Medard Boss |
1. Tiểu sử
Cuộc đời ông thật khó có thể tin được ông đã đến với tâm lý liệu pháp như thế. Ông sinh ra tại St. Gallen, Switzerland ngày 4 tháng 10, năm 1903, Medard Boss và lớn lên ở Zurich, thời điểm nơi đó là trung tâm những hoạt động tâm lý của thế giới. Ông tốt nghiệp học vị bác sĩ y khoa năm 1928, sau đó ông tiếp học ở Paris và Vienna , chính bản thân ông đã được Freud tiến hành phân tích tâm lý.
Sau 4 năm làm việc tại bệnh viện Burgholzli như một phụ tá cho Eugen Bleuler, ông tiếp tục học tiếp ở Berlin và London, ông chịu ảnh hưởng bởi thầy dạy của mình và vài người trong nhóm cận thân gồm Freud, Karen Horney và Kurt Goldstein. Bắt đầu năm 1938, ông quen biết với Carl Jung, người đã cho ông thấy rằng khả năng của phân tích tâm lý là không nhất thiết phải được công nhận bằng những giải thích của Sigmund Freud.
Qua một thời gian, Boss đọc thêm những công trình nghiên cứu của Binswanger và Martin Heidegger. Mãi đến năm 1946 kết quả tình bạn giữa ông và Heidegger đã trở nên khắng khít, ông trở thành nhà tâm lý học Hiện sinh kể từ đó. Vì những đóng góp của ông đối với tâm lý học Hiện sinh quá lớn nên ông thường được coi là người cùng với Ludwig Binswanger đã sáng lập ra nhánh tâm lý Hiện sinh.
2. Học thuyết của Medard Boss
Khi Binswanger và Boss đồng ý với nhau về những điều cơ bản nhất của tâm lý Hiện sinh, Boss có vẻ thích thú với ý tưởng ban đầu của Heidegger nhiều hơn. Boss không thích lắm ý tưởng của Binswanger về kiến tạo thế giới. Ông tin rằng ý tưởng con người về thế giới này từ những kỳ vọng đã được tạo sẵn đã làm loãng đi những điểm cốt lõi của tâm lý Hiện sinh là theo Boss, thế giới không phải là một đại lượng để chúng ta có thể phân tích hay lý giải mà thế giới là một đại lượng sẽ tự trình bày và chiếu sáng về tính năng hiện hữu dasein.
Ví dụ so sánh về ánh sáng có một vai trò quan trọng trong học thuyết của Boss. Khái niệm hiện tượng, có nghĩa đen là tỏa sáng, đi ra từ bóng tối. Boss đã quan sát và tin rằng hiện hữu tự thân nó là ánh sáng và sẽ đem mọi vật đến cùng với ánh sáng.
Ý tưởng này đã có một ảnh hưởng sâu sắc lên suy nghĩ và hiểu biết của Boss về những hiện tượng tâm lý bệnh học, về cơ chế tự vệ, phong cách trị liệu, và cả cách ông phân tích những giấc mơ. Theo ông, cơ chế tự vệ chính là quá trình không chiếu ánh sáng về một vài khía cạnh nào đó của cuộc đời và là nguồn gốc bệnh tâm thần. Sử dụng cơ chế tự vệ quá nhiều chính là lựa chọn sống trong tăm tối. Vì thế liệu pháp chính là quá trình lật ngược lại xu hướng trói cột nhằm đưa đến sự mở cửa lòng của chúng ta– vốn được chúng ta thường gọi là cảnh giới được khai sáng.
Một điểm quan trọng trong liệu pháp là đề nghị thân chủ hãy buông thả những điều tiêu cực. Phần lớn, chúng ta ghì quá chặt vào những khía cạnh trong đời sống và mong được kiểm soát những khía cạnh ấy. Vì thế chúng ta cần có niềm tin nhiều hơn một chút, tin tưởng vào số phận của mình nhiều hơn một ít, nhập cuộc và nhảy ùm vào cuộc sống, thay vì cứ đứng trên bờ nhìn xuống xem nước sâu bao nhiêu. Ông khuyến khích thay vì giữ cho ánh sáng hiện thân tập trung vào một điểm gò bó, tại sao chúng ta không để ánh sáng hiện thân được tỏa sáng tự do.
3. Hiện sinh
Trong khi Binswanger muốn sử dụng các khái niệm của Heidegger như thế giới vật chất, thế giới xã hội, và thế giới nội tại, Boss có vẻ thích thú với ý tưởng hiện sinh vốn bao gồm tất cả mọi điều chúng ta phải đương đầu trong cuộc sống. Ông đặc biệt chú ý đến cách các cá nhân nhìn vào không gian và thời gian. Dù đấy không phải là những đại lượng vật lý đo đạc được qua chiều dài (mét) hay thời gian (giây, phút). Khái niệm thời gian và không gian mà ông nhắm đến, được hiểu trong bối cảnh thế giới con người, không gian, thời gian trong lăng kính cá nhân. Theo ông nhiều chuyện xảy ra trong quá khứ rất lâu nhưng vẫn còn in rất đậm lên hiện tại. Nhiều người ở cách xa chúng ta rất nhiều nhưng lại gần gũi hơn cả những người ngồi ngay trước mặt chúng ta.
