
Nhưng khi tập quán chiếu, ta thấy rằng trong trường hợp ta bị cứa cổ như vậy, thì ta đau khổ lắm. Do đó ta nhìn vào con vịt, con gà hay con cá đang bị giết, ta thấy trong lòng không an ổn. Khi thấy người ta đẩy từng con bò, con này rồi tới con kia vào lò sát sinh, hoặc khi thấy hàng trăm hay hàng ngàn con gà đang bị đẩy vào máy để cắt cổ và nhổ lông, tự nhiên ta thấy lòng đau sót. Nhiều người thấy một lần như vậy thì phát nguyện ăn chay luôn.
Thế giới đầy dẫy những căm thù và bạo động. Chiến tranh là do chúng ta không nuôi dưỡng lòng từ bi. Ăn chay là một trong những phương pháp nuôi dưỡng lòng từ bi của chúng ta. Ăn chay là thực tập bất hại (non harming). Ngoài ra chúng ta phải nhìn cây cối, sông nước, bầu không khí để thấy rằng cây cối, sông nước, địa cầu cũng cần phải được bảo vệ, vì tất cả đều có sự sống. Bất hại (ahimsa) là một đức rất lớn trong đạo Bụt. Khi chúng ta thiếu tâm bất hại, chúng kiến sự giết chóc và tàn hại đời sống mà không động lòng, thì chúng ta không có hạnh phúc. Không có tình thương thì không có hạnh phúc. Ngày xưa có một thi sĩ viết về bát canh thịt:
Thiên bách niên lai uyển lý canh
Oán thâm như hải, hận nan binh
Dục tri thế thượng đao binh kiếp
Thí thính đồ môn dạ bán thanh.
dịch:
Ngàn năm qua một bát canh
Oán sâu biển cả hận thành non cao
Muốn hay nguồn gốc binh đao
Lắng nghe quán thịt tiếng gào thâu đêm.

Có rất nhiều nhà chính trị, kinh tế và khoa học đang nghiên cứu cách thức làm giảm bớt chiến tranh. Nhưng chúng ta phải biết rằng chiến tranh chỉ có thể giảm bớt khi tâm từ của chúng ta phát triển. Ăn chay để tâm từ bi và tâm bất hại phát triển trong lòng từ trẻ em đến người lớn, đó là một trong những phương pháp hay nhất để mang lại hoà bình. Có người nói rằng: "Trời sinh con cá để cho người ăn, tại sao không ăn?” Người ta sẽ hỏi lại: “Trời sinh con người để làm thức ăn cho vi trùng, hay cọp beo, tại sao không để cho vi trùng hay cọp beo ăn?”
Thích Nhất Hạnh
Nguồn: quangduc.com