Lối thoát

Lúc khởi sự bất cứ một công việc gì mới mẻ, mọi việc đều tươi mát hấp dẫn. Bao nhiêu khả năng mở ra cho chúng ta, ta đặt những hi vọng thật cao vời, năng lực và nhiệt tình của ta dường như vô hạn. Nhưng khi có những rắc rối nổi lên, thì niềm hăng say lúc đầu của ta khởi sự tuột dốc. Tương lai mất dần vẻ hứa hẹn của nó, và ý chí cùng sự cương quyết của ta có thể lung lay. Dường như tìm cách tránh né công việc thì dễ dàng hơn là cứ làm để mong được cảm hứng do những thách thức của công việc mang đến.

Khi gặp những rắc rối trong công việc, chúng ta thường chọn cách giữ lại năng lượng mình. Do không tập trung vào việc mình, năng lượng ta bị phân tán rối ren, ta khởi sự lêu lổng qua ngày. Ta tự thấy mình kiếm cớ để giải thích sự thiếu hiệu năng trong công việc, tỉ như vì ta không được khỏe, hoặc cần nhiều thời gian hơn. Mỗi khi có việc giải trí khởi lên là ta sẳn sàng đáp ứng, thường xuyên nghỉ xả hơi hoặc đi làm những việc lặt vặt không cần thiết, hoặc dừng lại nói chuyện với một người bạn giữa đường. Cuối ngày ta không có gì nhiều để chứng minh ngày làm việc của mình. Nhưng nếu chạm trán trực tiếp với công việc thì ta có thể thấy nó không đáng sợ như ta tưởng. Ta không thấy được điều này khi ta chọn cách lãng tránh.

Có câu chuyện về một con thỏ và một con sư tử. Con sư tử tuyên bố mình là vua của muôn thú, nhưng con thỏ ngờ vực và hỏi sư tử tại sao lại thế.

Sư tử nói: “Ta là vua muôn thú vì ta có những khả năng đặc biệt”.

Thỏ nghĩ một lúc rồi bảo: “Tôi cũng có khả năng đặc biệt vậy. Tôi tuy bé nhỏ song có thể đi sâu vào bất cứ gì mình muốn. Hãy nhìn lỗ tai của tôi đây: chúng nhọn hoắc”. Rồi nó ngo ngoe hai cánh tai. Sư tử có vẻ hoài nghi.

Thỏ tiếp: “Xem này, để tôi chỉ cho anh xem”. Thình lình nó nhảy lên mình sư tử la lớn “Cao quá!”.

Con sư tử giật mình quay lại xem thỏ đi đâu rồi, nhưng chưa gì thỏ đã chạy xuống đứng dưới bụng sư tử và la lớn “Thấp quá! Nhưng lần này thì được rồi!”.

Thỏ từ từ quay lại đối mặt với sư tử vẫy hai tai mà bảo: “A, bây giờ tôi mới thấy!”.

Nó chưa dứt lời mà sư tử đã bỏ chạy.

Chúng ta thường chọn cách trốn chạy vấn đề hơn là đối mặt sòng phẳng với nó. Nhưng khi làm vậy ta đã tự tước đoạt của mình những cơ hội để tăng trưởng và đào sâu sự tự tri. Chúng ta tưởng có thể giải quyết vấn đề bằng cách thoát ly khỏi nó, nhưng những vấn đề của chúng ta sẽ không bỏ đi chỗ khác. Chúng ta có thể cố làm những thay đổi lớn trong lối sống của mình như đổi việc làm, ly dị, kết bạn mới. Bề ngoài thì những thay đổi ấy có vẻ như giải quyết được những vấn đề của tâm nhưng sớm muộn gì những kiểu sống mới ấy cũng trở thành một nỗi thất vọng lớn như những gì đã để lại đằng sau.

Trốn tránh những rắc rối là một thói quen ta đã tập từ bé. Khi một đứa bé gặp chuyện gì nó không muốn, nó bèn có đủ loại mánh khóe để tránh như khóc lóc, chạy trốn, hay đánh nhau. Cha mẹ thường bỏ qua lối ứng xử ấy của trẻ xem như chuyện tự nhiên, điển hình của con trẻ. Thế là thái độ ấy đã được khuyến khích, một thái độ có thể làm hại cho ta lúc lớn khôn. Khi chúng ta không được giáo dục để đối phó những rắc rối một cách toàn diện – làm việc với nó – thì mẫu mực tránh né như trên sẽ được tái diễn ở trường học, giữa bạn bè, gia đình. Nó trở thành một cách hành động tự nhiên, được mọi người chấp nhận.

