Tình trạng thất niệm và cơ chế tự động lãng quên mặc định

Đời sống hàng ngày của một người bình thường phần lớn nằm trong trạng thái lãng quên. Trạng thái này gần như là một cơ chế mặc định. Cơ chế này cản trở người ta tiếp xúc với thực tại ngay đây và bây giờ, tức là tiếp xúc với giây phút này của đời sống mà ta hiện giờ đang sống.

I. Câu chuyện dẫn nhập – Hiện trạng của tâm thức và mục tiêu của chúng ta

1. Câu chuyện con côn trùng có cánh: Có một con côn trùng bay nhầm vào đám mạng nhện dày đặc, cánh bị rách nát, cả thân mình bị xây xát, càng vùng vẫy càng bị ràng buộc, cái chết là điều chắc chắn. Nó không nhận ra điều đó nên tiếp tục vùng vẫy, tiếp tục đập cái cánh đã bị gãy. Nó vắt hết sức để vùng vẫy, để đập cái cánh gãy sát vai. Một hồi sau, nó kiệt lực. Nằm im. Nó không nhận ra thực trạng của nó nên tiếp tục vùng vẫy, tiếp tục đập cái cánh đã bị gãy. Nó lại vắt hết sức để vùng vẫy để đập cánh. Rồi lại kiệt lực. Nằm im. Câu chuyện đơn điệu và buồn tẻ như vậy cứ tiếp diễn từ giờ này sang giờ khác. Sống vô vọng như vậy thật lâu mà con côn trùng vẫn không nhận ra thực trạng của nó đang như thế nào nên nó tiếp tục vùng vẫy, tiếp tục đập cái cánh đã bị gãy. Kiệt lực. Nằm im. Cứ như vậy nó lặp đi lặp lại cả đêm cho đến khi chết hẳn, chết một cách nhọc nhằn, vô vọng.

Thật ra, tất cả đều hoạt động theo cơ chế tự động vận hành một cách mặc định. Bản thân con côn trùng không vận hành, chỉ có bản năng sinh tồn đang vận hành mà thôi. Con côn trùng không có nhận thức, không có ý chí, không chủ động vận hành. Chỉ thuần túy là bản năng. Con người phải khác. Con người cũng có cơ chế tự động vận hành mặc định nhưng cũng có cơ chế chủ động vận hành, chủ động mặc định trở lại. Con người cũng có bản năng sinh tồn nhưng cũng có ý thức về tính cách tự động u mê của bản năng sinh tồn. Con người có nhận thức, có ý chí, và có khả năng chủ động đối với cuộc sống của mình. Con đường đạo chính là nhận ra điều này và triển khai điều này.

2. Câu chuyện đĩa DVD phim truyện bị lỗi track: Thực tại theo nhà Phật là cái mà chúng ta đang thấy trước mắt, cái mà chúng ta đang nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc, cảm xúc. Thực tại luôn có tính chất hiện thời, ở đây và bây giờ. Cái gì đã xảy ra hay sẽ xảy ra không phải là thực tại đúng nghĩa. Thực tại đúng nghĩa là cái đang diễn bày, đang xảy ra, đang có mặt. Thực tại là cái mà ta đang tiếp xúc, đang trải nghiệm, đó chính là đời sống của ta, thậm chí là chính ta theo nghĩa rộng.

Đời sống hàng ngày của một người bình thường phần lớn nằm trong trạng thái lãng quên. Trạng thái này gần như là một cơ chế mặc định. Cơ chế này cản trở người ta tiếp xúc với thực tại ngay đây và bây giờ, tức là tiếp xúc với giây phút này của đời sống mà ta hiện giờ đang sống. Tiếp xúc ở đây cần phải hiểu là tiếp xúc một cách trực tiếp. Đối với người tu thì tiếp xúc một cách trực tiếp với cái thực tại là điều quan trọng. Trong nhà thiền tiếp xúc gián tiếp không phải là tiếp xúc. Cái gì cản trở sự tiếp xúc trực tiếp?

Cái gì ngăn cách? Thuật ngữ gọi cái đó là vọng tưởng. Phải, chính vọng tưởng ngăn cách con người với thực tại. Để minh họa loại vọng tưởng ngăn cách này có thể dùng hình ảnh một bộ phim thu trong DVD bị lỗi “hai lớp chồng lên nhau”: Lớp bị che mờ là bản thân của phim truyện đang diễn ra, lớp che chắn là câu chuyện bàn bạc giữa đạo diễn và giám đốc sản xuất. Bản thân của phim (lớp thứ nhất) ví cho thực tại hiện tiền, lời bình luận của đạo diễn và giám đốc sản xuất (lớp chồng lên) ví cho cái ngăn cách.

3. Xác định lằn ranh hay phạm vi của bi kịch và xác định lối thoát: Con người khi tiếp xúc một sự kiện hay sự vật liền liên tục lượng giá hay nhận định, phê phán hay cân nhắc, tất cả thể hiện bằng những lời thì thầm, lao xao trong tâm thức: đẹp quá, xấu quá, hay à, dở tệ, phải chi mà…, đúng ra…, lẽ ra…. Theo nhà thiền thì mọi sự kiện hay sự vật đều như vậy (như thị), đều là thực tại như thế. Khởi tâm đẹp xấu, hay dở, đều bị xem là vọng tưởng, vọng tưởng thì có tác dụng ngăn cách con người với cái thực tại ngay đây và bây giờ.

