Bệnh háo danh

Bệnh này có từ thời cổ đại, dai dẳng và được phát huy đến thời nay, nếu đi tìm một đức tính xấu xí của nguời Việt, có thể đặt “bệnh háo danh” lên đầu bảng. Biểu hiện của bệnh háo danh rất đa dạng. Có bệnh háo danh của các cá nhân, dĩ nhiên rồi. Nhưng không thể kể hết loại bệnh này ở các cá nhân, mà điều đặc biệt bệnh này có tính truyền nhiễm, lây lan ra cả cộng đồng. 

Bỗng nhiên cả một tổ chức có tính quốc gia phát động rầm rộ mọi người bầu danh hiệu kỳ quan thế giới cho Vịnh Hạ Long, mà không hiểu giá trị và cách thức cuộc bầu chọn ấy thế nào? UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long và một số di sản khác của Việt Nam là “di sản văn hoá thế giới” rồi, còn cái gọi là “kỳ quan” kia chỉ là một trang web cá nhân phát động, hơn hình thức trò chơi trực tuyến một chút. Mọi người tham gia là tốt, nhưng nên hiểu tầm mức của nó, chứ không thể cứ muốn là “kỳ quan” top 7 là đổ xô nhau bầu trực tuyến. Để làm gì? Một tác gỉa so sánh, là một Viện sĩ hàn lâm có uy tín rồi, nhưng công trình của ông ấy chỉ trong ngành biết thôi, giờ mang ông ấy ra cho bàn dân bầu xem ông ấy có là “bác học” không, na ná tình trạng cuộc bầu chọn Vịnh Hạ Long vậy.

Gần đây, cuộc phóng vệ tinh mà Việt Nam đặt mua cũng hơi ầm ĩ quá. Tuyên truyền sự cần thiết phải mua vệ tinh là đúng rồi, nhưng làm ầm ĩ lên chuyện phóng vệ tinh, chuyện tiếp thu vệ tinh, chuyện Việt Nam làm chủ công nghệ mới… là hơi vớ vẩn. Đôi khi lợi bất cập hại. Hoá ra Việt Nam giờ đây mới tiếp cận chuyện đó, bởi vì ở Đông Nam Á hiện nay đã có 5 quốc gia mua vệ tinh rồi, mà họ không chỉ có 1 cái như ta, họ có đến 4 cái nhá.

Mua vệ tinh, hơi khác mua máy bay, hơi khác em học sinh mua cái máy tính xách tay, nhưng tính chất là như nhau. Ta đặt và trao tiền, người ta bán và bảo ta cách dùng, thế thôi. Làm sao phải tuyên truyền ầm ĩ thế. Nói nhiều hoá ra lòi cái lạc hậu, đi sau ra. Qua cái thời tuyên tuyền Việt Nam bay vào vũ trụ, là nước đầu tiên ở châu Á lên vũ trụ. Lên vũ trụ kiểu đó để làm gì? Chỉ để tuyên truyền, chứ nền công nghệ vũ trụ mà qua chuyến bay đó ta sẽ hưng phát lên như Hàn Quốc bây giờ, thì chưa thể có được. Giống như câu ca dân gian: “Hàng đầu rồi biết đi đâu, đi đâu không biết hàng đầu cứ đi”

Bệnh háo danh lây sang lĩnh vực “kỷ lục Ghi nét”. Làm bánh chưng to cúng Tổ, tốt quá. Nhưng lại làm bánh chưng rởm thì Tổ buồn chứ. Làm cái gì to lớn, kỷ lục cứ làm đi, nhưng phải là thực chất. Còn chuyện háo danh của cánh văn nghệ sĩ, cán bộ, thì kể ngàn lẻ một đêm không hết được.

Bệnh háo danh có nguồn cơn từ ông Khổng Tử chăng? Ông tổ của Nho gia, người thầy của các nhà cầm quyền thời phong kiến dạy: “Trước hết phải chính danh”. Từ lý thuyết Nho giáo, nảy sinh một loại chính nhân quân tử, hình mẫu con người chân chính của mấy nghìn năm phong kiến, sống phải có sự nghiệp, lưu danh thiên cổ, đến mức “sống thành nhân, chết cũng thành nhân”, đó là những học trò xuất sắc của Khổng giáo, anh hùng thời đại thực sự.

Tuy nhiên, một lớp học thì số xuất sắc hơi ít, mà số bình thường và dốt thì nhiều, mà số học trò dốt thì dễ đi đến biểu hiện háo danh. Ôi, con người Việt Nam mang mầm mống háo danh từ ngàn xưa, mang truyền thống háo danh qua mấy ngàn năm đè nặng, đâu phải một sớm một chiều mà vùng thoát ra được. Nên có bệnh háo danh của cả cộng đồng, của đồng chí có quyền, thì cũng hiểu được. Hiểu được đã là tốt, thì có thể tránh được phần nào hay phần ấy. Phải không ạ?

Nguồn: nguyenxuanhung.com
Xem thêm: 'Thói háo danh và vĩ cuồng của trí thức'; 'Giả dối: khuyết tật của nền giáo dục'
Previous Post
Next Post