Chúng ta đã vay mượn từ tương lai như thế nào?

Điều đáng nói là có nhiều nguyên nhân bị che khuất hoặc ta không thể nhận biết theo cách quan sát thông thường bởi liên quan đến một quan điểm phổ biến và chủ yếu của đạo Phật đó là: Nhân quả - Tái sinh – Luân hồi.

Có một bài học ngoại ngữ đã cũ về có và không có, đại ý rằng: Một ngôi sao màn bạc nổi tiếng, cô ta có rất nhiều tiền, cô ta có nhiều biệt thự với những bể bơi sang trọng, có xe hơi đắt tiền, cô ta có tài năng vượt xa những con người bình thường khác, cô ta có sắc đẹp và thân hình tuyệt mỹ tràn đầy sức sống. Chưa hết, cô ta có một người chồng mơ ước với những đứa con đẹp tựa thiên thần, cuộc sống của cô thực sự là một thiên đường. Cô ta có tất cả.

Còn tôi, một người không có gia đình, không có việc làm, không có nhà và xe hơi, không có tiền trong ngân hàng và không có sức khỏe, tài năng. Tóm lại, cuộc sống của tôi xám ngoét không có tương lai, tôi không có gì cả.

Công bằng cho tất cả mọi người là điều mà từ xưa đến nay con người chưa từng làm được. Con người cá nhân với những tố chất rất khác nhau, môi trường tồn tại vô cùng khác nhau và được giáo dục khác nhau, họ không xuất phát trên cùng một vạch từ một đường đua lý tưởng cho tất cả như nhau. Sự vận động mang đầy tính bản năng của cuộc sống luôn tỏ ra thắng thế, vì vậy sự bất bình đẳng dường như sẽ mãi tồn tại.

Theo quan điểm của giáo lý Phật giáo sự bất công trong đời sống chứa đựng nhiều nguyên nhân. Có những nguyên nhân nhìn thấy và mổ xẻ ra được rồi khắc phục theo cách mà các kiến thức giáo dục hoăc luật pháp tiến hành áp dụng. Tuy nhiên, điều đáng nói là có nhiều nguyên nhân bị che khuất hoặc ta không thể nhận biết theo cách quan sát thông thường bởi liên quan đến một quan điểm phổ biến và chủ yếu của đạo Phật đó là: Nhân quả - Tái sinh – Luân hồi.

Bạn có thể không tin vào thuyết Nhân quả - Tái sinh - Luân hồi. Niềm tin đó quấy rầy cuộc sống với chủ đích hưởng thụ tiện nghi vật chất hoặc tinh thần theo những hiểu biết của bạn. Nó không làm cho bạn thoải mái thể hiện mình trong tranh đua với đời sống…hoặc đơn giản bạn có niềm tin với cách giải thích đời sống theo cách khác.

Tuy nhiên, nếu bạn đã tin thì buộc phải tin đến cả những điều nhỏ nhất, bạn sẽ tự nguyện điều chỉnh hành vi sống của mình cho phù hợp với niềm tin đó. Cuộc sống của bạn trở nên nhẹ nhõm, có trách nhiệm và tình thương hơn.

Khi nói về sự vận hành nhân quả mọi người thường hay mượn khái niệm Vay – Trả. Vậy hôm nay chúng ta đang vay từ tương lai của mình những gì?

Rất có thể ta vay nhiều thứ mà mình đang có. Một câu hỏi đặt ra, nếu những khoản vay đó không được dùng một cách khôn khéo thì điều gì sẽ xảy ra. Ta đang nhắm mắt tận hưởng và tiêu xài một cách vung phí món quà ta được nhận, dù ta hoàn toàn xứng đáng với nó. Nhưng tương lai của chúng ta không thể chỉ toàn là những món quà hấp dẫn, ngọt ngào như ý. Không một ai biết được chính xác điều gì đang chờ đợi mình trên con đường dài còn phải đi.

Chất liệu đời sống mỗi cá nhân chúng ta trong hiện tại vốn được chính ta tạo ra trong chập chùng các kiếp sống ta đã đi qua và tiếp tục cùng ta đi qua chập chùng các kiếp sống nữa sau này. Rất có thể có những kiếp sống ta nhận được dồn dập những món quà của số phận mà vì lý do nào đó ta không thể chủ động lựa chọn.

