Tản mạn về nghĩa từ CON

Không loài vật nào có ngôn ngữ như người. Một số loài vật có những ký hiệu âm thanh đơn giản, những tiếng kêu, để thông báo cho bầy đàn mối hiểm nguy hay nơi có mồi ăn, và những âm thanh gọi bạn tình khi mùa giao phối tới... Có thể hình dung ngôn ngữ của loài vượn người thượng cổ cũng không phong phú hơn bao nhiêu. Quá trình tiến hóa thành người cũng đồng thời xảy ra hiện tượng ngôn ngữ có thêm rất nhiều từ ngữ mới. Ngày nay tiếng Việt có hàng vạn từ nhưng thời thượng cổ chỉ vài chục từ cơ bản. Từ ngữ được hình thành thế nào?

Có cách đặt tên gọi sự vật, con vật như sau: phỏng tên bộ phận chỉ người làm tên đặt cho những đối tượng nào giống mình hoặc vật gì giống mình. Con người lấy mình làm trung tâm để nhận thức thế giới.

Xuất phát từ con người có đầu, người ta cấp “đầu” cho nhiều đối tượng khác. Con vật cũng có đầu. Mà cái đầu thì đi  trước. Ấy thế là phần trước nhất của một vật được gọi là “đầu”: đầu tàu, phần tường ở hai đầu nhà gọi là đầu hồi. Tìm “đầu mối cuộn chỉ rối” là tìm đầu của cuộn chỉ. Đi theo con đường duy nhất vào một làng, trước tiên chúng ta vào đầu làng. Vậy là làng quê cũng có đầu. Nói “dẫn đầu đoàn biểu tình là những cựu chiến binh”, vậy đoàn người cũng có “đầu”.

Có thành ngữ đầu đường xó chợ vì con đường cũng có “đầu”, sóng cũng có “đầu” (đầu sóng ngọn gió). Rồi thì “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Cái lưỡi cũng có đầu. Câu nói một người rất hay dùng được gọi là câu nói đầu lưỡi, câu nói cửa miệng. Nhưng lưỡi hết sức linh hoạt và thay đổi nên đầu lưỡi là cụm từ trỏ cái gì đó không thật lòng: đoàn kết đầu lưỡi. Khoảng thời gian đến trước tiên cũng được gọi là “đầu”: có lời hát “Thứ hai là ngày đầu tuần”. Rồi đầu hôm, đầu giờ, đầu tháng, đầu năm mới...

Nghĩa của một từ được phát triển dần dần. Từ con đáng được chúng ta quan tâm.

Trong tiếng Việt, con là một từ cơ bản. Nghĩa của nó chỉ quan hệ huyết thống trong thế đối lập mẹ con, bố con. Người ta nói “Sinh con rồi mới sinh cha/Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”. Nghĩa là người ta sinh ra “con”. Còn loài vật sinh ra gì? Lấy từ chỉ tên người để đặt tên cho những hiện tượng tương tự ở loài vật. Vậy là, động vật cũng sinh ra “con”. 

Trong quá trình phát triển nhận thức, người Việt rất chú ý phân loại các đối tượng trong thế giới và cấp cho những đối tượng giống nhau tên gọi chỉ loại của chúng. Chúng ta là người, còn những động vật khác là con: con voi, con kiến, con cá, con chim... Thảo mộc có loại cây, loại cỏ. Đất, đá, sỏi... gọi là hòn, là cục, là viên.

Người tiến hóa từ vượn nên được gọi là con người. Trong mỗi người có cả hai đặc điểm, vừa có phần con vừa có phần người. Phần con thường được xem như cái thuộc về tự nhiên, bản năng; còn phần người là cái tinh anh đạo đức do được dạy dỗ và rèn luyện trong lao động mà thành. Khổng Tử nói “Nhân chi sơ tính bổn thiện”, rằng ngay đến một đứa trẻ từ lúc vừa mới lọt lòng đã mang sẵn mầm thiện. Đó là căn nguyên cần được vun bồi, nuôi dưỡng thành người, nên dù trót lầm lỡ sa vào tội lỗi, tới phút cuối hẳn người ta cũng ân hận, dằn vặt lắm. Đến như Chí Phèo cả đời khinh bạc, rạch mặt ăn vạ mà vẫn trắc ẩn khát khao chút thiện lương làm người nữa là.

Thế đủ thấy con là bản năng tự nhiên, là hoang dại, nên cần phải được khống chế, nhốt lại. Cốt là không để nó át cái phần thánh thiện của người. Nhưng mách nhỏ với bạn: khi được ai đó khuyến khích “cứ tự nhiên đi”, thì xin bạn hãy yên tâm là người ta đang đánh giá cao phẩm chất người của bạn, nó đủ sức “bảo lãnh” cho phần con trỗi dậy. Vậy nên, bớt chút rụt rè, bớt chút ngại ngùng, hãy mạnh dạn nói chuyện, mạnh dạn ăn uống, hòa đồng...

