Có thể hạnh phúc được không?

Tự do bên ngoài mà chúng ta sẽ đạt được phụ thuộc vào mức độ tự do nội tại mà ta có. Nếu như đó là cách hiểu đúng đắn về tự do thì nỗ lực chính của chúng ta phải được dành cho việc hoàn thiện chính bản thân mình.
Mahatma Gandhi

Trong cuộc đời, ai trong chúng ta cũng có lúc gặp được những người an lạc. Trạng thái an lạc dường như thẩm thấu vào từng cử chỉ, từng lời nói của họ, với một phẩm chất và một tầm cỡ không thể không nhận ra. Một số người đã tuyên bố rõ ràng, và không hề phô trương, rằng họ đã đạt được trạng thái an lạc kéo dài ở nơi sâu xa nhất trong họ, bất chấp những điều bất ngờ xảy ra trong cuộc sống.

Trên thực tế, chúng ta ít gặp người có trạng thái viên mãn ổn định như vậy, nhưng theo các nhà nghiên cứu tâm lý xã hội, trong điều kiện sống không quá bức bách, đa số dân chúng (bình quân là 75% tại các nước phát triển) cho rằng họ thỏa mãn về chất lượng cuộc sống. Như vậy, họ thuộc về số người mà theo Robert Misahi, “hạnh phúc mang hình dáng và ý nghĩa của một cuộc đời được tự cho là đầy đủ và có ý nghĩa, và được trải nghiệm như bản chất của nó”.

Ta không thể bỏ qua những kết quả nghiên cứu và điều tra trên vì chúng phản ánh ý kiến của hàng vạn con người được tham khảo trong khoảng thời gian vài chục năm. Đương nhiên, có thể đặt câu hỏi về bản chất của trạng thái an lạc mà những người được điều tra đã trải qua. Quả thực trong các nước phát triển, trạng thái này là tương đối ổn định nhờ những điều kiện vật chất của cuộc sống nhìn chung rất tốt. Song thực chất, trạng thái này lại hết sức mong manh. Chỉ cần bỗng dưng thiếu một trong số các điều kiện kia, do mất đi một người thân hoặc mất việc làm chẳng hạn, là cảm giác an lạc sụp đổ. Hơn nữa, tuy tuyên bố là mãn nguyện về cuộc sống của mình bởi vì, khách quan mà nói, chẳng có lý do gì để phàn nàn về các điều kiện sinh hoạt (trong số tất cả các nước được nghiên cứu, Thụy Sĩ có số người “hạnh phúc” đông nhất), nhưng có thể họ vẫn thấy thâm tâm của mình bất ổn.

Sự phân biệt giữa an lạc bên ngoài và bên trong giải thích tại sao những nghiên cứu trên có bề ngoài mâu thuẫn với lời khẳng định của đạo Phật, theo đó, KHỔ có mặt ở mọi nơi trong vũ trụ. Nói như vậy không có nghĩa rằng tất cả các chúng sinh đều liên tục phải trải nghiệm đau khổ, mà có nghĩa rằng họ dễ bị tổn thương trước đau khổ tiềm ẩn, có thể ập tới bất cứ lúc nào. Con người sẽ còn phải chịu tình trạng như vậy chừng nào họ không loại bỏ được những độc tố trong tâm thức, là nguyên nhân gây ra KHỔ.

Phải chăng hạnh phúc chỉ là một thoáng ngưng trệ của khổ đau?

Rất nhiều người cho rằng hạnh phúc chỉ là một thoáng bình lặng, được trải nghiệm một cách lạc quan, ngược lại với khổ đau. Đối với Schopenhauer: “Đã là hạnh phúc thì đều tiêu cực… Nói cho cùng, mãn nguyện và hài lòng chỉ hiện diện khi khổ đau dừng lại, hoặc khi chấm dứt khổ đau”. Còn Freud thì khẳng định: “Cái mà ta gọi là hạnh phúc, theo nghĩa chặt chẽ nhất, là khi người ta thường bất ngờ thỏa mãn được những nhu cầu rất căng thẳng và điều đó, về bản chất, chỉ có thể có dưới dạng một hiện tượng nhất thời mà thôi”. Chỉ cần đau khổ giảm đi hoặc dừng lại chốc lát là giai đoạn kế tiếp sẽ được kinh nghiệm như là “hạnh phúc” so với trước đó. Song có đúng rằng hạnh phúc lại chỉ là thoáng qua không?

