Phật Giáo và Môn Tâm Lý Học Phương Tây

Trong nhiều thế kỷ qua, đã có biết bao bậc đạo sư và cũng đã có biết bao nhiêu người tự nguyện đi theo con đường lý tưởng về đất Phật (tâm địa); nhưng Chân Lý Giải Thoát không thể đạt được chỉ do niềm tin và Phật Pháp không phải là một mớ lý thuyết hay giáo điều suông không nguồn gốc.

Các bậc thầy không thể trao cho đệ tử những lý thuyết rỗng tuếch được, mà phải truyền trao cho họ kết quả của sự thực tập và kinh nghiệm tu chứng của chính bản thân mình. Vì thế, các vị thầy hướng dẫn cần phải thực hành tự bản thân, trong từng hành động, lời nói và ý nghĩ.

Cũng vậy, nếu chúng ta tìm hiểu môn Tâm Lý Học phương Tây, chúng ta sẽ thấy rằng, nếu những nhà nghiên cứu tâm lý không thực tập cụ thể những gì họ muốn khuyên giải bệnh nhân hay hướng dẫn các thân chủ của họ, thì phương pháp của họ không thu thập được kết quả bao nhiêu cả. Chính bản thân họ phải kinh qua những trạng thái nội tại, những vấn đề thiết yếu của con người; bởi vì nếu họ không có kinh nghiệm "sống" thì họ không thể nào giúp đỡ được ai cả.

Thực tập yêu thương, sống hoà bình, hạnh phúc và chuyển hóa những hạt giống đau khổ thành những mầm vui tươi là "công việc cần thiết", là "cơ sở chính yếu" của các nhà tâm lý học. Nếu tôi cần đến một nhà tâm lý học, trước hết tôi đi tìm sự an lạc tâm hồn của chính người đó qua sắc thái của họ. Ðó là tiêu chuẩn đầu tiên của tôi.

Là một vị thầy, tôi cũng vẫn cần phải tu tập hàng ngày, có nghĩa là tôi vừa là người thầy dạy vừa là người học trò. Ðiều này minh họa nguyên tắc "Pháp môn bất nhị". Thầy và trò cùng tương quan hiện hữu. Không có cái này thì cái kia cũng không có. Tôi là người thầy bởi vì có người học trò. Nếu không có học trò thì ông thầy cũng không có chỗ đứng. Bằng cách quán chiếu sâu xa, tôi sẽ thấy nguời học trò trong ông thầy và ông thầy trong người học trò.

Nếu ông thầy là một người truyền đạo giỏi, ông ấy phải cố gắng hết mức để làm phát sinh tư tưởng "ta là ông thầy của chính ta" trong người học trò. Bằng cách này, người học trò không còn lệ thuộc, ỷ lại nơi người thầy nữa. Trong nhiều thế hệ truyền thừa Thiền tông tự xưa, các vị Thiền Sư đã làm cho người đệ tử phải nỗ lực tự tin vào chính khả năng của họ; không được mong cầu, dựa dẫm vào bất cứ một tha lực hay một người nào. Trong môn Tâm Lý Học cũng vậy, các nhà hướng dẫn tâm lý đã khéo léo đưa người bệnh trở về sự lạc quan, tin tưởng vào chính bản thân họ để tự khai phóng ra khỏi những vây hãm hay bức xúc tâm lý.

Một nhà tâm lý học nên chia sẻ mọi vui buồn với thân chủ của mình, bởi vì những gì người bệnh đang trải qua thì điều đó, nhà tâm lý học cũng đã trải qua. Nhiều nhà tâm lý học đã thố lộ rằng: "Họ đã học được nhiều điều bổ ích, hay ho, hữu hiệu từ pháp môn thiền định của Phật Giáo và sau khi áp dụng pháp Phật vào phương pháp trị liệu tâm lý, họ đã gặt hái được nhiều thành công kết quả ngoài ý muốn. "

Thực tập thiền định không phải chỉ là ngồi trơ trơ không cục cựa suốt một thời gian dài mấy tiếng đồng hồ, hay lúc nào cũng trầm tư như lạc vào một thế giới xa xăm nào như bao người đã lầm tưởng - mà một trong nhiều phương pháp tu thiền là ngồi tập trung tư tưởng theo dõi hơi thở và quán chiếu sâu xa từng đợt sóng tâm thức trong đại dương tâm hồn bạn.

Bạn có thể thực tập thiền mọi lúc trong cuộc sống hàng ngày của bạn - khi bạn uống trà, rửa chén, thay tả lót cho con, hay cả những lúc bạn đang đứng đợi xe bus, đánh máy, đi chợ... mọi lúc, mọi nơi - và một khi bạn cảm nhận được sự bình an của tâm trí, niềm hạnh phúc lâng lâng sảng khoái của tâm hồn, thì đó chính là kết quả của sự tu tập thiền định. Rất dễ dàng, phải không các bạn? Vì thế, Thiền là gì? Thiền là một phương pháp "trị liệu tâm lý học Phật Giáo".

