Con người là mâu thuẫn

Mỗi sự vật đều chứa đựng mâu thuẫn bên trong vì bản chất sự vật là động chứ không tĩnh. Khi sự vật còn vận động thì mâu thuẫn phát sinh. Như vậy, chúng ta nên hiểu mâu thuẫn là đương nhiên tồn tại và là tốt chứ không xấu vì giúp muôn loài, muôn vật luôn luôn phát triển, mở mang.

Từ trước đến nay chúng ta tu theo đạo Phật để được giác ngộ, giải thoát, vượt lên sự tầm thường của con người để trở thành các bậc hiền Thánh. Chúng ta không ngờ trong đạo Phật đã có sẵn hệ thống đạo làm người rất lớn và chính nhờ đạo lý này mới giúp ta có thể làm Thánh được. Trong cuộc sống mỗi người chúng ta đều có một vai trò, chức năng và việc làm khác nhau. Có người cao sang quyền quý, có người trung lưu nhàn nhã, có người nghèo khổ khốn cùng; nhưng dù ở vị trí nào, số phận nào, chúng ta cũng đều là người. Ngay khi đã là một tu sĩ xuất gia đi tìm sự giác ngộ, giải thoát cũng vẫn là một con người, nên ta phải sống có nhân cách đạo đức và phải biết thực hiện đạo làm người một cách trọn vẹn.

Ai sống trong cuộc đời này cũng mong muốn và ước mơ về một tương lai tươi sáng, tốt đẹp để phục vụ cho gia đình và xã hội. Tuy có suy nghĩ và ước mơ như thế nhưng mấy ai được tròn tâm nguyện của mình bởi đường đời nhiều nỗi chông gai, cạm bẫy. Thực tế cuộc sống thường không như ta mong đợi. Bây giờ chúng ta thử nhìn lại chính mình xem những nguyên nhân thất bại từ đâu. Ai cũng nghĩ cuộc sống này sở dĩ có sự mâu thuẫn là do con người tạo ra sự đối kháng lẫn nhau, chớ không nghĩ mâu thuẫn đó ở ngay nơi thân mình, do tâm ý thức của mình phân biệt mà ra. Chắc ai cũng thấy từ khi ta mới lọt lòng cho đến khi trút hơi thở cuối cùng thì trong đời mình được mấy lần vui. Cơn vui vừa thoáng qua, cơn buồn lại kéo đến; đã đành sanh-già-bệnh-chết là bốn đại hoạ không ai tránh khỏi nhưng cảnh nghèo khó, thiếu thốn, khó khăn, ân ái yêu thương phải xa lìa, rồi oán thù gặp gỡ, hoàn cảnh lôi kéo cũng đủ làm ta chịu đau khổ vô cùng.

Nước mắt chúng sinh còn nhiều hơn bốn biển trên thế gian này và sẽ còn nhiều hơn nữa nếu lòng tham lam, ích kỷ của ta không được chuyển hoá. Đó là biển nước mắt đau thương bởi sự si mê cuồng vọng của loài người, nên muốn nước mắt ngừng rơi con người chỉ có một con đường duy nhất là biết sống yêu thương bằng trái tim hiểu biết với tấm lòng vô ngã, vị tha. Các bậc thánh nhân xưa nay cùng các vị đại Bồ tát và tất cả chư Phật đều sống bằng tấm lòng từ bi rộng lớn nhờ biết cách tu tập chuyển hoá tự thân, dứt ác làm lành. Đạo Phật chú trọng đến mục đích giác ngộ, giải thoát - tự lợi, lợi tha để san sẻ và nâng đỡ người khác. Chúng ta có thể nhiều kiếp học rộng, nghe nhiều, nhớ hết tất cả Pháp môn của chư Phật chỉ dạy nhưng chẳng bằng chuyên tu hạnh giải thoát cho mình và người; nếu chỉ học suông mà không tu thì khác nào như người thuộc lòng tấm bản đồ rồi ngồi đó ngắm xem hoài không chịu đi.

