Trăm năm sau có cũng hoàn không
Cuộc đời sắc sắc không không
Trăm năm còn lại tấm lòng mà thôi.
Ngồi tĩnh lặng, mắt nhìn sâu vào
tâm thức, tai lắng nghe tiếng chim hót du dương, vạn vật tồn sinh vẫn nhịp
nhàng trôi chảy theo dòng đời bất tuyệt, như nhiên. Ai trong chúng ta đã bao
lần lãng quên chính mình, và rồi cũng lãng quên đi tất cả hạnh phúc xung quanh.
Con chim non kia có đòi hỏi gì đâu, chỉ xin hiến dâng đời một tiếng hót; ngọn gió nọ nào có phân biệt thân sơ, suốt đời âm thầm làm dịu mát cho đời những không khí thanh lương. Mây trên bầu trời cứ lờ lững trôi, nước suối trong veo vẫn ngày đêm róc rách… Và đâu đó xa xa, bên lưng gộp đá, dưới tàn cây cổ thụ, một lão thiền sư ngồi giặt áo thời gian, ngẫm ngợi bóng chớp đời mình đã đến, đã đi như chưa bao giờ có tuổi.
Con chim non kia có đòi hỏi gì đâu, chỉ xin hiến dâng đời một tiếng hót; ngọn gió nọ nào có phân biệt thân sơ, suốt đời âm thầm làm dịu mát cho đời những không khí thanh lương. Mây trên bầu trời cứ lờ lững trôi, nước suối trong veo vẫn ngày đêm róc rách… Và đâu đó xa xa, bên lưng gộp đá, dưới tàn cây cổ thụ, một lão thiền sư ngồi giặt áo thời gian, ngẫm ngợi bóng chớp đời mình đã đến, đã đi như chưa bao giờ có tuổi.
Cuộc đời người có khác nào con
cóc trong bài thơ nổi tiếng “dỏm”: Con cóc trong hang, con cóc nhảy ra, con cóc
ngồi đó, con cóc nhảy đi. Và, cứ thế…! Chỉ có cái khác duy nhất giữa con người
và con cóc, đó là ngoài bốn giai đoạn trong hang - nhảy ra - ngồi đó - nhảy đi,
con người còn song hành với tấm lòng: “Sống trong đời sống, cần có một tấm
lòng… để gió cuốn đi”. Chỉ với hai chữ đơn giản, “tấm lòng” của con người đã vẽ
ra muôn màu muôn vẻ của cuộc sống. Có khi tấm lòng dâng cao như Thái Sơn, rộng
sâu như biển cả, nhưng có khi tấm lòng cũng khiêm tốn như ngọn kim, nhỏ hẹp như
đường chỉ.
Có một số người cho rằng, tấm
lòng quý hơn tất cả mọi thứ bạc vàng châu báu trên trần đời. Cụ thể như cụ
Nguyễn Du: “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Hễ nói đến tấm lòng, chúng ta
thường liên tưởng đến tính tốt của con người. Nhưng cái tốt từ đâu mà có? Dĩ
nhiên, nhờ phân biệt với cái xấu mà cái tốt hiện hành. Nếu thế gian toàn là màu
trắng thì không thể có cái gọi là màu trắng. Ở đây và nơi này, nơi mà tâm thức
của lão du sĩ chỉ biết nhìn màu hoàng hôn và đếm nhịp thời gian, tấm lòng của
lão cũng tạm thời trình diễn vài khía cạnh bên lề.
“Tấm lòng” theo ca từ của Trịnh
Công Sơn là một trong những khía cạnh tốt đẹp của tâm thức, nó bao hàm nghĩa
mến yêu, thương cảm trước số phận khổ đau, và vui mừng cho ai khi hạnh phúc.
