Ludwig Binswanger |
Tôi ghét tôi, tôi ghét tôi
Mặt đất sinh sôi
Còn tôi chả sinh ra điều gì cả.
Một vỏ ốc lăn lóc
Nứt nẻ, bỏ hoang, vô dụng
Tạo hóa ơi, tạo hóa ơi,
Hãy thu tôi về trở lại,
Và tạo lại tôi lần thứ hai.
Ellen West là một cô bé lập dị, rất kén ăn, chống đối kịch liệt khi ai đó dỗ dành cô bé ăn lấy một chút thức ăn mà cô không thích. Cô bé quá ương bướng đến độ nổi tiếng. Cô phải là trung tâm của mọi sinh hoạt. Ở trường nội trú bao giờ cô cũng nhớ nhà. Đến tuổi dậy thì, cô bé đã nói: Thà tôi là Hoàng đế Caesar chứ không ai khác! Song chẳng ai có thể làm gì giúp cô bé được. Năm 17 tuổi, bài thơ Thần chết hãy hôn tôi, mô tả tâm trạng cô yêu cầu vị thần Biển hôn cô cho đến khi cô chết đi. Cô bé vùi mình vào công việc và tự ca tụng văn chương của mình là điều lành của cuộc đời.
Khi lên 20 tuổi, cô đến sống tại Sicily . Sau đó cô ăn uống ngon lành và lên cân nhưng bạn bè bắt đầu trêu ghẹo. Thế là cô bé phản ứng lại bằng cách kiêng ăn và đi bộ một cách hết sức hăng hái vì bị ám ảnh bởi tình trạng béo phì. Cô luôn ghét chính mình vì nghĩ mình quá mập và cho rằng chỉ có cái chết mới là cách giải quyết vấn đề.
Rồi cô lại vùi vào công việc và thoát khỏi tình trạng trầm uất, song cô luôn đem theo mặc cảm và trạng thái mệt mỏi. Cô bắt đầu tích cực hoạt động mong rằng mình sẽ thay đổi được xã hội, nhưng cô kín đáo tin rằng chuyện ấy chỉ là lãng phí và vô dụng.
Khi cha mẹ cô can thiệp vào chuyện cô làm đám hỏi với một sinh viên, cô rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm thần. Cô bỏ về từ khu nghỉ mát, người gầy rạc đi và ngã bệnh. Cô tin mình bị ám ảnh bởi tình trạng béo phì đó là nguyên nhân sức khỏe sa sút của mình. Bác sĩ đã đề nghị cô nghỉ ngơi trên giường và sau đó cô lại có vẻ mập thêm lên một chút. Nhưng rồi cô lại chống đối chỉ định của bác sĩ và lại làm việc cật lực để trở về tình trạng gầy còm.
Năm 28 tuổi, cô đám cưới với anh họ của mình và hy vọng cuộc hôn nhân sẽ giúp cô gạt bỏ hết những tư tưởng muốn gầy kia. Sau lần đầu sảy thai, cô giằng xé phân vân giữa muốn có con nhưng không chịu ăn uống bồi bổ. Sau đó cô bắt đầu uống thật nhiều thuốc xổ ở tuổi 33, một ngày cô uống 60 hoặc 70 viên thuốc xổ mỗi ngày, ói mửa vào ban đêm và đi tả vào ban ngày. Cô chỉ còn lại 92 pounds và gầy như một bộ xương.
Sau đó cô đồng ý đi gặp bác sĩ tâm thần, hết người này sang người khác. Cô thực hiện 2 cuộc tự tử nhưng không thành. Cuối cùng người ta đưa cô vào bệnh viện nội trú Kreuzlingen. Tại đó cô sống yên ả với chồng dưới sự chăm sóc của Ludwig Binswanger. Với một chế độ ăn uống và thuốc an thần, cô bắt đầu khỏe mạnh hơn, nhưng vẫn nặng nề u ám với tư tưởng sợ hãi.
Vì cô vẫn cố ý muốn tự tử, vợ chồng cô được đề nghị phải lựa chọn: Cô sẽ được đưa vào khu vực cấm và ở nơi đó cô có thể sẽ tiều tụy lụi tàn hoặc sẽ trở về nhà. Hai vợ chồng đã quyết định về nhà
Vào lúc này cô cảm thấy dễ chịu hơn vì cô biết mình phải làm gì. Cô ăn uống vui vẻ, ăn cả kẹo sôcôla, ăn no bụng sau hơn 13 năm trời. Cô nói chuyện vui vẻ với chồng, viết thư cho một vài người bạn thân. Và sau đó cô uống một liều thuốc độc cực mạnh.
Câu chuyện buồn này là một trong những ca nổi tiếng trong nghiên cứu không phải vì vấn đề là bệnh sợ ăn vốn xảy ra nhiều nơi phụ nữ. Song đây là một ca mà thân chủ đã có khả năng bộc bạch cách nhìn của mình vào vấn đề của bản thân. Câu chuyện cũng xoay quanh về người bác sĩ tâm thần đã quyết định lắng nghe lời tâm sự của bệnh nhân. Sau đây là một bài thơ khác của Ellen West:
Tôi muốn chết như loài chim vẫn chết
Chẻ đôi cuống họng trong tiếng hót sướng vui
Không còn sống như con sâu trên đất
Trở thành già nua, xấu xí, ngù ngờ ngốc nghếch
Không, hãy nghe đi một lần trong tôi dạt dào bốc cháy
Cháy bùng lên, ngọn lửa hãy nuốt lấy thân tôi
Ellen trong thời ấu thơ đã chia đôi cuộc đời của mình giữa hai thế giới. Cuộc sống của cô vẫn như đang bị giam trong một nấm mồ, chôn chặt sự tồn tại của cô về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Nhu cầu cơ thể của cô chỉ cần rất ít từ cuộc đời, nhưng đã can thiệp vào mục đích sống của cô. Càng lớn, cô càng thấy mình tù túng chật hẹp trong một xã hội bị ô nhiễm. Những con người xung quanh cô có vẻ chóng quên những điều độc ác và tất cả đều đau khổ. Trong thế giới nấm mồ, mọi thứ tan rữa và sẽ mục nát, mọi thứ đều bị kéo xuống, một nấm mồ, một lỗ sâu.
Và Ellen West đã sống một đời sống trong thế giới giải thoát, thế giới của tâm hồn, trong sạch và thuần túy, nơi những khát khao được trao tặng và đáp ứng. Trong thế giới do những hành động đều không cần đến cố gắng vì đã được cởi ách thoát khỏi sức nặng của vật chất. Trong thế giới giải thoát, con người ta hoàn toàn tự do và có thể bay bổng.
Có nhiều người né tránh thế giới giải thoát. Họ không thích những lo lắng và những trách nhiệm thường đi đôi với sự tự do. Họ thà chấp nhận việc mình được sai khiến và làm các việc theo mô hình tập trung như, làm việc trong một cơ quan đông người, gia nhập một tổ chức tôn giáo, hay trở thành một thành viên của một băng nhóm. Tuy vậy họ vẫn rất lo lắng và sợ hãi, vì trong thâm tâm họ biết việc tham gia vào một nhóm rộng lớn hơn vẫn là một điều gì đó tạm bợ vay mượn. Họ chẳng bao giờ sống cuộc sống của mình thực sự và không bao giờ có được hạnh phúc.
