Đa số mọi người ai cũng nghĩ rằng mình biết rõ những ý nghĩ và tình cảm của chính mình. Mình suy nghĩ và hành động bằng ý thức của chính mình, và chỉ bởi ý thức của mình thôi, ngoài ra không có gì khác. Tuy nhiên, đôi khi trong cuộc sống, ta lại có những lúc hành động khác thường, những quyết định lạ lùng, dường như không xuất phát từ chính bản tâm (mind) của mình. Đến những năm đầu của thế kỷ 20, bác sĩ Freud sau những nghiên cứu lâm sàng đã đưa ra lý thuyết về vô thức (unconscious mind). Tâm con người có hai phần: Ý thức và Vô thức.
Ý thức là lớp ở trên, là những suy nghĩ và nhận thức mà ta biết rất minh bạch.
Một người bình thường chỉ biết được phần ý thức của mình thôi, còn phần vô thức thì không thể tự nhận biết được vì nó nằm tận đáy hồn sâu ẩn. Trong cuộc sống hằng ngày nhiều khi ta không biết được tại sao lúc đó mình lại có những quyết định, mhững lời nói, những hành động khác thường đến vậy. Câu trả lời là: lúc đó bạn đã làm theo vô thức. Theo Freud, vô thức là những bản năng sinh tồn, bản năng tính dục (libido), những ám ảnh, những dồn nén hình thành trong suốt quá trình cuộc sống hoặc có thể có nguồn gốc xa xôi mãi từ thời ấu thơ.
Vô thức có nhu cầu của nó, nếu không được thỏa mãn, nó có thể gây bệnh lý tâm thần hoặc bệnh lý cơ thể. Phương pháp trị bệnh dựa vào cách đối trị với vô thức gọi là Phân tâm học (Psycho analysis). Ngoài lãnh vực y học trị liệu, vô thức còn được vận dụng vào tất cả các lãnh vực khác như triết lý, văn học, xã hội học v.v… Freud cha đẻ của Vô thức và Phân tâm học mất vào 1939, nhưng sau đó đồng nghiệp và học trò ông đã phát triển và củng cố học thuyết này một cách mạnh mẽ. Ở Việt nam rất ít trí thức quan tâm đến lĩnh vực này, nhất là ở khối xã hội chủ nghĩa, nơi học thuyết Freud không được chấp nhận.
Con người trong xã hội chỉ phơi bày cái tốt , cái đẹp, cái phù hợp xã hội ra ngoài, còn lại thì giấu tất cả. Nguyên tắc duy nhất: đẹp khoe, xấu che. Với phân tâm học, lý thuyết vô thức là cái kính chiếu, soi rọi những điều bí ẩn dấu kín trong tâm thức con người, đó thường là cấm kỵ tính dục, tính ác, tính bất thiện, tất cả những tính cách không được xã hội chấp nhận.
Riêng bạn, bạn nghĩ sao? Những nhà chính trị nói rằng họ yêu nước nghĩa là họ yêu nước? Những người viết văn viết báo đều viết vì sự thực? Những nhà giáo dục đều giảng sự thật cho học sinh? Những bác sĩ đều làm tất cả vì sức khỏe của bạn? Những vị tu sĩ khả kính đều là những tâm hồn thánh hạnh? Những người kinh doanh đều vì khách hàng? Những bạn bè thân thiết chung quanh bạn là những người chung thủy thật lòng?…
Thế giới trở nên đen tối bi quan vì học thuyết vô thức hay thế giới vốn thực sự như vậy? Khi học thuyết Freud đầu tiên xuất hiện rất nhiều người chống đối, dần dà người ta dường như hiểu ra: Trong tâm hồn thánh thiện của ta cũng có chút gì của quỷ. Quỷ lớn hay quỷ nhỏ là tùy mỗi người.
Lời nói hay hành động của ta trước đám đông xã hội thường được ý thức ta kiểm duyệt và tô vẽ kĩ càng. Còn sau đó hành động có thể ngược lại do vô thức xúi giục. Cho nên “đừng tin những gì ta nói, mà hãy nhìn kỹ những gì ta làm”. Đừng xin lỗi những lời nói lúc say rượu, hay cái gọi là lỡ lời. Những lúc say rượu ý thức bị mất đi, thường người ta nói và làm những hành động thật nhất đấy. Những câu nói “lỡ lời” thường cũng xuất phát từ “sự thật” nhất định bên trong…
Nếu thế làm thế nào để biết được vô thức?
Ngay sau khi bạn đọc bài viết ngắn ngủi này, bạn đã có thể nhìn thấy một phần trong Vô thức của bạn rồi. Còn lại phần lớn vô thức nằm trong giấc mơ, nhưng tiếc rằng ta rất ít khi nhớ lại toàn bộ giấc mơ. Cơ chế giấc mơ tôi đã viết trên blog này lâu rồi: đêm nào ta cũng nằm mơ (Đố ai nằm ngủ không mơ!), mơ nhiều lần, nhưng chỉ nhớ được giấc mơ lúc gần sáng.
Để hình thành học thuyết vô thức, Freud lắng nghe tất cả những giấc mơ của bệnh nhân. Freud cũng nghiên cứu trên những giấc mơ của chính mình. Tất cả ẩn ức, ám ảnh, dồn nén, lo lắng, sợ hãi, thèm muốn, yêu ghét, hờn giận…trong đời sống, đều bị đưa vào giấc mơ (Sống làm sao, chiêm bao làm vậy) Trong giấc mơ ta có thể thấy lại tất cả những thứ đó, và cả những sự kiện rất xa trong quá khứ.
Theo Freud tất cả những thứ đó là vô thức của ta. Theo Jung (học trò của Freud) vô thức còn chứa những thứ xa lạ không phải của ta. Theo Mật tông Tây tạng, giấc mơ còn chứa cả những hình ảnh của tiền kiếp. Có một pháp tập Yoga bằng giấc mộng gọi là Yoga giấc mộng (dream yoga). Trong Yoga này ta tập cách sao cho có được tỉnh giác trong giấc mộng. Giấc mộng trở nên rõ ràng như thực (lucid dreaming). Phật giáo gọi là mộng ảo tam muội. Khi tập thành thạo, ta có thể sống trong giấc mộng như một thế giới thực (bardo giấc mộng).
Giấc mộng còn chứa những điều kì bí khác ví dụ những giấc mộng báo điềm lạ (mộng triêu), có giấc mộng là tiên tri chính xác. Vô thức nằm trong giấc mộng. Giấc mộng lại liên thông cả quá khứ lẫn tương lai và có thể liên thông đến những thế gới khác. Tóm lại : Bạn có một tâm ý thức (conscious mind), bên dưới tâm ấy là một tâm vô thức (unconscious mind). Vô thức nằm trong giấc mơ. Giấc mơ, cõi mộng, là một bardo. Các bardo dung thông với nhau liên tục như một toàn thể (continuum). Tâm con người qua trung gian của Vô thức trở nên bao la rộng lớn, đúng là như thế!
BS. Phạm Doãn
Nguồn: bsphamdoan.wordpress.com
Xem thêm: 'Thực và mộng', 'Những điều có thể bạn chưa biết về giấc mơ'
Xem thêm: 'Thực và mộng', 'Những điều có thể bạn chưa biết về giấc mơ'