Trầm tư về con người ngũ uẩn của chính mình

Sống ở đời, chúng ta cứ đinh ninh rằng, thân ngũ uẩn này là Ta, là của Ta. Thân vật lí này là Ta, là của Ta; hiểu biết, tri thức này là Ta, của Ta; tình cảm thương yêu này là Ta, của Ta; ý chí sống này, là Ta, của Ta. Rồi chúng ta nỗ lực làm đẹp chúng, khát vọng đi tìm kiếm hạnh phúc qua chúng, qua sự nuôi dưỡng và phát triển chúng. Còn ước mơ xa hơn nữa, mong rằng tự ngã sẽ đẹp hơn, hạnh phúc hơn trong tương lai và trong các đời sau.

Chính trong hướng sống này chúng ta đã, đang và sẽ đối đầu với bao nhiêu khổ đau đến từ bao nhiêu trở lực.

1. Trở lực thứ nhất:

Là thân thể, sức khỏe, tình cảm, tri thức và ý chí ấy, tự thân chúng biến đổi trong từng phút từng giây. Tất cả những biến đổi này ở ngoài sự kiểm soát của mình, do đó chúng gây ra các sầu muộn, khổ đau. Càng yêu tự ngã bao nhiêu, chúng ta càng chịu đau đớn bấy nhiêu.

2. Trở lực thứ hai:

Khi chúng ta nhận ra mình có mặt ở đời thì đồng thời nhận ra thân ngũ uẩn này là nghiệp quả của nghiệp nhân quá khứ, ở ngoài ý muốn của mình trong hiện tại, không đáp ứng cái khát vọng của mình về mình. Cái mũi, cái tai, gương mặt, cái tóc, màu da, trí não, tình cảm... bất như ý là cái gì để lại cho mình ngậm ngùi suốt đời.

Ðôi mắt lé, chiếc mũi hếch, đầu tóc quăn, giọng nói khàn... khiến mình cảm nhận như hạnh phúc của mình cũng bị héo úa, tàn tật, kiến thức, dòng dõi khiêm tốn cũng ám ảnh hạnh phúc của đời mình. Nhưng cả đến lúc mình có thân sắc đẹp, trí não thông sáng, nhiều tài năng thì cũng chỉ rơi vào kiếp bạc phận, như cụ Ôn Như Hầu, thi hào Nguyễn Du, và bà Ðoàn Thị Ðiểm đã nói:

"Oán chi những khách tiêu phòng,
Mà xui phận bạc nằm trong má đào."
(Cung oán)

"Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Lạ gì bỉ sắc, tư phong,
Trời kia quen thói má hồng đánh ghen".
(Ðoạn trường tân thanh)

"Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên."
(Chinh phụ ngâm)

3. Trở lực thứ ba:

Một làn gió độc có thể chấm dứt mạng sống, hay có thể làm tê liệt cơ thể, và tê liệt cả những ước mơ, sự nghiệp và hạnh phúc của mình. Sự nghiệp nhân sinh đang được treo hờ hững ở đầu hơi thở. Nghĩ mà cảm thấy đau khổ chua xót.

4. Trở lực thứ tư:

Cuộc sống sẽ có một lần kết thúc bằng cái chết. Cái chết thì lại đến không có hẹn kì giữa khi ước mơ của mình muốn tồn tại lâu dài. Sự thật này trái ngược với ước mơ của mình, nên gây ra nỗi đau nhức tâm trí cho chính mình.

Ngay cả khi cuộc sống đang bình lặng thì tư duy trỗi dậy, tự vấn rằng: Ta là ai? Sống là gì? Hạnh phúc là gì? Ta có thật sự tồn tại không? Thân ngũ uẩn này của Ta ngày mai sẽ như thế nào?...

Những câu hỏi đầy ray rứt ấy cho đến ngàn sau vẫn chưa có thể có câu trả lời thỏa đáng; chúng có mặt như là những lời than của khổ đau và thất vọng!

5. Trở lực thứ năm:

- Lời khen và chê của đời về cái thân sắc này, về hiểu biết này, khiến mình cảm nhận như là mình bị khinh chê rồi buồn khổ.

- Khi bị một quả đấm vào thân xác, hay một quả đấm tình cảm, sự kiện chỉ xảy ra trong khoảnh khắc nhưng tư duy của mình về tự ngã khiến mình nghe đau đến trọn đời, chỉ do vì nghĩ tưởng rằng năm uẩn này là mình, là của mình.

6. Trở lực thứ sáu:

Các thành bại của công việc làm như thi rớt hay thất bại trong kinh doanh cũng gây một sức ép lớn trên tâm thức của mình. Có khi đẩy đưa đến quyết định xuôi tay.

Một số trở lực tiêu biểu vừa nêu thường quấy rối hạnh phúc con người chỉ vì ý niệm tôi là Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức ấy. Do có ý niệm "tôi là" mà có lòng tham ái đối với năm uẩn, và do có lòng tham ái năm uẩn, mà có ý niệm "tôi là". Ðây là sự thật khổ đau, nhưng làm thế nào có thể sống mà không khát ái, không có ý niệm "tôi là"?

Phải chăng sự sống vắng mặt lòng khát ái, vắng mặt ý niệm "tôi là", thì cuộc sống sẽ trở thành vô vị rỗng không.

Chính niềm băn khoăn nghi vấn ấy, là dấu móc của ngõ rẽ đi vào khổ đau hay hạnh phúc, giải thoát.

Là Phật tử, chúng ta cần ổn định nhận thức rằng chỉ có các tư duy đầy ngã tính, các tư duy mang ý niệm "tôi là" mới thực sự rỗng không, trống không, mới đun đẩy ta đến cảm giác trống rỗng. Rời khỏi lòng khát ái và tư duy "tôi là" ấy, chúng ta sẽ đi vào thực tại, xúc tiếp với thực tại an lạc, hạnh phúc và giải thoát. Thực tại ấy đang hiện hữu tràn đầy trước mắt chúng ta trong ta, trong mọi người, và trong khắp xứ sở. Ở đó thì vắng mặt đau khổ. Chúng ta cũng đã rõ:

Tất cả sự nghiệp nhân quá khứ đã dồn về chiếc thân ngũ uẩn mà đức Thế Tôn dạy đó là nghiệp cũ. Những gì chúng ta nhận thức và hành động trong hiện tại là nghiệp mới. Mỗi người chúng ta đang là nhân chủ quyết định khổ đau hay hạnh phúc cho chính mình. Các nhân tố ngăn cách ta với hạnh phúc và chân lý đang nằm gọn ở nơi ta, đó là ý niệm "tôi là" và lòng tham ái. Nỗ lực loại trừ nhân tố ngăn cách ấy là nuôi dưỡng và phát triển trí tuệ, giúp đỡ những người khác sống hạnh phúc, thoát ly các nhân tố khổ đau là nuôi dưỡng và phát triển lòng đại bi. Sứ mệnh phát triển đại trí và đại bi cho mình và cuộc đời là số mệnh của đạo Phật, điều mà chúng ta cần sống với.

Thích Chơn Thiện
Nguồn: budsas.org
Previous Post
Next Post