Nhiều nhà tâm lý học phương Tây có khuynh hướng tách ra khỏi tâm trí và thể xác những gì người ta không muốn nắm giữ nữa, y như các nhà bác sĩ phẫu thuật, họ cắt bỏ những phần không cần thiết, hư hoại của cơ thể và liệng bỏ đi không thương tiếc. Những nhà hoạt động chính trị cổ xúy hoà bình phương Tây cũng nghĩ như vậy. Họ cho rằng hủy bỏ vũ khí hạt nhân sẽ chấm dứt chiến tranh. Họ không nhận thức được rằng cội rễ của những trái bom chính là ý nghĩ tâm thức của con người. Chúng ta cần phải giải quyết những cội rễ đó. "Sân Hận" là một năng lực, là rác rưởi của tâm hồn. Chúng ta phải biết gìn giữ đồng thời phải biết chuyển hóa năng lực đó.

Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, chúng ta đối diện với biết bao nhiều phiền toái, bực bội, khó chiụ, đè nén, chèn ép, từ công việc đến cấp trên trong công việc sở làm, từ nội tâm đến ngoại cảnh, từ gia đình đến xã hội v.v. chúng ta cần phải có một phương cách hữu hiệu để giải quyết những bực tức của chúng ta trước khi chúng ta giúp đỡ người khác. Chúng ta không cần phải chạy trốn hay đè nén không cho sân hận phát tiết ra ngoài; chúng ta chỉ cần tỉnh thức chuyển hóa năng lực sân hận thành năng lực tình thương và hoà bình.

Khi chúng ta giận dữ, chúng ta không thể tỉnh táo sáng suốt được - và cách tốt nhất để đối trị sân hận là nắm giữ hơi thở, thực tập thiền định và không làm gì hết. Thật là một sự ngu xuẩn nếu mỗi lần chúng ta tức bực, giận dữ, chúng ta lại tìm cách trút bỏ sự giận tức đó để lòng mình nhẹ nhõm hơn. Thí dụ, có một người nào đó chọc tức chúng ta, làm thương tổn danh dự chúng ta, chúng ta sẽ tìm ngay những lời lẽ cay độc hay những cách khác để trút lên đầu người đó, cốt làm cho họ đau đớn hơn; nhưng thực ra, trong lúc đó, họ cũng đang xoay kế tìm mưu để làm chúng ta phẩn uất hơn nữa để trả thù. Thế là cứ sân hận lại tiếp tục sân hận, càng ngày càng căng thẳng hơn, tàn tệ hơn... bởi vì chúng ta đã mời những hạt giống sân hận trỗi dậy và nẩy mầm nhanh chóng trên mảnh vườn tâm hồn chúng ta, càng muốn trút bỏ sự bực tức bao nhiêu, càng chuốc lấy đau buồn bấy nhiêu.

Thái độ của người con Phật là quán chiếu trong tỉnh thức từng đợt sóng sân hận, tham vọng, si mê, đang ào ạt trỗi dậy trong lòng mình. Chúng ta chỉ cần nắm giữ hơi thở và nhìn những cơn sóng vô minh đó thật sâu xa lặng lẽ. Day tay mắm miệng để đàn áp chúng thật là vô ích, vì chỉ làm cho chúng tăng trưởng lên thêm và làm chúng ta đau khổ hơn - lúc đó chúng ta sẽ ăn nói và hành động rồ dại ngu xuẩn vì chúng ta đang bị chúng chi phối. Lúc đó, cách đối trị tốt hơn hết là chúng ta nên đi thiền hành trong vòng 20 phút, 30 phút, dưới những tàng cây xanh mát, trong không khí trong lành, và từ từ chúng ta sẽ chuyển hóa được sự sân hận một cách dễ dàng. Chúng ta sẽ truy tìm được nguyên nhân đưa đến sự bộc phát giận dữ để rút tỉa được những kinh nghiệm lỗi lầm cần phải tránh.

Sự giận dữ hay bất cứ một màn si ám vô minh nào sẽ cũng như một đóa hoa, vào buổi sáng sớm, khi ánh mặt trời chiếu tỏa vào, nó sẽ nở ra và phô sắc thắm, bởi vì những tia nắng mặt trời đã chiếu sâu vào tận cùng đóa hoa - cũng vậy, khi chúng ta tỏa ánh sáng trí tuệ vào tận cùng thâm tâm chúng ta, soi rọi từng cội rễ, từng chi tiết sân hận vô minh, thì bóng tối sân si đó sẽ không còn một chỗ cỏn con nào có thể che ám tâm hồn chúng ta được nữa, và tự nó sẽ phơi bày ra dưới ánh sáng tỉnh thức màu nhiệm đó - và những nhà tâm lý học Phật Giáo hay các nhà nghiên cứu tâm lý học đều cố gắng giúp con người điều trị được các căn bệnh tâm sinh lý để chuyển hóa sự đau khổ thành an vui, và giải thoát mọi phức tạp vốn có của con người.

Dịch theo tài liệu "Buddhism and Socio-Psychology"
trong Common Boundary Nov. 89
Nguồn: bachhac.net
Previous Post
Next Post