Giản dị trong cung cách ứng xử

Chuyện giao tiếp, ứng xử trong cuộc sống quả thực rất phức tạp và tế nhị. Bao nhiêu buồn vui, hạnh phúc của chúng ta phần nhiều cũng từ đó mà ra.

Mọi giao tiếp thường ngày, nếu được diễn ra với cung cách ứng xử giản dị, sẽ là một cách thức đầy sức mạnh để chia sẻ những kinh nghiệm, để tạo ra sự thân tình và xây dựng tốt mối dây liên kết giữa người với người.

Hãy là chính mình

Để có thể giản dị trong cung cách ứng xử với người khác, trước hết bản thân mỗi chúng ta phải dám sống thật với chính mình!

Trong cuộc sống, phải thừa nhận một thực tế là, nhiều người không dám sống thật với chính mình, với những gì mình đang có, với hoàn cảnh thực tế của mình!

Giữa những mối quan hệ xã hội phức tạp đan xen chằng chịt, có những người trong một ngày phải mang không biết bao nhiêu chiếc “mặt nạ” khác nhau, để giao tiếp với đủ mọi loại người. Lúc nào họ cũng phải sống trong tâm trạng canh chừng, đề phòng người khác. Không dám sống thật với mình là một điều đau khổ nhất! Tại sao lại phải khổ như vậy? Tại sao không là chính mình?

Các nhà tâm lý học nhận thấy, trong mỗi con người, có khi tồn tại cùng một lúc ba cái Tôi, đó là “cái Tôi chân thực” (tức cái Tôi mà bản thân chúng ta thực sự đang có), “cái Tôi ảo tưởng” (tức cái Tôi mà chúng ta tưởng rằng mình có) và “cái Tôi lý tưởng” (tức cái Tôi mà chúng ta đang khao khát vươn tới, muốn trở thành).

Trong ba cái Tôi kể trên, thì “cái Tôi ảo tưởng” (hay còn gọi là ngụy ngã) chính là cái tôi nguy hại nhất. Nó làm cho con người không dám sống thật là chính mình. Quan sát cuộc sống, bạn sẽ thấy có vô số biểu hiện khác nhau của cái Tôi ảo tưởng.

Biểu hiện trước tiên của cái Tôi ảo tưởng chính là căn bệnh “không đủ”. Trong cuộc sống, tiền bạc, địa vị cùng danh vọng là ba cái có sức mạnh quyến rũ biết bao người. Con người ta, ai lại chẳng mong có được những thứ này! Căn bệnh này khá phổ biến ở nhiều người trong giao tiếp ngày nay. Cảm giác “không đủ” đó luôn luôn hiện hữu trong họ.

Những người mắc phải “căn bệnh” này luôn tự nhủ rằng: mình không đủ bằng cấp, mình không đủ thông minh, không đủ giàu có, không đủ địa vị, không đủ xinh đẹp… Chao ôi! Danh sách của sự ham hố, tham lam cứ thế mà tiếp tục… Nhiều người luôn cảm thấy thiếu thốn và thèm muốn đủ mọi thứ trong cuộc sống. Lúc nào họ cũng thầm nghĩ trong lòng: “Tôi cần nhiều hơn nữa, những thứ đã bị bỏ lỡ. Liệu tôi có nên thay đổi công việc? Hay là quay trở lại trường học để kiếm thêm bằng cấp? Đổi chỗ ở? Làm sao để thăng tiến?…”

Một số người khác lại thích bắt chước những kiểu áo quần, kiểu tóc, cách cư xử và lối sống của người khác. Họ hoàn toàn không dám sống như chính bản thân mình! Lúc nào họ cũng muốn “sao chép” lại người khác, muốn là một “bản sao” của người khác.

Bên cạnh căn bệnh “không đủ” nêu trên, thì ham địa vị và háo danh cũng là “căn bệnh” của nhiều người trong xã hội. Biểu hiện của căn bệnh này ở nhiều người là họ luôn thèm khát lời khen của thiên hạ đến mức đê mạt! Không phải chỉ có con nít mới ham được khen đâu! Có nhiều người tuy đã lớn tuổi, mang danh là trí thức hẳn hoi mà vẫn huếnh hoáng, khoe khoang, đấu đá, đòi hỏi, rất tầm thường và thiếu văn hoá.

Phải có một đầu óc rất trưởng thành, con người mới may ra thoát khỏi được thói háo danh. Sau những vất vả, lo toan của cuộc sống, sau những thấm thía của bề trái cuộc đời, con người mới có thể bớt đi những ham muốn danh vọng hão huyền và sẽ nhận ra điều gì là quan trọng, đáng quan tâm trong cuộc sống. Quả thực, cuộc sống của chúng ta có nhiều điều quan trọng, đáng quan tâm hơn danh vọng rất nhiều!