Nhiều người đi tìm sự hướng dẫn từ chính cơ thể của họ. Họ bắt đầu bằng cách đi tìm những lạc thú đơn giản. Nhưng sau đó họ tìm thấy những lạc thú này trở nành nhạt nhẽo, nhàm chán. Vì thế họ sẽ thay thế những lạc thú này bằng những lạc thú mới khác như sử dụng một loại thuốc phiện hay những hành vi thiếu lành mạnh khác. Họ luôn chạy đi tìm những kênh cảm xúc mới. Và tất nhiên là họ vẫn không thể mãn nguyện trước. Họ cảm thấy thất bại, không phải vì không đạt được khoái cảm mà đơn giản là họ chỉ tìm thấy khoái cảm là một trạng thái tạm bợ đánh lừa.
Ellen West cố tình lảng tránh thế giới nhà mồ. Cô muốn tự do bay bổng cao hơn thế giới vật chất tầm thường để bay vào thế giới giải thoát, bay vào cõi tốt lành và sạch sẽ, đầy những điều công bằng đạo đức. Trong một góc nhỏ của mình, cô đã cố gắng đạt đến sự thành công bằng cách giảm cân, tuy nhiên như thế vẫn chưa đủ.
Chúng ta không thể né tránh cuộc đời chỉ vì một bộ phận cơ thể chúng ta không muốn. Chúng ta không thể né tránh thân xác cơ thể hay né tránh tâm hồn của mình. Dù chấp nhận hay không, chúng ta vẫn vừa là những con chim hay những con sâu trên mặt đất. Chẳng có gì là tệ cả đấy chính là hai thái cực cao và thấp, đen và trắng, sáng và tối luôn luôn tồn tại trong thân phận con người.
2. Tiểu sử của Ludwig Binswanger
Ludwig Binswanger sinh ngày 13 tháng 4 năm 1881 tại Kreuzlingen, Switzerland trong một gia đình có truyền thống y học và đã có vài người là bác sĩ tâm thần. Ông nội của ông vốn cùng tên Ludwig đã sáng lập ra Bệnh viện nội trú Kreuzzlingen năm 1857. Cha của ông là Rchert, có thời kỳ đã là giám đốc của bệnh viện này. Ông chú của Ludwig khám phá ra bệnh Binswanger (một chứng bệnh tương đối giống với bệnh Alzheimer: bệnh giảm khả năng trí tuệ vì thoái hóa não).
Ludwig Binswanger trở thành bác sĩ y khoa từ trường Đại học Zurich năm 1907. Ông nghiên cứu và học tập dưới sự hướng dẫn của Carl Jung, đồng thời giúp Jung trong Tổ chức Freudian. Giống như Jung, ông thực tập dưới sự chỉ đạo của Eugen Bleuder, người đã tìm ra và đặt tên cho chứng bệnh tâm thần phân liệt.
Jung giới thiệu Binswanger với Sigmund Freud năm 1907. Đến năm 1911, Binswanger trở thành giám đốc điều khiển tại bệnh viện nội trú Bellevue . Năm kế đến, ông bị ốm và đến thăm Freud, vẫn nhớ là Freud là người rất ít khi rời khỏi Vienna . Tình bạn của họ kéo dài cho đến khi Freud qua đời vào năm 1939, mặc dù hai người họ có nhiều quan điểm khác nhau về học thuyết.
Từ những năm 20, Ludwig đã xây dựng một hứng thú trong thuyết hiện sinh được tìm thấy nơi Edmund Husserl, Maritn Heidegger và Martin Buber. Ông càng lúc càng tách xa khỏi học thuyết theo trường phái Freudian. Từ những năm đầu thập kỷ 30, ông chính thức được coi là một trong những nhà liệu pháp hiện sinh. Vào năm 1943, ông công bố tác phẩm nghiên cứu của mình (Grundformen und Erkeuntnis menschlichen Daseins), vốn chưa bao giờ được dịch sang tiếng Anh.
Năm 1956, Ludwig Binswanger từ chức bác sĩ trưởng tại Bellevue sau 45 năm làm việc ở đó. Sau đó ông tiếp tục viết cho đến khi qua đời vào năm 1966.
3. Học thuyết của Ludwig Binswanger
Tâm lý hiện sinh – giống trường phái Freudian – là một trường phái tư tưởng, một học thuyết truyền thống, nghiên cứu và áp dụng thực hành liên hệ đến nhiều nhà tâm lý tên tuổi. Khác với thuyết Phân tích tâm lý, thuyết Tâm lý hiện sinh không có một nhà sáng lập riêng mà là sản phẩm chung của một nhóm nhà triết học cuối nửa thế kỷ XIX, tiêu biểu là Soren Kierkegaard và Friedrich Nietzsche.
Kierkegaard và Nietzsche khác nhau như ngày và đêm. Kierkegaard hứng thú trong việc khôi phục lại niềm tin sâu sắc vào tôn giáo khô khan của thành phố Copenhagen ngày ấy, trong khi đó Nietzsche là người nổi tiếng vì thái độ của mình khi ông phát biểu: Thượng Đế đã chết thật rồi. Nói chung là họ khác nhau về nền tảng triết lý, tuy cả hai tìm đến quan điểm phục vụ con người thật (real people). Cả hai đều rất tâm huyết với những vấn đề khó khăn trong đời sống của con người. Hai ông cho rằng sự hiện diện của con người không thể gói gọn trong những hệ thống lý luận phức tạp (complex rational systems), tôn giáo hay triết học. Cả hai ông đều gần gũi với thơ ca nhiều hơn là với những nhà lý luận.
Sau Kierkegaard và Nietzsche, tương đối nhiều nhà triết lý (hiện nay là nhiều nhà tâm lý) đã cố gắng giải thích và phục hồi ý tưởng hiện sinh. Một số người vì không thích thơ ca lắm nên việc đọc những tác phẩm gốc của hai ông rất khó khăn. Họ cảm thấy phải bơi ngược dòng thời gian ngôn từ để có thể lĩnh hội được những luồng tư tưởng lớn này. Nhiều nhà tâm lý đã chịu ảnh hưởng tâm lý hành vi và tâm lý sinh lý, nên việc nắm vững học thuyết Hiện sinh là một điều hiển nhiên khó. Nhất là hiện nay chúng ta đã quá tin vào khoa học và lôgíc.
4. Hiện tượng học
Hiện tượng học là phương pháp nghiên cứu cẩn thận và hoàn thiện về những hiện tượng khó giải thích nơi tâm thức con người. Hiện tượng là nội dung của cõi ý thức như: các đức tính, các mối quan hệ, những sự kiện, những tư tưởng, hình ảnh, trí nhớ, ảo tưởng, cảm giác, hành vi… mà chúng ta đã trải nghiệm qua. Hiện tượng học là một cố gắng giải thích để chúng ta hiểu và tiếp cận với những kinh nghiệm này, từ đó ta có thể diễn đạt chúng một cách khách quan và chính xác nhất.
