời vận may rủi
nữa. Khi làm được việc tốt đẹp nói “thời vận tôi đỏ lắm”, khi làm ăn thất thế
nói “thời vận tôi mạt rệp rồi”. Mua được tấm vé số trúng, nói “tôi may quá, hôm
nay trúng số”. Đi chợ bị người ta móc túi, nói “tôi rủi quá, bữa nay bị móc
túi”. Được là may, mất là rủi. May, rủi cộng thêm hên xui. Làm gì thất bại nói
“xui quá”, làm gì thành công nói “hên quá”. Như vậy Phật tử có hiểu đạo Phật
chưa? Không hiểu gì hết. Tuy qui y Phật, tuy đi chùa lạy Phật, mà không hiểu gì
về đạo Phật.
Đạo Phật nói con người chủ động
tất cả sự việc xảy ra trong cuộc đời mình. Mình là chủ, không đổ trời, không đổ
số mệnh, không đổ vận may rủi v.v… Tại sao đạo Phật cho mình có quyền làm chủ
như vậy? Quí vị học Phật ai không biết về “lý nhân quả”. Theo luật nhân quả cái
tốt đến với mình là tại ta gieo nhân lành nên được quả lành, gieo nhân dữ thì
chuốc quả dữ. Cũng như người gieo hạt lúa thì lên cây lúa, gieo hạt gai thì lên
cây gai, chớ đâu phải bỗng dưng mà có.
Như vậy lời Phật nói có đúng sự
thật không? - Rất đúng. Còn đổ thừa may rủi căn cứ vào đâu? Không biết chỗ nào
hết, cứ đổ thừa đại vậy thôi. Không biết trời ở đâu, mà cái gì cũng đổ thừa
trời. Nếu quyền của trời hết, chúng ta còn cái gì để tu! Tu là chuyển sửa cái
xấu cái dở trở thành cái hay, cái tốt. Bây giờ trời định hết mình còn sửa cái
gì được. Hiểu sai lầm như thế làm cho chúng ta bị trở ngại trên con đường tu
Phật, không đủ lòng tin nơi Tam Bảo. Cho nên bước đầu người tu Phật là phải
nhận định đúng lý nhân quả. Nhân tốt thì quả tốt, nhân xấu thì quả xấu.
Ví dụ hôm nào đó thấy bạn làm
trái ý mình, ta nổi nóng mắng bạn một hơi. Đó là gieo nhân xấu. Nếu ngay hôm đó
họ chưa kịp trả, mai mốt có cơ hội họ cũng sẽ mắng lại mình. Nhân xấu đã gieo
thì quả xấu sẽ đến nhưng không biết lúc nào, đủ duyên thì nó đến. Khi người ta
mắng chửi lại, mình có đổ thừa tại trời khiến không? Hay tại mình mắng người ta
trước, bây giờ họ mắng lại. Nhân mình gieo thì quả mình chịu, chớ có ông trời
nào chen vô đó, cũng không phải may rủi gì hết. Chính ta là chủ gây ra nhân thì
phải chịu lấy quả.
Như vậy tốt xấu gốc đều từ chúng
ta mà ra, vì thế Phật mới dạy tu. Tu là ngừa nhân xấu để tránh quả xấu, tạo
nhân tốt để được quả tốt. Phật tử đem gạo tiền giúp người nghèo đói là nhân tốt
thì quả tốt sẽ đến, hoặc hiện tại người ta cám ơn, quí mến mình, hoặc vị lai
mình sẽ được phước giàu sang sung sướng. Làm việc lành sẽ hưởng quả lành, chớ
không có ai định cho. Chúng ta thấy có người vừa mới sinh ra bị tật nguyền, như
vậy trời định hay ai định? Mới sinh ra chưa làm gì mà đã tật nguyền, đã khổ rồi,
hiện tại họ chưa tạo nhân, tại sao lại chịu quả như thế. Thật ra, đạo Phật chia
nhân quả ra ba thời: quá khứ, hiện tại, vị lai. Hiện tại tốt hoặc bị xấu đều do
ảnh hưởng của quá khứ. Quá khứ xấu nên hiện tại phải chịu xấu, nhưng quá khứ đã
qua chúng ta đâu có nhớ.
