Một chút buồn, một chút cô đơn, một chút tủi hờn, một chút ghen tuông, một chút ganh tị… được phát hiện nơi tâm mình mà mình không để ý, không biết, không gọi đúng tên, không chào nó thì một chút ấy sẽ nguyên phân liên tục để trở thành một cục và làm mình khổ đau. Những chút ấy nếu cùng một lúc “tấn công” mình thì đó là đội quân đáng gờm (thứ “địch” ở trong tâm), đủ sức hạ gục sự bình an và vững chãi của mình.
Chắc bạn bắt đầu hình dung và quán chiếu, suy nghiệm và chắc là bạn cũng sẽ gật gù mà đồng ý với tôi rằng: mình đã từng lơ là, từng là “nạn nhân” của những chút rất con-người ấy?
Và vì vậy mà mình khổ, và vì vậy mình mới là con người, quẩn quanh với những nỗi khổ đại loại như thế, có khi là khổ hơn nếu mình trở thành “tín đồ” của giận-hờn-ghen-ganh… và sau đó là những lời nói, hành động đủ lực sát thương người khác (tất nhiên cũng là sát thương chính mình).
Trong nguyên tắc đối đãi, tương tác với cuộc sống, do mình là phàm phu nên mình sẽ gặp đa số là phàm phu giống mình, theo nguyên tắc của luật hấp dẫn. Tôi nói đa số bởi vì cũng có thể chúng ta sẽ gặp những con người đặc biệt nào đó, tuy chưa được là thánh nhân - xuất trần thượng sĩ, nhưng họ có khả năng quản lý cơn giận, quản lý sự tham lam, có quán chiếu sâu tự tánh… Đối với những người như vậy thì lực tác dụng từ những “chút” rất con người của mình sẽ được họ hóa giải và khả năng lớn có thể họ sẽ giúp mình ngộ ra được con đường chân chính để đi, để thoát khỏi nỗi khổ niềm đau cố hữu mà bấy lâu mình vô minh quanh quẩn, sống cùng.
Đã bao nhiêu lần rồi mình đưa ra luận đề “mình là con người mà” để sống với bản chất (hay là bản năng? hay là tập khí tham-sân-si huân tập lâu ngày, lâu đời?) để biện minh cho những chút, và nhiều chút tồn tại trong mình? Những sự dung dưỡng được ngụy trang bởi hai chữ con-người (làm người ai chẳng thế) đã đẩy mình đi xa, đi sâu vào những cơn mê, những căn bệnh trầm kha. Và đó chính là “động lực” để mình cứ khổ, cứ đau và rồi vẫn muốn sống chung với nó.
Đã bao giờ mình nhận diện là mình khổ, mình đau và mình mong muốn thoát khổ, vượt qua nỗi đau? Chắc nhiều, nhưng chỉ tội là mình thiếu một con đường, đôi khi thiếu nghị lực cần thiết dù đã thấy con đường. Tự lực là yếu chỉ để mình vượt thoát mọi khổ đau, nó có được khi mình hiểu đến nơi đến chốn, khi mình biết thương mình thật sự. Thương mình thì mình sẽ không ngụy biện (vì là người nên tôi phải…) bởi mỗi người đều có thể sống tốt hơn lên mỗi ngày cơ mà. Lý luận để biện minh cho sự yếu đuối của mình giống như sợi xích trói buộc, không cho mình vượt qua, đi tới. Và khi ấy, dù mình có thương mình nhiều cỡ nào thì cũng chỉ là tình thương ủy mị, thiếu ý chí và hiểu biết. Bên cạnh đó, đôi khi cái trí mình còn hạn chế, vì những lý lẽ khác vẫn còn tồn tại hỗn độn, ngăn cái biết chân thật biểu hiện, gọi là biết chưa tới. Một khi biết chưa tới thì mình sẽ làm chưa tới và chưa đủ niềm tin, động lực để làm. Mình sẽ phân vân, sẽ đắn đo, suy tính thiệt hơn… Đó cũng là một nguyên nhân của khổ.
Ví như khi mình muốn đi xuất gia, nhưng mình chưa biết thấu đáo con đường của người xuất gia chính là cứu mình, là cơ hội để thực tập bình an và hiến tặng bình an cho cuộc đời thì mình sẽ không dám bỏ những cái mình đang… sở hữu (cái của tôi). Khi mình còn cảm thấy mình đi như vậy mình sẽ mất tự do, sẽ không được thế này, thế khác thì mình sẽ cân đo, và ngay lập tức mình khước từ. Thậm chí có vào chùa rồi mình vẫn sẽ bị dẫn dụ, lôi ra. Tất nhiên, có những hoàn cảnh chưa đủ để xuất gia bởi chưa tích đủ “lượng”, ngoài phát nguyện từ bỏ như đã nói thì “lượng” ở đây còn là nhân duyên với thầy, với những mối tương quan gia đình…
Trở lại vấn đề. Mình khổ, lẽ đương nhiên, là người ai không khổ? Nhưng đối mặt và chuyển hóa khổ đau như thế nào sẽ cho ta biết nội tâm của mình như thế nào!
Từ sự nhận diện và hiểu sâu sắc về nỗi khổ cũng như con đường thoát khổ, đồng thời quyết tâm vượt qua nỗi khổ ấy sẽ là những bước đi mà mình sẽ phải thực tập dần dần. Ở đó cần sự thấm nhuần bi-trí-dũng, có tín-hạnh-nguyện sâu sắc và phải trên cơ sở nương vào giới để có định và tuệ. Tất nhiên, tất cả những điều đó đều là những phương tiện để tịnh hóa dần dần tam nghiệp ý-khẩu-thân của mình. Cứ thế, mình sẽ tặng cho khổ đau của chính mình hoa trái, và khổ đau trở thành chất liệu để hạnh phúc mỉm cười và sự giải thoát giác ngộ có mặt nơi tâm mình! Bạn tin không?
Lưu Đình Long
Nguồn: suoinguontinhthuong.vn