Nói kỹ hơn, trong ví dụ nêu ở trên, đạo diễn và giám đốc sản xuất chỉ là hai tiếng nói của hai người có tri thức và có một chuẩn mực nhất định trong khi bàn luận; ngược lại, trong thế giới vọng tưởng thì lao xao rất nhiều tiếng nói, rất bát nháo và hầu như không có chuẩn mực gì cả. Ý kiến nào, tiếng nói nào cũng cố chen vào nói to hơn để dành vị trí quan trọng nhất. Nhà thiền gọi đó là thất niệm. Như vậy vấn đề ở đây không phải ở chỗ tâm thức không tham gia vào cuộc sống mà ở chỗ khó giữ được trạng thái tỉnh thức, khó giữ được trạng thái chú ý đối với những gì mà chúng ta đang có ngay phút giây đang diễn ra. Tóm lại, khó tham gia đầy đủ với giây phút đang có.

 Công việc cốt lõi của người tu thiền là nhẹ nhàng lèo lái để chuyển hướng chính sự thất niệm đó trở về chánh niệm, chuyển hướng cơ chế lãng quên mặc định đó trở về trạng thái tỉnh thức. Tức là, thiết lập dần dần một mặc định mới: cơ chế tỉnh thức. Có tỉnh thức mới có thể tham gia với giây phút đang có mặt một cách đầy đủ, mới có sự sống đúng nghĩa.

 II. Tâm thức là gì? Ai là chủ của tâm thức? Ai biết nội dung của tâm thức?

1. Tâm thức hay lòng dạ là gì?

Trước hết chúng ta thử định nghĩa xem tâm thức là gì? Về mặt ngữ nghĩa, tâm thức là một khái niệm khó mà định nghĩa cho rạch ròi, khó nắm bắt cho gọn gàng, nhưng trong thực tế khi nghe ai nói đến tâm thức thì theo trực giác thông thường chúng ta liền hiểu đại khái người đó đang nói về cái gì. Trải qua bao thế kỷ những nhà thần học, triết học, tâm lý học, những nhà tư tưởng đưa ra nhiều định nghĩa tâm thức khác nhau, cho rằng tâm thức là tổ hợp bao gồm những chức năng như nhận thức, ký ức, cảm giác, cảm nhận, tưởng tượng, chí hướng, luận lý… hay một cái gì đó điều phối tất cả hoạt động trong não bộ của con người.

Cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa thuyết phục được đại đa số chấp nhận. Ở đây chúng ta tạm dùng cách diễn đạt của Marvin Minsky, một khoa học gia chuyên về nhận thức học, cho rằng tâm thức là một “xã hội” mà thành viên là mỗi một trong những chức năng trên. Chúng ta hãy chấp nhận cách định nghĩa mông lung bao quát như vậy và sẽ dần dần nhận ra giá trị của cách định nghĩa này.

 2. Ai là chủ của tâm thức?

Kế tiếp, chúng ta sử dụng cách nhìn thông thường để xem ai là chủ của tâm thức. Rất bình thường và rất rõ ràng, tâm thức nằm trong thân thể của ai thì của người đó, không lẫn lộn được. Tâm thức của tôi là của tôi, không phải của bạn hay của một người nào khác. Cũng vậy, tâm thức của bạn là của bạn, không phải của tôi hay của ai khác. Cứ tạm cho là như vậy.

 3. Ai biết nội dung của tâm thức và tâm thức là gì?

(a) Chính ta: Không ai mở cửa đi vào được tâm thức của bạn để biết được trong đó đang chứa đựng ý nghĩ hay ý tưởng gì, trừ khi bạn nói ra rằng bạn đang nghĩ gì, đang có những ý tưởng như thế nào. Thật sự mà nói, không ai đọc được dòng ý tưởng mà bạn có trong đầu, có chăng, người ta chỉ suy đoán trạng thái tâm lý của bạn khi nhìn những biểu hiện bên ngoài như nét mặt, cử chỉ, ánh mắt…

 (b) Những nhà khoa học và những thế lực siêu hình: Hai thế lực khác dường như đối nghịch với nhau nhưng đều muốn xâm nhập vào tâm thức của bạn và tác động vào chủ quyền của bạn đối với tâm thức. Đó là các nhà khoa học về thần kinh và các thế lực siêu hình. Với các máy móc tinh tế ngày nay, những nhà khoa học có thể chụp hình cắt lớp, quay phim điện não, qua đó theo dõi sự hoạt động của não bộ nhưng (rất may!?) vẫn không thể biết được trong đầu bạn đang nghĩ điều gì, có những ý tưởng gì và cảm giác như thế nào. Thế lực thứ hai mang tính siêu hình và mơ hồ biểu hiện qua nhiều câu chuyện về hồn ma xâm nhập vào tâm thức của một người và chiếm quyền điều khiển. May thay, hiện tượng ma nhập hay ma ám chỉ là trường hợp cá biệt hay nhất thời, tuyệt đại đa số chúng ta có một tâm thức bình thường.

4. Theo cảm thức của ta thì tâm thức là cái lõi của bản thân:

Qua những điều trình bày ở trên, chúng ta mặc nhiên thấy rằng mình làm chủ tâm thức và nắm quyền điều khiển tâm thức của mình. Chúng ta cũng có cảm thức rằng tâm thức là cái lõi của bản thân, là tâm điểm, là người chủ, “nó chính là ta” chứ không phải thân xác. Thực tế mà nói, tâm thức của chúng ta là một cảnh giới riêng tư nhất. Thân thể của chúng ta có thể bị các máy móc phi trường, các máy xét nghiệm y khoa hay tia X quang soi mói nên độ ‘bí mật’ giảm dần, hơn nữa thân thể có thể bị thay thế bộ phận này hay bộ phận khác nên dễ mang tính lắp ráp và thiếu tính thuần nhất.