Tất cả những con người trên đây đã quên mất một điều rằng: Con người ta không thể đứng vững bằng sự ảo tưởng về bản thân! Con người chỉ trở thành đáng kính trọng một khi đã bước qua được những chuyện tầm phào, thói háo danh cùng vô số những chuyện vô bổ của đời thường… để sống thật với lòng mình.

Điều đáng sợ nhất trong cuộc sống là không hiểu được mình là ai, nhất là sợ mình trở thành lố bịch trước mặt mọi người mà không biết. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà chúng ta không dám sống thật với chính mình.

Muốn vươn tới cái Tôi lý tưởng, trước hết con người phải có đủ can đảm sống với cái Tôi chân thực của mình!

Mỗi người là độc nhất vô nhị trên cuộc đời này! Thế thì, tại sao chúng ta không sống như chính những gì mình đang có? Thay vì luôn có suy nghĩ rằng mình “không đủ”, chúng ta có thể tiến tới một sự khẳng định chân thật hơn – rằng mình “có đủ”. Hãy thay đổi suy nghĩ của bản thân. Nếu lâu nay bạn vẫn nghĩ, “Mình không đủ bằng cấp, mình không đủ thông minh, không đủ giàu có, không đủ địa vị, không đủ xinh đẹp…” thì nay bạn hãy thay thế bằng ý nghĩ: “Tôi có đủ thông minh, tôi đủ mảnh mai, tôi đủ giản dị!”. Chỉ có cách đó, tôi mới chính là tôi.

Nói cách khác, bạn hãy tự hào về bản thân như những gì mình đang có. Hãy bước đi với lòng can đảm và ngẩng cao đầu để nhìn mọi người. Hãy sống thành thật với chính mình. Hãy tin vào chính mình và chú tâm vào những gì tích cực. Những điều này sẽ trở thành nền tảng vững chắc cho tương lai của bạn.

Đừng mãi thu mình vào vỏ ốc

Nhưng tại sao, trong cuộc sống, nhiều người cứ luôn tự tìm cách che giấu mình? Nhiều người khác lại cảm thấy ngại ngùng, không dám bày tỏ những cảm xúc thật của mình. Họ không dám sống thật, không dám thể hiện bản thân trước mặt người khác bằng những gì như mình vốn có?

Chắc hẳn là có rất nhiều lý do. Hoàn cảnh của con người ta không ai là hoàn toàn giống ai cả, nên mỗi người đều có thể có lý do riêng. Trước hết, có thể vì mang nặng mặc cảm tự ti, nên mới phải tự che giấu mình! Có khi vì tính tình nhút nhát, chưa biết cách ứng xử tế nhị trong cuộc sống hàng ngày. Có khi vì ngại bị người khác xét đoán, gán nhãn, cho nên phải tự tìm cách che giấu mình. Có những người tìm cách thu mình vào vỏ ốc thường là vì họ hoặc muốn tránh né hoặc lo sợ về một điều gì đó. Nhiều người khác lại nghĩ, nếu mình sống thật như những gì mình có, mình sẽ bị người khác xem thường, chỉ trích hoặc làm cho mình bị bẽ mặt. Hoặc cũng có khi là do trước đây đã từng gặp phải một tổn thương tâm lý nào đó, nên nay không còn muốn mở lòng với người khác. Hoặc có khi vì bị mất niềm tin vào người khác, mất niềm tin vào cuộc sống, cũng tự tìm cách che giấu bản thân.

Ngoài những lý do trên, còn một lý do nữa là sự ảo tưởng về bản thân. Thường khi chúng ta nghĩ rằng, chúng ta bị thiên hạ chú ý nhiều quá nên chúng ta phải tự che giấu mình. Nhưng thực ra, thiên hạ chẳng mấy ai chú ý đến chúng ta nhiều như chúng ta nghĩ! Một lúc nào đó, chúng ta sẽ khám phá ra bản thân mình cũng quá bình thường, mờ nhạt như mọi người. Một khi bản thân mình đã quá bình thường, mờ nhạt thì có gì đâu để mà che giấu!

