Lập lại mối liên hệ giữa tiềm thức và ý thức

Trí năng của chúng ta đã tạo ra một đời sống mới đặt nền tảng trên sự thống trị thiên nhiên và sáng chế ra những máy móc quái gở. Máy móc có công dụng hiển nhiên khiến cho chúng ta không thể loại bỏ đi được và cũng không thoát khỏi sự chi phối của máy móc. Người ta không thể không nghe tiếng gọi phiêu lưu của tinh thần khoa học và phát minh và không khỏi tự phụ về những thành quả chinh phục thiên nhiên. Tuy nhiên thần khí của người ta biểu lộ một khuynh hướng đáng ngại, họ sáng chế ra những cái thật nguy hiểm, những khí cụ mỗi ngày một công hiệu hơn để đi đến sự tự vẫn tập thể.

Đứng trước sự gia tăng dân số kinh khủng, người ta tìm cách ngăn cản lại. Nhưng biết đâu thiên nhiên không đề phòng ý muốn của họ mà làm cho những sáng chế của họ quay lại ám hại họ. Bom khinh khí có thể chặn đứng sự gia tăng dân số rất công hiệu. Mặc dù có ngưỡng vọng hợm hĩnh thống trị thiên nhiên, chúng ta vẫn còn là nạn nhân của thiên nhiên bởi vì chúng ta chưa thống trị được chính mình. Chúng ta tiến dần nhưng chắc chắn đến sự thảm bại.

Bây giờ ta không còn cần đến ông trời nào để giúp đỡ chúng ta nữa. Những tôn giáo lớn trên toàn cầu càng ngày càng tàn lụi, bởi vì những ông thần hộ vệ con người đã bỏ rừng núi sông ngòi ra đi và những người trời đã rút lui yên vị vào tiềm thức của chúng ta. Chúng ta yên ổn với ảo tưởng là những ông thần ấy cam chịu sống sỉ nhục mai danh ẩn tích như những món đồ cổ của quá khứ chúng ta. Đời sống hiện tại của chúng ta bị thống trị bởi nữ thần Lý trí, đó là ảo tưởng to tát nhất và cũng bi thảm nhất của chúng ta.

Nhờ có lý trí mà chúng ta đã “chiến thắng thiên nhiên”.

Nhưng thực ra đây chỉ là một thứ biểu ngữ, bởi vì cái ta cho là chiến thắng thiên nhiên đã làm ta chết ngột dưới hiện tượng nhân mãn thiên nhiên (le phénomène naturel de la surpopulation), thêm vào sự khốn đốn ấy chúng ta còn bất lực về phương diện tâm lý khi không thể thi hành được những biện pháp chính trị cần thiết. Chúng ta còn cho rằng loài người gây gổ và đánh nhau để khuất phục kẻ khác là một việc bình thường. Như vậy thì sao còn nói đến “chiến thắng thiên nhiên” được?

Dù sao thì cũng phải bắt đầu có thay đổi. Một cá nhân nào đó sẽ linh cảm được và khởi sự phong trào ấy. Sự thay đổi chỉ có thể thai nghén trong tâm hồn cá nhân, có lẽ trong bất cứ người nào. Không ai có quyền được chần chừ mà nhìn quanh mình đợi một người khác thay mình làm điều mình không muốn làm. Khốn thay, hình như không một ai trong chúng ta biết phải làm gì; như vậy tốt hơn hết là ai nấy đều tự vấn tâm, xem tiềm thức của mình có cái gì hữu ích cho cả mọi người. Tâm thức của người ta hầu như bất lực không giúp ta được gì cả. Ngày nay, người ta không nhận thấy rằng những nền tôn giáo lớn, những triết lý cao siêu hầu như không đem lại cho người ta những tin tưởng mạnh mẽ và linh động để người ta quyết tâm đối phó với tình trạng thế giới ngày nay.

Tôi biết người theo Phật giáo sẽ nói: nếu chúng sinh đều theo Bát Chính Đạo của Phật pháp để biết được chân tướng của mình thì mọi việc đều yên lành. Người Kitô giáo sẽ nói rằng nếu con người tin Chúa cuộc đời sẽ hoàn hảo hơn. Phe duy lý tuyên bố rằng nếu người ta thông minh và hiểu biết, vấn đề nào cũng giải quyết được. Điều đáng ngán là không một người theo thuyết duy lý nào tự mình tìm cách giải quyết những vấn đề đó. Người Kitô giáo thường hỏi rằng tại sao Chúa không nói với họ nữa, như thời trước người ta tin rằng ngài đã làm như thế. Khi người ta hỏi tôi câu ấy, tôi luôn luôn nghĩ đến một vị tu sĩ Do Thái nọ, nếu có ai hỏi tại sao thời trước Thượng đế thường xuất hiện, còn ngày nay không ai thấy cả, thì ông trả lời: “Ngày nay không ai có thể hạ mình xuống thấp để cầu đến Thượng đế.”

Câu trả lời thật là hợp cảnh hợp tình. Chúng ta bị thôi miên, bị thu hút bởi tâm thức chủ quan đến nỗi ta quên rằng xưa nay Thượng đế chỉ nói với chúng ta trong giấc mơ và trong những lúc ta có ảo giác. Người theo Phật giáo loại bỏ những ảo ảnh của tiềm thức và cho đó là những ảo tưởng vô ích. Người Kitô giáo đặt Giáo hội và Thánh Kinh ở giữa mình và tiềm thức của mình. Người chủ trương duy lý chưa biết rằng lương tâm người ta chưa phải là cái psyché. Sự thiếu sót đó vẫn còn tuy rằng từ 70 năm nay tiềm thức đã trở thành một ý niệm khoa học cần thiết cho mọi công việc khảo sát tâm lý học đúng đắn.