Trong khi tâm thức thì chưa bị như vậy, rất thuần nhất, rất riêng tư và vô cùng quan trọng; tâm thức có tính cách cốt lõi nhất và sâu thẳm nhất của con người nên chúng ta có khuynh hướng đồng nhất cá nhân mình với tâm thức. Siêu hình hơn một chút, chúng ta xem tâm thức chính là mình, là tự thể của mình, tự ngã của mình; còn thân thể chỉ là phần vỏ, phần phụ thuộc ở bên ngoài.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hồi 80 tuổi cũng từng ví von thân thể là chiếc xe đã mòn mỏi, rã rời. Xin nhắc, ví von chỉ là ví von mà thôi. Và, hình như tâm thức có tính chất bền bỉ hơn khi nó có thể đi xuyên qua nhiều kiếp sống như trong câu Kinh Pháp Cú: “Lang thang bao kiếp sống/ Ta tìm nhưng không gặp…” Trong thực tế, chúng ta không chỉ nghĩ rằng chúng ta có tâm thức mà còn nghĩ rằng cái cốt lõi của con người chúng ta chính là tâm thức, thậm chí đồng nhất ta với tâm thức, ta với tâm thức là một.

 5. Vị trí cụ thể của tâm thức trong thân thể là đầu là não là trung khu và mối liên hệ tâm-thân:

Tâm thức chúng ta hầu như kết chặt với thân thể, thân ta ở đâu thì tâm thức ở đó. Một người bị tai nạn cưa một chân, hai chân, một tay, hai tay, một vành tai hay một phần bụng, một phần ngực, một bộ phận nào trong nội tạng, cụ thể như cắt một trái thận cho người khác thì tâm thức vẫn ở với phần nào có cái đầu.

Nói chi tiết hơn thì tâm thức ở với bộ não. Khi thân thể chúng ta di chuyển đến đâu, thông thường tâm thức theo đến đó. Chỉ khi nào chúng ta say thuốc, say rượu hay hôn mê thì dường như mối dây liên hệ giữa thân thể và tâm thức bị tác động, bị chuyển biến. Một lượng cà phê thấm vào thân thể làm cho tâm thức tỉnh táo, một lượng cồn thấm vào thân thể làm cho tâm thức chậm chạp, điều này càng chứng tỏ sự liên hệ mật thiết giữa thân thể và tâm thức. Nói chung, mối liên hệ là như vậy nhưng để nhận ra và xác định những tính chất của mối liên hệ này thì hàng mấy thiên niên kỷ vừa qua những bộ óc tốt nhất của con người vẫn còn mày mò, dò dẫm.

III. Thực trạng và nhân quả của thực trạng

1. Thực trạng:

Mặc dù chúng ta biết sự quan trọng của tâm thức, chúng ta biết mối dây liên hệ giữa tâm thức và thân thể nhưng đa số chúng ta không thật sự thấu hiểu tâm thức và sử dụng tốt nhất tâm thức của mình. Chúng ta không dành thời gian để quan sát tâm thức. Chúng ta có cảm nhận chung chung về vui buồn trong tâm thức, ý tưởng này, ý tưởng khác trong tâm thức, nhưng chúng ta ít khi tỉnh táo nhận ra phương thức mà tâm thức đang vận hành như thế nào.

Hãy dừng mọi hoạt động lại để xem thử đâu là duyên do hay điểm xuất phát của một ý tưởng cụ thể nào đó, hay đâu là nguyên cớ xâu xa đầu nguồn của một ý tưởng cứ lãng vãng trong đầu. Hãy thử giải thích tại sao ở phút trước bạn tỉnh táo nhận thấy một cách khá sâu sắc sự phù phiếm của kiếp sống, phút trước bạn thâm trầm và minh triết chỉ một phút sau đó tâm thức của bạn lại bận rộn tranh luận hời hợt về nội dung chương trình truyền hình tối hôm nay. Khó mà giải thích thỏa đáng tại sao một phút trước tâm thức có nội dung khác, một phút sau tâm thức có nội dung hoàn toàn khác.

 2. Nhân là bỏ rơi hay lãng quên, quả là cơ chế tự động quá đà:

Câu trả lời trung thực sẽ phải ngập ngừng chỉ vì hàng ngày bạn thiếu sự chú ý đến dòng chuyển biến của tâm thức. Nhìn lại khoảng thời gian 24 giờ của một ngày bình thường xem. Bạn có mặt để chứng kiến trực tiếp tỏ tường từng giờ từng giờ trôi qua cuộc đời của bạn hay không? Hay ngược lại, từng giờ trôi qua như trôi qua ở sau lưng chúng ta, chúng trôi qua mất hồi nào mình không hay, chúng trôi qua mất trong sự lãng quên. Bạn không thực sự có mặt trong từng giờ đang trôi qua.