Có người nghĩ tu là một việc quá khó vì phải xa gia đình, xã hội để ép mình trong một khuôn khổ nhất định nào đó, phải che mắt bịt tai trước mọi hoàn cảnh, vứt bỏ cuộc sống xã hội rồi ỷ lại thần quyền để cầu mong tương lai trường sanh, bất tử. Nếu hiểu chữ “tu” như vậy làm sao có ích cho mình và người được? Người có hiểu biết chân chính lúc nào cũng tin sâu nhân quả, làm lành tránh dữ, biết điều phục từ thân-miệng-ý nên thân tâm được an lạc, hạnh phúc. Vậy tu là gì? Chúng ta định nghĩa một cách tóm tắt thì tu có nghĩa là sửa, xấu xa sửa thành tốt đẹp, tà vạy sửa thành chính đáng, độc ác sửa thành hiền lành, mê mờ sửa thành sáng suốt … Có nhiều người nói, "Phật tức tâm, tâm tức Phật, tôi chỉ tu cái tâm ấy cũng đủ rồi”; mới nghe qua tưởng chừng hợp lý, song xét kỹ mới thấy đó chỉ là câu nói đùa bâng quơ để từ chối việc tu hành của chính mình mà thôi. 

Sư ông chúng tôi thường nói "cuộc đời là mâu thuẫn”; vậy ta phải sống thế nào để cuộc đời được bình yên, hạnh phúc mà không bị những phiền não tham-sân-si làm đau khổ; tuy mới nghe qua rất lạ nhưng xét kỹ thì đó là sự thật. Người Phật tử tại gia cũng như người xuất gia luôn có những thứ buồn vui, thương ghét, phải quấy, tốt xấu, hơn thua. Chúng ta hay than vãn tại sao gia đình mình không có sự thống nhất với nhau, hoặc ở trong chùa sao không đồng tâm hiệp lực với nhau. Tập thể nào cũng có những chuyện xảy ra như vậy hết. Lý do gì mà chúng ta luôn có những buồn phiền, bực tức và bất đồng quan điểm với nhau về sự không hoà hợp. Chúng ta hãy nhìn lại xem con người mình ra sao. Ai cũng ngỡ có sự mâu thuẫn là do người này đối kháng với người kia, không ai nghĩ sự mâu thuẫn đó ở sẵn ngay nơi mình.

Phật dạy thân người do tứ đại gồm bốn chất đất-nước-gió-lửa hòa hợp lại hình thành; đất với gió lại không thuận với nhau, gió thổi mạnh thì đất rung rinh, lửa đang cháy bị nước làm giảm sức nóng nên cũng không thuận hợp. Chúng luôn có sự chống trả với nhau kịch liệt, đất kỵ gió, nước kỵ lửa, chúng ta thường ví “như nước với lửa” để diễn tả sự đối nghịch nhau; nên thân con người khi nào lạnh quá phải uống thuốc nóng để làm ấm lại, khi nóng quá phải uống nước mát để cơ thể dịu lại; vì cơ thể nóng là lửa nhiều nước ít, cơ thể lạnh là nước nhiều lửa ít, nên chúng ta phải tìm cách điều hòa cho phù hợp. Như vậy, sự sống này là sự điều hòa các yếu tố có tính chất trái ngược nhau, nếu nặng về bên nào cũng đều sinh ra bệnh. Cụ thể nhất là người nào trúng gió là bị gió xâm nhập làm toàn cơ thể đau nhức, gió thổi mạnh thì đất rung rinh, do đó ta phải cạo gió, cạo một hồi thì thấy trong người bình thường trở lại. Rõ ràng là đất với gió luôn đối chọi nhau, cái nào trội hơn cũng sinh ra bệnh, nên phải thường xuyên điều hòa bằng sự ăn uống làm sao cho chúng quân bình với nhau thì cơ thể mới được bình thường mà mạng sống được kéo dài.

