Môn Tâm Lý Học ngày nay thật quả chưa đủ gọi là toàn diện, mặc dù nó đã xông pha tìm tòi, luồn lách tận vào trong những ngõ ngách tâm hồn con người để phân tích chia chẻ chi ly mọi vấn đề nhân sinh vũ trụ hầu có thể giúp con người giải tỏa được những bế tắc khủng hoảng của tâm sinh lý.
Môn Tâm Lý Học hiện đại đó chỉ chạm được tới cái ranh giới, cái vỏ ngoài, ngoại biên của một cá thể mà thôi. Nó bị giam cầm lại trong ngục tù tư tưởng; chính bản thân nó cũng bị nghẽn lối; và quả tình không đúng khi chúng ta mệnh danh nó là "Tâm Lý Học".
Môn Tâm Lý Học hiện đại đó chỉ chạm được tới cái ranh giới, cái vỏ ngoài, ngoại biên của một cá thể mà thôi. Nó bị giam cầm lại trong ngục tù tư tưởng; chính bản thân nó cũng bị nghẽn lối; và quả tình không đúng khi chúng ta mệnh danh nó là "Tâm Lý Học".
"Tâm Lý Học" có nghĩa là môn "khoa học của tâm hồn", và môn tâm lý học Tây Phương này không những không phải là môn khoa học của tâm hồn mà nó còn phủ nhận, từ chối ngay cả sự hiện hữu của tâm hồn. Song ngay cả cái lúc mà chúng ta chối bỏ linh hồn, chối bỏ ý thức thì vẫn có một cái gì tiềm ẩn bên trong vùng tâm thức, bên trong chúng ta. Sự phủ nhận đó không phải là một sự chối bỏ bình thường bởi vì nó hủy diệt toàn thể phẩm giá con người; nó lấy mất đi cái cốt lõi của con người và biến con người thành kẻ không hồn, không trụ tâm, thành những con người máy.
Danh từ chính xác nhất cho môn tâm lý học hiện đại này phải là "Cơ Nhân Học" (Robothology), nghĩa là môn học những con người máy - bởi vì môn học này chỉ nghiên cứu về cách xử thế máy móc của con người và cơ năng máy móc của tâm hồn. Những nghiên cứu đó không thể tiến sâu vào lãnh vực tâm linh được vì một lý do duy nhất là nếu Ý Thức là tất cả và không có gì tốt đẹp hơn cho đời sống bằng Ý Thức thì chúng ta không thể và cũng không bao giờ trở thành một được, không thể trở thành bất khả phân được.
Phân tích chia chẻ là bản chất của Ý Thức, luôn luôn cân bằng giữa hai cực đoan đối nghịch nhau - Yêu và Hận, Can Ðảm và Sợ Hãi, Có và Không, Bác Ái và Vị Kỷ, v.v.
Tầm ý thức đó không cảm thấy thoải mái dễ chịu nếu nó không chia chẻ bất cứ sự việc nào ra làm đôi. Nó không thể định danh "ánh sáng là gì" nếu nó không chạm trán với bóng tối; nó không thể nói đúng "đời là gì" trừ phi nó đã được Thần Chết để ý đến. Luôn luôn nó sống hai mặt, luôn luôn có sự đối đãi nhị nguyên; và cũng bởi vì môn tâm lý học chỉ giáp được vòng ngoài của tâm thức, nó không thể giúp con người phát triển được chiều cao tiềm năng tâm linh cá thể được. Cái thứ tâm lý đó sẽ khiến chúng ta thất vọng chán nản; sự truy tầm tâm linh sẽ không đạt được gì cả, chỉ là một ảo vọng; cuộc khám phá tìm kiếm Chân Lý cũng không là gì cả, chỉ là ảo giác. Chúng ta sẽ đau khổ, ưu tư, tràn đầy bất mãn pha lẫn bất lực vô vọng.