Lặp lại những kiểu tránh né

Trốn tránh trách nhiệm là một cách thông thường của người ta để thoát ra những tình huống khó khăn rắc rối. Chúng ta rút lui năng lực mình, làm việc không hết khả năng. Khi những rắc rối xảy ra, ta có thể bảo là vì có quá nhiều giới hạn ngăn ta không làm việc một cách có hiệu quả, hoặc ta đổ lỗi cho người khác về sự thiếu hiệu năng của mình. Ta lại còn có thể thuyết phục được người khác tin rằng ta chỉ có thể làm được đến thế là cùng. Vì ta tự biết kỳ thực ta không làm việc bằng tất cả năng lực của mình, và những hậu quả công việc của ta sẽ phản ảnh điều ấy, nên ta dùng đủ mánh khóe để làm ra vẻ mình đang làm việc hết sức. Khi ta không theo sát công việc và thất bại có thể xảy đến, thì ta lại làm cho mình tin rằng ta không thể làm được gì hơn.

Chúng ta cứ tưởng trút được gánh nặng khi xoay xở để tránh né những khó khăn, nhưng thực tế là ta không thoát được gì cả. Những rắc rối sẽ tiếp tục trồi lên dưới những hình thức khác, trong công việc cũng như trong những mối tương giao cá nhân. Chúng ta đang chạy trên một vòng tròn, luôn luôn gặp lại cũng những cảnh ấy không bao giờ thực sự đi đến đâu. Muốn phá vỡ những mẫu mực trốn tránh như vậy, ta cần xét đến những thái độ và cảm giác của mình một cách cẩn thận, thành thực nhìn thẳng cách ta làm việc và ứng xử với cuộc sống.

Khi nhìn những mẫu mực tránh né của mình, ta nhận ra rằng hầu như chuyện gì cũng đem lại cho ta phương tiện để thoát ly. Những sự cố đột xuất đem lại cho ta nhiều cơ hội để tránh né làm những việc ta không thích làm. Những hoạt động xả hơi có thể biến thành một thay thế cho sự đối phó những rắc rối của ta. Nói chuyện với bạn bè về những khó khăn mình gặp phải cũng sẽ ngăn ta tìm ra giải đáp trong chính mình. Khi thành thực xét những hành động và thói quen của mình, ta khám phá ra rằng một hành động nhỏ nhặt nào cũng có thể được thúc đẩy bởi ước muốn thoát ly khỏi rắc rối của công việc.

Bài tập: Định hướng lại năng lượng

Khi đã thấy cái cách ta cố thoát khỏi những khó khăn và sợ hãi, thì ta có thể làm quyết định thay đổi thói quen ấy. Khi gặp rắc rối và cảm thấy mình đang tìm cách tránh né thì bạn có thể làm một quyết định có ý thức để định hướng lại năng lượng của mình đi thẳng vào vấn đề để tìm giải đáp. Mặc dù lúc đầu có thể bạn cưỡng lại việc làm này, song những cảm giác tích cực mà bạn có được do thành thực đối mặt với công việc và cuộc đời sẽ tăng cường khả năng bạn để giáp mặt những thử thách xảy đến trong tương lai, bạn sẽ tăng thêm động lực để trưởng thành.

Khi thành thực lượng giá động cơ hành động của mình, những thái độ, những năng lực và nhược điểm của mình, ta sẽ thấy được chiều sâu của bản chất ta để từ đấy rút ra năng lượng đem lại ý nghĩa thực sự cho đời mình. Khi biết lợi dụng những cơ hội vượt khó mà công việc cống hiến cho ta, ta có thể đối phó một cách thiện xảo cả đến những khó khăn tràn ngập trong đời mình bằng một thái độ thư giãn và tài tình.

Thay nỗi bất an bằng niềm vui

Nỗi bất an bồn chồn trong ta, cái ước muốn thoát ly miên viễn ấy, chỉ giảm xuống khi ta thấy rõ sự biến đổi hữu hiệu duy nhất mà ta có thể làm là thay đổi chính mình. Ta khám phá ra niềm vui, sự thỏa mãn là ở trong ta, chỉ cần ta có thì giờ để tìm kiếm nó. Khi làm vậy, ta học cách vượt qua cái khuynh hướng trốn trách nhiệm. Ta thay thế nó bằng sự cởi mở với người khác, với một khả năng kiên trì hoàn tất bất cứ gì ta đã khởi sự. Đấy là cách để sống một cuộc đời lành mạnh, thỏa mãn, để thưởng thức những khó khăn giúp ta thêm sức mạnh và tăng trưởng lợi ích cho tất cả mọi người.

Thích Nữ Trí Hải dịch
Previous Post
Next Post