Tuy nhiên, không ai có thể điều hòa để chúng có thể tồn tại mãi từ ngày này tháng nọ đến năm kia, có hay lắm cũng chỉ hơn một trăm năm là cùng. Con số người sống trên trăm tuổi quá hiếm hoi vì tứ đại hòa hợp chỉ trong một giới hạn nào đó. Bây giờ chúng ta thử đi sâu vào từng phần của chúng như xét thử chất đất trong người mình. Ai ăn uống nhiều hoặc không làm chủ bản thân trong việc tiêu thụ thực phẩm thì thân này dễ sinh bệnh béo phì, nhất là người nữ trong thời hiện đại. Đất nhiều trong người làm cơ thể mất cân đối, chậm chạp, mệt mỏi, đi đứng không được thoải mái. Do ảnh hưởng của hoá chất độc hại trong thức ăn và sự không kiềm chế trong ăn uống nên phát sinh nhiều chứng bệnh lạ kỳ. Việc xét nghiệm, chữa trị bệnh theo chu kỳ làm tiêu tốn rất nhiều tiền nên nói chung trong người chứa quá nhiều đất thì bất tiện đủ điều. Cũng như chất gió là sự hoạt động của cơ thể mà khi gió mạnh cũng làm đất rung rinh, cơ thể ê ẩm, đau nhức rã rời khiến thân này sốt lạnh, nhức đầu, phải cạo gió và uống thuốc mới hết.

Con người sống được là nhờ lửa nóng làm điều hoà thân này nhưng nếu lửa quá nhiều thì người bức rức, nóng nảy, khó chịu, ta phải hoạt động chân tay sao cho toát mồ hôi cơ thể mới dịu lại. Đó là nói về thân nhiệt. Cơ thể chúng ta gần 70% là nước để điều hoà, nuôi dưỡng thân này nhưng nếu chất nước quá thịnh, nghĩa là chất âm quá nhiều thì cơ thể lạnh lẽo, mệt mỏi, ít muốn hoạt động mà chỉ muốn ngủ vì thân tâm bần thần, rã rượi như người thiếu ngủ cả tháng trời. Tóm lại, cơ thể con người gồm bốn chất đất-nước-gió-lửa luôn chống chọi với nhau nên phải điều hoà từ ngày này tháng nọ đến năm kia, nếu trong bốn chất có chất nào thịnh cũng sẽ sinh bệnh, đến khi mất một chất nào thì thân thể này tan rã, bại hoại. Như vậy, xét về vật chất thân thể chúng ta do đất-nước-gió-lửa hình thành nên có rất nhiều mâu thuẫn với nhau; còn phần tinh thần có mâu thuẫn hay không?

Tinh thần của ta bao gồm tâm thiện và tâm ác. Tâm thiện là tâm hay cứu người giúp vật, không làm tổn hại một ai, từ ý nghĩ lời nói cho đến hành động đều vì lợi ích chung. Tâm ác thì mưu mô, xảo trá, quỷ quyệt, chuyên làm chuyện xấu xa được phát xuất từ suy nghĩ, lời nói làm tổn hại cho người khác. Tâm ác khi khởi lên thì hay sát sinh hại vật, trộm cướp lường gạt của người, làm điều phi pháp, nói dối hại người và hay tiêu thụ các chất độc hại như rượu-xì ke-ma tuý. Tâm ác được ví như cỏ dại không ai trồng mà chúng vẫn tự mọc, tâm thiện được ví như cỏ kiểng phải chăm sóc, tưới tẩm chu đáo hằng ngày mới xinh đẹp, tốt tươi. Có khi tâm thiện thắng tâm ác nhưng cũng có khi tâm ác thắng tâm thiện, mà phần đông tâm ác thắng nhiều hơn bởi lòng tham lam, ích kỷ do chấp ngã của con người. Bình thường chúng ta không nói lớn tiếng hoặc nạt nộ ai nên không làm người khác đau khổ, nhưng hễ có chuyện bực mình, tức tối là nói lớn tiếng với những ngôn từ hằn học, khó nghe. Nội tâm chúng ta lúc nào cũng có tâm thiện, tâm ác giằng co với nhau nên khiến mình bất an hoài là vậy.