Không phải là sự ngẫu nhiên hay tình cờ khi biết rằng chúng ta thuộc thế hệ thông thái nhất, siêu thông minh nhất từ thuở hồng hoang đến khi con người đứng thẳng trên hai chân; mười ngàn năm phát triển văn hóa và tâm linh cực độ đang ở trong con người chúng ta. Vì thế, một mặt, chúng ta là thế hệ cực thông minh nhưng mặt khác, do sự chia chẻ phân biệt của môn Tâm Lý Học, một sản phẩm trí óc của con người với những độc dược của tư tưởng, nó tuyên dương sự không tâm, không linh hồn, không đời sống nào ngoài cái chết, và con người cũng chỉ là vật chất, tâm linh cũng chẳng là gì mà chỉ là sự kết hợp của những yếu tố vật chất - thì thực nó đã tạo nên một trạng huống lạ kỳ.
Sự thông thái xô đẩy con người phóng tới sự phát triển nhưng đồng thời chính những con người nhiễm thông thái đó lại kéo giật người khác lại; bảo hắn rằng "Này, không có gì dưới lớp tri thức đó đâu; hãy sống bình thường đi - cái đó mới có giá trị hơn những gì bạn đang mơ ước tới".
"Hãy sống bình thường" đó là mục tiêu của tâm lý học.
Một mục tiêu vĩ đại: "Hãy bình thường, bình thường"
Con người đã sống hàng ngàn năm rồi không cần tới môn tâm lý học gì cả - và họ đã sống an nhiên bình thường. Nếu chúng ta đi ngược lại quá khứ, chúng ta sẽ thấy rằng ngày xưa đời sống con người không có quá nhiều bạo lực thảm sát như bây giờ, không có quá nhiều vụ tự tử, không có quá nhiều sự cố cưỡng dâm bức hiếp, cũng không có quá nhiều những hư hỏng trụy lạc như thế kỷ chúng ta đang sống.
Nếu chúng ta đi ngược lại quá khứ, chúng ta sẽ thấy rằng những người tiền sử ngây thơ thánh thiện hơn chúng ta nhiều; họ không thông minh, không văn minh như chúng ta hiện giờ; nhưng họ thực trong sáng vô tư hơn chúng ta nhiều. Chúng ta đã thừa hưởng gia tài thánh thiện ngây thơ đó của họ; song chúng ta đã đè nén, ức chế nó lại, đã kìm hãm sức bật của nó, không cho nó bộc thoát.
Bạn có biết không: sự kết hợp của Trí Thông Minh và sự Ngây Thơ Thánh Thiện là Thiền Ðịnh.
Ngay cái phút Thông Minh và Ngây Thơ giao kết nhau và bắt đầu nẩy mầm phát triển trong bạn . . . đó không phải lúc mà bạn có khả năng giải quyết mọi vấn đề của Ý Thức mà đó là phút giây tổng thể một vấn đề mới xuất hiện: tầng lớp Siêu Ý Thức bắt đầu hoạt động. Những vấn đề của Ý Thức cạn cợt đã bị bỏ rơi lại sau lưng, y như chúng không bao giờ là của bạn cả - mà quả đúng, những vấn đề của Ý Thức không bao giờ thuộc về riêng bạn cả.
Và một khi bạn đã biết cách lách né vòng kìm tỏa chi phối của Ý Thức, một loại tâm lý học hoàn toàn mới đã đang thành lập trên mô hình nghệ thuật lọt khỏi vùng xoáy Ý Thức. Người nào đã lọt ra khỏi được Ý Thức có thể giữ tâm thản nhiên, bình tĩnh, nguội lạnh trước mọi biến cố nghịch cảnh. Ý Thức không còn năng lực xung đột nữa - nó rất nguội, rất mát, rất hòa hợp. Ðó là lý do tôi nói Thiền Ðịnh (meditation) chính là một phương thuốc (medicine), một phương thần dược (thật ngộ, cả hai từ ngữ này có chung một từ nguyên là “Medi" - Trung Ðạo).
Một khi Trí Thông Minh và Ngây Thơ gặp nhau, như chắp thêm hai cánh, bạn tung mình vào giữa vũ trụ. Cả bầu trời xanh kia là của bạn - không còn biên giới, không còn hạn hữu nữa.
