Nỗi sợ không rời

Phần đông chúng ta khao khát có được một địa vị cao trong xã hội bởi vì chúng ta sợ phải là một kẻ vô danh tiểu tốt. Xã hội đã hun đúc những con người sống trong đó có thói quá tôn trọng người ở địa vị cao trong xã hội và nếu là kẻ vô danh tiểu tốt thì lại bị đá lên đá xuống!

Cho nên, mọi người trên thế giới đều muốn có địa vị, ở ngoài xã hội, ở trong gia đình, hay là ở trong lòng bàn tay của Thượng Ðế, và cái địa vị đó phải được mọi người thừa nhận, nếu không thì sẽ chẳng còn có nghĩa gì nữa. Chúng ta phải luôn luôn được ngồi trên một cái bệ!

Nhưng thầm kín trong đáy lòng, chúng ta luôn luôn bị xáo trộn với những nỗi phiền muộn, khổ tâm, vì thế, nếu ra ngoài xã hội mà được trọng vọng, đối với chúng ta đã là một khích lệ lớn lao rồi. Sự thèm khát địa vị, danh vọng, uy quyền, được xã hội suy tôn, về một khía cạnh nào đó, là cái khát vọng muốn chi phối người khác. Cái khát vọng muốn chi phối người khác này chính là một hình thức xâm lấn. Bậc thánh mà muốn được tôn sùng vì cái vị trí thánh của mình thì cũng chẳng khác gì con gà năng nổ kiếm ăn ở ngoài sân cỏ mà thôi.

Vậy thì, lý do nào đã khiến cho người ta phải năng nổ, ham hố như vậy? Phải chăng là vì sợ hãi? Sợ hãi là một trong những vấn đề lớn nhất trong đời sống. Một tâm hồn đã bị ám ảnh vì sợ hãi luôn luôn sống trong nỗi bất an, mâu thuẫn, dễ bị khích động và gây hấn. Sự sợ hãi làm cho con người không dám thay đổi lối suy nghĩ, và sinh ra thói đạo đức giả. Chỉ cho tới khi nào chúng ta thoát ly ra khỏi nỗi sợ hãi, nếu không, dù chúng ta vượt qua được ngọn núi cao nhất, sáng tạo ra đủ loại Thần Thánh, chúng ta vẫn chỉ lầm lũi đi trong bóng tối mà thôi.

Trích "Freedom from the Known" – J. Krishnamurti
Danny Việt dịch
Previous Post
Next Post