Ví dụ ông A năm trước vay tiền
mua nhà ở gần quí Phật tử. Ông B cũng mua nhà bên cạnh Phật tử, nhưng không cần
vay tiền. Cả hai đều siêng năng làm ăn tốt. Cuối năm Phật tử thăm hỏi ông A làm
ăn có dư dả không, ông than tuy khá mà tôi vẫn còn thiếu nợ. Nếu chỉ nhìn hiện
tại chúng ta đâu có tin, vì ông mua nhà rồi làm ăn giỏi nữa. Nhưng nhìn về quá
khứ thì hiểu rõ tại sao ông không dư dả, vì còn trả nợ cũ. Trong khi ông B cũng
làm ăn như vậy, khi được hỏi ông khá không, ông cười nói năm nay khá lắm. Tại
sao ông khá? Vì ông không vay nợ, có bao nhiêu ông dành dụm bấy nhiêu nên dư.
Chúng ta chỉ nhìn hiện tại mà
phán đoán thì không đúng, phải cộng quá khứ nữa. Nếu ai ra đời được phước sinh
trong nhà giàu, đẹp đẽ là do nhân tốt đời trước. Hiểu tường tận như vậy, chúng
ta không có gì nghi ngờ, cũng không đổ trách nhiệm lên ai, vì biết gốc từ mình.
Con người đâu phải chỉ có mặt một đời này, mà đã có mặt từ bao nhiêu đời trước.
Những gì đời trước ta còn chứa giữ trong thâm tâm, bây giờ nó hiện ra. Quí vị
tin được điều này tức là tin luật nhân quả luân hồi.
Trong một gia đình cùng cha cùng
mẹ sinh ra bốn đứa con. Bốn đứa đó giống hệt nhau như khuôn không? - Không. Đó
là nói về thể xác. Còn tâm tư lại càng khác nhau nhiều hơn nữa. Nếu nói cha mẹ
có gen tốt sinh ra con tốt, tại sao cùng một gen mà có đứa tốt có đứa xấu, tâm
tư rất khác nhau? Như vậy để thấy rõ chúng ta không phải mới có mặt một đời
này, mà đã tích lũy những hay dở trong nhiều đời. Bởi tích lũy trước nên ra đời
những gì hay của mình ta dễ nhớ, dễ biết.
Khi xưa tôi giảng về bài Luân
hồi, lúc ra về có một thầy giáo lại thưa: “Thưa Thầy, lý luân hồi chúng con tin
một trăm phần trăm.” Tôi hỏi: “Tại sao đạo hữu tin?” Ông nói: “Bởi vì dạy học
trò con biết, một ông thầy dạy ba bốn chục đứa học trò, mà chúng có giỏi đều
nhau đâu. Đứa giỏi môn này, đứa giỏi môn kia.” Đời trước làm thợ mộc thì đời
này học làm thủ công rất đẹp. Đời trước giỏi toán thì đời này học toán ít mà
biết nhiều. Đời trước giỏi văn chương thì đời này văn chương rất hay. Tại sao lạ
vậy? Đó chính là sự tích lũy từ đời trước của mỗi người. Ai tích lũy cái gì
nhiều thì giỏi cái đó, chớ đâu có gì lạ.
Trên đường luân hồi chúng ta đã
có mặt nhiều đời, nhiều kiếp. Nên hiện đời này ta chịu những vui khổ, không
trách ai hết. Vui là do chúng ta tạo nhân lành sẵn, khổ là do ta tạo nhân ác
trước nên bây giờ phải trả. Người Phật tử hiểu được lý nhân quả rồi thì rất can
đảm, không đổ thừa trời, đổ thừa số mạng… vì chúng ta biết rõ cái đó do mình
tạo, ngày nay mình chịu. Mình đã tạo thì chịu trách nhiệm, không kêu trời trách
đất, cũng không oán thù ai. Khi gặp quả xấu chúng ta hối hận cố gắng tu thêm,
tu nhiều để chuyển xấu thành tốt.