Nếu một nhà tâm lý đã được huấn luyện về thí nghiệm, thuyết Hiện sinh là một kênh tiếp cận với đối tượng một cách hoàn toàn khác hẳn. Trong khoa học và tâm lý thực nghiệm, chúng ta có xu hướng gạt bỏ tất cả những chủ quan của mình và nhìn bản chất của một sự kiện một cách khách quan nhất. Nhà hiện sinh cho rằng chúng ta không thể gạt bỏ tất cả yếu tố chủ quan khi đánh giá bản chất của một sự kiện, dù ta có cố gắng đến đâu đi chăng nữa. Ống kính khoa học muốn nhìn sự kiện một cách cụ thể chắc chắn, tuy nhiên theo các nhà hiện sinh thì đặc tính chủ quan vốn là một đặc tính không bao giờ hoàn toàn tách khỏi đặc tính khách quan được.
Hầu hết các triết lý hiện đại, bao gồm cả triết lý Hóa học có khuynh hướng chia đôi. Họ thích chia đôi thế giới trở thành 2 phần: Bộ phận khách quan được coi là bộ phận vật chất và bộ phận chủ quan là phạm trù cõi ý thức. Kinh nghiệm của chúng ta có những liên hệ với cả hai bộ phận nói trên. Khoa học hiện đại tập trung vào khách quan, bộ phận vật chất và cố gắng gạt bỏ yếu tố chủ quan. Nhiều người gọi cõi ý thức là hệ lụy, một sản phẩm phụ của phản ứng hóa học nơi bộ não và những quá trình vận hành của não, một đại lượng nói chung không quan trọng. Nhà tâm lý hành vi B. F. Skinner đã coi cõi vô thức không là điều gì cả.
Các nhà hiện sinh cho rằng suy nghĩ như thế là một sai lầm. Tất cả những đối tượng của khoa khoa học đều đi qua cõi vô thức. Mọi điều chúng ta trải nghiệm đều nhuốm màu chủ quan. Một cách dễ nhìn ra là không có kinh nghiệm nào không liên hệ đến cả hai bộ phận. Và họ gọi đây là quá trình cố ý.
Vì thế hiện tượng học yêu cầu tất cả những đối tượng nghiên cứu – dù là bên ngoài hay bên trong hệ tâm thức thúng ta, về con người, về sự hiện diện của con người – hãy để những đối tượng nghiên cứu ấy trình bày bản chất thật sự của chúng. Vì thế ta cần mở rộng với những kinh nghiệm bằng cách không phủ nhận những đại lượng phạm trù không thể đo đạc được, như các khung giá trị tinh thần: triết lý sống, học thuyết tâm lý, và lăng kính tôn giáo. Ngành Hiện tượng học yêu cầu chúng ta nên dẹp bỏ não trạng thực tế khách quan để đánh giá xem một kinh nghiệm xem sự thật là cái gì? Vì kinh nghiệm là một trải nghiệm rất riêng của mỗi người.
Hiện tượng học là một hướng đi xuất phát từ lĩnh vực siêu nhiên. Tâm lý thực nghiệm chọn lựa những chủ thể một cách thật vô tư để gạt bỏ những cơ hội chủ quan có thể xảy ra (nói theo thuật ngữ thống kê). Các nhà hiện tượng học có xu hướng nghiên cứu chung để cách nhìn của họ được gộp lại, tạo thành một sự hiểu biết toàn diện và phong phú hơn về một hiện tượng. Quá trình này gọi là gian thoa chủ quan.
Đây là một phương pháp thích hợp nhất được áp dụng trong nghiên cứu những cảm xúc khác nhau, những bệnh lý tâm lý, các trạng thái lo lắng chia rẽ, cô đơn, cô độc, kinh nghiệm của các nghệ sĩ lớn, những kinh nghiệm tôn giáo, sự im lặng và ngôn ngữ, cách nhìn và hành vi. Ngoài ra họ còn nghiên cứu về sự hiện diện của con người, đáng kể nhất là Martin Heidegger và Jean–Paul Sartre. Những não thức phức tạp của đời sống phong phú chính là đối tượng nghiên cứu của chủ nghĩa hiện sinh.
5. Sự hiện diện
Kierkegaard đã có lần so sánh chúng ta với Thượng Đế, dĩ nhiên là chúng ta không thể bằng Thượng Đế được. Thượng Đế được coi là biết hết mọi sự, toàn năng, và vĩnh hằng. Còn chúng ta là những chủ thể rất gàn bướng trong nếp nghĩ một chiều, yếu đuối một cách đáng thương và tất cả chúng ta đều chết. Giới hạn của chúng ta quá rõ ràng hiển nhiên.
Chúng ta thường muốn mình được trở nên gần giống với Thượng Đế hơn, hoặc ít nhất cũng là những thiên thần. Dù sao thiên thần cũng không quá ích kỷ trong nếp nghĩ và không quá yếu đuối như con người. Và đặc biệt là thiên thần sẽ không bao giờ chết. Như Mark Twain đã vạch ra: Nếu chúng ta là những thiên thần - chúng ta sẽ không nhận ra mình – Thiên thần chẳng làm gì cả ngoài sự chỉ dẫn của Thượng Đế. Họ chẳng làm được gì để thay đổi tình trạng này. Họ đơn giản chỉ tồn tại theo kế hoạch của Thượng Đế và tồn tại muôn đời như một chủ thể lệ thuộc, hoàn toàn vô nghĩa hiểu theo một nghĩa nào đó. Thiên thần đối với Thượng Đế cũng như cái áo đối với chúng ta. Cả hai đều có danh xưng, có mục đích, có tính năng, một chủ thể được tạo ra để phục vụ. Thiên thần cũng thế họ được tạo ra có danh xưng, mục đích, tính năng và nhất là để phục vụ Thượng Đế.
Con cò bay trên cánh đồng cũng thế. Chúng có những kế hoạch hoặc chương trình được cài đặt trong hệ thống di truyền của mình. Chúng vận hành và sinh hoạt dựa trên những điều khiển của bản năng đã thúc giục và hướng dẫn chúng.
Làm một cái áo, một con cò, một thiên thần thật dễ dàng quá. Mục đích của những chủ thể này có trước sự hiện diện: Nghĩa là mục đích hiện diện của chúng đã có trước những hành vi của chúng.
Tuy nhiên, các nhà hiện sinh cho rằng con người hoàn toàn khác hẳn. Chúng ta hiện diện trước khi có sự xuất hiện mục đích của chúng ta, như Sartre đã nói. Chúng ta thường không biết mục đích cuộc đời của mình cho đến khi chúng ta phải sống. Cuộc đời chúng ta, ta là ai? – không phải do Thượng Đế quyết định, không bởi định luật của tự nhiên, chẳng phải bởi di truyền, không bởi xã hội mà họ đang sống, và càng không phải từ gia đình chúng ta. Những phạm trù nói trên chỉ cung cấp những nguyên liệu thô để ta kiến tạo nên cuộc đời chúng ta. Ta là ai? Đấy là những chọn lựa chúng ta sử dụng để tiếp cận cuộc đời. Nói khác đi, chúng ta là người kiến tạo cuộc đời của chính mình.