Xưa có người bán mâu là một loại vũ khí thời xưa dùng để đâm và thuẫn là cái khiên dùng đỡ lại. Ông ta rao bán “cây mâu của tôi sắc, bén, nhọn, đâm vật gì cũng lủng hết”; rồi lại rao tiếp, “khiên của tôi rất chắc, không gì có thể đâm thủng”. Có người nghe vậy mới rắn mắt hỏi lại, “vậy lấy mâu của ông đâm thuẫn của ông thì sẽ ra sao?” Ông ta bị hỏi bí nên đớ lưỡi, không trả lời được, đành ngậm miệng đi nơi khác. Xưa nay, tất cả mọi sự vật trên đời đều có 2 mặt âm dương đối nghịch nhau. Trong âm có dương, trong dương có âm. Âm dương mất cân bằng sẽ sinh ra mâu thuẫn, bệnh tật, chiến tranh, hạn hán và lũ lụt. Trong mỗi con người chúng ta ai cũng có tâm thiện-ác luôn song hành bên nhau. Tâm thiện mạnh thì chế ngự được lòng tham lam, ích kỷ.Tâm ác mạnh thì làm tổn hại cho người và vật.

Khái niệm mâu thuẫn nói về tính hai mặt của tất cả mọi hiện tượng sự vật trong bầu vũ trụ bao la này: trong âm có dương, trong tốt có xấu v.v… và v.v… Mâu thuẫn theo người Á Đông cho rằng các nhân tố âm dương trong một chủ thể luôn vận động và biến đổi luân hồi, âm thịnh thì dương suy, âm suy thì dương thịnh, do nó đối nghịch nhau nên gọi là mâu thuẫn. Mỗi sự vật đều chứa đựng mâu thuẫn bên trong vì bản chất của sự vật là động chứ không tĩnh. Khi sự vật còn vận động thì mâu thuẫn sẽ phát sinh. Như vậy, chúng ta nên hiểu mâu thuẫn là đương nhiên tồn tại và là tốt chứ không phải xấu, vì nó giúp cho muôn loài vật luôn luôn phát triển, mở mang. Nếu một gia đình không có mâu thuẫn thì con người không cần hoàn thiện nữa, dẫn đến không luyện tập, tu dưỡng đạo đức, do đó con người không tiến bộ và đổi mới theo thời gian. Nếu một xã hội không có mâu thuẫn thì con người sẽ ngừng sinh hoạt, không còn động lực cạnh tranh để phát triển điều tốt đẹp, khi ấy con người sẽ ù lì như cục đất sét nhão. Vì thế, có sự sống là có mâu thuẫn, từ con người cho đến muôn loài vật đều có mâu thuẫn hết. Chính vì vậy mà chúng ta phải tìm cách điều hoà mâu thuẫn làm sao cho nó được vuông tròn, tốt đẹp.

Bây giờ, chúng ta giải thích từ ngữ mâu thuẫn là gì? Mâu là cây giáo dùng để đâm, thuẫn là cái khiên dùng để đỡ lại. Khi giáo đâm thì khiên phải đỡ và chống lại. Cũng vậy, thân của ta lúc nào cũng mâu thuẫn bởi bốn chất đất-nước-gió-lửa đối nghịch nhau, trong tâm ta hai anh thiện ác cũng luôn mâu thuẫn, đối kháng nhau. Tự bản thân mình đã có sẵn mầm móng của mâu thuẫn rồi thì trong quan hệ giao tiếp, làm ăn, sinh sống với mọi người chắc chắn cũng khó tránh khỏi sự va chạm vì mỗi người một quan điểm, lập trường khác nhau. Đó là điều chúng ta không bao giờ muốn, nhưng vì mỗi người có một suy nghĩ riêng và tập khí, thói quen khác nhau nên khó mà hoà hợp. Thân mâu thuẫn vì bốn chất đất-nước-gió-lửa luôn đối nghịch nhau. Tâm tư con người lại càng mâu thuẫn hơn vì ông luật sư của mình lúc nào cũng bào chữa, biện minh, lý giải, bảo vệ. Cho nên, sống với nhau muốn được hòa hợp thì ta phải có tấm lòng nhân ái biết bao dung và độ lượng, biết cảm thông và tha thứ bằng trái tim hiểu biết; do đó mới bớt xảy ra xung đột, đối kháng nhau. Tóm lại, trong thể xác lẫn tâm hồn chúng ta luôn có sự mâu thuẫn nên ta phải biết cách điều hoà.

Nguồn: tuthienduyenlanh.com
Previous Post
Next Post