Là Phật tử chúng ta phải tin
khẳng định rằng tất cả những khổ vui trong đời này đều gốc từ mình đã tạo đời
trước, không hờn phiền ai. Ta tử tế với người đó mà lúc nào họ cũng quạu với
mình, thì biết hồi xưa mình hành họ dữ lắm, nên bây giờ tử tế như vậy mà người
đó cũng chưa hết giận. Nghĩ thế chỉ cười thôi. Chúng ta hiểu nhân quả rồi thì
có than thân trách phận, có hờn, có oán ai không? - Không có. Ví dụ hai vợ
chồng, vợ thì hết lòng lo cho chồng mà chồng không thương, lại đi thương người
khác, bấy giờ quí vị nghĩ làm sao? Nên biết rằng hồi xưa mình thiếu nợ, đã làm
cho người ta khổ nhiều. Bây giờ sinh ra họ trả cái khổ đó lại cho mình. Thôi
thì chấp nhận đừng oán hờn chi hết, ai làm gì thì làm, mình lo tròn bổn phận
trả nợ thôi. Nghĩ như vậy sẽ yên.
Nhiều Phật tử có hai ba đứa con,
chồng lại ly dị lấy bà khác, quí vị vừa nuôi con vừa khóc, khóc hoài. Gặp tôi
hỏi “tại sao con bị oan khiên lắm vậy”, tôi nói có gì lạ, người ta hết lòng
thương mình thì mình tận tình thương lại. Bây giờ người ta không thèm thương
mình nữa thì mình đừng thương lại, là huề. Nói thì nghe dễ, song nợ trước khiến
cho quí vị thấy khó. Hồi trước mình cũng làm khổ người ta như vậy, bây giờ phải
trả. Vì thế người ta không thương mình mà mình cứ thương người ta hoài. Cái đó
mới khổ! Quí vị biết tại sao không? Tại hồi xưa mình làm người ta khổ nhiều
quá, bây giờ mình phải trả lại. Bao giờ hết nợ thì quí vị hết khổ.
Trên thế gian này không có gì xảy
ra mà không nhân hết. Tất cả cây cỏ trên thế gian, có loài nào không từ hạt, từ
rễ mọc lên đâu? Phải có nhân mới thành quả. Như vậy quả có sẵn từ nhân, chớ
không phải bỗng dưng có. Không bỗng dưng thì hờn trách ai làm gì. Nên chúng ta
học lý nhân quả cho thấu đáo thì tu rất dễ dàng. Nếu học không thấu đáo thì cứ
oán trời, trách người đủ chuyện, mà không biết sửa chính mình. Đó là sai lầm
lớn.
Chúng ta hiểu được, ứng dụng được
nhân quả thì sẽ có các đức tánh tốt như sau:
Thứ nhất là can đảm, vì biết chấp
nhận những gì xấu đến với mình. Đó là nhân đời trước ta đã làm, bây giờ chịu
không oán trách, không sợ sệt gì hết.
Thứ hai là không phách lối. Khi
được giàu có sang trọng, mình biết do hồi trước làm tốt nên bây giờ mới được.
Nếu phách lối sẽ hết phước nên được tốt vẫn dè dặt. Nếu phách lối ỷ lại, phước
mất hết thì sau sẽ khổ. Như vậy tránh được ngạo mạn, phách lối. Giàu sang không
ngạo mạn, không phách lối là tốt hay xấu? - Tốt. Nghèo khổ không oán trời trách
đất là tốt hay xấu? - Tốt. Đó là do hiểu nhân quả. Tin hiểu như vậy sự tu hành
phát triển, tiến bộ rất nhanh. Ngược lại, không tin nhân quả, đổ thừa trời đất
thì sự tu không tiến chút nào hết.
Cho nên đạo Phật nói tin được lý
nhân quả là chúng ta giành lại quyền định đoạt cho mình. Khổ vui do mình thì
mình có quyền định đoạt rồi. Cầu trời khấn Phật cho con hết khổ làm chi, đó là
chuyện của ta, ta làm. Muốn tốt thì cứ tạo nhân tốt, muốn xấu thì cứ tạo nhân
xấu. Đó là quyền của chúng ta chớ đâu phải quyền của trời, của Phật. Thế nên
đức Phật nói: “Ta không có quyền ban phước, xuống họa cho ai.” Phật tử bây giờ
cứ cầu xin thôi. Phật đã tuyên bố như vậy mà cứ cầu xin Phật hoài. Nếu còn một
chút phàm tánh chắc Phật cũng giận lắm à! Người ta đã nói rõ rồi cứ xin hoài.