Các nhà khoa học nhắm đến cấu trúc và vận hành có thể đo đạc được. Thuyết Hiện sinh trong khi đó lại nhắm đến kinh nghiệm mà mỗi cá nhân đã từng sống qua.
Bản chất mục đích của nhân loại – một đại lượng chung mà tất cả chúng ta thừa hưởng đã khiến chúng ta khác hơn những sinh vật khác trong thế giới này. Chính vì thiếu bản chất mục đích này đã dẫn đến tình trạng trống rỗng. Tự do của mỗi chúng ta không thể bị gói gọn trong một khung triết lý hay học thuyết tâm lý, chúng ta không thể phân chia trở thành những quá trình vận hành vật lý hay những phản ứng hóa học. Tương lai của chúng ta không thể tuyệt đối dựa vào những phỏng đoán thống kê. Ta có thể là da màu hay da trắng, chúng ta lớn lên trong những điều kiện văn hóa khác nhau, có người may mắn trong những điều kiện hoàn cảnh khác nhau về những cơ duyên và vận hội. Những nguyên liệu thô này rất khác nhau đối với nhiều người trong chúng ta. Tuy vậy, tất cả chúng ta vẫn có chung một nhiệm vụ phải làm là: Kiến tạo chính bản thân mình.
6. Liên tục hiện diện
Đây là một khái niệm được mượn từ tiếng Đức – Dasein có nghĩa là liên tục hiện diện, cố gắng đeo đuổi, sinh tồn. Khái niệm này được dịch ra tiếng Anh và có một ý nghĩa mới: Hãy ở đó. Đây là khái niệm của triết lý gia người Đức Martin Heidegger. Các nhà Hiện sinh học coi đây là trung tâm điểm của hệ thống học thuyết. Âm da trong từ da–sein có nghĩa là đó. Điều này cho thấy các nhà Hiện sinh có cơ sở để xác định khái niệm một chủ thể nằm ở giữa một hệ thống phức tạp và hỗn độn. Hơn nữa ở đó không nên chỉ được hiểu là không phải ở đây, mà là một khái niệm chứng minh rằng chúng ta luôn thuộc về một thế giới khác, một thế giới mà chúng ta thật sự không thuộc về nó.
Không có một thuật ngữ dịch nghĩa cụ thể nhất về từ dasein, nhiều người sử dụng từ hiện sinh, mục đích hiện diện đã cố gắng chuyển ngữ khái niệm này. Từ hiện sinh trong tiếng Anh là existence có nguồn gốc từ tiếng La tinh ex–sistare, có nghĩa là bước ra, đi ra, đứng ra khỏi một giới hạn. Và khi đối chiếu với từ da–sein trong tiếng Đức, ta thấy ngay ý nghĩa liên hệ. Vì thế dasein có nghĩa trở thành một điều gì đó khác hơn, di chuyển xa hơn và xuyên qua chính con người của mình, trở thành một chủ thể mới trong một thế giới hoàn toàn khác.
Heidegger cho rằng da–sein là quá trình mở rộng mình ra, giống như một cánh đồng cỏ, một khoảng trống bao bọc bởi những cánh rừng rậm, vì da–sein cho phép thế giới được phô bày bản chất thực của nó. Sartre cũng nhìn nhận khái niệm khoảng trống mở ra này, và gọi đây là trạng thái không–có–gì–cả của sự hiện diện con người, giống như một lỗ thủng chỉ tồn tại khi xung quanh nó là một thế giới đặc kín. Hiện diện vì thế đã trở thành một trạng thái đứng riêng rẽ độc lập, đối nghịch với sự dày đặc của những đại lượng phạm trù khác.
Đặc tính quan trọng nhất của dasein, theo Heidegger là quan tâm. Hãy ở đó không phải là để hờ hững né tránh. Chúng ta liên hệ với thế giới, với những chủ thể khác, và với cả chúng ta nữa. Chúng ta gắn bó trong việc có trách nhiệm và những đầu tư vào cuộc sống. Chúng ta có thể và bắt buộc phải làm nhiều điều. Bỏ mặc và vứt hết quan tâm không phải là một tính năng đặc trưng của con người.
7. Bị ném vào thế giới
Đây là một khái niệm tin rằng chúng ta bị ném vào cuộc đời này mà không có sự đồng ý của chúng ta. Khi chúng ta bắt đầu có nhận thức, chúng ta bắt đầu với quá nhiều chọn lựa được thiết kế và chuẩn bị sẵn sàng cho chúng ta đến từ di truyền (ta chẳng thể chối bỏ chiều cao và giới tính của mình), từ môi trường (ta không muốn sinh ra ở một làng nghèo vùng sâu vùng xa), từ xã hội (ta muốn mình sinh ra ở London, thay vì ở New Delhi), và từ gia đình (ta không muốn mình sinh ra trong gia đình nghèo). Đây là những nguyên liệu thô, một cách giải thích rằng "tôi" mặc dù tỉnh táo và tự do, vẫn không thể thoát khỏi những ràng buộc đã được thiết kế sẵn và tôi chẳng còn lựa chọn nào khác nữa.
Ví dụ như cơ thể chúng ta, ta là chủ nó và nó thuộc về ta. Ta có thể đi, đứng, nói, cười, lắng nghe. Chúng ta nhìn, nghĩ, có cảm xúc, rồi hành xử dựa vào cơ thể của mình, và đây là một thực tế. Hiện diện của chúng ta sẽ ra sao nếu cơ thể của mình không tồn tại? Song cơ thể chúng ta thực sự hiện diện như bao chủ thể khác. Sẽ có lúc cơ thể chúng ta không phục tùng chúng ta nữa, hoặc đôi khi chúng còn là gánh nặng cho chúng ta. Chẳng hạn như bệnh tật – nhưng ta vẫn phải là ta. Rồi có lúc thế giới bên ngoài xâm nhập vào cơ thể chúng ta: Một cái nạng gỗ, một cặp mắt kính cận, một quả tim nhân tạo, một cái chân giả, răng giả, van tim giả… Có lúc bạn liên hệ với thế giới qua điện thoại, viết thư chứ không phải trực tiếp mặt đối mặt. Cứ thế ta thấy mình trộn lẫn vào thế giới và thế giới thẩm thấu vào chúng ta. Và rồi trong nhiều trường hợp ta không còn biết ai là chủ của ai nữa.
Bị ném vào thế giới còn được hiểu như là chúng ta được sinh ra vào một xã hội đã định hình. Xã hội đã tồn tại có trước chúng ta, văn hóa có mặt trước khi ta cất tiếng khóc chào đời. Ngôn ngữ ta nói có trước chúng ta cả ngàn năm. Cha mẹ chúng ta là những người bị ném vào thế giới trước chúng ta. Tới phiên chúng ta nhập cuộc, ta đến với cuộc đời này là đứa trẻ yếu ớt không thể tự tồn tại, vì thế chúng ta phải dựa vào họ để tiếp tục tồn tại.