Thông thường một ngày của bạn tự động trôi qua theo một vòng tròn đã định hình, một chương trình với thời biểu đã thiết kế sẵn: Thức dậy, vệ sinh, điểm tâm, trang phục, đến chỗ làm… chiều về tắm rửa, ăn tối, xem tin tức hay văn nghệ, đi ngủ. Tất cả chạy vòng tròn theo thói quen cố hữu, lối mòn cố hữu. Lặp đi lặp lại theo vòng tròn của chiếc kim đồng hồ quay quay mỗi ngày. Một ngày của bạn cứ thế mà trôi đi như chiếc phi cơ đang bay theo chế độ tự động không cần sự có mặt can dự của viên phi công.

Tương tự như vậy, cuộc đời của bạn tự động vận hành và bạn không thực sự có mặt trong chính cuộc đời của mình. Thật ra, tính chất tự động hay thói quen cũng có mặt tích cực vì nó để cho tâm ý của bạn thảnh thơi, khỏi phải bận tâm khi làm những việc cố định hàng ngày. Nhờ chương trình đã thiết kế nên bạn không cần phải hao công động não tính toán thiệt hơn lợi hại để đi đến quyết định thực hiện việc đánh răng và rửa mặt hồi sáng này sau khi thức dậy. Chúng ta cứ làm những chuyện này mà không cần cân nhắc, làm hay không làm.

 3. Có lợi thế từ cơ chế tự động và sử dụng nó một cách bất lợi:

Thế nhưng, mỗi khi thói quen giúp cho tâm ý tự do thong thả thì chúng ta lại không biết sử dụng hiệu quả cái khoảng thong thả rảnh rang đó. Một khi được rảnh rang, tự do thì lập tức tâm ý bị kéo vào hai cảnh giới, hoặc là quá khứ hoặc là tương lai.

Nếu bạn không tin điều này, xin đề nghị bạn làm một bài tập nhỏ: Dừng lại việc đang làm, ngồi yên trên một cái ghế, và để tâm ý tự do đi đâu mà nó muốn; cố gắng để ý tới dòng tâm thức. Như đa số mọi người, bạn sẽ thấy bạn đang “ở” trong quá khứ, có thể đó là một cuộc nói chuyện mà bạn đã không thể hiện được hết năng lực thật sự như bạn muốn, có thể bạn đang “ở” tương lai với những sắp xếp, lo toan về một bữa ăn, một cuộc gặp mặt nào đó.

Tâm thức của bạn hàng ngày như con thoi xuôi ngược giữa hai đầu mút, quá khứ và tương lai. Và điều cần nói ở đây là, tâm ý của bạn lãng tránh hiện tại đến mức tối đa mà nó có thể lãng tránh được. Nếu bạn chú ý đến dòng chuyển biến thông thường của tâm thức thì bạn sẽ thấy nó ít khi, rất ít khi, chịu “ở” giây phút hiện tại.

 4. Ta thấy gì khi ta có mặt trong giây phút hiện tại – Tâm trạng của một viên chức:

Ngay cả khi bạn chú ý vào giây phút hiện tại, bạn có thể khám phá ra rằng những gì tâm ý bạn nhào nặn ra đều không xứng đáng. Hầu hết tâm ý chúng ta đều tuôn ra những nhận xét, đánh giá, phê phán về cái đang thấy, đang nghe, đang trải nghiệm.

Hãy tưởng tượng bạn đang ngồi trong một buổi họp và đang cố gắng tránh việc để tâm ý tự do trôi vào trong quá khứ hay dong ruỗi vào trong tương lai. Bạn đang chú ý nghe những lời đang nói. Nếu bạn quan sát tâm ý cặn kẽ hơn thông thường bạn sẽ thấy bạn không hoàn toàn chú ý tới nội dung của những lời mà người nào đó đang nói. Ồ, phải rồi, quả thật là không chú ý hoàn toàn mà chỉ chú ý một phân nửa thôi. Mong là được như vậy.

Hơn phân nửa tâm ý còn lại của bạn đang rất hăng say nhận xét, đánh giá, phán định. Đối tượng mà bạn nhận xét đánh giá nhiều khi không phải là nội dung chính của lời nói mà là những thứ vòng ngoài râu ria như lời đó được nói như thế nào, ai nói… Bạn có thể đang nhìn thấy mái tóc của người ngồi bên kia bàn không chỉnh chu, cái cà vạt không hợp với màu áo hay vị thứ của người mặc…

Bạn lại nhận định người điều hành cuộc họp có nét mặt hấp tấp và giọng nói hơi khàn. Thình lình bạn thấy rằng từ đầu cuộc họp đến giờ bạn chưa nói câu nào. Sợ bị “hạ bậc” tâm trí bạn lao xao tìm kiếm cái gì đó để phát biểu. Nói cái gì nhỉ? Nói cái gì để có nét đây? Nói cái gì để có thể để lại nơi người nghe một ấn tượng tốt, ít nhất là không đến nỗi tệ? Không khí buổi họp có vẻ nghiêm trọng quá, nói cái gì để hóm hỉnh một tí và dãn bầu không khí ra?

Nếu dòng ý tưởng lan man không ngừng như trong trạng thái bán ý thức hay vô thức thì cuối cùng bạn rơi vào nỗi lo âu cũ kỹ: Nếu không có gì hay ho để nói thì mọi người sẽ đánh giá bạn kém, bạn tỏ ra không có cái năng lực mà mọi người nghĩ là bạn có. Cũng một cách bán ý thức bạn lãng tránh ý tưởng tiêu cực, bất chợt đánh giá rằng cái bà ngồi bên kia bàn đâu có gì hơn bạn, gương mặt bạn trông trí thức hơn, ít nhất cũng không đến đỗi tệ. Ồ, có đúng là không đến đỗi tệ? Chắc gì. Bạn cũng thấy giọng nói của bạn không đến đỗi khàn như ông kia. Thế là bạn vui vẻ vì những nhận xét nửa tỉnh nửa mê đó. Bạn len lén nhìn đồng hồ để xem bạn phải chịu đựng tình cảnh này bao lâu nữa. Cả buổi họp là một cái gì đó không thoải mái, thậm chí là một áp lực. Tâm trí đang lơ mơ bỗng lóe lên: Ồ, tối nay kênh VTV3 có chương trình gì nên xem nhỉ?