Tôi gọi tâm lý học đặt trên nền tảng thiền định đó là "Tâm Lý Học của Phật"- bởi vì chỉ có Phật mới là người Tỉnh Giác, là sự Tỉnh Giác - ngoài ra môn tâm lý học ngày nay là tâm lý học của những con người đang ngủ, đang mê muội, chưa thức tỉnh.
Cũng cần hiểu rõ rằng, những người tới tìm gặp Sigmund Freud, cha đẻ ngành tâm lý học hiện đại, đều là những bị bệnh, mắc bệnh - rõ ràng nếu không, họ đâu cần phải tìm gặp nhà phân tích tâm lý? Họ bệnh nặng, rất nặng; trí óc họ bị phân tán, chia chẻ. Sigmund Freud tiếp xúc toàn là người bệnh - vì thế họ đã tạo cho ông ta cái cảm giác rằng con người, bản chất là bệnh hoạn.
Trên mặt luận lý thì tất cả những người Freud gặp gỡ, tiếp xúc, điều trị đều là bệnh nhân cả: những người qúi tộc, những trưởng giả, giáo sư, khoa học gia, những người giàu có - toàn là những kẻ danh gia thế phiệt, vì bạn phải biết là giá cả mỗi lần gặp gỡ trao đổi với một giáo sư tâm lý không phải là rẻ đâu nhé. Thời giờ của nhà tâm lý rất quí báu nên giá rất mắc, rất cao.
Và buồn cười thay! Những người giàu sang lại là những kẻ mắc bệnh thần kinh nặng nhất. Mọi người đều đang sống trong một thế giới cuồng loạn, đang sống một đời sống điên đảo nên họ không thức tỉnh được; bạn dở dở ương ương trong dòng sống đó cũng là điều dễ hiểu thôi. Song, nếu Sigmund Freud phủ nhận là không có một năng lực tâm linh nào trong con người thì ông ta cũng không đáng bị lên án, bởi vì Freud chưa bao giờ gặp Phật, chưa bao giờ chạm mặt một người vượt qua tầm Ý Thức
Như thế, những con người Siêu Ý Thức đó không có lý do nào để đến gặp Sigmund Freud cả, và Freud cũng sợ hãi khi phải đối diện với những con người này vì họ phản đối lại cái lối lập luận cơ bản mà Freud đã tốn công dựng xây như một vương quốc; và thật bất hạnh cho những nhà đại triết gia, đại tâm lý gia Tây Phương đã không có duyên may, không có cơ hội biết được sự huyền ảo tiếp cận với thế giới tâm linh của những con người đã thoát ra ngoài sự chi phôí của Ý Thức.
Con người Siêu Ý Thức sống 24 giờ cùng Bạn nhưng họ không sống với bạn, vương quốc tâm linh của họ thật xa bạn ghê lắm. Người đó đã nếm mật ngọt Tình Yêu Băng Trinh, một tình yêu mà bạn chỉ có mơ ước nhưng không bao giờ hưởng được. Người đó đã thể chứng chân lý, cái mà bạn chỉ có nghĩ đến, lập luận hay tư biện. Người đó đã chạm tay trực tiếp tới Dòng Sống Hiện Hữu mà không cần phải vay mượn bất cứ một pháp môn thiền định nào của một tu sĩ, một tiên tri hay một đấng cứu rỗi nào. Người đó đã thẩm thấu sự tươi thắm linh động của Hiện Hữu. Người đó không phải là con chiên Thiên Chúa Giáo, cũng chẳng phải tín đồ Ấn Ðộ Giáo - bởi vì những tôn giáo, những đạo phái thật quá cũ kỹ cứng ngắc, bám phủ đầy bụi dơ và vay mượn rỗng tuếch, chúng không thể cho bạn một sự Chuyển Hóa Tỉnh Thức nào cả, bạn có hiểu không?
Hãy nhớ kỹ điều này: trừ phi Chân Lý phải do chính bạn thực nghiệm và thể chứng; ngoài ra bất cứ một niềm tin nào, dù chân chánh thánh thiện, những gì bạn tin về chân lý thì chỉ là một niềm tin thuần lý - tất cả tín ngưỡng là dối trá, không thật, và những tín đồ đều mù quáng không nhận chân được gì cả.
