Từ tấm bé ta đã được giáo dục phải nói và làm thế nào để được người khác chấp nhận, tán đồng. Khi còn là trẻ con chúng ta tự nhiên cởi mở nhưng đồng thời ta cũng bị lệ thuộc vào người lớn vì vậy ta học tập bằng cách noi gương cha mẹ, thầy bạn. Đi theo sự dẫn dắt của họ đem lại cho ta phần nào sự an ninh bảo đảm, đời sống dường như trôi chảy hơn khi ta làm như tất cả mọi người. Phần đông chúng ta học cách nhận thức và hành động căn cứ trên tiêu chuẩn mà mọi người chờ đợi ta phải theo, hơn là căn cứ vào điều gì có ý nghĩa đối với chính mình. Cuối cùng ta đâm ra quá lệ thuộc vào tiêu chuẩn của người khác đến nỗi ta không còn biết thực sự mình cảm thấy thế nào.
Tăng cường tính bất lương
Khi dựa trên những phán đoán và nhận thức nông cạn thì thực khó mà thấy rõ những sự thật về những cảm nghĩ thầm kín nằm bên dưới những mặt nạ hấp dẫn. Nghe người nào nói ngọt và có vẻ đồng ý với ta, ta tưởng chừng họ thương yêu ta nồng nàn, nhưng gặp lúc hoạn nạn họ làm ngơ để mặc ta một mình trong cơn bối rối thì ta mới vỡ lẽ. Khi để cho những hành động kiểu ấy qua đi, không chạm mặt với chúng một cách trung thực, ta dần dần đâm ra quen với cái thói nông cạn trong bản thân và nơi người khác. Vì mọi người xung quanh ta ai cũng có lối hành xử tương tự, nên những mẫu mực của thói nông cạn hiếm khi bị lật tẩy.
Cái thói nông cạn hời hợt ấy thật dễ chịu, nó lại còn làm ta yên chí, vì thế có nghĩa là hiếm khi ta phải nhìn lại những lỗi lầm của chính mình. Nhưng vì do quen luyện những ngón ăn nói chải chuốt, nói dối trắng trợn và nhiều trò nông cạn khác, mà ta không còn đâu khả năng phát triển những phẩm tính của lối hành xử trung thực. Đời chúng ta thiếu mất chiều sâu vì ta đã đoạn tuyệt với sự thật về con người nột tâm ta.
Người ta bảo một người trung bình nói láo mỗi ngày trên 200 lần. Nói những sự láo vô hại để giữ thể diện hoặc để khỏi tổn thương người khác là chuyện được khuyến khích ở học đường, trong gia đình, nơi làm việc. Phần lớn những câu nói láo ấy là những câu đáp hời hợt mà người khác chờ đợi nghe ta trả lời. Ví dụ khi được hỏi “mạnh giỏi không?”, ta bảo “vẫn mạnh” trong khi sự thật ta không như thế. Nhưng người lớn thường dạy con cái bằng tấm gương của họ, rằng cả đến những câu nói láo không phải vô hại cũng có thể chấp nhận được nữa. Sự nói dối này dẫn đến sự nói dối khác. Cho đến lúc cần một câu đáp trung thực thì ta tránh né. Mặc dù trong tâm ta có nhiều cảm nghĩ khởi lên, ta cũng che giấu chúng.
Chúng ta thân mật lịch sự hợp tác với nhau chỉ khi những giao tiếp không vượt quá một mức bề ngoài nông cạn. Ta cảm thấy dễ chịu nếu ít bị những yêu sách đặt lên cho ta. Nhưng khi bị đẩy hơi quá giới hạn thông thường, thì thái độ thân thiện của ta bỗng biến mất. Mặc dù vậy, ta vẫn cố giữ một phong thái êm xuôi, giấu đi bất cứ hiềm hận nào ta cảm thấy. Nhưng khi ta hành động như thể không có gì xảy ra, thì thực sự nỗi bất mãn trầm trọng đang dần dần chất chứa trong tâm ta.
Đàn áp sự thật bên trong
Sống như thế thì có giá trị gì? Khi sống hời hợt, thì những khả năng và cảm thức ta bị chôn vùi dưới những trò chơi tinh vi, dưới những thủ đoạn và sức nặng của bất mãn đã trở thành một phần của đời ta. Chúng ta không còn có thể cảm nghiệm lạc thú, niềm vui nào một cách sâu xa lắm, thường những cảm giác hài lòng nhất của ta cũng nhuốm mặc cảm phạm tội và lo âu. Ta càng đàn áp đè nén thực chất bên trong, thì áp lực càng dồn chứa bên trong, bít lấp dòng năng lượng hành động và tương quan với kẻ khác. Sự đàn áp này còn có thể đưa chúng ta đến lối hành xử cực đoan, vốn là lối thoát cho những năng lượng bị nhốt kín bên trong.