 5. Bài học rút ra từ câu chuyện vị viên chức – Nỗi bất lực của chúng ta:

Hoạt cảnh tâm thức trên đây khơi gợi cho chúng ta thấy rằng chúng ta không thật sự “cầm lái” cái tâm thức của chúng ta dù chúng ta đang muốn suy tư về điều gì đi nữa, thiêng liêng hay phàm tục. Cụ thể hơn, chúng ta không thể “tắt máy”; không phải lúc nào chúng ta cũng có thể điều khiển những tâm thức làm cái mà chúng ta muốn chúng làm.

Những thứ như phán xét, suy tưởng, xúc cảm… dường như tự ý trào lên một cách tự phát và tự động theo cách mà chúng ta không muốn. Đáng lẽ ta điều khiển tâm thức, thế mà dường như tâm thức đang điều khiển chúng ta. Những tâm thức lôi kéo, thúc đẩy, xúi dục chúng ta theo hướng mà chúng cho là phù hợp.

Hình tượng có thể dùng để diễn đạt tình cảnh này là một cảnh trong lễ hội Fair and Rodeo hàng năm tại trung tâm Texas; nơi mà những người chăn bò tội nghiệp lỏng chỏng trên lưng của một con ngựa bronco hoang dại, đang cố níu bằng một tay vào cái dây cũng lỏng lỏng để giữ lấy cái mạng sống quý giá của mình khi con thú vật này được tung vào diễn trường. Hình tượng khác có thể dùng để diễn đạt là đứa trẻ trên lưng con trâu hoang dã. Mối liên hệ giữa ta và tâm thức tương tự như vậy. Chúng ta là những người đang cố khống chế con thú hoang tâm thức và bị nó lôi kéo theo hướng mà nó chọn. Kết quả là những cú hất ngược liên tục, ta phải chịu đựng những cú xốc xoay lên trẹo lưng và những cú dằn xéo xuống lệch hướng của con thú hoang này.

IV. Tính nghiêm trọng của việc để tâm hoang dã – Sự may mắn tình cờ và phạm vi của may mắn

1. Tính nghiêm trọng:

Trong tình trạng mất tỉnh thức nhiều khi người ta phải trả giá nặng nề, nhiều khi là rất nặng nề. Nói theo kiểu thông tục, sống với những cái nội dung của tâm thức mà chúng ta không nắm bắt được, chúng ta lơ mơ bán ý thức về chúng, và những nội dung của tâm thức vượt ngoài tầm kiểm soát của chúng ta thì thường xuyên chúng ta tạo ra cho chính chúng ta và những người chung quanh những nỗi khổ niềm đau. Nhiều lắm, nhiều hơn chúng ta nghĩ.

 Là vị hiểu tâm thức rõ hơn chúng ta, Đức Phật đã nói rằng:

Kẻ thù hại kẻ thù

Oan gia hại oan gia

Không bằng tâm hướng tà

Gây hại cho tự thân” (PC.42)

Để chúng ta cùng nghe lại một lần nữa lời Phật dạy, chúng tôi xin lập lại câu trên theo thể tứ ngôn:

Thù hại kẻ thù

Oan gia kết oán

Tâm hướng ác tà

Vô cùng tai nạn.

Xin lập lại câu trên một lần nữa theo thể lục bát, chúng ta hãy cùng thưởng thức:

Kẻ thù hiềm hại kẻ thù

Oan gia chước hiểm báo cừu oan gia

Ghê hơn, tâm hướng ác tà

Vạn lần nguy khốn cho ta, cho người.

Như vậy, không có gì khó hiểu khi không kìm chế được một tâm thức loạn động, người ta thường cố gắng làm nó tan biến đi, câm miệng đi, bằng các loại hình giải trí, vui chơi, kịch nghệ, xiếc hay thể thao, thậm chí vận dụng đến những loại dược chất nguy hại. Không khống chế được những con thú hoang trong nội dung của tâm thức thì người ta hay làm cho chúng mụ đi, què quặt hay bại xụi đi.

Cũng chẳng có gì khó hiểu khi quá tuyệt vọng hành động cùng quẩn sau cùng để thoát khỏi sự bế tắc vì những cơn cuồng loạn trong tâm thức là tự kết liễu cuộc sống. Và cũng chẳng có gì khó hiểu, hầu hết những trường hợp dùng súng thì nòng súng được đưa lên nhắm đến trụ sở của tâm thức là bộ não để xiết cò. Giá cả cho việc thả rông hay thả tự do những con thú trong tâm thức hay còn gọi là sống không tỉnh thức, không rẻ chút nào, nếu không nói là quá đáng.