Ngay cả khi lớn lên, chúng ta vẫn lệ thuộc vào những con người khác. Có lúc ta trở thành nạn nhân của người khác. Có lúc ta tin rằng họ không thể bằng chúng ta. Chúng ta lừa gạt sự tự do của mình và chấp nhận thuần phục xã hội vì không còn nhiều lựa chọn khác tươi sáng hơn. Đây là khái niệm mà các nhà hiện sinh gọi là: Sự sụp đổ của chúng ta.
Binswanger đã đi theo nhà triết học Martin Buber, khi ông giới thiệu thêm những khía cạnh tích cực vào khái niệm sự sụp đổ của chúng ta. Bằng cách này chúng ta được phép tìm đến cái chung giữa bản thân ta và thế giới giúp cho quá trình liên hệ giữa chúng ta và người khác, để xây dựng những khung tình cảm. Nếu da–sein là mở rộng, chúng ta có thể mở rộng mình ra với thế giới. Chúng ta thật ra không đóng chặt như nhiều nhà hiện sinh đã tin như thế. Binswanger cho rằng đây là khả năng tiềm tàng trong mỗi cá nhân, đối chiếu với da–sein, khả năng này được hiểu là hiện diện ngay bên ngoài thế giới của mình.
8. Nguồn gốc của sự lo lắng
Các nhà hiện sinh học luôn cho rằng cuộc sống thật khắc nghiệt. Thế giới cung cấp cho chúng ta cả khoái cảm lạc thú và những nỗi đau. Theo họ, thế giới xã hội dạy cho chúng ta hằn học, đau khổ, cô đơn nhưng cũng cho chúng ta nhìn thấy chân dung của tình thương tình yêu, và những cảm xúc ấm áp nồng nàn. Trong đó thế giới nội tâm chất chứa những lo lắng, mặc cảm, và cả sự cảnh giác băn khoăn về sự chết không tránh khỏi. Những đại lượng tiêu cực này không phải là những điều khả dĩ sẽ có thể xảy ra, mà là những điều tất yếu xảy ra không tránh khỏi.
Vì thế tự do là có quyền lựa chọn trong lối tiếp cận với cái chết không tránh khỏi. Theo các nhà hiện sinh học thì con người đã bị ép buộc phải chọn lựa, như Sartre đã nói thế, và một điều chúng ta không thể nói là mình muốn chọn hay không chọn. Nói khác đi chúng ta không có quyền được KHÔNG CHỌN. Chúng ta vẫn cứ phải chọn lựa hàng ngày, ngay cả khi chúng ta lảng tránh hờ hững với chọn lựa về sự yếu đuối và thực tế là sẽ phải chết, dựa theo phân tích của Kierkeggard. Điều khó chịu ở đây, chúng ta thường chẳng có đủ dữ kiện để có một lựa chọn thỏa đáng. Nhưng ta vẫn chọn lựa, chẳng bao giờ hoàn hảo.
Kierkegaard, Heidegger và những nhà hiện sinh học khác sử dụng thuật ngữ lo lắng để áp dụng vào nỗi lo sợ khi chúng ta đi vào cõi mông lung không chắc chắn khi đối diện với tương lai của mỗi chúng ta. Chính cõi mông lung không chắc chắn trở thành nỗi lo sợ, tập trung vào sự giận dữ và tuyệt vọng đau khổ đến từ nhu cầu phải chọn lựa. Chúng ta luôn bị dằn vặt bởi những chọn lựa của mình. Chúng ta băn khoăn lo lắng không biết xem nếu như các chọn lựa của chúng ta là đúng hay sai. Chúng ta sốt ruột muốn biết các chọn lựa ấy có chuyển tải được khát khao của chúng ta hay không. Theo các nhà hiện sinh thì trạng thái lo lắng khác với nỗi lo sợ. Lo sợ thường có một tác nhân gây sợ định hình, còn lo lắng thường ám chỉ về một trạng thái cảm xúc mơ hồ về sự hiện diện của bản thân với những liên hệ khác.
Các nhà học thuyết hiện sinh thường nói về trạng thái trống rỗng trong liên hệ với lo lắng. Bởi vì chúng ta không phải là con cò, là cái áo hay những thiên thần, bằng lòng với sự sắp đặt, cảm giác lo lắng đến và đôi lúc ta cảm thấy mình sắp sửa rơi vào trạng thái trống rỗng. Chúng ta muốn mình trở thành đá cuội đặc cứng, đơn giản, và tồn tại mãi với thời gian, nhưng chúng ta phát hiện ra mình đang bơi lội trong vòng xoáy. Vì thế cảm giác lo lắng không thể là một điều tạm thời khó chịu có thể xử lý bởi nhà trị liệu, vì cảm giác lo lắng là một bộ phận thường trực của con người.
9. Mặc cảm
Chủ nghĩa hiện sinh không phải là một triết lý đơn giản. Nó không cung cấp cho chúng ta đầy đủ những ngõ thoát để ta có thể né tránh trách nhiệm về những hành động của chúng ta. Chúng ta không thể trút tất cả trách oán lên môi trường sống, lên hệ thống di truyền của cơ thể, lên cha mẹ chúng ta, hay là những căn bệnh tâm thần, rượu, thuốc phiện, sức ép của bạn bè xung quanh, kể cả những con người độc ác khác…
Heidegger sử dụng một từ trong tiếng Đức: Schuld – để mô tả về trách nhiệm của chúng ta với bản thân mình. Đây là từ mang cả hai nghĩa: mặc cảm và mắc nợ. Nếu chúng ta không làm điều mình nên làm, ta cảm thấy mặc cảm. Và như thế chúng ta mắc nợ với trạng thái hiện diện của mình. Và vì trạng thái hiện diện luôn trong tình trạng vận động và phát triển nên chúng ta không bao giờ hoàn tất việc trả nợ. Chúng ta luôn dối diện với tâm trạng bỏ dở chưa kịp hoàn thành, tương tự như cảm giác chúng ta bị chất vấn bởi sự thiếu nhất quán của bản thân mình.
Xem ra chỉ có một trạng thái có thể đem lại quân bình cho tâm thức con người là hối hận. Hối hận là chất liệu để khỏa lấp khoảng trống, hối hận về những điều chúng ta đã làm – chưa kịp làm – cố ý làm để hại người khác. Chúng ta còn mặc cảm cả với những hành vi trong quá khứ chẳng gây hại đến ai nhưng gây hại đến chính chúng ta. Nhất là khi chúng ta chọn lựa những con đường tắt, chọn những lối đi dễ dàng, làm ít, làm lấy lệ, làm chưa tận sức, khi chúng ta đánh mất chính mình, đi lạc hướng, lãng phí tuổi xuân, bỏ lỡ những cơ hội vàng.. và rồi chúng ta hối hận.