Ông cũng đặc biệt chú ý đến cách chúng ta liên hệ với chính con người của mình. Ông cho rằng việc chúng ta mở rộng cơ thể của mình ra với thế giới thể hiện qua quá trình chấp nhận mình và người khác, một khái niệm mà ông gọi là giãi bày chính mình.
Ông chia sẻ chung quan điểm với Binswanger rằng quan hệ giữa người với người là một quá trình liên đới rất quan trọng. Chúng ta không sinh ra là những cơ thể có thể đóng cửa lòng mình và nhốt chặt tâm tư của chúng ta mãi mãi. Chúng ta nên sống và chia sẻ thế giới này, chúng ta cần tỏa ánh sáng đến nhau. Sự hiện diện của con người là một sự hiện diện cần được chia sẻ.
Những người tin theo Boss, quan tâm đến tâm trạng hay sự hòa nhập tâm hồn. Boss tin rằng trong khi chúng ta liên tục chiếu sáng thế giới, chúng ta có lúc tỏa sáng một khía cạnh nào đó nhiều hơn ở những lĩnh vực khác, hoặc chúng ta chiếu sáng với một gam màu khác. Tuy nhiên, chẳng có sự khác biệt nào trong cách chúng ta chiếu sáng với những tâm trạng nhất định nào đó.
Chẳng hạn khi ta giận dữ, chúng ta sẽ có những lối hòa nhập rất riêng, bằng cách chúng ta bày ra những tư tưởng giận dữ, những hành vi nóng nảy, mặt đỏ bừng, bức xúc… Nhưng khi chúng ta vui vẻ lối hòa nhập cũng phản ánh đúng như tâm trạng của chúng ta với những cử chỉ thân thiện, đáng yêu, tươi tắn như mặt trời buổi sớm. Khi ta đói, mắt ta chỉ nhìn thấy thức ăn. Khi bạn lo lắng, ánh mắt sợ sệt sẽ nói lên tất cả sự thật.
4. Những giấc mơ
Boss đã nghiên cứu những giấc mơ nhiều hơn bất cứ một nhà tâm lý hiện sinh nào và đánh giá vai trò của chúng rất cao trong quá trình liệu pháp. Tuy nhiên khác với Freud và Jung, ông đề nghị họ kể về những giấc mơ của mình. Mọi vấn đề đều không thể giấu mình đằng sau những biểu tượng và thường có những kênh phát sóng các sự kiện tiềm ẩn. Vì thế, những giấc mơ cho chúng ta thấy cách chúng ta tỏa sáng qua cuộc đời của mình. Nếu chúng ta cảm thấy mình bị trói buộc, sẽ nghe được tiếng dậm chân trên nền gạch xi măng trong giấc mơ. Nếu ta tự do, ta sẽ nhìn thấy mình được bay bổng. Nếu chúng ta cảm thấy mặc cảm, chúng ta sẽ nằm mơ nhìn thấy mình phạm tội. Nếu lo lắng, ta sẽ nằm mơ thấy mình bị đuổi đi.
Boss đã làm việc với thân chủ của mình là một thanh niên có những vấn đề về đời sống tính dục và cảm thấy rất trầm uất. Tháng đầu tiên, thân chủ của ông chỉ nằm mơ thấy máy móc – chẳng lạ gì đối với một kỹ sư và cũng chẳng có gì là hấp dẫn với người bình thường. Sau một thời gian có những tiến bộ trong liệu pháp, những giấc mơ của anh ta bắt đầu thay đổi. Anh bắt đầu năm mơ nhìn thấy cây cối nhiều hơn. Sau đó anh ta nằm mơ nhìn thấy côn trùng và đã khiến anh ta sợ. Tiếp đó anh ta nằm mơ thấy cóc nhái, rắn rết, chuột và thỏ rồi cả một con lợn nữa.
Sau hai năm theo liệu pháp, anh ta bắt đầu năm mơ nhìn thấy phụ nữ. Người đàn ông này rất buồn và cô đơn vì xung quanh đối xử với anh là thế giới của máy móc. Phải mất một thời gian rất lâu sau anh ta mới có thể nằm mơ thấy được một giấc mơ có hơi ấm, người phụ nữ. Giấc mơ về con lợn chẳng có ý nghĩa gì đặc biệt ở đây cả, chưa phải là điều thầm kín có tính chất biểu tượng. Nhưng ánh sáng cuối cùng đã được tỏa ra từ cuộc đời của anh sau quá trình phát triển chậm, đó là anh nằm mơ thấy phụ nữ.
Tóm lại, chúng ta có thể nhìn thấy ngay thuyết của Boss có tính năng căn bản của nền tảng của thuyết Hiện sinh – những giá trị nội tại trong một khung thời gian đặc trưng rất riêng của mỗi cá nhân.
Trích trong ‘Các học thuyết tâm lý nhân cách’
Trở về danh mục
Tác giả: Nguyễn Thơ Sinh
Trở về danh mục