Một người bạn bị giam giữ nhiều năm đã kể với tôi rằng, khi bị tra khảo, người ta bắt ông đứng bất động trên một chiếc ghế trong nhiều ngày. Đến lúc gục xuống, ông sung sướng tận hưởng khoảng thời gian ngắn ngủi được nằm trên sàn xi măng lạnh giá cho đến khi bị dựng dậy. Nếu đó là một ví dụ, có thể thái quá, về hạnh phúc do đau khổ giảm đi, thì người bạn kia không quên nói rõ rằng chỉ có tâm thái an lạc kéo dài mới giúp anh sống sót sau những năm trường bị giam cầm và tra tấn.

Về một số tình huống không thê thảm bằng, tôi nhớ lại một chuyến đi tôi nhớ lại một chuyến đi bằng tàu hỏa tại Ấn Độ, trong những điều kiện khá vất vả và sóng gió. Tôi đã cẩn thận giữ chỗ trước cho chuyến đi kéo dài 36 giờ. Nhưng rồi vì toa tàu tôi giữ chỗ không được sử dụng cho chuyến đi đó nên tôi phải chuyển sang ngồi ở một toa khác chật ních người, không chia thành khoang và các cửa sổ đều không có kính.

Ngồi trên mép một chiếc ghế bằng gỗ với khoảng nửa tá con người cóng lên vì lạnh (lúc đó là tháng Giêng), tôi ngắm nhìn những hành khách khác chen chúc trên những chiếc ghế hoặc ngồi bệt xuống các lối đi. Đã thế, tôi còn đang bị sốt cao và đau lưng. Khi đi qua Bihar, xứ sở của bọn cướp, ai nấy đều dùng xích cột hành lý lại. Với kinh nghiệm dày dạn trong các chuyến đi ở Ấn Độ, tôi đã giấu chiếc xà-cột đựng máy vi tính xách tay và tất cả công việc tôi làm trong tháng trước vào một góc ở giường tầng trên. Vậy mà vẫn bị một tên trộm từ một góc ở giường bên cạnh khéo léo dùng câu móc mất. Rồi đến 11 giờ đêm, toa tàu mất điện trong vài giờ liền. Ngồi quấn chăn thu lu trong bóng tối, tôi lắng nghe hàng giờ tiếng tàu chạy trên đường ray và những lời chửi rủa của hành khách khi kiểm tra hành lý của mình.

Bỗng nhiên, tôi nhận thức ra rằng không những tôi không bực bội, mà còn cảm thấy vô cùng thanh thản, gần như có được cảm giác an lạc và tự do hoàn toàn. Có thể các bạn cho rằng cơn sốt đã khiến tôi mê sảng như vậy, nhưng rõ ràng là tôi rất minh mẫn và sự trái ngược giữa hoàn cảnh lúc đó với tâm trạng của tôi kỳ cục đến nỗi tôi bật cười một mình trong đêm tối. Chắc chắn, đó không phải là một trải nghiệm về hạnh phúc do bớt khổ đau, mà là một kinh nghiệm về trạng thái an lạc còn mới mẻ, xảy ra rõ ràng hơn khi những tình huống ngoại cảnh tỏ ra đặc biệt khó chịu. Đó là một lúc “buông xả”, là tâm trạng mãn nguyện sâu xa mà ta chỉ tìm thấy được ở trong nội tâm của chính mình, cho nên nó không phụ thuộc vào ngoại cảnh. Chúng ta không thể phủ nhận rằng có những cảm giác dễ chịu và khó chịu, song chúng không đáng kể lắm khi so sánh với hạnh phúc. Những trải nghiệm như vậy khiến tôi hiểu ra rằng chắc chắn có thể sống trong một trạng thái an lạc dài lâu.

Từ đó, mục tiêu đặt ra là phải sáng suốt xác định những nguyên nhân gây ra bất hạnh và cải thiện chúng. Vì chân hạnh phúc không chỉ giới hạn trong việc giảm thiểu khổ đau nhất thời trong cuộc sống, mà nó đòi hỏi phải nhổ bật được gốc rễ chính của đau thương, có nghĩa là vô minh và những độc tố trong tâm thức như chúng ta đã thấy. Nếu hạnh phúc đúng là một cách sống, là một trạng thái hiểu biết và là tự do nội tâm thì về cơ bản, không điều gì có thể ngăn ta biến nó thành sự thật.