Nhưng vì Phật là Thánh, là bậc đã
giác ngộ, Ngài biết rất rõ cái bệnh ỷ lại của chúng sinh, cho nên Ngài không
rầy không trách, mà cố dạy cho chúng ta hiểu. Tất cả những hay dở từ sự tu hành
hay không tu hành của mình mà ra. Người biết tu bị kẻ khác khinh chê vẫn cam
chịu không oán trách, không trả thù, đó là giảm nợ cũ. Nếu được giàu sang không
dám phách lối, còn đem của giúp người nghèo khổ, nên đời sau tiếp tục được giàu
sang nữa. Như vậy tăng thêm phước chớ không bị suy giảm. Ngược lại, người không
biết lý nhân quả, sinh ra giàu sang đẹp đẽ thì khinh hết mọi người, thấy ai
cũng thua mình thành ra ngạo mạn, tạo tội lỗi mất hết phước, sau đó sẽ bị khổ.
Đó là cái hay của người hiểu sâu lý nhân quả.
Kế nữa là lý nghiệp báo. Trong
nhà Phật nói do nghiệp lành, nghiệp dữ mà chúng ta chịu quả báo lành dữ. Nghiệp
đó là gì? Nói nghiệp mà không ai thấy nghiệp ra sao hết. Như bảo người ấy tại
khẩu nghiệp nên nói gì ai cũng ghét v.v… Chữ nghiệp, trong nhà Phật nói rất rõ,
như đồng một nghề thầy giáo với nhau gọi là bạn đồng nghiệp. Vậy nghiệp là một
việc làm ôn đi, ôn lại ngày này tháng nọ thành ra thói quen. Như vậy nghiệp từ
đâu mà có? Chính từ mình mà có. Muốn thấy cụ thể nhất, chúng ta nhìn mấy đứa
con trai từ năm bảy tuổi, lần lần lớn lên chín mười tuổi, lúc đó nó chưa ghiền
hút thuốc. Nhưng tại sao lớn nó ghiền? Tại tập. Ban đầu hút thuốc đâu có ngon,
nhưng tập hút riết ghiền thành ngon, chừng đó thiếu không được.
Cũng như người tập uống rượu, mới
uống đâu có ngon mà uống riết thành ghiền nên thấy ngon. Như vậy ghiền rượu là
nghiệp, ghiền thuốc là nghiệp. Khi đã ghiền, dù ở xa cũng ráng tìm cho được.
Sức mạnh của nghiệp ghê gớm như thế. Nhưng sức mạnh đó từ đâu mà ra? Từ tập mà
ra. Ban đầu tập ít thì ghiền sơ sơ, tới đậm rồi thì ghiền nặng. Khi đã ghiền
nặng, tới cơn ghiền chịu không nổi, phải chạy tìm kiếm. Cái gì sai người ta
chạy tìm kiếm? Cái nghiệp. Nghiệp đó do mình tập, chớ có trời đất nào xui khiến
nó tới đâu.
Chúng ta tu Phật là tập những
nghiệp lành. Nghiệp lành, nghiệp dữ từ đâu ra? Từ thân miệng ý ra. Thân làm cái
gì quen thì thành nghiệp. Miệng nói cái gì quen thì thành nghiệp. Ý nghĩ cái gì
quen cũng thành nghiệp. Cho nên nghiệp từ thân miệng ý mà ra. Vậy tu là tu cái
gì? Trước hết chúng ta biết việc đó xấu, mình không làm, biết tránh nghiệp là
tu. Biết việc nào tốt cố gắng làm, đó là tu. Như vậy tu thân là chừa hành động
ác và làm hành động lành. Tới miệng thì sao? Miệng nói lành nói dữ, nếu nói
lành quen thì thành nghiệp lành, nói dữ quen thì thành nghiệp dữ. Người quen
nói dữ, bà con láng giềng thương không? Chắc không ai ưa hết. Người quen nói
lành có ai ghét không? Không. Như vậy muốn được mọi người thương chúng ta phải
nói lành.
Phật tử nữ thường nghe người ta
nói “mấy bà hay nói chuyện thị phi quá”. Thị phi là gì? Thị là phải, phi là
quấy. Nói chị này hay chị kia dở v.v… đó là thị phi. Nói chị này hay thì chị đó
chịu, nhưng nói chị kia dở chị kia chịu không? - Không. Bởi vậy nên đi chùa lâu
mà phiền não hoài. Đó là tại cái miệng chưa thuần. Phật tử đi chùa nên nói
những gì tốt của huynh đệ, những gì xấu bỏ đi. Được vậy chùa đó thịnh lắm, bởi
vì ai tới cũng vui. Còn nếu đi chùa mà cứ bươi việc xấu của thiên hạ ra nói
hoài thì sau một thời gian ngắn, chẳng còn ai muốn đi chùa nữa. Đó là điều Phật
tử phải hiểu phải tu.