Bạn có thể thắc mắc: “Con” chỉ động vật, nhưng sao lại có con đường, con thuyền, con sông, con xe, con pháo? Người Việt nhận thức “con vật” khác đồ vật ở đặc điểm chuyển động. Thế là gọi luôn những vật nào chuyển động được là con. Trong thế đối lập với cái, con là động, cái là tĩnh. Cùng là nước nhưng nước trong hồ đứng yên, phẳng lặng nên gọi cái hồ, nhưng nước trên sông thì chảy liên tục nên gọi con sông.

Tương tự, người Việt gọi cái ao, cái giếng - con mương, con kênh. Sóng lên cao xuống thấp nên có đầu sóng ngọn gió. Nhưng sóng thì chuyển động nên có người viết: “Con sóng đung đưa thuyền ra khơi xa”. Rồi lại có con dao - cái thớt, con chim - cái tổ... Người Việt cũng có lối sử dụng ngôn ngữ rất sáng tạo. Trong nói năng, đôi khi người nói muốn nhấn mạnh thì những đối tượng chuyển động được kéo ghì lại, buộc nó phải đứng yên để cụ thể hóa như cái con sông, cái con dao, cái con đò...

Những vật nào con người làm ra rồi điều khiển nó chuyển động cũng được gọi là con: con xe, con pháo (trong bàn cờ tướng), con đò, con quay, con vụ, con lắc, con tàu vũ trụ. Mươi năm gần đây có cả con xe máy, con Honda...

Trong thế đối lập về chiều kích, con là nhỏ, cái là lớn. Phải chăng vì vậy con chuyển thành tính từ chỉ những đối tượng có thuộc tính nhỏ? Người nhỏ được kêu là nhỏ con. Tiếng Việt có các từ láy con con, cỏn con, cỏn còn con... Trong chơi bài ăn thua rất nhỏ được gọi là chơi cò con. Ngược lại, cái  chỉ những đối tượng lớn. Vậy nên có danh xưng “Bố Cái đại vương”. Sông Hồng Hà còn được gọi là sông Cái. Trong nhà có cột cái và cột con, đũa cả còn gọi là đũa cái, nhỏ hơn thì gọi đũa con; đường lớn gọi là đường cái, ngón tay lớn nhất là ngón cái. Những trẻ em chơi đáo đều có hòn cái để cả cái vào lỗ. Cũng theo nghĩa này mà có nhà cái, bắt cái trong chơi bài.

Trong một vài trường hợp, cái còn được hiểu là mẹ, như sông cái tức là sông mẹ. Người Việt có câu tục ngữ “Con dại cái mang”, hay câu ca dao:

“Em về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”.

Đồng bào Chăm gọi Bà Chúa xứ sở là Thánh mẫu Thiên Y Ana, trong đó Ana có nghĩa là mẹ. Trong ngôn ngữ của đồng bào dân tộc Stiêng, Churu, Cơho sống ở cao nguyên Di Linh, Lâm Đồng họ cũng gọi ana mơ-nuk (gà mẹ), ana chi-lang (đường cái/đường mẹ)...

Cái bộ phận cơ thể người rất linh động và nhỏ là con mắt, con ngươi. Bộ phận sinh thực khí của người nam cũng được gọi là con. Nhưng cái con này chỉ được bật ra khi người ta văng tục, chửi thề. Xin kể chuyện sau: Trong dịp đón tiếp một phái đoàn ngoại quốc, người ta làm những lá cờ có mấy ngôi sao nhỏ quanh một vòng lớn. Một cư dân mạng bực tức quá nên phát ra lời bình: “Cờ với chả quạt, như cái con củ... cờ”(!).

Tiếng Việt có kiểu lấy các danh xưng trong quan hệ họ hàng để xưng hô ngoài xã hội: tùy theo tuổi tác mà gọi là cụ, ông, bà, cô, bác, chú, dì, con, cháu...

Con, cháu là hạng thấp nhất. Trước đây, ở phương ngữ Bắc bộ, nói với bậc cao tuổi, người nhỏ tuổi xưng cháu. Nhưng nay, chịu ảnh hưởng của phương ngữ Nam bộ, người miền Bắc cũng xưng con. Một hiện tượng chuyển nghĩa thú vị.

Tiếng Việt được các nhà ngôn ngữ học thế giới đánh giá là hiện tượng độc nhất vô nhị. Không có ngôn ngữ nào trên hành tinh lại có thể sống được sau một ngàn năm bị đô hộ. Sự tồn tại mầu nhiệm ấy bắt nguồn từ một nền văn hóa mềm dẻo, linh hoạt, thu nạp vào trong mọi biến hóa để ứng phó, để tồn tại, và để phát triển. Tiếng Việt có sức sống mãnh liệt và kì diệu như chính dân tộc Việt.

Nguồn: congan.com.vn
Previous Post
Next Post