Thế giới của con người

Lời Phật dạy:

“Thế giới con người đang thấy và biết là thế giới chấp thủ của điên đảo tâm, điên đảo tưởng, điên đảo tình và điên đảo kiến phát sanh do vô minh”.

Chú giải:

Lời dạy trên đây của đức Phật là chỉ thẳng để chúng ta đừng lầm chấp cái thế giới chúng ta đang sống.

Thế giới chúng ta đang sống là thế giới duyên hợp, nó chẳng có cái gì thật cả, nhưng chúng ta không hiểu biết rõ ràng thường chấp chặt cho nó là có thật ngã, vật nào cũng có thật. Do thấy biết vật nào cũng như thật, vì thế mỗi khi chúng ta có mất mát một vật gì thì lòng chúng ta buồn khổ da diết.

Ví dụ: Như mất của cải tài sản, cha mẹ chết, con cái mất, v.v.. thì khổ sở vô cùng, gần như muốn chết.

Do thấy biết vật nào cũng như thật, nên cố gắng làm và tạo ra cho nhiều vật chất, v.v.. Vì thế, suốt cuộc đời đành phải chịu nhọc nhằn và đành phải làm những điều gian ác, trộm cắp gian lận, hối lộ ăn đút lót, giết người cướp của. Những hành động đó, vốn cũng chỉ để mong sao tạo ra vật chất càng nhiều càng tốt.

Sự hiểu biết sai lệch như vậy, nên mới đem hết sức lực của mình ra để làm cho nhiều của cải và tài sản, tuy bằng mồ hôi nước mắt của mình, không phải cướp giật của ai, nhưng có cái tội là đày ải thân tâm chúng ta quá nhiều khổ nhọc, v.v.. Với tâm tham đắm vật chất như vậy, mà người đời gọi là lòng tham không đáy. Do sự hiểu biết lầm lạc mà đã biến thành lòng tham không đáy ấy, nên đức Phật chỉ thẳng cho loài người biết: “Thế giới con người đang thấy, biết là thế giới của chấp thủ, của điên đảo tâm, điên đảo tưởng, điên đảo tình và điên đảo kiến phát sanh do vô minh”.

Lời dạy này rất đúng. Từ tham muốn cái này, đến tham muốn cái khác, cái tham muốn này không bao giờ dừng. Nên vì thế, khổ đau cũng không bao giờ dừng.

Đức Phật muốn cho đệ tử của Người dừng lòng tham muốn ấy, nên Ngài mới dạy giới luật đức hạnh làm người làm Thánh. Giới không cất giữ tiền bạc, ngọc ngà, châu báu, v.v.. cũng là một đức hạnh ly tham. Vì còn cất giữ tiền bạc là còn chấp thủ, cho nên các nhà sư Đại Thừa hiện giờ còn cất giữ tiền bạc là còn chấp thủ, còn chấp thủ thì tâm điên đảo, tâm điên đảo là tâm không sáng suốt, tâm không sáng suốt nên không thấy thế giới của loài người là thế giới tưởng tri, do các duyên hợp lại tạo thành, chứ thật ra không có vật gì là thật có. Các nhà Đại Thừa tuy luận nói như vậy, mà lối sống không đúng vậy. Cho nên, tâm điên đảo thấy biết các pháp là thật có. Vì vậy, mới xây dựng chùa to Phật lớn, làm đẹp cảnh quang.

Qua lời dạy của đức Phật trên đây chúng ta thấy rõ các nhà Đại Thừa điên đảo tâm, chấp thủ dính mắc vật chất thế gian quá si mê. Các Ngài cho rằng xây cất chùa to Phật lớn, đúc chuông, tạc tượng, v.v.. là có phước vô lượng, là xây dựng Phật giáo, là làm cho Phật giáo hưng thịnh. Cái nghĩ tưởng có phước vô lượng, làm cho Phật giáo hưng thịnh, thì đó là chấp thủ thế giới hữu hình. Còn chấp thủ thế giới hữu hình là còn lo tạo dựng, còn tạo dựng thì đó không đúng như lời Phật dạy: “Thế giới con người đang thấy và biết là thế giới của chấp thủ của điên đảo tâm, điên đảo tưởng, điên đảo tình và điên đảo kiến...”. Như vậy, những người lo xây dựng chùa to Phật lớn, đúc chuông, tạc tượng, v.v.. là những người chấp thủ của điên đảo tâm, điên đảo tưởng, điên đảo tình và điên đảo kiến, v.v..

Cái thế giới tưởng tri do các duyên hợp lại mà thành, đâu có vật gì là thật, thế mà vì tâm chấp thủ nên ngu si vô minh mới lo xây dựng, làm hao tốn biết bao nhiêu của cải, công lao của đàn na thí chủ.

Người tu sĩ chân chánh của Phật giáo thấy thế giới này là thế giới không thật, mọi vật đều vô thường, vô ngã, nên họ quyết từ bỏ và xa lìa, không để tâm dính mắc một vật gì của thế giới này. Vì thế, họ chấp nhận một đời sống ba y một bát, đi xin ăn, lấy gốc cây làm giường nằm.

Cho nên, những người chấp nhận đời sống ba y một bát, đi xin ăn là những người thấy biết thế giới này thật sự là các duyên hợp như mộng, như huyễn nên họ không chấp thủ, không chấp thủ nên tâm hồn họ trắng bạch như vỏ ốc, phóng khoáng như hư không. Họ không có chùa to Phật lớn, không có vật chất thế gian nhiều. Vì thế, họ không có điên đảo tâm, điên đảo tưởng, điên đảo tình và điên đảo kiến. Ngược lại, là những người đang sống trong điên đảo, thật đáng thương vậy.

Trưởng lão Thích Thông Lạc
Trích ‘Những lời gốc Phật dạy’
Previous Post
Next Post