10. Cái chết của chúng ta
Các nhà học thuyết hiện sinh đôi khi được coi là tập trung quá nhiều vào chết chóc. Đúng vậy. Họ thường nói về sự chết có vẻ sâu sắc hơn các học thuyết khác, nhưng đây không phải là một địa hạt hứng thú đối với tất cả chúng ta. Chỉ khi nào thật sự nhìn thấy và đối diện với cái chết gần nhất thì thúng ta mới nhận ra ý nghĩa của sự sống. Trong vở kịch Những con ruồi (The Flies) của mình. Sartre viết: Đời sống bắt đầu từ phía xa xăm bên kia của tuyệt vọng.
Heidegger cho rằng chúng ta là những sinh thể hướng về sự chết. Con người là những sinh thể duy nhất có cảm giác ý thức về cái chết của chính mình. Khi chúng ta ý thức được về số phận mỏng manh không tồn tại mãi mãi, ban đầu chúng ta né tránh thực tế này bằng cách quên đi chúng qua việc biến mình trở thành bận rộn với những công việc hàng ngày. Nhưng bằng cách này chúng ta vẫn chẳng giải quyết được điều gì cả. Lẩn tránh cái chết là lẩn tránh chính sự sống.
Nhiều người vừa ẵm đứa con sơ sinh của mình đã nghĩ ngay đến một ngày họ và em bé sẽ chết. Ta nhìn vào người vợ, người chồng của mình, đang sống rất hạnh phúc nhưng chúng ta cũng có lúc nghĩ đến sự chết. Phải chăng khi người cha nghĩ về sự chết của mình và đứa con, ông sẽ cảm nhận được thời gian chỉ là một đại lượng không thể kéo giãn mãi ra được, và như thế ông sẽ yêu con của mình nhiều hơn. Nếu ý thức của mình không sống mãi mãi, con người ta sẽ quên đi những hằn học hận thù. Khi nhận diện ra bản chất thực của cái chết, ta thấy một giây phút sống không ý nghĩa sẽ là một giây phút lãng phí mãi mãi.
Sau đây là lá thư mà nhà soạn nhạc piano Mozart đã diễn tả về cái chết khi ông viết cho người cha của mình:
Con sẽ nói với cha rằng con không còn thấy lo lắng về cái chết trước mắt. Mọi sự đã trở nên dễ chịu hơn. Vì cái chết (con cố ý nói về cái chết) chính là mục đích đời sống của mỗi chúng ta. Con đã tìm thấy mình trở thành quen thuộc với sự thật này và cái chết chính là người bạn thân nhất của con. Ý tưởng chết chóc không còn khiến con lo sợ nữa, mà là một cảm giác yên ắng nhẹ nhàng. Con cảm ơn Thượng Đế đã cho con có cơ hội được nhìn vào cái chết như một chìa khóa để tìm ra hạnh phúc đích thực. Con chưa bao giờ nằm xuống mỗi đêm trước khi đi ngủ mà không nghĩ rằng, mặc dù con còn rất trẻ, có lẽ ngày mai thức dậy con sẽ không còn tồn tại nữa. Nhưng chẳng ai biết con sẽ nói là con sẽ buồn bã hay yếm thế, vì thế con rất cám ơn tạo hóa đã ban cho con sự sống hàng ngày. Và con ao ước rằng Ngài sẽ ban tặng điều tương tự ấy cho tất cả những anh em đồng loại của mình.
11. Sống thật với chính mình
Không giống với những nhà học thuyết nhân cách khác, các nhà hiện sinh học không có ý né tránh giá trị của phán quyết. Nói theo ý nghĩa hiện tượng học, xấu và tốt là hai phạm trù tồn tại rất thực như bao nhiêu phạm trù đời sống khác. Chúng ta có thể lựa chọn một cách sống cho mình vì có nhiều cách sống tốt đẹp hơn những cách sống khác. Cách sống tốt đẹp hơn được các nhà hiện sinh gọi là sống thật lòng mình. Để sống thật với chính mình có nghĩa là ta cần ý thức được khái niệm bản thân. Chúng ta cần quan tâm đến hoàn cảnh sống của chúng ta (bị ném vào cuộc sống). Chúng ta cần ý thức về quá trình chúng ta tiếp cận với cuộc sống qua những thỏa hiệp nhượng bộ. Chúng ta cần nhận ra những khả năng tự thiết kế nên chính con người của mình. Ta cần ý thức về những đại lượng xảy– ra không thể tránh được, về những mặc cảm và thái độ lo lắng của chúng ta về sự chết. Cũng nhập cuộc và càng mở rộng chính mình ra với những đại lượng nói trên, điều đó có nghĩa là chúng ta đang hành động để xác định được bản thân của mình. Như thế ta cần phải gắn bó với cuộc sống, có trách nhiệm, nhập cuộc, đối chiếu và đương đầu với hiện thực trước mặt.
Theo các nhà hiện sinh học, sức khỏe tâm thần không phải là não trạng khoái cảm hay trạng thái hạnh phúc. Mặc dù các nhà thuyết học hiện sinh chẳng có ý định chống lại những giá trị ấy. Theo họ, sức khỏe tâm thần đến từ khả năng và niềm tin nơi ta sẽ sống tốt đẹp nhất.
12. Sống không thật với chính mình
Những ai không sống thật với chính mình là sống hờ. Nghĩa là họ sống nhưng không trở thành một cái gì đó cao lớn hơn chính họ. Họ đánh đổi sự mở rộng với bản thân để lấy về sự co cụm. Họ đánh đổi sự động năng cuộc đời để đem về trạng thái bị động tù túng. Họ chối bỏ những khả năng tốt đẹp có thể xảy ra để chấp nhận những gì họ nhìn và sờ được. Nếu sống với con người thật của mình là tiến về phía trước thì sống không thật với chính mình là đứng giam chân tại chỗ.
Nhà học thuyết hiện sinh tránh né việc xếp bảng và phân chia. Với họ, mỗi người là một chủ thể rất riêng. Vì chúng ta không ai có một số lượng nguyên liệu thô giống nhau và chất lượng nguyên liệu thô của mỗi người cũng khác nhau về di truyền, văn hóa, gia đình… Và mỗi chúng ta sử dụng tất cả những nguyên liệu thô ấy để kiến tạo nên chính mình qua những lựa chọn sáng suốt hay những lựa chọn không lành mạnh. Vì thế chúng ta có rất nhiều lối sống trung thực với chính mình hay là chọn cách sống không trung thực với chính mình.
Sống theo truyền thống là lối sống tương đối phổ thông không trung thực với con người của mình. Đây là lối sống tránh né tiềm năng tự do của mình, một cuộc sống tuân thủ theo những hệ giá trị tinh thần và vật chất được định sẵn. Nếu ta muốn mình giống như những người khác, chúng ta sẽ không có bất cứ khát khao vươn lên. Và chúng ta cũng chẳng cần phải có bất cứ chọn lựa to lớn nào. Có những người hành xử vì bị chi phối bởi người có quyền hành, bởi sức ép từ hàng xóm và bạn bè, hoặc bởi những phương tiện đại chúng. Nếu ta cứ bận rộn với việc tìm tòi nơi những giá trị đạo đức để có quyết định xử lý, Sartre nói rằng bạn đang ngã xuống và sống với một niềm tin thật đáng ngại.