Ta có một thân phận khởi đầu đầy thuận lợi, ta có một môi trường tốt đẹp để phát triển, ta có một hình hài cân đối đẹp đẽ, một chỉ số thông minh lý tưởng.v.v…Nhưng, hãy hình dung rằng nếu ta tái sinh liên tục trong 1 tỷ năm liền, ta làm một phép tính đơn giản như sau:

1 tỷ năm = 1.000.000 thiên niên kỷ (một triệu thiên niên kỷ)

hay = 10.000.000 thế kỷ (mười triệu thế kỷ)

hoặc = số tuổi thọ của 1 nước có khoảng chừng 12 triệu dân với số tuổi thọ trung bình khoảng 80 tuổi.

Nhân loại có thể không tồn tại 1 tỷ năm nhưng chúng sinh dạng người có thể tồn tại nhiều như cát sông trong vũ trụ vì vậy giả thiết trên là có cơ sở. Chúng ta lần lượt trải qua tất cả các thân phận người (nếu được làm người) trong một quốc gia tưởng tượng như vậy. Có khi ta hiếm hoi được là một ông vua, một kẻ học thức uyên bác, một ngôi sao hay một bậc đại cự phú tài sản tiền bạc như núi. Tóm lại ta thuộc giới tinh hoa ít ỏi. Nhưng thật không may, theo lẽ thông thường, nhiều hơn cả là ta chỉ là những con người bình thường và dưới mức bình thường, nguy hiểm hơn khi ta mang thân phận của những kiếp sống tối tăm, đau đớn, điên rồ thậm chí cực kỳ điên rồ.

Khi tin vào hệ quả vận động của thuyết Nhân quả - Tái sinh - Luân hồi ta buộc phải thận trọng trong cả những điều tưởng chừng vô cùng nhỏ nhặt. Bạn phải tin rằng: Một cốc nước sạch nhỏ cho bạn thực sự cũng đã là một món quà quý giá và bạn không được phí phạm. Nếu bạn biết chi phí đưa một cốc nước sạch lên trạm không gian quốc tế ISS khoảng hơn 2000 USD, bạn đã thực sự hiểu nó quý giá đến nhường nào.

Theo cách suy luận phổ biến của hầu hết chúng ta thì những gì quý giá thường là ít và hiếm, nhưng dường như đó là một cách nhìn nhận phải xem lại. Chúng ta may mắn sống trong một thế giới những cái quý nhất là những cái có nhiều nhất. Không khí để bạn hít thở là một thí dụ, nó đang có nhiều hơn cả và không mất tiền, kế đến là nước ngọt. Bạn có cả trăm năm sống mà không có vàng bạc kim cương cũng không hề gì, nhưng bạn chỉ có 100 giây đồng hồ để không có không khí hoặc khoảng 100 giờ đồng hồ không có nước uống. Đối với sự sống một cốc nước ngọt còn quý hơn một viên kim cương.

Nhân bàn đến các vấn đề nhân quả ta nói rộng một chút sang một vấn đề có liên quan cũng thuộc lĩnh vực kiến thức của Phật giáo. Trong kho tàng kiến thức Phật giáo có một khái niệm gọi là “vạn pháp duy tâm tạo”. Để nhận thức được điều này là vô cùng khó khăn. Như vậy, cái thế giới mà ta đang sống với bao buồn vui, xấu đẹp, hy vọng và thất vọng đều do chính tâm ta tạo nên, nó chỉ hiện lên bởi các giác quan và nhận thức của chính chúng ta.Trong vô vàn đời sống ta đã đi qua, tâm của ta đã tạo ra một thế giới vô cùng phức tạp nó vừa thân thương, che chở, nuôi nấng ta lại vừa thù địch và đầy nguy hiểm rình rập. Cũng theo quan điểm đó, Phật tính trong mỗi chúng ta đã tạo ra Đức Phật Ngài hiện lên trong cái thể giới riêng biệt của mỗi người. Ngài có mặt để nhắc nhở chúng ta hãy dừng bước đừng tiếp tục phiêu lưu trong cái thế giới đó nữa, nó chỉ là thế giới ảo, không phải là thứ để ta mãi dấn sâu, khám phá hay đi tìm hạnh phúc.