Chúng ta tu để trở thành con
người tốt, để đem lại an vui cho mọi người chung quanh. Tu như vậy mới thật là
tu. Chớ đi chùa tụng kinh thật hay mà xuống nói chuyện thị phi om sòm, như vậy
tu chưa? Phật tử tụng kinh cho Phật nghe hay cho ai nghe? Phật nói kinh ra cho
chúng ta, bây giờ mình đọc lại cho Ngài nghe là dư. Đối với chúng sinh, những
người mới tập tu, mình nói làm sao cho họ thích, họ mến đạo, tới gần với đạo,
đó là điều tốt. Còn nói cái họ không vui, không đến chùa nữa là điều không tốt.
Làm sao huynh đệ đi chùa càng ngày càng đông, sự tu hành càng ngày càng tiến.
Đó là khéo tu.
Thứ ba là ý nghiệp. Ý nghiệp rất
quan trọng. Bởi vì ý là cái chủ động của miệng và thân. Ý nghĩ ác mở miệng ra
nói ác, thân làm ác. Người tu phải dè dặt ý nghiệp nhất. Vừa nghĩ bậy là phải
rầy, phải phạt nó không cho nghĩ bậy. Như vậy là khéo tu. Ý không nghĩ bậy thì
miệng, thân không làm bậy. Cho nên người tu Phật phải nhìn sâu trong ý, luôn
luôn kềm chế nó, hướng dẫn nó đi đúng đường, chớ để nó sai đường tạo thành
nghiệp xấu ác. Chúng ta tu là cốt chuyển ý nghiệp dở xấu thành ý nghiệp tốt
đẹp, lương thiện.
Trong kinh nói “tam nghiệp hằng
thanh tịnh, đồng Phật vãng Tây phương”, nghĩa là ba nghiệp thanh tịnh thì đồng
với Phật về cõi Phật, không nghi ngờ gì hết. Vậy chúng ta phải tu ba nghiệp mà
trọng tâm là ý nghiệp. Muốn ý nghiệp trong sạch, ta phải luôn nhìn thấy nó để
sửa đổi những thói quen xấu trở thành tốt, không thể nuôi dưỡng cái xấu được.
Mỗi lần nghĩ xấu quí vị bỏ một hột đậu đen, nghĩ tốt bỏ một hột đậu đỏ, từ sáng
tới chiều coi hột nào nhiều. Nếu đậu đen nhiều thì phải ráng bữa sau khắc phục
hơn, chừng nào thấy toàn đậu đỏ là quí vị thành công. Tu như vậy dù quí vị tụng
kinh không nhiều, mà phước đức cũng đầy đủ. Đó là khéo tu ba nghiệp. Nếu không
khéo tu ba nghiệp, đời này chúng ta được như vầy nhưng chưa biết đời sau thế
nào. Cho nên biết họa hiểm nguy từ nơi mình mà ra.
Người khéo tu thì phải làm cho ba
nghiệp thanh tịnh. Ba nghiệp thanh tịnh rồi, dù ở cõi Ta-bà cũng như Tịnh độ.
Thường thường trong kinh nói “tâm tịnh thì độ tịnh”. Tâm chúng ta trong sạch
thì chung quanh đều trong sạch. Bây giờ ba nghiệp chưa tốt, nên mọi người không
tốt với mình, nếu ba nghiệp tốt rồi ai cũng thương, cũng mến mình. Như vậy mới
thấy chúng ta thật tu dù đang ở cõi Ta-bà này chúng ta vẫn thấy vui. Người Phật
tử chân chánh phải hiểu, phải thấy rõ việc đó. Mọi việc trở thành hay, thành
tốt đều gốc ở nơi mình. Quí Phật tử hiểu được lẽ này trong đời tu sẽ chuyển
biến nhiều lắm. Nếu không hiểu như vậy thì tu là tu, mà kết quả chẳng được bao
nhiêu. Đó là Phật trao quyền làm chủ cho quí vị.
