Hỏi: Tôi có chân trong nhiều tổ chức gồm có tôn giáo, làm ăn buôn bán và chính trị. Rõ ràng là sống trong xã hội, chúng ta phải có chân trong những tổ chức, hội đoàn, nhóm bạn nào đó. Nay sau khi nghe ông nói, tôi tự hỏi, vậy thì có sự quan hệ nào giữa tự do và các tổ chức tập hợp chăng? Tự do bắt đầu từ đâu và tổ chức chấm dứt tại đâu? Mối quan hệ giữa các tổ chức tôn giáo và sự giải phóng là cái gì?
Krishnamurti: Con người ta khi sống trong một xã hội phức tạp, những tổ chức, hội đoàn là cần thiết để có thể truyền thông, di chuyển, vận tải thực phẩm, quần áo, xếp đặt nơi ăn chốn ở, hoạt động mọi loại cộng việc phục vụ cho đời sống của tập đoàn xã hội, dù là tại tỉnh thành hay nơi thôn quê. Ðiều này phải được tổ chức cho có hiệu quả và nhân đạo, không phải chỉ vì sự lợi ích của một nhóm nhỏ, mà là vì sự lợi ích của tất cả mọi người, không phân biệt quốc tịch, chủng tộc hoặc đẳng cấp trong xã hội.
Trái đất này là của chúng ta, không phải là của bạn hoặc của tôi. Ðể được sống hạnh phúc và khỏe mạnh, phải có những tổ chức lành mạnh, hữu hiệu và hoạt động với tinh thần tôn trọng lẽ phải.
Có những sự hỗn loạn xảy ra ngày nay là vì đã có sự chia rẽ. Hàng triệu người đói là vì có những nơi khác quá giầu có. Có chiến tranh, xung đột và đủ loại hành động tàn bạo xảy ra. Rồi thì lại có những tổ chức của tín ngưỡng-tổ chức của tôn giáo, mà từ chính nó lại sinh ra tình trạng gây chia rẽ và chiến tranh. Nền đạo đức mà con người đã theo đuổi nay lại dẫn đến sự mất trật tự và rối loạn. Ðó là tình trạng thực tế của thế giới ngày nay.
Và khi mà bạn hỏi rằng có sự quan hệ nào giữa các sự tập hợp, tổ chức đối với sự tự do, phải chăng bạn đã không tách rời được sự tự do ra khỏi cái thực thể hiện hữu? Chúng ta không nhận ra rằng chính chúng ta đã tạo dựng nên cái xã hội này, sự hỗn loạn này và bức tường ngăn cách này, cho nên mỗi người trong chúng ta đều phải lãnh trách nhiệm. Chúng ta thế nào thì xã hội như thế. Xã hội không khác chúng ta. Nếu chúng ta mâu thuẫn, tham lam, ganh ghét, sợ hãi, chúng ta sẽ xây dựng nên cái xã hội giống như thế.
Hỏi: Có sự khác biệt giữa cá nhân và xã hội. Tôi là người ăn chay, xã hội giết súc vật. Tôi không thích chiến tranh, xã hội bắt tôi ra mặt trận. Bộ ông cho rằng trận chiến này do tôi tạo ra chăng?
Krishnamurti đáp: Ðúng, đó là trách nhiệm của bạn. Bạn đã gây ra điều đó từ quan điểm về quốc tịch, về lòng tham, về sự ganh tị, về lòng thù ghét của bạn. Nếu trong tâm bạn mang những tư tưởng đó thì bạn phải chịu trách nhiệm về chiến tranh, khi mà bạn còn thuộc về một quốc gia, một tín ngưỡng, một chủng tộc nào đó. Chỉ có những người đã thoát ra khỏi những điều kể trên, họ mới có thể nói rằng họ đã không tạo ra cái thế giới hỗn loạn này. Cho nên, trách nhiệm của chúng ta là nhìn thấy sự thay đổi nơi chúng ta, và giúp những người khác thay đổi mà không phải dùng đến bạo động và đổ máu.
Trích The Urgency of Change – Krishnamurti
Danny Việt dịch