Nhu cầu là một phần quan trọng trong bản chất của con người. Mọi giá trị, niềm tin và tập tục của con người là khác biệt tuỳ theo từng quốc gia hay từng nhóm người, tuy nhiên tất cả mọi người có những nhu cầu chung giống nhau.
Vào năm 1954, Abraham Maslow đã đưa ra đưa ra quan điểm về nhu cầu của con người và nhu cầu này được sắp xếp theo các thứ bậc khác nhau. Học thuyết của ông được dựa trên những con người khoẻ mạnh, sáng tạo, những người sử dụng tất cả tài năng, tiềm năng và năng lực trong công việc. Vào thời điểm đó, phương pháp này khác biệt với các công trình nghiên cứu tâm lý con người khác được dựa trên việc quan sát con người bị chi phối bởi các phiền muộn là chủ yếu.
Có hai nhóm nhu cầu chính của con người: Nhu cầu cơ bản (basic needs) và Nhu cầu bậc cao (meta needs).
Nhu cầu cơ bản liên quan đến các yếu tố thể lý như thức ăn, nước uống, ngủ nghỉ và các yếu tố tâm lý như cảm xúc, cảm giác an toàn, lòng tự tôn. Những nhu cầu cơ bản này cũng được gọi là các nhu cầu thiếu hụt (deficiency needs) vì nếu con người không có đủ những nhu cầu này, họ sẽ đấu tranh để có được nó, bù đắp bằng được sự thiếu hụt.
Các nhu cầu cao hơn được gọi là nhu cầu bậc cao hay nhu cầu hiện hành (nhu cầu phát triển). Những nhu cầu này bao gồm sự công bằng, lòng tốt, vẻ đẹp, thứ bậc, sự đồng lòng nhất trí, v.v… Các nhu cầu cơ bản thông thường bao giờ cũng được ưu tiên hơn những nhu cầu phát triển này. Ví dụ, một người nếu thiếu thức ăn hay nước uống sẽ không quan tâm đến các nhu cầu về sự công bằng hay vẻ đẹp.
Những nhu cầu con người được liệt kê theo một trật tự thứ bậc hình tháp. Những nhu cầu cơ bản ở phía đáy tháp nhu cầu (từ 1-4) phải được thoả mãn trước khi nghĩ đến các nhu cầu cao hơn. Bốn nhu cầu bậc cao (từ 5-8) có thể được thoả mãn không theo trình tự, tuỳ từng trường hợp nhất định trong từng hoàn cảnh hay mong muốn khác nhau của con người, miễn là tất cả các nhu cầu cơ bản ở dưới đã được đáp ứng đầy đủ.
Tháp nhu cầu của Maslow
8. Nhu cầu về tự tôn bản ngã (Self-transcendence) - một trạng thái siêu vị kỷ (xem Chú giải ở dưới) hướng đến trực giác siêu nhiên, lòng vị tha, hòa hợp bác ái.
7. Nhu cầu về tự thể hiện bản thân (Self-actualization) - biết chính xác bạn là ai, bạn đang đi đâu và bạn muốn hoàn thành những gì. Một trạng thái của sự thành đạt.
6. Nhu cầu về thẩm mỹ (Aesthetics) - sự yên bình, ham muốn hiểu biết về những gì thuộc nội tại.
5. Nhu cầu về nhận thức, hiểu biết (Cognition) - Học để hiểu biết, góp phần vào kiến thức chung.
4. Nhu cầu được quý trọng, kính mến (Esteem) - cảm thấy được thăng tiến trong đời, được công nhận và ít băn khoăn về năng lực bản thân.
3. Nhu cầu được giao lưu tình cảm và được trực thuộc (Belongingness and love) - muốn được thuộc về một nhóm, muốn có gia đình, bạn bè thân hữu tin cậy.