Ở phương Tây, ý tưởng về “một thế giới xấu xa” rất phổ biến và được coi như một tín ngưỡng mà theo đó, thế giới và con người cơ bản là xấu xa; điều này dường như có ảnh hưởng tới việc phủ nhận khả năng có thể hạnh phúc. Niềm tin vào ý tưởng ấy phần lớn xuất phát từ khái niệm về tội lỗi khởi thủy. Theo Martin Seligman, chính Freud “đã đưa khái niệm tội lỗi khởi thủy vào ngành tâm lý học của thế kỷ XX. Ông xác định mọi nền văn minh và những yếu tố nền tảng của nó như đạo đức, khoa học, tôn giáo và tiến bộ công nghệ, là một biểu hiện phòng thủ dựng lên hòng chống lại những xung đột cơ bản của cá thể. Đó chính là những căng thẳng có nguồn gốc từ tính dục khi còn nhỏ và từ tính hung hăng. Chúng ta chế ngự những xung đột đó bởi vì chúng khiến ta lo lắng không chịu nổi, và trạng thái này đã được chuyển đổi thành một dạng năng lượng, tạo Chúng ta chế ngự những xung đột đó bởi vì chúng khiến ta lo lắng không chịu nổi, và trạng thái này đã được chuyển đổi thành một dạng năng lượng, tạo ra nền văn minh”.

Kiểu diễn giải đó đã đưa vô số nhà trí thức đương thời đi tới kết luận một cách lệch lạc rằng mọi hành động quảng đại hay nhân từ đều được gán cho một xung năng tiêu cực. Seligman dẫn ra ví dụ về bà D.K.Goodwin, người viết tiểu sử Franklin và Eleanor Roosevelt. Theo bà, lý do để vị phu nhân của Tổng thống dành phần lớn thời gian của đời mình để giúp đỡ những người da màu, nghèo khó và tàn tật là vì “làm như vậy, bà đã đền bù cho thói yêu quý bản thân của mẹ mình và thói say bét nhè của cha mình”. Không có chỗ nào tác giả cho rằng trong thâm tâm, Eleanor chỉ đơn giản tỏ ra nhân hậu mà thôi. Ấy vậy mà đối với Seligman và các cộng sự của ông thì “không có một bằng chứng nhỏ nào cho thấy sức mạnh nội tâm và đạo đức được phát sinh từ những động cơ tiêu cực”.

Chúng ta cũng biết rằng việc liên tục “nhồi nhét” những thông tin xấu trên các phương tiện truyền thông và việc coi bạo lực như phương thuốc cuối cùng cho mọi xung đột đã kích động sự xuất hiện của cái mà các nhà nghiên cứu xã hội học người Ăng-lô Xắc-xông gọi là “hội chứng của thế giới xấu xa”. Để lấy một ví dụ đơn giản, tại triển lãm mang tên “Căn cước cho hình ảnh” tổ chức tại thành phố Perpignan năm 1999 mà tôi đã tham dự với tư cách là tác giả trưng bày, chỉ có 2/36 bức ảnh lột tả các chủ đề giúp người xem có suy nghĩ xây dựng về bản chất con người. 34 tấm còn lại minh họa chiến tranh (Ban tổ chức đã nhận đơn dự tuyển của hơn 100 nhà nhiếp ảnh về cuộc chiến ở Kosovo), tội ác của bọn mafia ở Palermo (Ý), thế giới nghiện ngập ma túy tại New York…

“Hội chứng của thế giới xấu xa” đã đặt lại câu hỏi về khả năng biến hạnh phúc thành sự thật. Trận chiến dường như đã thất bại trước khi vào cuộc. Cho rằng bản chất con người cơ bản là hư hỏng khiến cho cái nhìn của chúng ta về cuộc đời mang màu sắc bi lụy và làm cho chúng ta nghi ngờ chính cở sở của cuộc tìm kiếm hạnh phúc, nghĩa là nghi ngờ cái tiềm năng hoàn hảo sẵn có trong mỗi con người. Hãy nhớ cho rằng, theo đạo Phật, thành tựu về mặt tâm linh tức là làm thăng hoa được tiềm năng đó. Vì vậy, vấn đề không phải là cố sức làm cho trong sạch thứ gì đó cực kỳ xấu xa điều này cũng vô ích như ra sức làm trắng một hòn than – mà là lau chùi một thỏi vàng để làm cho nó phát sáng.