2. Sự may mắn tình cờ và phạm vi của may mắn:

Ngồi đây là chúng ta may mắn, tâm thức chúng ta không hoành hành và bung xung đến mức làm cho chúng ta bế tắc và tuyệt vọng cực độ như vậy. Tuy nhiên, hầu hết mỗi người trong chúng ta đều từng là nạn nhân của những hậu quả hay hệ lụy mà một tâm thức mạnh mẽ nhưng thiếu chăn dắt tạo nên. Thi thoảng chúng ta thấy mình đang đãi đằng thù tạc với những ý tưởng không lành mạnh trong đời sống của chúng ta. Thi thoảng chúng ta thấy mình đánh giá một cách chớp nhoáng một ai đó dựa trên những thông tin vụn vặt nhất, thật sự chúng ta đã nhào nặn ra những cái sai trái rồi chúng ta vin vào đó.

Thường xuyên chúng ta so sánh bản thân mình với người khác, so sánh luôn luôn đưa đến nỗi buồn phiền dù là hơn dù là kém. Tất cả những việc làm thiếu tỉnh thức ở trên và nhiều việc khác nữa đã và đang đưa đẩy chúng ta vào trong một cuộc sống mơ hồ và nhiều ảo vọng. Dòng đời của chúng ta vì vậy mà thường chảy dọc hay loanh quanh gần miệng hố của những nỗi khổ đau, những cơn phiền não.

V. Con đường của đạo mở ra

1. Đa số đang mịt mù tìm kiếm:

Chúng ta cảm nhận rằng những nỗi khổ đau, những cơn phiền não, đang chờ sẵn đâu đấy nơi những khúc quanh trong cuộc đời của chúng ta. Trước đây chúng ta từng trải nghiệm và tới đây có lẽ chúng vẫn còn chờ đợi chúng ta. Những cảm nhận lặp đi lặp lại như vậy đã thôi thúc chúng ta tìm cách trốn thoát.

Không may cho chúng ta, trong tâm thức của chúng ta đã mặc định sẵn tự bao giờ những phương thức xoa dịu khổ đau không hiệu quả, thiếu lành mạnh. Đặc biệt trong một xã hội hiện đại hóa theo kiểu Tây phương, đa số con người đã tìm cách làm dịu mức độ khổ đau bằng các loại dược chất tai hại, bằng những trò tiêu khiển không lành mạnh, bằng một nếp sống bận rộn cực độ, suốt năm dài tháng rộng chỉ có công việc và công việc, bằng những chuyến đi mua sắm hết ngày hết tháng, bằng việc đáp ứng những nhu cầu và tìm thêm nhu cầu để đáp ứng, bằng hàng loạt những tiếng đồng hồ lang thang trên mạng toàn cầu.

Nền văn hóa hiện đại phần lớn có thể đáp ứng với vai trò là nơi trú ẩn cho những cá nhân con người đang tìm kiếm an ổn và thỏa ý cho cuộc sống. Thế mà chúng tôi chưa từng gặp một cá nhân nào nói rằng nhờ vào những cách đã nêu ở trên mà đã tìm thấy sự thỏa mãn thật sự. Thế mà đại đa số con người vẫn tiếp tục sử dụng những cách như vậy, vẫn tiếp tục cuộc truy tìm hạnh phúc một cách ráo riết, lăn xả và vẫn dồn dập khôn nguôi.

 Người ta vẫn tiếp tục tin tưởng vào những cách như vậy, tin tưởng rằng đương nhiên phải tìm ở đâu đó ở đàng kia hay đàng nọ, đương nhiên nơi ấy có một cái gì đó để xoa dịu nỗi khổ niềm đau của cuộc sống. Sự tin tưởng như vậy phổ biến đến đỗi thật hiếm khi chúng ta nghĩ rằng có một phương thức khác. Thay vì để cho các bạn tiếp tục công cuộc truy tìm hạnh phúc bằng những phương thức thông thường và không hiệu quả, và thường khi phản tác dụng, những bài giảng ở đây cung ứng cho các bạn một phương thức khác.

2. Con đường sáng hay con đường đạo mở ra:

Con đường sáng ở đây tức là con đường đạo. Con đường đạo tức là con đường Thực tập sống tỉnh thức, con đường này được thiết lập dựa trên nền tảng xác tín căn bản rằng chúng ta không nhất thiết phải sống theo tính khí khi vầy khi khác của một cái tâm hoang dại và buông thả. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể chinh phục tâm, rèn luyện tâm, để có một cái tâm lành mạnh. Từ tâm lành mạnh sẽ sinh ra những ý tưởng lành mạnh, góp phần cho trạng thái lành mạnh của bản thân và trạng thái lành mạnh của thế giới. Thật sự, chúng ta có thể trui rèn nên những công năng hầu như mới của tâm thức, những công năng này sẽ triệt tiêu, sẽ loại trừ tính chất vừa tỉnh vừa mê, tính chất bị kích động, bị trôi dạt ra khỏi cuộc sống của chúng ta. Dĩ nhiên là không dễ nhưng cũng không phải là khó. Dễ hay khó là do có kiên trì hay không có kiên trì.

 Điều xác tín căn bản ở trên dẫn đến điều xác tín kế tiếp rằng những chức năng trong tâm thức của chúng ta là những thực thể có thể uốn nắn được. Những chức năng này có tính chuyển động, có thể được định hình theo mẫu mà chúng ta chọn lựa. Nói cách khác, tâm thức của chúng ta thật ra cũng là một pháp do duyên khởi mà có mặt.