Một lối sống né tránh, không thực với chính mình là bệnh thần kinh hiện sinh, tuy họ là người có ý thức về khái niệm chính mình nhiều hơn những người sống dựa trên những tư tưởng truyền thống. Họ biết mình là người có lựa chọn và họ rất sợ phải đối diện với chọn lựa đến độ nỗi lo lắng này trở thành quá tải. Họ có thể tê cóng, hoảng hốt, thay đổi nỗi lo lắng và mặc cảm hiện sinh chuyển sang nỗi lo lắng và mặc cảm thần kinh. Họ thường có xu hướng bị lôi cuốn bởi những đối tượng gây sợ, và những nỗi ám ảnh không kiềm chế được. Họ cần có một đích điểm để giải tỏa trạng thái giận dữ. Họ thường lo lắng về một một căn bệnh, hay một vấn đề giả tạo không có thực. Đó là những cố gắng tìm cách đối phó vô tình đã biến thành những khó khăn trong cuộc sống và trở nên một vấn đề. Các nhà tâm lý hiện sinh nói rằng dù chúng ta có thể gạt bỏ tất cả triệu chứng bằng những kỹ thuật khác nhau nhưng chúng ta vẫn phải đối diện với các vấn đề có tính hiện sinh.
Binswanger cho rằng sống không trung thực với chính mình là chọn lựa trói buộc cuộc đời của mình trong một cái hộp hay một khung tẻ nhạt. Chính khung tẻ nhạt này đã chi phối tất cả những giá trị hiện sinh (dasein) của mình. Họ là người cứng nhắc và tê liệt trong cách nhìn, cố hữu với một giá trị, họ có xu hướng ngại ngùng trong việc thể nghiệm tìm tòi. Họ thụ động, chờ đợi và nghe ngóng, không dám tiên phong trong những lĩnh vực của đời sống. Để khỏa lấp những khoảng trống, họ thường lao vào những thói quen thường nhật, trái hẳn với người sống trung thực với chính mình, là những người luôn hăm hở thể nghiệm và khám phá.
13. Phân tích hiện sinh và hội chẩn
Binswanger và các nhà hiện sinh học khác luôn tìm cách khám phá ra thế giới quan của một thân chủ hay thế giới mà họ đã thiết kế ra. Tuy nhiên đây không nhất thiết là những mảng đề tài nặng nề như tôn giáo, triết lý, hoặc về quan điểm cuộc đời. Ông muốn tìm hiểu về cách một thân chủ sống cuộc đời thật trong những phạm trù cụ thể hàng ngày. Cụ thể, ông muốn thân chủ kể cho ông nghe cách họ hiểu về vai trò và giá trị của những vật thể trong thể giới cuộc sống như bàn ghế, chim bồ câu, con cọp trong vườn bách thú, tòa nhà, trọng lực và ánh sáng…
Ngoài ra ông cũng muốn khám phá về thế giới xã hội, vốn là những phạm trù quan hệ cá nhân, cách nhìn và thái độ của thân chủ với cộng đồng và các mảng văn hóa xã hội khác.
Ông còn muốn biết về thế giới nội tâm của thân chủ, bao gồm cả về đời sống vật chất và đời sống tinh thần, qua đó những cảm xúc trung thực nhất nơi tâm thức của thân chủ sẽ chính là con người của họ.
Binswanger chú ý đến khái niệm thời gian mà mỗi thân chủ luôn có trong não thức. Ông muốn biết họ nhìn về quá khứ, hiện tại và tương lai như thế nào? Phải chăng họ là người chỉ nhìn về quá khứ vàng son? Hay họ luôn phấn đấu cho một tương lai tốt đẹp hơn ở phía trước. Họ nhìn đời như một con đường dài, đầy những mạo hiểm phức tạp? Hay cuộc đời của họ chỉ là một bó đuốc, đang cháy ngay lúc này và sẽ tắt sau khi cháy hết dầu.
Ông tìm hiểu xem cách thân chủ nhìn vào vũ trụ không gian như thế nào? Thế giới của họ là một thế giới mở hay là một thế giới đóng. Thế giới ấy nhỏ hẹp hay mênh mông? Thế giới ấy ấm áp hay lạnh lẽo. Ông muốn biết họ nhìn cuộc sống như một dòng chảy là hành trình của những sự kiện mạo hiểm, sống động. Hay họ sẽ nhìn thấy chúng như một thế giới có trung tâm cố định và bạn xoay vần trong đó. Sau những mô tả này, kết hợp với những đại lượng khác trong môi trường liệu pháp thân thiện sẽ giúp nhà liệu pháp và thân chủ nhận ra những khía cạnh quan trọng của bức tranh vấn đề.
Binswanger nói về những não thức mà chúng ta thường có. Ông cho rằng có nhiều người sống với một não thức đơn và họ sống một mình, rất tự lực và có thể sinh hoạt độc lập – rất tôi. Có người sống với não thức đôi, có nghĩa họ sống rát tôi–và–bạn. Nhiều người sống với não thức đa diện, có nghĩa họ tin rằng mình phải là một thành viên của một tổ chức, nhóm, hội, cộng đồng. Có người sống trong não thức khuyết danh khi họ lặng lẽ, kín đáo, chìm lẫn vào cuộc đời một cách lẩn khuất. Theo ông, chúng ta thường trải qua những não thức này trong nhiều thời điểm khác nhau, những bối cảnh khác nhau. Tuy nhiên, thường sẽ có một mô hình não thức quen thuộc nhất ở với chúng ta.
Ngôn ngữ trong phân tích hiện sinh mang tính so sánh ẩn dụ. Cuộc sống thật mênh mông, diệu kỳ, phong phú và sống động, không thể gói gọn vào một mô hình hay một chân dung nào đó. Cuộc đời của mỗi người có nhiều chất liệu không một cuốn tiểu thuyết nào viết hết được. Liệu pháp hiện sinh cho phép một cá nhân diễn đạt chính họ, trình bày và mở lòng họ ra, bằng ngôn ngữ của riêng họ trong một khung thời gian rất riêng.
Các nhà hiện sinh có thể sẽ có hứng thú với những giấc mơ của thân chủ, tuy nhiên họ sẽ không phân tích lý giải và nói cho thân chủ biết về những giấc mơ ấy. Ngược lại, họ sẽ hỏi thân chủ về những giấc mơ, xem thân chủ có những cảm nhận gì về những giấc mơ ấy. Có thể những giấc mơ ấy chẳng có giá trị gì cả, nhưng cũng có lúc đó là cánh cửa mở ra vào thế giới đầy màu sắc của thân chủ.
