Khi muốn thay đổi

Đó là điều bạn từng nghĩ đến, nhưng khi giấc mơ thể hiện điều đó lại khiến bạn u sầu mấy ngày, không thể tự lý giải.

Bạn kể rằng, hôm qua bạn đã mơ một giấc mơ, bạn nói được lời chia tay mà bạn nghĩ sẽ nói bao năm qua, bây giờ trong giấc mơ bạn đã nói rằng: “Mối tương giao của chúng ta chỉ làm bận tâm nhau, gặp nhau cũng chỉ làm buồn thêm, chúng ta nên chấm dứt”, và người bạn ấy bằng lòng.  Bạn buồn rầu nói thêm, sau lời nói đó, bạn đứng cạnh người bạn ấy, nhưng bạn ấy chăm chú vào tập sách trước mặt, không ngẩng lên nhìn bạn và dường như không biết bạn bên cạnh. Bạn thức giấc với một nỗi buồn - một nỗi buồn vô lý. Và nỗi buồn bạn cho là vô lý đó cứ vương trong tâm.

Trong tâm chúng ta nghĩ mọi chuyện rất đơn giản, quyết tâm, sửa đổi, dứt khoát, cải cách… Nhưng vì sao không thực hiện được? Bình tâm mà xét lại, tận thâm sâu, chúng ta chưa đủ kiên tâm với điều đang suy nghĩ đó. Chính vậy chúng ta thường nói hay hơn điều mình có thể làm, dù rằng khi nói, nói với thật tâm mong muốn như vậy. Con người được giáo dục và định hướng sẽ có những suy nghĩ rất chuẩn mực, nhưng sự suy nghĩ chuẩn mực đó chưa thật sự thấm vào tận bề sâu để thay đổi thật con người của ta.

Bạn ưu tư, có lẽ không phải vì sợ sự thật như giấc mơ mà đau lòng nhận thấy những gì mình nghĩ lâu nay không đúng với lòng mình. Tâm bạn vẫn muốn duy trì một điều không thể, nhưng trên bề mặt bạn vẫn tưởng mình đã quyết tâm từ bỏ. Không nên bảo rằng ai cũng vậy, bạn ạ. Trong việc sửa đổi đời mình, điều mình cần biết là chính tâm tư mình thế nào, những gì mình phát biểu có thật phản ảnh tâm tư chăng, hay chỉ trong nhất thời? Vì con người muốn được tất cả tiện nghi và thắng lợi vẫn chiếm giữ mọi mong muốn và hành động trong bạn.

Chúng ta thường nói mãi đến hi sinh, đến nhường nhịn… nên chính mình cũng tưởng tâm tư mình như thế. Khi có chuyện xảy ra, mới biết mọi điều vẫn là một giằng co và tranh đấu để làm theo sự phát nguyện của mình. Tuy rằng một đôi khi làm đúng như lời nói, nhưng trong tâm vẫn không vui lắm, vì tự biết thật sự tâm mình vẫn chưa được như thế.

Nhưng chớ buồn lắm, bạn ạ. Một khi làm việc nên làm, dù trong tâm có phiền muộn đôi chút, vẫn là một chiến thắng được chính mình. Muốn sửa đổi từ một con người với đủ những sự huân tập dành mọi tốt đẹp cho riêng mình, những tư hữu ích kỷ cá nhân, những toan tính hạn hẹp… không phải chỉ nghĩ đến sửa đổi là thành người tốt ngay.

Trước hết, bạn biết kịp khi nó phát khởi ở một đoạn đường ngắn. Nói một đọan đường ngắn, vì sức mạnh cuốn trôi của nó khiến chúng ta khó nhận biết ngay. Bạn thường thắc mắc, có khi nào mình biết trước được không. Biết trước! Nếu biết trước thì đâu còn gì gọi là tu tập nữa, mọi điều đã hoàn chỉnh hết rồi.

Sự sai khác giữa bây giờ và trước kia, nằm ở khoảng cách “biết” của bạn. Ngày trước không biết đó là điều nên dừng, nên theo mải miết. Bây giờ khoảng cách có ngắn hơn, bạn sẽ biết sau trong một thời gian ngắn nó phát tác.

Rồi sao nữa! Thì khoảng cách mỗi lúc sẽ một ngắn hơn. Cho đến lúc bạn mới nhận ra những lời chỉ dạy rằng, “điều gì khởi lên trong tâm thì nhận biết”. Chỉ khi nhận biết rõ ràng, điều đó mới có thể không cuốn trôi tâm bạn.

Đoạn đường ngắn này vì được nói quá đơn giản nên đôi khi chúng ta mất cả khoảng thời gian dài để cảm nhận, vì nghe hiểu nhưng không áp dụng được. Ngày bạn cảm nhận được, bạn sẽ thấy, mọi sự đối với bạn có dễ dàng ra đôi chút. Nhưng mọi chuyện chưa dừng điểm đó, vì rồi bạn lại quên, và mọi chuyện chỉ còn để kể rằng, có lần bạn nhận biết như vậy.

Giống việc học, không phải tốt nghiệp là xong, bạn còn phải mất rất nhiều năm làm việc, bạn mới có thể thành thạo và lúc đó cuộc sống của bạn cũng dễ chịu như công việc bạn làm không có chút khó khăn, khi đã nhiều năm kinh nghiệm vậy.

Trích Từ Bước Chân Xa
Nguồn: hoalinhthoai.com
Previous Post
Next Post