Khi nhận thức được rằng “vạn pháp duy tâm tạo” thì vấn đề nhân quả trong đời sống đã trở nên hiển nhiển. Toàn bộ mọi điều xấu tốt ta làm không phải rơi mất tăm vào cái thế giới bên ngoài như ta tưởng, nó trở thành chất liệu cho cái thế giới tương lai của mỗi người và chỉ cho chính họ. Mật độ những cái xấu tốt ta phải gặp sau này phụ thuộc vào mật độ những điều xấu tốt hôm nay ta gieo xuống mảnh đất tương lai, nơi ta không có cách nào khác là phải bước chân vào.

Ta đã tạo nên thế giới này nhưng ta không phải là kẻ có quyền năng tuyệt đối, nó không phải là vật sở hữu của ta. Ta chỉ là một kẻ tương tác với nó bằng tất cả những gì mà phước, nghiệp của ta quy định. Ta không thể chiếm lấy những cái tốt đẹp trong đó biến nó thành của mình một cách đơn giản. Sự tốt xấu được bày biện ra trong cái thế giới đó chủ yếu để cho ta nhìn thấy các bài học về nhân quả. Ta vừa hưởng sự văn minh trong một thế giới như vậy, ta vừa phải chịu sự tổn phước bởi ta gián tiếp gây ra các hậu quả về môi trường như: Dùng phương tiện động cơ xăng dầu, sử dụng quá độ nước sạch, tiêu thụ điện năng nhiều cho tiện nghi sống tốt hơn, các loại rác không phân hủy được ta thải ra vô độ vào cái thế giới của mình.

Ý thức về môi trường và cái giá phải trả là chắc chắn, bạn không còn mong muốn sở hữu một ngôi nhà gỗ với hàng trăm cây cột lớn nhỏ và rất nhiều bức tường gỗ được xẻ thịt từ những thân cây hàng trăm tuổi. Thú chơi, niềm kiêu hãnh đó là cái giá của những cánh rừng phải ngã xuống, ta không vô can trong vấn đề môi trường sống bị tàn phá dù ta đã trả tiền xong cho ai đó. Bạn nghĩ gì về nước sạch và bạn có còn muốn sở hữu những ngôi biệt thự cá nhân với những bể bơi thượng hạng trong những khu vườn đẹp như trên thiên giới nữa hay không.

Niềm tin vào nhân quả buộc ta có trách nhiệm với cái thế giới mà ta đang là một phần của nó, lối sống của ta sẽ thay đổi bởi không phải là lối sống chỉ được dành cho vẻn vẹn một kiếp người. Cuộc sống của bạn trở nên đơn giản, nhẹ nhõm và thoải mái đi rất nhiều. Ta không cố gắng để có bằng được cái này cái kia, ta không cần có nhiều thứ hơn người hoặc những thứ mà nhiều người khác không có được. Bạn sẽ nhìn cuộc sống xa hoa vương giả theo một cách khác đi, thậm chí còn hơi ngại cho một cuộc sống như vậy.

Tài năng, nhan sắc, trí tuệ hay thể chất vốn là những yếu tố giúp ta sống tương đối thuận lợi có thể tiếp tục cùng ta đồng hành, hoặc có thể không trong một đời sống liền sau. Những món quà số phận sẽ vẫn hào phóng cho bạn nếu bạn có một quỹ phước cực lớn. Nhưng có thể nó chỉ có vậy, với chút phước ít ỏi món quà số phận đã đến với bạn, bạn đã nhận xong và đốt cháy nó hoàn toàn.

Khi đang có quá nhiều thứ hơn người khác ta không nên coi đó là một điều hoàn toàn vui, càng không nên hãnh diện. Biết đâu bạn đang vay từ tương lai của mình những khoản vay khổng lồ mà không biết những việc trả góp sau này sẽ nặng nhọc ra sao. Mỗi khi bạn chủ động khai thác thêm nhiều cơ hội cho mình hoặc tìm cách đạt được những điều mình mong cầu thái quá, thực chất những hành vi đó tương tự như việc bạn đang vơ vét những điều tốt đẹp từ tương lai của mình. Một điều chắc chắn cho tất cả mọi người là quỹ phước của mỗi chúng ta không thể vô tận.

Bạn hãy thật khôn khéo sử dụng những món quà bạn đang có và may ra bạn vẫn còn cơ hội.

Previous Post
Next Post