Chúng ta khó có thể liệt kê đầy đủ mọi lý do khiến người ta tự chui vào “vỏ ốc”. Nhưng điểm chung nhất của tất cả những lý do nêu trên phải chăng chính là mối lo sợ ở trong lòng. Mối lo sợ trong lòng khiến con người ta muốn giấu mình khỏi cái nhìn của người khác, của cuộc đời. Có thể nhiều người nghĩ rằng, tìm cách giấu diếm bản thân mình – trốn tránh vào “lớp vỏ” nơi người ta không thể nhìn thấu được thì họ sẽ được an toàn hơn. Do vậy, họ không bao giờ dám để cho người khác thật sự hiểu được họ là người như thế nào.

Chính vì lo sợ nên mới phải tìm cách giấu diếm mình. Nhưng khi chúng ta càng tự thu mình vào vỏ ốc, thì nỗi sợ hãi của chúng ta chỉ càng trở nên lớn thêm. Thực ra, khi sống chân thật với những gì bên trong lòng mình thì dễ chịu cho chúng ta hơn. Và nhiều khi chính vì chúng ta cứ tự thu mình vào “vỏ ốc”, nên người khác không biết phải ứng xử như thế nào, đành tự thu mình vào “vỏ ốc” tương tự như chúng ta. Ước gì những ai lâu nay không dám sống thật sẽ nhận ra ích lợi của việc tự chui ra khỏi “vỏ ốc” và dám bày tỏ những cảm xúc chân thật của lòng mình.

Đành rằng, trong cuộc sống không phải lúc nào chúng ta cũng phải “phơi bày” mọi chuyện của chúng ta cho thiên hạ thấy. Mỗi người đều có thể có những bí mật riêng tư nào đó cần giữ kín mà người khác phải tuyệt đối tôn trọng. Có những người mang nhiều nỗi khổ đè nén trong lòng nhưng vì nhiều lý do không thể thổ lộ cùng ai, đành “sống để dạ, chết mang theo”. Đó là những điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà lúc nào chúng ta cũng tự khép kín, không chịu cởi mở tấm lòng với người khác về những vấn đề khác.

Suy cho cùng, dù với bất cứ lý do gì, chúng ta cũng không cần thiết phải tạo ra một lớp vỏ bọc khiến mình trở nên phức tạp trong mắt kẻ khác. Bạn cứ mãi thu mình vào vỏ ốc thì đừng trách tại sao thiên hạ thường hiểu lầm về bạn. Bởi vì, khi bạn giấu mình, người khác sẽ không thể thấu hiểu nội tâm bạn. Chúng ta đều là những con người có khát vọng được người khác thấu hiểu và thừa nhận. Khi giữa người với người có sự thấu hiểu thì cuộc sống sẽ trở nên chan hòa hơn, an bình hơn.

Tất cả những gì khiến bạn có thể đánh mất đi khát vọng này chính là sự ngại ngùng và nỗi lo sợ của chính bạn. Do vậy, từ nay đừng tự chui vào vỏ ốc nữa, mà hãy tạo cơ hội cho người khác thấu hiểu bạn. Nếu bạn nhất quyết can đảm bước ra khỏi “vỏ ốc” lâu nay, bạn có thể tham gia một cách trọn vẹn vào cuộc đời không có sự sợ hãi bất cứ điều gì khác. Từ đó, bạn có thể biểu lộ tình yêu thương qua cách ứng xử giản dị, chân thành và bạn sẽ thấy mình xứng đáng được hạnh phúc như thế nào. Người giản dị sẽ dễ đi vào lòng người, dễ được người khác thấu hiểu.

Dám sống thật với người khác

Trong giao tiếp hằng ngày, khi không dám sống thật với mình, chúng ta khó có thể sống thật với người khác. Xa hơn và có sự khác biệt về chất so với việc tự thu mình vào vỏ ốc, còn có thêm một biểu hiện rất cụ thể của việc không sống thật với người khác, đó chính là thói giả dối.

Những người có thói giả dối, trước hết thường cố ý tự tạo cho bản thân mình một lớp “vỏ bọc”. Lớp vỏ bọc này còn nguy hiểm và đáng sợ hơn so với những người tự thu mình vào vỏ ốc rất nhiều. Đối với những người chủ trương sống giả dối, lớp “vỏ bọc” này không phải là để trốn tránh người khác, mà là để ngụy trang.