14. Liệu pháp
Điểm son của liệu pháp hiện sinh là mối quan hệ giữa nhà trị liệu và thân chủ của mình được gọi là lối tiếp cận. Lối tiếp cận hiệu quả là kênh giới thiệu đại diện sự tham gia chân thành giữa hai cá nhân. Trong đó một người mở rộng tâm tư sẽ được người khác mở rộng đón tiếp. Khác với những liệu pháp nặng về tính chuyên môn như trường phái Freudian, hay thiên về kỹ thuật như trong liệu pháp hành vi, các nhà liệu pháp hiện sinh chú trọng đến quá trình liên hệ với thân chủ của mình. Vì thế kỹ năng nhà trị liệu đóng vai một người thân của thân chủ hoặc việc nhà trị liệu coi thân chủ như là người thân của mình là chuyện xảy ra tương đối phổ thông.
Các nhà học thuyết nhân văn học cho rằng thuyết hiện sinh có hướng trị liệu nghiêm túc và có tính hướng dẫn nhiều hơn. Các nhà hiện sinh học thường có xu hướng tiếp cận thật tự nhiên với thân chủ – họ thường lặng lẽ lắng nghe nhiều hơn, đôi lúc trình bày nhận xét của mình, có lúc họ chia sẻ kinh nghiệm. Nhiều lúc nhà trị liệu cho phép mình chia sẻ cả những cảm xúc với họ nữa. Tiếp cận thật tự nhiên cũng có nghĩa là nhận ra sự khác biệt giữa hai phía. Nhà trị liệu có kinh nghiệm qua huấn luyện và làm việc. Thân chủ là người được coi là có vấn đề. Thuyết Hiện sinh chủ trương liệu pháp là một cuộc đối thoại, chứ không phải là một quá trình độc thoại từ phía nhà trị liệu hay từ phía thân chủ.
Tuy thế, mục đích của trị liệu hiện sinh là đem lại khả năng độc lập tự chủ của cá nhân. Giống như trong liệu pháp của Rogers , liệu pháp hiện sinh muốn thân chủ tự tìm ra vấn đề. Ví dụ một em bé tập lái xe đạp và cách duy nhất là để cho em bé tự ngã, tự đứng dậy, tự đạp xe tiếp cho đến khi em khám phá ra chìa khóa của sự cân bằng. Nếu điểm son của Dasein là để trở thành con người chính mình – là tự do và có trách nhiệm với đời sống của chính mình, nhà trị liệu nhất định phải chuẩn bị để cho thân chủ được tự do xử lý một mình.
15. Thảo luận
Điểm tích cực của thuyết Hiện sinh là sự tập trung liên tục vào thế giới mà một cá nhân đang sống. Xét ở góc hiện tượng học, thuyết Hiện sinh lần đầu tiên đã diễn tả cuộc sống như một thế giới cần được sống và trải nghiệm. Xét về mặt quan điểm học thuyết, áp dụng vào thống kê, phân tích và những thí nghiệm khác ta hãy tạm gác qua để nghe xem các nhà hiện sinh thật sự muốn nói gì.
Theo các nhà hiện sinh, lối tiếp cận tự nhiên của họ được áp dụng một cách uyển chuyển vào những khu vực phân tích và liệu pháp, đây là một điểm rất gần với giáo dục. Trường phái Hiện sinh bắt đầu những bước chuẩn bị cho tâm lý công nghiệp và tâm lý trong tổ chức cơ quan.
Tuy nhiên thuyết Hiện sinh không được thu hút tôn trọng từ những phương pháp nghiên cứu. Rất ít các tạp chí tâm lý chịu đăng tải các bài viết Tâm lý hiện sinh và những nghiên cứu về lĩnh vực hiện tượng (chỉ có 2 tạp chí đăng bài). Vài tạp chí Giáo dục và y tế cũng đề cập đến lĩnh vực này. Nhiều tạp chí Tâm lý chống đối thuyết Hiện sinh vì được coi là không có sở khoa học. Họ cho rằng học thuyết này không có giả thiết và cũng không có chứng cớ từ thống kê, không có ngiên cứu trên mô hình thể nghiệm, không có đại lượng kích thích và đối tượng bị ảnh hưởng. Ngay cả nhiều trường đại học đã không chấp nhận các luận án của sinh viên có dính líu đền học thuyết Hiện sinh.
16. Những khó khăn
Những khó khăn mà thuyết Hiện sinh gặp phải không hẳn hoàn toàn đến từ lỗi lầm của tâm lý truyền thống vẫn thiên về một xu hướng thịnh hành nhất định. Nhiều người cho rằng thuyết Hiện sinh tuy nổi tiếng, nhưng lại bị hiểu lầm vì đa phần các nhà tâm lý nói tiếng Anh nhưng tác phẩm viết bằng tiếng Đức, và đã không có cơ hội quảng bá.
Có thể vì những tư tưởng mới thường khó được chấp nhận. Hơn nữa những khái niệm thuật ngữ và cách thể hiện mới mẻ trong thuyết Hiện sinh được trích dẫn từ triết lý nên cuối cùng được các nhà triết lý hiểu nhiều hơn là bởi các nhà tâm lý. Vì thế một số tác phẩm viết bằng tiếng Đức và tiếng Pháp, cộng với một số bản dịch sang tiếng Anh rất vụng về, thuyết Hiện sinh cuối cùng chỉ phát triển mạnh ở Châu Âu mà thôi.
Chúng ta cần những nhà viết sách tâm lý tiếng Anh về thuyết Hiện sinh giỏi hơn nữa. Và như thế, ngôn ngữ của những kinh nghiệm bình thường, của những con người bình thường phải được viết bằng ngôn ngữ bình thường. Rolo May và Viktor Frankl đã có những cố gắng trong chiều hướng ấy, tuy nhiên phái Hiện sinh vẫn còn nhiều cố gắng phấn đấu trước mắt.
Hơn nữa các nhà hiện sinh học thường có thói quen tranh giành giữa nội bộ xem ai là người hiểu rõ về Husserl và Heidegger nhất. Nếu như họ biết quy về một mối, tập trung lại, rất có thể thuyết Hiện sinh sẽ có được một cơ hội cất cánh.
Một điều mà nhiều người tỏ vẻ quan ngại là học thuyết Hiện sinh sẽ lôi kéo chúng ta ra khỏi dòng chảy tâm lý chung. Dù tâm lý có hai nhánh lớn: chú trọng vào thực nghiệm và một nhánh khác tập trung vào yếu tố nhân văn học, những nhà áp dụng học thuyết tâm lý khác. Nếu như chối bỏ nhánh tâm lý thực nghiệm, chúng ta đang nói đến chuyện bỏ hẳn đi một nửa ngành Tâm lý.
Sẽ còn nhiều khó khăn cho tâm lý Hiện sinh. C. George Boeree (2006) viết rằng, ông lo lắng cho tâm lý Hiện sinh vì ông cũng là một nhà tâm lý theo nhánh Hiện sinh. Tuy nhiên ông cảm thấy tự hào và tin rằng tâm lý Hiện sinh có những đóng góp rất thiết thực. Nhất là thuyết Hiện sinh có một nền tảng triết lý rất vững, vốn là cái gốc mà nhánh Adlerian, Freudians, và Rogerians đã phát triển, chắt lọc, trình bày để chúng ta có thể hiểu sâu hơn về những hiện tượng đời sống con người.
Tác giả: Nguyễn Thơ Sinh