Bằng ấy là cũng khá đủ rồi, nhưng kẻ chăn trâu như tôi vì muốn tìm trâu cho kỹ
nên phá lệ mà gợi thêm một chút dông dài. Khi nói đến tính tốt trong tâm lý
người, có thể kể đến nhiều khía cạnh: lòng tin, tự thẹn với mình, xấu hổ với
người, không tham lam, không nóng giận, không si mê, không phóng đãng, không
hại, sự buông bỏ, thư thái, nhu nhuyến, thích ứng, chánh trực, thương yêu, vui
vẻ, v.v… Còn những khía cạnh xấu, nó lấn chiếm rất nhiều diện tích trong mảnh
ruộng tâm, chúng ta có thể nhận diện: lòng tham, sự nóng giận, ngu si, kiêu mạn,
nghi ngờ, nhìn nhận sai lầm, sự phẫn uất, hận thù, che giấu, phiền muộn, ganh
tỵ, keo kiệt, lừa dối, nịnh bợ, tự cao tự đại, v.v…
Kể ra cho nhiều để làm rối bời
lẫn nhau, thật ra chỉ cần có tấm lòng là dung hòa được tất cả. Một tấm lòng tốt
luôn luôn tiềm ẩn những khía cạnh khác của cái tốt trong chính nó, một tâm lý
xấu cũng vậy. Cho nên, khi để lòng yên tĩnh, thì thời gian và không gian đều du
dương theo nhịp đàn nhân nghĩa, một chút muộn phiền là đau khổ nảy sinh. Khi
chú tâm trau dồi lòng tốt thì tính xấu không còn đất cắm dùi. Quên đi thực tại
đời người, chằm hăm vào địa vị tiền tài, thì đời sống này còn gì hoa trái, hay
chỉ chôn vùi trong giành giật, đấu tranh.
Trong đời sống xã hội này, làm
sao không có chuyện vàng thau lẫn lộn, thiện ác cộng sinh. Cũng vậy, trong tâm
lý người, dĩ nhiên luôn song hành giữa tấm lòng và sự đua tranh, ích kỷ. Cái
đẹp cũng của mình, cái xấu cũng đâu phải ở ngoài ta. Muốn phát huy cái đẹp
trong lòng và tẩy trừ tính xấu đang xâm chiếm tâm hồn, dĩ nhiên không làm sao lột
bỏ như cởi chiếc áo dơ, hay thay bìa quyển sách cũ. Mà vấn đề chính yếu là phải
từng phút giây ta nhận diện.
Thấy được bản chất em rồi, thì
xấu đẹp gì anh cũng yêu thương. Bởi vì “em là tôi và tôi cũng là em”, trong ta
chưa từng cách biệt. Có cách biệt chăng, là do anh quên nhìn em mỗi ngày, và em
cũng chẳng thấy anh trong từng khoảnh khắc. Giả sử anh tên là “tấm lòng”, em
được khai sinh là sự ghen tuông ích kỷ. Nếu anh và em cùng ngồi chung một chiếc
ghế màu xanh, qua mây nước của cây trời vô tận, dõi mắt nhìn về một khung trời
tịch lặng xa xa, thì anh và em còn đâu tên tuổi. Hòa nhịp trong nhau rồi, thì
ta cùng san sẻ cho nhau, mặt trời mọc lùa trâu cày ruộng, buổi hoàng hôn mình
vác cuốc đi về, khi giàu có ta cùng nhau chung hưởng, lúc nghèo hèn thì chia
nhau chén ruột bầu nấu với râu tôm.
Cuộc sống còn có gì đâu khi tấm
lòng đã an nhiên ngự trị. Khi tâm thái an nhiên rồi, thì ta cứ như cánh chim
kia tung bay trong không gian bao la của tình thương mến, ban cho đời những
tiếng hót thanh tao. Ta trải lòng mình như trăm suối đổ về sông, ta thong dong
như áng mây lơ lửng, ta không hờ hững trước những nỗi bất an. Chỉ đơn giản vậy
thôi, thế mà có những đóa hoa đời vẫn rong ruổi truy cầu, làm sao đây để tẩy
trừ tâm tính xấu, làm sao đây khi tôi muốn mình hoàn toàn là đóa hoa tuyệt sắc
của trần gian. Cần gì bận tâm, cần gì lo lắng, cứ như thế mà lẳng lặng nhìn
nhận tâm hồn, nhìn nhận khổ đau. Khi nhìn nhận rõ ràng thì mình sẽ có khả năng
làm chủ, hướng dẫn tấm lòng hãy đồng hành với người yêu của mình là dại dột,
vụng về.
Chỉ có thế, và cuộc đời này đâu
có gì ngoài như thế, xin chia sẻ cùng người vài giây phút trầm tư. Hy vọng
thiện ác nhất như, thân sơ vô biệt, tâm cùng tâm như mây trời xanh biếc, người
cùng người tràn ngập niềm thương yêu. Xin bà con nhớ cho một điều, tấm lòng ấy
là chơn như giá trị. Bóng mặt trời vừa khuất sau đồi núi, cánh chim chiều đã
mỏi cánh tìm nơi, trâu tôi chăn cũng vừa no cỏ, cánh đồng xanh xin từ giã quay
về.
Nguồn Tập San Pháp Luân 37