Tâm Lý Học của Phật cho rằng con người như là một tòa nhà ba tầng. Có rất ít người còn giữ được nguyên vẹn bản chất ở tầng lầu thứ nhất, đó là tầng chắc chắn nhất, nòng cốt cơ bản trên mặt đất để chịu đựng sức nặng của hai tầng trên nó. Nếu tầng trệt không chắc chắn thì lẽ dĩ nhiên toà nhà sẽ nghiêng hay sập xuống. Song, hầu hết chúng ta đều lãng quên hay cố ý bỏ quên cái cốt lõi cơ bản đó để leo lên tầng hai, tầng ba và đong đưa tìm chân trời hồng hay tím trong hoang tưởng.
Tầng lớp thứ hai cuộc đời là một trí óc thông thái - nhưng nào có ai trong chúng ta trả lời được câu hỏi "Ai là người thông tri được tâm thức?" Chúng ta sẽ thấy sự bế tắc khó khăn của nhà phân tâm lý học ở đây. Ông ta nghiên cứu về trí óc, về tâm lý nhưng ông ta nào có giải đáp được câu hỏi trên.
Ta là aỉ?
Ai là người suy nghĩ ?
Ai là người đương niệm?
Niệm gì?
Những câu hỏi hóc búa trên không thể dùng ngôn từ hữu hạn mà giải thích; chúng đòi hỏi chúng ta phải có khả năng Tự Tri cao độ và trình độ tu tập quán chiếu tâm linh. Mà một khi chúng ta phá vỡ được bức tường tri thức, chúng ta cũng sẽ không cần phải giải thích gì cả, vì lúc đó chúng ta đã hòa nhập vào Chân Như Thực Tánh. Nếu tìm cách giải thích những câu hỏi trên, chúng ta lại trên đầu tròng thêm một cái đầu nữa. Thật quá dư thừa vô bổ.
Ðức Phật chấp nhận 3 bước: Thân, Thức và Trí. Cả ba bước, ba nấc thang này dẫn tới lâu đài của Thánh Thiện, của Bất Tử, của Chân Mỹ, của Thiên Nhạc . . . Chúng ta bắt đầu chạm tới đỉnh cao Hy Mã Lạp Sơn, một tung độ mà nơi đó chúng ta sẽ thấy nền tuyết băng trinh không bao giờ tan chảy.
Trong chiều sâu con người chúng ta, chúng ta cũng đang sở hữu đỉnh cao tâm linh còn cao hơn dãy núi Everest, với Nét Ðẹp Vĩnh Cữu Thường Hằng Bất Diệt.
Tâm Lý Học của Chư Phật dung nhập với tổng thể cá nhân con người và tâm lý học đó không chấm dứt tại đây. Qua nghiên cứu, qua hành trì, qua thực chứng, qua thể nghiệm thân, tâm, trí và siêu ý thức, Ðức Phật đã chuẩn bị cho chúng ta hoà nhập vào đại thể vũ trụ.
Chỉ như là một giọt sương mai đọng trên cánh hoa sen lăn tròn rơi xuống mặt hồ, vào một buổi sáng sớm đẹp trời, ánh thái dương nhô lên và cả bầu trời lung linh rực rỡ muôn màu . . . chỉ như là một ngọn gió heo may nhè nhẹ nhưng thật quá đủ cho những cánh hồng toả hương thơm, cho những cánh hoa đào, hoa cúc, hoa hướng dương khai hoa nở nhụy, cho đóa sen ửng sắc thắm điểm nụ cười hàm tiếu thiền trên mặt hồ tâm thức nhiệm màu.
Vào buổi sáng sớm, những giọt sương mai đọng trên cánh hoa sen trông giống như hạt ngọc long lanh - hay nói đúng hơn là những viên ngọc giống như những hạt sương mong manh kia. Chúng lăn nhẹ, thật nhẹ, chậm, thật chậm, và để mình rơi xuống đại dương mênh mông và hoà tan, nhưng không biến mất. Là hạt sương, chúng đã biến thể nhưng thực ra, chúng không biến mất, chúng chỉ dung nhập vào nước đại dương và bây giờ chúng có một tên gọi khác là nước biển.