Khi đem những giá trị nông cạn của mình vào công việc, ta trở nên thiện xảo trong việc tạo ra cái cảm giác là mọi sự đều suông sẻ. Khi chúng ta không làm xong một công việc gì cho đúng kỳ hạn, ta có thể đưa ra một trăm lý do như vật liệu không đến kịp, thiếu thông tin, người nào đó bị ốm nhiều ngày … những biện bác của ta có thể rất chặt chẽ thuận lợi. Vào những lúc như thế ta còn không dám nghĩ đến sự chân thực, vì trả lời chân thật thì sẽ phơi bày thái độ thiếu thiện chí, sự thờ ơ của ta đối với nhu cầu trong công việc.
Chúng ta có thể làm ra vẻ bận rộn, song kỳ thực là ta đang đặt càng ít tập trung vào nghị lực của ta vào công việc càng tốt. Vì ta hành động và làm việc ở một mức nông cạn, nên thường ta không nhớ được những chi tiết đơn giản nhất về những gì ta đã làm một tuần trước, hoặc ngay cả mới hôm qua. Ta thấy khó mà nhớ lại những gì mình đã hoàn tất, hoặc biết đúng cái hướng nào ta đang hướng đến.
Sự nông cạn hời hợt có bản chất che mờ nhận thức của ta về thực tại và bẫy chúng ta vào một lối sống trong đó ngay cả những hoạt động giải trí cũng có vẻ trống rỗng chán chường. Do vì không tìm thấy sự viên mãn nào trong ta, ta tìm kiếm hạnh phúc và thỏa mãn ở tài sản vật chất và thành công trong xã hội. Những thứ này có thể làm giàu kinh nghiệm, nhưng vì ta không thực sự thưởng thức nên không thể biết chân giá trị của chúng.
Nếu có ai nêu lên tính nông cạn của cuộc đời ta, ta sẽ phủ nhận điều ấy, ta không thấy thế là nông cạn. Dù tâm ta có đồng ý với lời bình phẩm ấy, ta cũng không biết cách nào để trả lời trung thực. Ta dường như không muốn nhìn kỹ thực tại và lại còn hoài nghi về những người cố gắng sống chân thực liêm khiết. Thay vì tán thán sự trung thực, ta còn bác bỏ phẩm tính ấy nơi người khác. Do vậy những người nào làm một nỗ lực để sống cuộc đời lương thiện còn phải mang thêm một gánh nặng (bị nghi ngờ - ND) làm cho họ thấy thực khó tăng tiến nếu không muốn nói là khó sống còn.
Lắng nghe trái tim
Nhưng “sự thật” vẫn là một cái gì rất đáng đồng tiền bát gạo. Tính trung thực giống như vàng ròng vô giá. Khi trung thực với chính mình và với người khác, ánh sáng của sự thật tỏa sáng mọi nhận thức và hành động của ta. Khi biết mở tâm hồn ra trước tính chất chân thật của cuộc đời thì ta có thể phát triển bản chất của nội tâm ta, và sự tự tri mang lại một lối nhìn mới mẻ khoáng đạt. Ta có thể giữ được sự ổn định tâm hồn dù gặp những cảnh ngộ khó khăn.
Sỡ dĩ chúng ta sống cuộc đời nông cạn chỉ vì ta cố tảng lờ những thông điệp từ trái tim của mình. Thật dễ dàng để lắng nghe sắp tới đây tim ta bảo cho ta biết ta đã nói dối với bạn mình như thế nào, hoặc lần tới đây ta có mặc cảm phạm tội vì đã chống chế, tìm cớ bào chữa ra sao. Khám phá thực chất của nội tâm ta không phải là một điều gì bí quyết, vì tâm trí, cảm thức của ta sẳn sàng bảo cho ta biết mọi sự về chính ta. Tất cả những gì ta cần làm chỉ là: biết lắng nghe.
Đi sâu
Chỉ cần phát triển sự tỉnh thức là chúng ta có thể bắt tại trận tính chất nông cạn mà ta mang lại cho công việc và những hoạt động khác của mình. Khi xem công việc là một nguồn tăng trưởng và sáng tạo ta sẽ thấy có một năng lượng tuôn chảy mang ta thực hiện bất cứ mục tiêu nào ta chọn lựa. Khi đã thoát được nỗi lo lắng và mặc cảm phạm tội luôn luôn hiện diện lúc ta không hoàn tất công việc mình, thì ta có thể động đến một nguồn năng lượng và động cơ thúc đẩy lớn hơn ta nghĩ. Cuộc đời trở nên phong phú tràn đầy sinh lực.
Nhờ dùng phương tiện khéo để làm đời ta thêm phong phú và mang lại tính sáng tạo cho mọi việc mình làm, mà ta có thể đi sâu vào trọng tâm bản chất chân thực của ta. Khi ấy ta sẽ đạt đến một sự hiểu biết về mục đích căn để của cuộc đời, và ta thưởng thức niềm vui do đã sử dụng thì giờ và năng lượng của mình một cách tốt đẹp.
Thích Nữ Trí Hải dịch
Nguồn: minhhanhdp.brinkster.net