Tư tưởng đạo đức - nhân sinh: Triết lý siêu nhân của Friendrich Nietzche

Friendrich Nietzche (1844-1900) tin rằng đạo đức phổ biến đương thời là thể nghịch đảo của đạo đức chân thực, rằng những gì thực sự là đạo đức phải phù hợp và không bao giờ mâu thuẫn với bản chất của con người.

Ông có quan điểm tương đồng với Schopenhauer về bản chất của con người bao gồm cả bản năng sống, rằng "sống là thực hiện toàn mãn những bản năng của con người", không phải là áp chế chúng như các nền văn hóa phổ biến trong thời hiện đại thường đòi hỏi. Những Nietzche bất đồng sâu sắc với triết lý bi quan của Schopenhauer. Ông xác quyết rằng vẫn còn khả năng hoàn thiện nếu chúng ta dành trọng ý nghĩa cuộc sống cho các bản năng, thay vì đè nên chúng.

Đạo đức nô lệ đối kháng đạo đức chủ nhân

Nietzche chỉ ra rằng có hai hệ thống đạo đức tồn tại suốt dòng lịch sử nhân loại - đạo đức của giới nô lệ và đạo đức của giới chủ nhân - mỗi hệ thống có quy tắc luân lý riêng của nó.

Đạo đức nô lệ của kẻ yếu đòi hỏi họ chấp nhận phục tùng chủ nhân. Đạo đức của giới chủ bao gồm đạo lý của tầng lớp quý tộc (giới cầm quyền và qúy tộc), những người tạo thành "chủng tộc Aryan ưu thắng", cống hiến vào sự nghiệp chiến tranh, thám hiểm và chinh phục. Đối với họ, hoà bình chỉ đến sau khi chiến thắng được đối thủ của họ, buộc đối thủ phải thừa nhận quy luật "kẻ mạnh có quyền thống trị kẻ yếu"

Nguyên tắc "sức mạnh làm nên lẽ phải", theo Nietzche, là quy luật của tự nhiên- tương phản với khuynh hướng đạo lý của nền văn minh Cơ Đốc và Do Thái, vốn cổ xuý cho Tính Khiêm Cung và Từ Tâm. Nền văn hóa theo truyền thống Cơ Đốc và Do Thái (Judeo - Christian culture), Nietzche nhấn mạnh, chỉ thích hợp cho giới nô lệ. Người Do Thái vốn bị lệ thuộc trong gần trọn lịch sử của dân tộc họ; vì thế họ phát triển nên một hệ thống luân lý phù hợp với phần yếu đuối của nòi giống người. Đạo lý của họ là kiềm chế tình cảm, một sản phẩm của sự phẫn nộ bị cầm tù, một sự thù địch dồn nén luôn ngấm ngầm tìm kiếm những phương cách trả đũa kẻ thống trị và chủ nhân của họ. Theo Nietzche, nô lệ là những người không hề dám bộc lộ sự phản kháng, chỉ tìm kiếm những hình thức trả đũa lén lút.

Nietzche lên án giới chức sắc tôn giáo Cơ Đốc và Do Thái sử dụng tôn giáo như một phương tiện để làm đảo lộn và hạ thấp các giá trị đạo đức tự nhiên, biền nòi giống chủ nhân trở thành nô lệ và nòi giống nô lệ trở thành chủ nhân. Theo ông, những người nô lệ đã trở thành giáo sĩ đại diện cho Thượng đế toàn năng, đe doạ giới chủ nhân bằng sự Trừng phạt Thánh thần để buộc họ phải chấp nhận vai trò khiêm hạ, quỵ luỵ của những người phục vụ trung thành cho nòi giống nô lệ. Chính vì thế, Nietzche kêu gọi xem xét lại mọi giá trị, bác bỏ các giá trị đạo đức theo tinh thần Cơ Đốc và Do Thái. (Cần ghi nhận mối quan hệ gần gũi giữa triết lý này với thuyết phân biệt chủng tộc của Adolp Hitler, mặc dù ý tưởng về chế độ quý tộc của Nietzche được tìm thấy ở rất nhiều quốc gia, không chỉ ở nước Đức ).

Siêu nhân

Siêu nhân, theo quan niệm của Nietzche, là dạng "người khổng lồ" về mặt đạo đức (moral giant) được phú cho một thể chất siêu việt. Siêu nhân là thành viên của nòi giống tương lai. Chưa từng có ai đạt đến phẩm chất cao quý của nòi giống ấy, bởi những con người hoàn hảo nhất của nhân loại đều hoá ra nhỏ bé và tật nguyền khi đứng trước siêu nhân. Quan niệm của Nietzche đòi hỏi siêu nhân phải là một tạo vật có quyền năng và sự uy nghiêm của Caesar, kết hợp với đạo đức cao vời vợi của Chúa Jesus.

Nếu xem con người là động vật thượng đẳng so với loài khỉ, siêu nhân là giống thượng đẳng so với loài người. Là một tạo vật siêu việt về mặt đạo đức, siêu nhân chẳng bao giờ cần đến lòng vị tha, bởi lẽ "anh ta" sẽ lập tức tha thứ hoặc quên đi ngay hành động xúc phạm đến mình; thậm chí anh ta thực sự tha thứ trước khi bị xúc phạm. Về mặt tinh thần, anh ta giống như Chúa Jesus trên thập tự giá, cầu xin Thượng đế tha thứ cho kẻ thù của mình vậy. Nietzche khẳng định rằng Đấng Jesus là mẫu mực lý tưởng cho người Cơ Đốc, rằng bởi vì họ không noi theo tấm gương của Người,cho nên "chỉ có một tín đồ Cơ Đốc mà thôi và người ấy đã chết trên thánh giá".

Zarathustra đã nói như thế

Mặc dù là người vô thần, Nietzche tỏ ra rất sâu sắc khi phê phán những kẻ phụng thờ Thượng đế trên danh nghĩa, huỷ báng Ngài trong cung cách hành xử. Ông đã mượn lời của Zarathustra, một nhà tiên tri xứ Ba Tư, khi nhân vật hư cấu này chế giễu một vị thánh già nua ẩn cư chốn sơn lâm, để nói lên một sự thật phũ phàng: "Có thể như thế được chăng? Vị thánh già nua sống trong rừng thẳng ấy vẫn còn chưa biết răng Thượng đế đã chết rồi hay sao?". Nói cách khác, nếu xét đến hành trạng của các tính đồ Cơ Đốc và Do Thái, Thượng đế đã chết; nếu không, những kẻ thời phụng Ngài nào dám hành xử sai trái một cách tàn tệ đến thế!

Sự kiện Chúa chết đi vì tình yêu thương con người, Nietzche nhận định, chứng tỏ rằng tình yêu mang đến khổ đau và bất hạnh. Tình yêu khiến cho mỗi cá nhân dễ bị tổn thương trước những ảnh hưởng xấu xa và môi trường thù địch. Thực tế, bất hạnh xảy ra đến với người mình yêu có thể khiến chúng ta khổ não hơn so với khi tự mình gánh chịu nỗi bất hạnh ấy. Vì thế, mỗi cá nhân cần tự mình cân nhắc và nhận thức về những mối dây tình cảm ràng buộc trong đời; tuy nhiên, cũng phải luôn nhớ rằng Chúa đã chết vì tình yêu thương con người, cũng bởi vì thái độ bất trị của con người.

Nguồn: reds.vn
Previous Post
Next Post