2. Nhu cầu về an toàn (Safety) - cảm giác yên tâm không phải lo sợ trước những nguy hiểm cận kề.
1. Nhu cầu về sinh lý (Physiology) - thức ăn, nước uống, nơi trú chân, tình dục.
Maslow cho rằng con người muốn và luôn đấu tranh để thoả mãn những nhu cầu khác nhau. Xuất phát từ việc những mức nhu cầu bậc thấp bao giờ cũng cấp thiết và quan trọng hơn, nên chúng sẽ đóng vai trò như nguồn và định hướng của một mục tiêu cá nhân nếu những nhu cầu này không được thoả mãn.
Sau khi những nhu cầu bậc thấp được thoả mãn, những nhu cầu cao hơn sẽ là động cơ hành động. Những nhu cầu chưa được thỏa mãn ở bậc dưới sẽ lấn át những nhu cầu chưa được thỏa mãn ở bậc cao hơn, và chúng cần được thỏa mãn trước khi một cá nhân tiến lên các bậc cao hơn của tháp nhu cầu.
Tháp nhu cầu của Maslow cũng có thể được trình bày dưới dạng pyramid 5 tầng: Nhu cầu Sinh lý, Nhu cầu An toàn, Nhu cầu Tình cảm, Nhu cầu Tự tôn và Nhu cầu Phát triển.
Tính cách của những người muốn thể hiện bản thân
• Có những am hiểu về hoàn cảnh và thực tiễn xung quanh, và cảm thấy bằng lòng với thực tại.
• Chấp nhận bản thân và tính cách cá nhân của mình.
• Không giả tạo
• Họ tập trung vào những vấn đề bên ngoài bản thân và quan tâm tới những chủ đề cơ bản và những vấn đề vĩnh hằng.
• Họ thích sự riêng tư và có xu hướng thoát ly.
• Dựa vào sự phát triển của chính bản thân và trưởng thành liên tục.
• Cảm kích trước những niềm vui cơ bản của cuộc sống.
• Có cảm xúc sâu đậm về mối quan hệ với mọi người xung quanh.
• Có tính dân chủ sâu sắc và không thực sự nhận thấy hết sự khác biệt.
• Tôn trọng các chuẩn mực đạo đức và khuôn mẫu xử thế.
• Đôi chút lập dị, sáng tạo, ít hẹp hòi và tươi vui hơn người khác.
____________________________________________
Chú giải:
Trạng thái siêu vị kỷ (Transegoic) có nghĩa là trạng thái phát triển tinh thần cao hơn, huyền bí, tâm linh. Chữ trans có liên quan đến transcendence (tính vượt trội, siêu việt), trong khi chữ ego (cái tôi) có liên quan đến công trình của Freud. Chúng ta đi từ mức preEGOic (cái tôi sơ khởi) tới mức EGOic (cái tôi) để rồi đến transEGOic (cái tôi vượt trội). Từ EGO (cái tôi) trong cả ba khái niệm đều được sử dụng trong sự tự nhận thức, đối lập với tiềm thức. Cái tôi tương tự như tính cách cá nhân, nhân cách.
Lúc đầu, trong mô hình của Maslow, mục tiêu cuối cùng của cuộc sống là thể hiện bản thân (self-actualization), đây là mức không bao giờ có được một cách đầy đủ nhưng là điều gì đó con người luôn đấu tranh để có được.
Maslow sau này phát triển lý thuyết rằng, mức này chưa phải là tận cùng, tháp tiếp tục được nâng thêm một bậc nữa là sự vượt trội hơn mọi người (self-transcendence), nó đưa chúng ta đến mức tối cao về tinh thần như Gandhi, mẹ Theresa, Đạt Lai Lạt Ma, hay thậm chí các nhà thơ, chẳng hạn như Robert Frost. Mức cao nhất này của Maslow ghi nhận những nhu cầu của con người dành cho luân lý, sáng tạo, lòng trắc ẩn và tâm linh. Nếu không có cảm giác tâm linh hay transegoic (cái tôi vượt trội), chúng ta đơn giản chỉ là động vật hay những máy móc mà thôi.
Thêm vào đó, giống như đối với sự thể hiện bản thân nhất thời (temporary self-actualizations); chúng ta cũng có đỉnh điểm kinh nghiệm với sự vượt trội của cái tôi (self-transcendence). Đó chính là những khoảnh khắc sáng tạo tâm linh của chúng ta.