Quí vị tu muốn đi lên hay đi
xuống? - Đi lên. Muốn đi lên thì phải ráng làm thiện, ba nghiệp hằng thanh
tịnh, nhất định sẽ đi lên không nghi ngờ chút nào hết. Nếu ba nghiệp dữ bảo đảm
chúng ta đi xuống. Điều đó quí vị tự biết rõ ngay cuộc đời mình, khỏi hỏi ai
hết, khỏi tốn tiền xin xăm bói quẻ. Muốn làm lành hay làm dữ đều thuộc quyền
của mình. Ta có quyền làm lành để được sinh lên cõi trời cõi người, cũng có
quyền làm dữ để xuống địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh. Đi lên, đi xuống hoàn toàn
do mình, chớ không ai bắt buộc, không ai qui định cả. Chúng ta đủ thẩm quyền
chọn một đường cho mình, mà chọn đường xấu là tại mình, chớ có trách ai. Ta
biết mình hơn ai hết, nếu còn dở thì ráng sửa ráng tu, chớ đi hỏi ai làm chi.
Người tu không tin mình mà tin bên ngoài, là trái với đạo lý.
Phật chẳng những cho chúng ta có
quyền chọn con đường đi trong lục đạo luân hồi, mà còn cho quyền đặc biệt nữa,
đó là quyền làm Phật. Phật còn cho chúng sinh quyền làm Phật, Ngài không nói
“ta tối tôn tối thượng, các ông không bằng ta, các ông là tôi tớ của ta”. Phật
không nói vậy, mà nói “ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Tại
sao? Vì tất cả chúng sinh đều có tánh Phật. Có tánh Phật mà biết khơi dậy, tạo
duyên để nó hiện rõ ràng đầy đủ, từ từ thành Phật chớ gì. Như vậy đức Phật đã
đưa chúng ta lên cao tột bậc rồi. Không những đời sau chọn con đường lành để
đi, mà còn có thể tiến lên quả Phật nữa. Tiến lên quả Phật không phải bằng cách
Phật đem mình lên đó, mà chính chúng ta phá tan những mê lầm được giác ngộ,
chừng đó thành Phật, chớ không có gì lạ.
Hiểu Phật rồi, chúng ta mạnh dạn
cứng cỏi lên, không yếu đuối như xưa nữa. Con đường Phật đạo rất cao cả quí
báu, người tu Phật nhìn kỹ lại sẽ thấy mình có một sức mạnh phi thường. Từ một
con người xấu ta chuyển hóa dần thành người tốt, cao hơn từ một kẻ phàm phu
khéo tu sau này thành một bậc giác ngộ. Cũng như ở thế gian, mấy đứa bé năm bảy
tuổi đều có quyền học đến Cử nhân, Tiến sĩ, mà cũng có quyền dốt nếu không muốn
học. Nếu cha mẹ cho học mà nó không học thì chịu dốt, cha mẹ cho học nó cố gắng
học thì thành tài. Như vậy không phải bằng Cử nhân, Tiến sĩ dành cho đứa nào,
mà dành cho tất cả những học sinh hiếu học.
Cũng vậy, trong đạo Phật đức Phật
không dành ưu tiên cho ai hết. Người nào tu đúng, từ người phàm tục trở thành
người lương thiện, từ người lương thiện trở thành người giác ngộ, thành Phật.
Như vậy, con đường tu Phật là con đường xán lạn, sẵn sàng mở rộng cho chúng ta
tiến lên. Chúng ta không chịu tiến là lỗi tại mình, mai kia có khổ kêu trời,
thật oan cho ông trời quá chừng.
Quí vị phải hiểu thấu đáo ý nghĩa
sâu xa lời Phật dạy, cố gắng tinh tấn tu hành. Cố gắng tinh tấn tu hành thì bảo
đảm sẽ tiến lên càng ngày càng tốt hơn. Nếu không cố gắng là lui sụt, do mình
lười biếng, còn mê dục lạc thế gian nên mới chìm xuống. Phật tử khi chưa biết
tu nên nghĩ sai lầm. Bây giờ biết rồi phải khéo ứng dụng tu cho đến nơi đến
chốn. Đó là giá trị chân thật của người Phật tử.
Thích Thanh Từ
Nguồn: thuong-chieu.org