 3. Tập khởi của trạng thái tâm lý mà chúng ta đang có nghiệp mà không nhất thiết phải tin có tái sinh:

Tại sao tâm thức của chúng ta lại rơi vào tình trạng man dại như hiện tại mà nhiều người trong chúng ta đã nhận ra? Có thể rằng chúng ta được sinh ra với những tính cách khác nhau trong cách hành động và trong cách suy nghĩ. Nhiều tín đồ Bà la môn, Phật giáo và Kỳ-na giáo nhận thức rằng nghiệp lực đã tác động mạnh mẽ trạng thái tâm lý của chúng ta khi mới sinh. Nghiệp được định nghĩa là những ý nghĩ, lời nói và việc làm mà chúng ta đã thực hiện trong quá khứ.

Thật sự mà nói, bạn không cần phải thừa nhận lý thuyết luân hồi tái sinh mới có thể chấp nhận nguyên lý vận hành âm thầm của nghiệp. Chủ yếu, ý tưởng về nghiệp gợi lên nhận thức rằng cách mà chúng ta sống trong hiện tại kế thừa cách mà chúng ta đã suy nghĩ và hành động trong quá khứ tính cho tới giây khắc vừa qua. Tóm lại, đời sống mà ta đang sống dựa trên cách mà chúng ta và những người khác đã sống như thế nào. Nói theo cách thông thường chúng ta chịu sự điều phối hay tác duyên của chính chúng ta, những người khác, những yếu tố khác. Nguyên lý vận hành của đời sống là như vậy dù chúng ta tin rằng tiến trình duyên khởi bắt đầu từ vô lượng kiếp hay tin rằng tiến trình duyên khởi chỉ mới bắt đầu trong kiếp này, từ lúc chúng ta mới sinh, thậm chí từ khi trứng mới thụ tinh.

Thuật ngữ “tác duyên” là một thuật ngữ rất hữu dụng để miêu tả tiến trình này. Hãy nghĩ về tác dụng của tác duyên như tác dụng của việc chúng ta tới lui phòng tập thể dục để có cơ bắp hay để có thể lực. Mỗi lần bạn đi tập cử tạ hay đi trên máy là mỗi lần cơ thể của bạn ứng đối thích hợp để nó có thể cử tạ hay đi trên máy dễ dàng hơn một chút trong lần sau. Bạn càng cố gắng luyện tập thì những việc đó càng trở nên dễ dàng, cho đến khi bạn không cần cố gắng chút nào nữa mà vẫn làm được. Trải qua thời gian sức mạnh của quán tính và tác duyên của việc thu nạp thể lực sẽ dần dần chuyển hóa đáng kể cơ thể của bạn. Loại tiến trình tương tự sẽ xảy ra đối với tâm thức của bạn. Quán tính trong suy nghĩ sẽ quyết định chúng ta sẽ suy nghĩ điều gì, cảm giác như thế nào, và nhận thức ra sao. Bạn càng đáp ứng một ý tưởng cụ thể hay một loại ý tưởng nào thì tâm thức của bạn có xu hướng sản sinh ra những ý tưởng cùng loại.

 4. Thế lực của nghiệp và khoảng trống nhỏ để con đường đạo có thể mở ra:

Tiến trình tác duyên đối với tâm thức mạnh mẽ đến độ có những khi toàn bộ hoạt động của bộ não hoàn toàn bị những yếu tố của cơ cấu sinh lý hay những yếu tố của môi trường trưởng thành quyết định. Nhưng trong khi triển khai đề tài này, chúng tôi đứng trên lập trường cho rằng chúng ta có một sức mạnh hay năng lực nhỏ thôi nhưng vô cùng quan trọng. Đó là năng lực chuyển hướng tâm thức. Chính sự chuyển hướng này giúp cho chúng ta tái tác duyên tâm thức của mình. Tâm thức của chúng ta chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi quá khứ nhưng không phải là hoàn toàn bị quyết định bởi quá khứ. Không có một cái định mệnh được quá khứ viết ra cho tâm thức.

 Nói theo ngôn ngữ triết học, phần lớn thân phận của chúng ta đã được quyết định nhưng phần nhỏ còn lại thì chúng ta vẫn còn một chút tự do chọn lựa. Tuy nhiên, chút tự do chọn lựa ở đây không phải là một cái gì đó được trao tặng cho chúng ta, cũng không phải là một cái gì đó có sẵn trong cơ cấu tâm vật lý của chúng ta. Tự do chọn lựa ở đây là một thứ mà chúng ta phải rèn luyện và phát huy. Không rèn luyện và phát triển chút tự do chọn lựa này thì chúng ta không có sức đề kháng, không có khả năng hành động và suy nghĩ một cách tự do. Mục tiêu tối hậu của loạt bài này là giúp các bạn tăng cường mức độ tự do của các bạn ngang qua việc thực tập sử dụng nó.

5. Giới thiệu tính cách của loạt bài đang triển khai:

(a) Vấn đề phấn khích và bài tập về nhà:

Bài giảng này không giống như hầu hết những bài giảng khác mà các bạn đã học. Những bài giảng khác có mục đích kích khởi, làm phấn khích tâm thức của bạn. Làm cho tâm thức phấn chấn là việc làm có ích lợi ở nhiều trường hợp nhưng loạt bài này không có ý hướng đó. Loạt bài này lại được thiết kế cho những người, những trường hợp tâm thức đã phấn khích, bị kích thích quá độ và có nhu cầu làm giảm xuống, lắng đọng xuống độ xung động của trí não.