Khi người đưa tin trở thành thông điệp

Tất cả những điều đó về mặt lý thuyết đều rất hay, nhưng khi thực hành thì sao? Howard Cutler, bác sỹ tâm thần người Mỹ cho biết: “Cùng với thời gian, tôi tin tưởng rằng Đức Dalai Lama đã học được cách sống trọn vẹn và ở mức tâm thái thanh thản mà tôi chưa hề nhận thấy ở bất cứ người nào. Chính điều này đã khiến tôi muốn nắm bắt những nguyên tắc giúp Ngài làm được điều đó”. Một tấm gương như vậy đâu quá xa lạ đối với chúng ta? Một trong số hàng tỷ người!

Mặc dù nhìn bề ngoài mà nói, dường như không thể thực hiện được một cách sống như vậy, nhưng chắc chắn đó không phải là một trường hợp cá biệt. Bản thân tôi đã sống 35 năm bên những nhà thông thái và các vị thầy tâm linh, rồi cả bên những người có vẻ bề ngoài “tầm thường”. Họ luôn sống trong một trạng thái bình yên, thanh thản, tự do và vui tươi bất chấp mọi hoàn cảnh. Những con người ấy không còn phải tìm kiếm cho bản thân thêm điều gì nữa, và do đó, họ có thể toàn tâm toàn ý sẵn sàng vì người khác. Ông bạn Alan Wallace của tôi biết rất rõ về một người Tây Tạng sống ẩn dật từ 20 năm nay trong “một trạng thái an lạc liên tục” (ông ta sống bình yên trong “cốc”, không đòi hỏi ai thứ gì).

Vấn đề ở đây không phải là thán phục trước những trường hợp đặc biết hoặc rêu rao cho một phương pháp tiếp cận tự cho là siêu việt nhất (ở đây là đạo Phật) so với các trường phái tư tưởng khác. Bài học chính mà tôi rút ra được ở đây là: nếu người có trí tuệ có thể hạnh phúc thì có nghĩa là hạnh phúc là điều hoàn toàn có thể. Đây là điều thiết yếu, bởi vì rất nhiều người cho rằng, trên thực tế, không thể có hạnh phúc chân thực. Pascal Bruckner chẳng hạn đã bảo vệ ý kiến cho rằng “mãn nguyện hoàn toàn chỉ có thể là một giấc mơ” và “các nền minh triết và khoa học cao siêu nhất cũng phải thú nhận là bất lực trong việc đảm bảo hạnh phúc cho các dân tộc, cũng như cho các cá thể”.

Theo thiển ý của tôi, những tạo dựng của triết học và những ý kiến mang tính tri thức, dù có chân thực đi nữa, cũng không có lý gì để tồn tại khi kinh nghiệm sống đã phủ định chúng. Tôi thấy cần phải đưa ra những tấm gương mà mình được chứng kiến, nhưng phải nhớ cho rằng con người của nhà thông thái (và sự thông thái mà ông ta thể hiện) không phải là một hoài bão xa xôi, mà là một điểm mốc cần hướng tới. Tuy thế, trong cuộc sống thường nhật, chúng ta cần xác định các điểm mốc để hiểu rõ hơn con người thật của mình trong tương lai. Làm như vậy không phải là từ bỏ cuộc sống riêng tư của mình, mà là thừa hưởng thành quả kinh nghiệm của những người đã giải thích được động thái của hạnh phúc và khổ đau.

Mặc dù là “của hiếm” nhưng rất may khái niệm an lạc của nhà minh triết lại không xa lạ đối với thế giới phương Tây cũng như thế giới hiện đại. Theo triết gia André Comte-Sponville: “Người khôn ngoan chẳng có gì để chờ đợi hay để hy vọng. Bởi vì người đó tràn đầy hạnh phúc, chẳng còn thiếu thứ gì. Và bởi vì chẳng còn thiếu thứ gì nên người đó tràn trề hạnh phúc”. Những phẩm chất đó nếu không phải từ trên trời rơi xuống và ngày nay, nếu như trong con mắt của mọi người – ít ra là ở phương Tây – hình ảnh một nhà thông thái đã có chút lỗi thời thì lỗi ấy do ai? Chính chúng ta đã gây nên tình trạng thiếu thốn “của hiếm” đó và điều này khiến tất thảy mọi người đều phiền não, kể cả những “tư tưởng mạnh”. Không phải con người sinh ra đã thông thái, mà họ trở thành người thông thái.