Chúng ta cũng không thể cho phép mình đóng vai Thượng đế Toàn năng có quyền tối thượng để phán xét hiện tượng thiên nhiên lợi hay hại. Chúng ta không đặt nền tảng khoa thực vật học trên sự sắp xếp thành giống cây có ích và cây có hại đã lỗi thời, nền tảng khoa động vật học trên sự phân biệt ngây thơ ra loài ác thú và loài hiền lành. Nhưng chúng ta vẫn còn nghĩ rằng tâm thức chúng ta là phải, còn tiềm thức là quấy. Trong những ngành khoa học khác, một tiêu chuẩn như thế sẽ làm cho người ta phì cười và đuổi khỏi sân khấu.

Thí dụ những con vi trùng kia là phải hay quấy? Dù bản tính tiềm thức có đến thế nào đi nữa thì nó cũng là một hiện tượng thiên nhiên, tạo ra những biểu tượng mà kinh nghiệm cho biết là nó có một ý nghĩa. Chúng ta không mong được một người chưa bao giờ nhìn vào cái kính hiển vi có quyền nói đến vi trùng. Một người chưa bao giờ nghiên cứu cẩn thận những biểu tượng tự nhiên không thể coi là người phán xét có thẩm quyền về môn học ấy.

Nhưng thường thường người ta đánh giá quá thấp tâm hồn con người; các tôn giáo lớn, các nền triết học và duy lý luận khoa học không để tâm nghiên cứu sâu rộng. Ngoại trừ Kitô giáo chấp nhận những giấc mơ của Trời, còn phần nhiều những nhà tư tưởng không hề tìm hiểu giấc mơ một cách đúng đắn. Tôi ngờ rằng không có một thiên khảo cứu hay một chủ thuyết nào nói rằng một người theo tôn giáo lại hạ mình chấp nhận tiếng nói của Thượng đế trong giấc mơ. Nhưng nếu một nhà thần học tin Thượng đế thật sự, thì căn cứ vào đâu mà ông dám quả quyết rằng Thượng đế không dùng giấc mơ để trao sứ mệnh cho ta.

Tôi đã mất một nửa thế kỷ để nghiên cứu những biểu tượng tự nhiên và tôi đi đến kết luận là giấc mơ và biểu tượng giấc mơ không phải là nhảm nhí. Mà cũng không phải là không có ý nghĩa. Trái lại, giấc mơ đem lại cho ta những sự hiểu biết quý giá, nếu người ta chịu khó tìm hiểu những biểu tượng của nó. Quả thật, kết quả của những cuộc nghiên cứu ấy không có liên hệ mấy tí với những vấn đề của đời sống này như tiêu thụ và sản xuất. Nhưng hoạt động kinh tế không thể gói ghém hết ý nghĩa của đời sống, hoài bão sâu xa của người đời không thể thu gọn vào sự sở hữu một số tiền ký thác tại nhà băng.

Trong một giai đoạn lịch sử của nhân loại mà toàn thể sinh lực đem dùng vào việc nghiên cứu thiên nhiên, người ta để ý đến tinh anh của con người là cái psyché. Hẳn là người ta nghiên cứu nhiều về những cơ năng trí thức của tinh thần, nhưng còn là những lĩnh vực phức tạp và chưa biết rõ cái psyché thì trên thực tế vẫn chưa ai thăm dò. Thế mà đêm đêm nó vẫn gửi đến cho ta biết bao dấu hiệu, giải thích những giấc mơ đó phiền toái khó khăn đến nỗi không ai muốn bận tâm cả. Công cụ trọng yếu nhất của loài người là cái psyché không được người ta để ý lắm, thường thường người ta còn công nhiên nghi ngờ và xem khinh. Người ta nói: “Đó chỉ là chuyện tâm lý”, thường hay có nghĩa là “không có gì đáng kể”.

Tại đâu mà có thành kiến lớn lao vậy? Chúng ta chỉ bận tâm với những điều ta suy tưởng, thậm chí ta quên hẳn không tự hỏi rằng cái psyché phi ý thức của ta nghĩ gì về ta. Những ý kiến của Sigmund Freud làm cho phần nhiều người tin chắc rằng mình khinh miệt cái psyché phi ý thức là phải. Trước ông, người ta không biết tới nó hay chẳng thiết gì tới nó. Bởi thế nó trở thành một sọt rác chứa đựng rác rưởi của đời sống đạo đức. Hẳn một quan điểm của con người kim thời như thế rất bất công và hẹp hòi.

Quan điểm ấy cũng không hợp với những sự kiện mà chúng ta biết là có. Sự hiểu biết ngày nay về cái tiềm thức chứng minh rằng đó là một hiện tượng tự nhiên và cũng như thiên nhiên, ít ra nó có tính chất trung lập. Nó chứa đựng tất cả các khía cạnh của bản chất nhân loại, ánh sáng và bóng tối, vẻ đẹp và vẻ xấu, thiện tính và ác tính, sâu sắc và ngu muội. Sự nghiên cứu biểu tượng cá nhân cũng như biểu tượng tập thể là một công việc to tát và khó khăn, người ta chưa nắm vững được manh mối. Nhưng dù sao người ta cũng bắt đầu nghiên cứu. Những kết quả đầu tiên thật đáng khích lệ, hình như chúng báo trước rằng sẽ mang lại nhiều lời giải đáp vẫn được mong đợi cho nhiều vấn đề đặt ra với nhân loại ngày nay.

Carl Gustav Jung (1875-1961)
Trích ‘Thăm dò tiềm thức’
Vũ Đình Lưu dịch
Nguồn: tamlytrilieu.wordpress.com
Previous Post
Next Post