Các bạn sẽ thấy loạt bài này hướng đến pháp hành. Các bạn cũng sẽ thấy trong loạt bài này yếu tố thực tập nổi trội trong khi phần lý thuyết thì nhẹ nhàng hơn. Học một cách có bài bản thì phải có phần bài tập về nhà hay bài kiểm tra tại lớp nhưng ở đây cả hai loại đó đều không phải là bài viết, chính đời sống hàng ngày của người học sẽ viết lên bài tập và cũng là kết quả của bài kiểm tra. Tổng số điểm cho toàn khóa học sẽ do người học tự cân nhắc và viết xuống cho mình. Thật ra chỉ có người học mới tiếp xúc được tâm thức của mình và mới biết được thành quả như thế nào. Những tuệ giác mà người học có được chủ yếu là do người học tự khám phá nơi tự thân của mình.

 (b) Yêu cầu và phương thức:

Sẽ có những bài thực tập thiền và những bài tập khác mà người học sẽ làm, vì vậy người học cần dành một khoảng thời gian và không gian nào đó để làm những bài thực tập này. Sẽ có những khoảng thời gian mà người học phải làm lơ đối với các chương trình truyền hình, làm lơ với việc lên mạng thông tin điện tử, làm lơ với điện thoại, và những thứ làm phân tán tâm thức khác.

Người học sẽ biết, sẽ có khả năng xem tâm thức không phải là tâm điểm của bản thân, của một cái ngã mà chỉ là một công cụ hay một phương tiện mà người học có thể sử dụng để sống hạnh phúc. Cũng giống như những công cụ hay phương tiện khác, điều chủ yếu là phải học phương pháp sử dụng đúng đắn và sử dụng chúng nhuần nhuyễn đến mức độ mà chúng trở nên bản chất thứ hai của bản thân. Thoạt đầu, giống như học dương cầm hay vĩ cầm, những điệu bộ của người học khi mới tập rất lượng sượng và lật bật. Qua một thời gian thì tính chất lượng sượng và lật bật tan biến đi đâu mất. Mọi động tác đều mềm dẻo và tự nhiên.

 (c) Dự án, tính phi siêu thực và những điều sẽ triển khai:

Trong bài học kế tiếp, người học sẽ tiếp cận với khái niệm tỉnh thức hay tỉnh giác, thuật ngữ nhà Phật gọi là chánh niệm. Các bạn sẽ được nghe thêm tỉnh thức là gì, những lợi lạc và ưu điểm mà sự tỉnh thức mang lại. Các bạn cũng sẽ được nghe về những bước cần thực hiện để trở nên chú ý hơn đối với tâm thức và qua đó có thể định hướng lại hướng chú ý để có một cuộc sống thực chất hơn, tròn trịa hơn.

Sống tỉnh thức không phải là một cái gì lạ thường, kỳ quặc, cũng không có tính cách bí ẩn hay siêu thực, mà chỉ là những kỹ thuật mà ai cũng có thể sử dụng và phát huy. Chúng ta sẽ bàn về những phương diện đơn giản nhất của sự sống như thở, cảm thức, cảm giác, ăn uống, đi bộ, dừng chân. Cũng trong loạt bài này khi chúng ta đã học xong những phương diện căn bản của nếp sống tỉnh thức, chúng ta sẽ học và thực tập những bài khó hơn như tu tập lòng từ ái đối với bản thân và tha nhân, phát triển một nếp sống rộng rãi, chấp nhận bản chất của cái chết và đối diện với sự đau đớn của thể xác, đối diện nỗi buồn man mác hay trĩu nặng trong lòng, và ngọn lửa tức giận âm ỉ bên trong hay bùng phát ra bên ngoài. Các bạn cũng sẽ được học phương pháp để có thể tỉnh thức đối với lời mà bạn đang nói, việc mà bạn đang làm, tỉnh thức ngay trong khi bạn đang lái xe.

(d) Điều không khẳng định và điều khẳng định:

Tôi không có thể nói hay hứa rằng chỉ cần nghe suông qua hết những bài học như thế này thì các bạn sẽ có hạnh phúc và phẩm chất đời sống của các bạn sẽ tăng lên rất cao. Có được như vậy hay không hoàn toàn tùy vào bản thân của các bạn, của người học. Tuy nhiên tôi có thể khẳng định rằng xuyên suốt hàng ngàn năm qua đã có rất nhiều người đã thực tập một cách nghiêm cẩn những phương pháp này, những phương pháp sẽ được trình bày trong những bài học mà chúng ta sẽ học, những người đó đã nói về những thể nghiệm, những khám phá sâu thẳm, và nhờ đó mà cuộc sống đã trở nên tròn vẹn và viên mãn.

Ở trên chúng ta đã được nghe đức Phật Bổn sư Thích-ca Mâu-ni dạy về sự khốn khổ tột cùng do cái tâm không khéo tu tập có thể mang lại cho chúng ta. Và cũng chính đức Bổn sư Thích-ca đã dạy về sự lợi lạc tột cùng do cái tâm khéo tu tập có thể mang lại cho chúng ta qua câu Kinh Pháp Cú số 43:

Ðiều mẹ cha bà con,
Không có thể làm được,
Tâm hướng chánh làm được
Làm được tốt đẹp hơn.

Hay,

Ðiều mà quyến thuộc mẹ cha
Chẳng thể làm được cho ta, cho người
Nhưng tâm chân chánh hướng rồi
Thành tựu tốt đẹp vẹn mười, vẹn trăm!

TT. Minh Thành
Theo Đạo Phật Khất Sĩ
Previous Post
Next Post