Từ ẩn cư tới văn phòng    

Bạn sẽ nói rằng đó là vấn đề rất đáng suy nghĩ, song bạn có thể rút ra được lợi ích gì cho cuộc sống thường nhật, vì bạn đã có gia đình, phải đi làm và đa số thời gian sinh hoạt trong những điều kiện khác xa với những điều kiện của nhà thông thái hay người ẩn cư? Nhà thông thái là biểu tượng cho hi vọng, chỉ dẫn cho ta tương lai. Ông đã trải qua con đường rộng mở cho mọi người, trong đó mỗi bước chân là một nguồn suối làm phong phú cuộc đời. Ông không nhất thiết phải là André Agassi thì mới ham chơi quần vợt, hoặc phải là Louis Amstrong thì mới thích chơi nhạc cụ.

Trong mỗi lĩnh vực hoạt động của con người, người ta có thể tìm ra vô số nguồn cảm hứng. Mặc dù đòi hỏi khắc khe nhưng những nguồn cảm hứng này không làm chúng ta nản chí, viễn cảnh cao đẹp của chúng khiến ta thêm hào hứng lao vào cuộc. Phải chăng chính vì thế mà những nghệ sỹ lớn, những người đàn ông và đàn bà nhân hậu, những người công minh chính trực và các anh hùng đều được yêu thương và kính trọng?

Thực hành tâm linh có thể hết mực lợi lạc ngay cả khi chúng ta không rút lui hoàn toàn khỏi thế gian. Thực vậy, chúng ta có thể thực hành tâm linh nghiêm túc bằng cách mỗi ngày dành một chút thời gian cho thiền. Số người vừa thực hành như vậy, vừa đảm đương cuộc sống gia đình, vừa công việc bề bộn nhiều hơn chúng ta tưởng. Những điều lợi lạc mà thiền mang lại cho họ quan trọng hơn nhiều so với việc giải quyết khó khăn về sắp xếp thời gian. Theo cách này, chúng ta có thể tiến hành công việc chuyển hóa nội tâm dựa trên thực tại đều đặn mỗi ngày.

Bản thân tôi, trong khi làm việc ở Viện Pasteur và ngập mình trong cuộc sống ở Paris, tôi còn nhớ rất rõ những lợi ích to lớn nhờ vài lúc tĩnh tâm hàng ngày mang lại. Chúng như hương thơm xức vào những hoạt động trong ngày và khiến những hoạt động ấy có một giá trị khác hẳn. Qua từ “tĩnh tâm”, tôi không chỉ muốn nói tới một lúc thư giãn, mà muốn nói tới tầm quan trọng của việc nhìn thẳng vào nội tâm. Quan sát suy nghĩ khởi lên theo cách nào, chiêm ngưỡng trạng thái thanh thản và giản dị luôn luôn hiện diện đằng sau các suy nghĩ, xem xem chúng buồn hay vui. Việc đó không phức tạp lắm như chúng ta tưởng lúc đầu.

Chỉ cần dành một chút thời gian vào tập luyện là có thể thấy được tầm ảnh hưởng và tính chất phong phú của nó. Như vậy, mới hiểu biết dần dần rõ hơn về cách thức khởi lên suy nghĩ, thông qua kinh nghiệm quan sát nội tâm, chúng ta sẽ biết cách phòng tránh những độc tố của tâm thức. Khi có được chút bình an nội tâm, chúng ta dễ dàng có được một cuộc sống tình cảm và sự nghiệp phát triển. Cũng vậy, khi được giải phóng khỏi mọi suy nghĩ bất an, hoảng sợ ngấm ngầm (những điều này tồn tại là do hiểu biết quá ít về sự vận hành của tâm thức) và lo ngại, đương nhiên chúng ta sẽ cởi mở hơn với người khác và được trang bị tốt hơn để đương đầu với những thách thức của cuộc sống.

Không một nhà nước nào, một tôn giáo hay một kẻ chuyên chế nào có thể ra lệnh buộc chúng ta phải phát triển những phẩm chất con người. Chính chúng ta là người lựa chọn. Như Luca và Francesco Cavalli-Sforza đã nói rất hùng hồn: “Tự do nội tâm không có giới hạn nào khác những giới hạn do chúng ta áp đặt cho mình. Và tự do ấy cũng mang lại một quyền năng lớn: nó có khả năng chuyển hóa cá thể, giúp cá thể đó phát triển tới mức cao nhất mọi khả năng của mình và sống trong một trạng thái an lạc tuyệt đối từng giây phút trong cuộc đời mình. Khi các cá thể thay đổi, với một ý thức đạt tới độ chín muồi, thì thế giới cũng đổi thay, bởi vì thế giới là do các cá thể hợp thành”.

Matthieu Ricard
Previous Post
Next Post