Trong giao tiếp, lòng họ không hề quý mến bạn, nhưng họ luôn tạo được nơi bạn cảm giác bạn được họ quý mến. Ngoài miệng, họ không ngớt lời khen bạn xinh đẹp, nhưng trong lòng họ lại nghĩ bạn xấu xí chẳng kém gì Thị Nở. Đối với bất cứ ý tưởng nào mà bạn nêu ra, họ luôn gật gù, tỏ ý hoàn toàn ủng hộ bạn. Lúc nào họ cũng tỏ vẻ thân thiện với bạn, nhưng bên trong họ có thể có những mưu đồ ngấm ngầm làm hại bạn. Trước mặt bạn, họ có thể hết lời tâng bốc bạn và nói xấu sau lưng người khác. Nhưng khi đứng trước mặt người khác mà vắng mặt bạn, họ lại hết lời tâng bốc kẻ mà họ vừa nói xấu và không ngại gì mà không nói xấu sau lưng bạn. Với bất cứ việc làm nào của bạn, họ không ngớt lời khẳng định bạn là người có năng lực, nhưng trong lòng họ luôn để tâm rình rập những sai sót của bạn nhằm hất cẳng bạn. Nói tóm lại, họ không hề yêu thương người khác, nhưng lại luôn tỏ vẻ yêu thương.

Có thể nói, thói giả dối là nguyên nhân làm cho đời sống của chúng ta trở nên phức tạp nhiều nhất! Nó làm cho chúng ta luôn phải sống trong tâm trạng bất an, không biết đâu là thật, đâu là giả? Nó khiến chúng ta lúc nào cũng phải căng mắt, căng óc ra để phân biệt, mà trong rất nhiều trường hợp, khó mà phân biệt nổi!

Tại sao nhiều người không sống chân thật? Giả dối để làm gì? Sao họ không nghĩ đến những tác hại của thói giả dối đối với chính bản thân họ? Với những người thích tạo cho bản thân mình một lớp vỏ bọc ngụy trang, họ đã quên tục ngữ có câu: “Chiếc kim trong bọc lâu ngày cũng lộ.” Tìm cách giấu giếm một điều gì đó thì sớm muộn gì điều ta giấu giếm cũng bị tiết lộ bằng cách này hay cách khác. Cố gắng tạo cho mình một “vỏ bọc hoàn hảo” nhưng rồi thì sớm muộn gì thiên hạ cũng sẽ phát hiện ra chân tướng của ta. Đến khi đó thì ta còn mặt mũi nào để nhìn thiên hạ nữa? Đến khi đó thì còn ai tin tưởng chúng ta nữa? Đến khi đó thì chúng ta còn giao tiếp với ai được nữa? Và nhất là, đến khi đó thì chúng ta còn có thể chung sức với ai để làm việc được nữa?

Bên cạnh tác hại của thói giả dối đối với cuộc sống của chính người có thói giả dối, chúng ta không thể kể hết những tác hại của thói giả dối đối với cuộc sống xã hội cũng như cuộc sống của từng cá nhân con người.

Thói giả dối, đầu tiên có thể chỉ là một kiểu ứng xử đánh lừa người khác, nhưng dần dần nó trở thành thói quen, ngấm sâu vào tận bản chất thì sẽ làm xói mòn nhân cách con người. Con người khi đó khó mà trở lại như bình thường được nữa. Họ sẽ ứng xử phi nhân tính một cách hết sức tự nhiên, làm điều ác mà không bao giờ nghĩ là mình đang làm điều ác. Điều đó rất nguy hiểm.

Chỉ có sự giao thiệp vồn vã, hời hợt bên ngoài mà không có sự thành thật, thì giữa người với người vẫn chỉ là hố thẳm cách ngăn. Thói giả dối làm mất niềm tin giữa người với người, làm mục ruỗng nền tảng đạo đức xã hội, kìm hãm xã hội phát triển. Thói giả dối khiến cho nhân cách con người thành hèn hạ. Con người ta buộc lòng phải sống không phải với chính mình, buộc lòng phải sống mưu mẹo, gian trá với mọi người.

Tóm lại, những dối trá, lọc lừa khiến cho cuộc sống thêm phức tạp, hỗn loạn. Tránh được thói giả dối nhiều chừng nào thì xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn chừng nấy. Chúng ta hãy thử hình dung một xã hội mà ở đó con người ta đến với nhau bằng một thái độ cởi mở, chân thành, bằng khiếu hài hước, trí thông minh hóm hỉnh… thì xã hội sẽ thanh bình, yên ổn, đẹp đẽ và vui tươi hơn biết bao! Không có mưu mẹo xảo trá, không có dối gạt, không có khoe khoang, tự phụ, giả vờ… Khi đó, những chiếc “mặt nạ” sẽ bị cởi bỏ hết, và con người sẽ được sống chân thành, giản dị như chính những gì bản thân mình đang có.

Lại Thế Luyện
Nguồn: huongdaoonline.net
Xem thêm: 'Sợ bộc lộ bản thân mình'
Previous Post
Next Post