Cũng vậy, trừ phi Tâm Lý Học Tây Phương có thể mang con người thể nhập vào biển kinh nghiệm, nếu không, môn tâm lý học đó chỉ khiến người ta chạy vòng vòng mà thôi, không tài nào thoát ra ngoài vòng tròn định mệnh được. Vì sao? Vì họ không chấp nhận thực tế siêu vi hơn, thực tế cao sâu hơn; họ đi đâu, họ không thể đi đâu được cả. Ðầu óc họ bị đóng khung, tri thức họ bị xói mòn, họ luôn sống trong lập luận, phân tích, chia chẻ, đè nén, hay ức chế tâm sinh lý của họ, vì thế họ đã thất bại khi giải phẫu tư tưởng con người.
Bí mật giải phẫu tâm linh đó, Phương Ðông không cần tới những trò chơi chữ nghĩa như vậy. Người phương Ðông chỉ cần sử dụng phương tiện để bước ngang qua tri thức. Phương tiện đó chính là Thiền Ðịnh.
Hàng ngàn năm qua, người phương Ðông đã tu tập Yoga, Thiền Ðịnh Phật giáo, để đạt tới trình độ tu chứng cao nhất hay thể nhập cảnh giới siêu việt thăng hoa nhất của tâm linh. Ðó là pháp môn duy nhất, đó là con đường duy nhất để trở về với con người thật, để hoà nhập vào Ðại Ngã Vũ Trụ.
Sigmund Freud, Alfred Adler và Assagoli đã dâng hiến trọn cuộc đời nghiên cứu tâm lý học; nhưng họ nào thấy được đôi mắt của Ðức Phật Cồ Ðàm; họ không thấy cử chỉ của Mahavira; họ không thấy được ánh sáng nội tâm và tư tưởng của những người đã đạt được lý nghĩa vi diệu của Áo Nghĩa Thư; họ không thể thấy được Hiện Hữu chuyển hoá mà trong đó tất cả huyền sử các nước đang hướng chiếu soi tới.
Do đó, bản thân tri thức là bệnh, là ngăn trở, là hàng rào chướng ngại sự khai phóng tâm. Chúng ta phải vượt hàng rào đó thì chúng ta mới lành bệnh được. Tri thức đó, Ðức Phật gọi nó là Sở Tri Chướng và để dẹp trừ nó, chỉ có pháp môn Thiền Quán.
Ðó là phương pháp tâm lý học của Phật - và tất cả những nhà tâm lý thế gian khác đều đi lệch hướng, sai lầm. Bởi vì chỉ có Mắt Trí Tuệ của bậc Giác Ngộ mới thẩm thấu Ánh Sáng Nội Tâm là gì?
Câu nói duy nhất của tôi rất rõ ràng là hãy chuyển hóa Tâm Thức của bạn thành Vô Trụ.
Tâm Lý Học ngày nay là khoa học tìm Tâm.
Tâm Lý Học của Phật là khoa học đưa Tâm về Nhất Tâm Vô Trụ.
dịch theo " The Psychology of Buddhas" của Osho
Tụng chú, cầu nguyện là tự thôi miên, là tự khép kín và chỉ làm hỏng tâm thức. Thế biệt lập của niệm tưởng luôn luôn nằm trong phạm trù của điều đã biết và câu trả lời cho sự cầu nguyện là đáp ứng từ cái biết này.
Thiền định xa hẳn các thứ này vậy. Trong lãnh vực thiền, tư tưởng không thể mon men vào, phân cách không còn và đồng hoá cũng thế.
Thiền là cởi mở, mở phơi. Chẳng có gì bí ẩn ở trong ấy. Mọi sự cứ được mở phơi ra, thanh thiên bạch nhật. Lúc ấy Cái Ðẹp của Thương Yêu bèn xuất hiện.
Krishnamurti
Ngô Hành Sơn
Nguồn: bachhac.net