Hạnh phúc và khổ đau

Hạnh phúc thật sự không ở nơi cái với tay tìm kiếm, mà ở nơi chỗ không kiếm tìm.

Ngay trong chính khổ đau ai biết lắng nghe cho đến tận cùng thì ở đó, hạnh phúc, tình yêu, và vẻ đẹp vẫn cứ đơm hoa kết trái. Hãy biết lắng nghe, hạnh phúc ở nơi chính các bạn, không phải ở tương lai mà cũng không phải ở thiên đàng, không ai ban cho và cũng chẳng cần tìm kiếm. Nó đang tràn ngập mọi nơi, cần biết đủ (trong điều kiện sẵn có của mình) là đủ, đó chính là hạnh phúc.

• Chi ít hơn thu thì thấy dư, chi nhiều hơn thu thì thấy thiếu. Luôn thấy thiếu thì mới là nghèo khổ.

• Một trong những yếu tố của đau khổ là đối kháng. Đối kháng nghĩa là không vừa lòng với những gì đã và đang có. Đặt càng nhiều điều kiện cho mình càng nhiều đau khổ, ngay cả người tu cũng vậy, sai lầm của họ là đặt cho mình tiêu chuẩn để đạt đến, tu là để đạt một sở đắc. Nhưng đạt được hay không đều là đau khổ.

• Điều quan trọng là phải thấy được chính mình, Chính vì không thấy rõ chân tướng, không thấy rõ bản chất của đời sống nên con người thường hay có nhiều ước muốn, tham vọng, và khi không toại ý họ dễ sinh ra đau khổ.

• Khi một người bị lệ thuộc vào điều kiện bên ngoài (cả không gian lẫn thời gian) thì người đó không thể nào có được sự an lạc.

• Không có khả năng thích ứng với hoàn cảnh, đó là đau khổ. Bởi vì hạnh phúc không phải là sự thỏa mãn mọi ước mơ của cá nhân mình, mà là khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

• Hạnh phúc không tính bằng tiền tài hay danh vọng mà HẠNH PHÚC LÀ KHẢ NĂNG CÓ THỂ SỐNG TỰ TẠI TRONG BẤT CỨ HOÀN CẢNH NÀO.

• Đừng bao giờ đặt cho mình một tiêu chuẩn sống mà hãy đủ dũng cảm để sống với tất cả mọi tình huống của cuộc đời.

• Khi bản ngã đầu hàng thì lúc đó CHÂN LÝ mới hiện ra. HẠNH PHÚC là khi không còn nguyên nhân nào gây ra đau khổ cho chính mình nữa.

• Nền móng của tương lai chính là những giây phút thực tại. Nếu hiện tại bạn đi vững chắc thì đích tới là chuyện đương nhiên, còn nếu trong hiện tại bạn vấp hoặc đi không vững thì dĩ nhiên tương lai chỉ là những ước vọng xa vời và không thực, nên hãy chú tâm vào hiện tại.

• Trong cuộc sống luôn có hai mặt tĩnh và động, người tu là người biết cách để quân bình cả hai mặt đó:

 Khi động thì tùy duyên mà chú tâm, thận trọng, quan sát.

 Khi tĩnh thì buông xả cho thân tâm nghỉ ngơi vô sự, để tâm được sáng suốt, định tĩnh, trong lắng, đừng để bản ngã sinh khởi

• Tóm lại người con Phật dù trong tĩnh hay động luôn có 3 pháp phải làm là: Thận trọng, Chú tâm và Quan sát. Nếu sống hoàn toàn trong 3 pháp đó có nghĩa người đó luôn có sự sáng suốt, định tĩnh và trong lành.

• Nghĩa là người Phật tử phải biết cách sống tùy thuận pháp:

 Sống theo sự vận hành hoàn toàn của Pháp

 Thấy biết sáng suốt

• Như vậy dù tĩnh hay động thì người đó cũng đã “Niết Bàn” rồi.

Previous Post
Next Post